'Dị nhân' sống trong nghĩa địa cả thập kỷ

Bà Huệ từng là Trung tá công an.
Bà Huệ từng là Trung tá công an.
Từng nhiều năm công tác trong ngành công an, được cấp nhà giữa trung tâm thành phố nhưng khi về hưu, bà Huệ lại sống trong túp lều rách nát giữa bãi tha ma để tri ân bố mẹ.

Người đàn bà "lập dị" có tên là Phạm Thị Hải Huệ (66 tuổi, ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), từng nhiều năm công tác tại công an TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Năm 2003, bà về hưu với quân hàm trung tá. Sau đó bà cho thuê căn nhà của mình ở trung tâm thành phố Hạ Long để về sống biệt lập trong bãi tha ma ở thôn 3, xã Xuân Phổ mà theo lý giải của bà, là để báo hiếu với bố mẹ đã quá cố.

“Dinh thự” có 1 không 2 của “dị nhân”.

Đến xã Xuân Phổ hỏi thăm đường vào nhà bà Huệ, chúng tôi được nhiều người khuyên can vì sợ bị bà chửi mắng. Thậm chí người cháu ruột của bà còn chỉ cách đóng giả người của các cơ quan tổ chức từ thiện xã hội để đánh lừa thì may ra mới tiếp cận được. Tuy nhiên, khi vào gặp, qua vài câu xã giao thì người phụ nữ này bắt đầu trò chuyện rất cởi mở.

Trừ việc ăn mặc rách rưới, bà Huệ nói chuyện khá lưu loát. Bà còn vui vẻ mời vào tham quan “tư dinh” của mình. Đó là một vùng đất cây cối um tùm, không phân biệt được lối ra, lối vào vì chủ nhà dường như không tiếp xúc với bên ngoài.

Xung quanh được bao bọc bởi cây phi lao và những ngôi mộ được chính tay bà Huệ xây, có nhiều hình thù khác lạ. Trong số đó có mộ thờ phật bà, mộ bố mẹ bà và một ngôi mộ vô danh khác. Tất cả được bà Huệ ốp gạch sáng sủa.

Mộ phần bố mẹ bà Huệ được xây đặt cạnh nhau, che chắn bằng ngôi nhà gạch với hình thù kỳ. Trong khi đó, nơi ở của bà thì tạm bợ, dưới là nền đất, trên là tấm bạt. Mọi sinh hoạt ăn, ngủ đều ở một chỗ. Mỗi đêm, bà dùng một tấm ván mỏng đặt dưới đất để nằm.

Bà Huệ nuôi nhiều con vật như gà, chó, mèo. Ngoài ra, bà còn có 3 con bò được xây chuồng. Theo lời bà thì mỗi khi trời mưa bà lại vào ngủ với chúng. Cứ như thế, hơn 10 năm nay, bà Huệ sống một mình, mặc dù chính quyền xã tạo điều kiện cấp đất, xây nhà nhưng bà nhất định không chịu dời đi.

'Dị nhân' sống trong nghĩa địa cả thập kỷ ảnh 1

Nơi bà Huệ sinh sống là một bãi tha ma bỏ hoang. Ngôi nhà bà Huệ ở vòng tròn đỏ.

Sống lập dị giữa bãi tha ma để báo hiếu bố mẹ đã khuất.

Người phụ nữ này chia sẻ, lý do khiến bà về đây sống lập dị suốt một thập kỷ qua là để tránh thị phi, sự soi mói của người đời và đặc biệt là để báo hiếu với bố mẹ đã khuất.

Bà Phạm Thị Hải Huệ vốn quê gốc ở huyện Nghi Xuân, năm 1965, bà được biên chế vào ngành công an. Do chiến tranh, bà chuyển ra Bắc, rồi về công an TP Hạ Long làm cho đến khi nghỉ hưu.

Từ nhỏ, bà Huệ đã mồ côi mẹ nên sau khi ổn định công tác bà đã đưa bố ra sống cùng. Cách đây hơn 20 năm, người bố tạ thế và được chôn cất tại đất khách quê người. Năm 2003, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà thuê xe bốc luôn hài cốt cha đưa về xã Xuân Phổ an táng bên cạnh mộ mẹ và ở luôn tại nghĩa địa từ đó cho đến nay.

12 năm qua, căn nhà khang trang của bà ở trung tâm TP Hạ Long vẫn cho một gia đình thuê nhưng chưa một lần nhận tiền nhà. Một điều khác biệt nữa là bà Huệ sống đơn thân, không chồng con dù theo lời bà thì "có đến hàng trăm người tìm hiểu, theo đuổi".

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương từ cấp xã đến huyện cũng quan tâm, ngỏ ý muốn xây nhà cho song bà Huệ đều từ chối mà chỉ muốn sống thế để sớm tối chăm lo cho phần mộ của cha mẹ.

Bà chia sẻ, bức xúc lớn nhất của mình là người dân không chịu chặt bỏ cây cối xung quanh để bà làm đẹp thêm quang cảnh nơi yên nghỉ của hai cụ. Cũng chính vì thế mà bà trở nên khó tính, hay xua đuổi, cáu gắt với bất cứ người nào tới gần nghĩa địa

'Dị nhân' sống trong nghĩa địa cả thập kỷ ảnh 2

Hai ngôi mộ của bố mẹ bà Huệ được chôn cất gần nhau, nằm trong một ngôi nhà.

Anh Phạm Sỹ Long, người cháu ruột của bà Huệ cho biết, bà ít khi xuất hiện vào ban ngày. Nếu cần đi đâu, làm gì thì bà thường làm vào ban đêm, khi mọi người đã ngủ say. Thậm chí những ngôi mộ bà xây, lát gạch cũng được làm vào ban đêm.

Ông Nguyễn Kim Điểu, bạn thân, người hàng tháng chịu trách nhiệm lĩnh lương hưu cho bà Huệ chia sẻ, trong những năm tháng công tác trong ngành, bà Huệ là người rất bình thường. Bà còn được biết đến là người phụ nữ can đảm, trung thực. Suốt 6 năm làm CSGT, bà Huệ chưa một lần lấy tiền hay phạt dân một đồng.

“Tuy nhiên, sau khi người bố mất, tâm tính bà Huệ bắt đầu thay đổi, ít nói hơn. Cho đến khi về hưu thì ở ẩn hẳn, không liên lạc với mọi người nữa. Cũng từ đây tâm trí bà có phần bị hoang tưởng”, ông Điểu cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, từ nhiều năm trước lãnh đạo xã, huyện đã đến tận nơi động viên, đề xuất xây nhà cho bà Huệ nhưng bà không cần tới sự giúp đỡ. Thực tế, kinh tế bà cũng không đến nỗi nào nên chính quyền cũng không còn cách nào khác.

Còn trong suốt cuộc trò chuyện, bà Huệ liên tục khẳng định bà chọn lối sống như vậy là để có thời gian sớm tối bên mẹ hiền. Để bù đắp lại quãng thời gian lo cống hiến cho Đảng và Nhà nước mà không có thời gian phụng dưỡng mẹ.

"Tâm trí tôi hoàn toàn tỉnh táo, bình thường", bà khẳng định.

Theo Phạm Hòa
Theo Zing
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.