Địa phương 'xin phê bình Chính phủ': Họp nhiều quá!

Địa phương 'xin phê bình Chính phủ': Họp nhiều quá!
Có khi cùng một lúc có tới 8 cuộc họp ở Hà Nội, không đủ người để đi dự. Chính phủ phê bình địa phương không đi họp nhưng địa phương xin phê bình lại Chính phủ là họp hành nhiều quá. Giấy tờ cũng chưa giảm tí nào. ĐB Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.

Hôm nay (22/3), các đại biểu QH đã thảo luận ở tổ về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Địa phương 'xin phê bình Chính phủ': Họp nhiều quá! ảnh 1

Các ĐBQH đoàn TPHCM trao đổi giờ giải lao ngày 22/3 (Ảnh: VietnamNet)

Quá nhiều ban chỉ đạo

ĐB Phan Anh Minh đánh giá cao việc thực hiện chuyển đổi cơ chế kinh tế “nhanh nhưng ổn định” của Chính phủ, coi đây là một thành công lớn; Các chương trình kế hoạch dành cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa được quan tâm nhiều; Điều quan trọng hơn là Việt Nam đã giữ được ổn định về mặt chính trị, trong hoàn cảnh vẫn luôn còn nhiều nguy cơ, mầm mống tiềm ẩn từ những thế lực thù địch bên ngoài.

Tuy nhiên về mặt “chuyên môn” an ninh, ông Phan Anh Minh bày tỏ sự quan ngại: Trong quá trình hội nhập, khi tham gia các công ước, diễn đàn khu vực chúng ta bắt đầu tham gia về vấn đề phòng chống khủng bố, tuy nhiên khái niệm “khủng bố” chưa rõ ràng, thống nhất giữa các nước nên đôi khi tạo ra sự bất lợi.

“Chính phủ còn nhiều lúng túng, thiếu sót cần tháo gỡ”- ĐB Minh tiếp tục- Về bộ máy, vì chúng ta giao cho các bộ trưởng thực hiện làm liên ngành nhưng không rõ, nên cuối cùng “đẻ “ra rất nhiều ban chỉ đạo. Thú thực tôi không nhớ mình tham gia bao nhiêu ban chỉ đạo nữa, đủ cả từ HIV đến cúm gia cầm…Nhiều ban chỉ đạo thì phải họp, từ đó tổ chức rất nhiều hội nghị. Mà kết luận từ những hội nghị 1-2 ngày này rút ra kinh nghiệm gì- cũng chưa rõ.

Vẫn là chuyện tổ chức bộ máy, ông băn khoăn “không rõ Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) quản lý đa ngành là quản lý cái gì?”, và dẫn chứng sự chồng chéo giữa Bộ TN&MT với các bộ khác: Nước làm thuỷ lợi thì do Bộ NN&PTNT quản; Nước dành cho thuỷ điện thì có Bộ Công nghiệp; Dầu khí do Tổng công ty dầu khí khai thác; Rừng cũng vẫn do Bộ NN&PTNT quản…

Trao thực quyền cho người đứng đầu

ĐB Phạm Phương Thảo chia sẻ: Chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi khá thành công, đặc biệt là mảng kinh tế. Tuy nhiên mảng văn hoá- xã hội thì chưa xứng tầm. Bộ máy cồng kềnh, họp hành nhiều. Có khi cùng một lúc có tới 8 cuộc họp ở Hà Nội, không đủ người để đi dự. Chính phủ phê bình địa phương không đi họp nhưng địa phương xin phê bình lại Chính phủ là họp hành nhiều quá. Giấy tờ cũng chưa giảm tí nào.

ĐB Nguyễn Thị Nghĩa tiếp tục với vấn đề chống tham nhũng: Có nhiều nguyên nhân, sâu xa là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức; Về cơ chế lại làm cho người đứng đầu thường không dám quyết, cái gì cũng phải thông qua trung gian- tức là cấp dưới- đệ lên, nếu cấp dưới không ngay thẳng thì từ đó dễ xảy ra nhũng nhiễu.

Chính vì tâm lý sợ quyết cái gì cũng gây ảnh hưởng nên có những vấn đề đáng lẽ chỉ cần giải quyết trong một cuộc họp, một tuần thì để kéo dài hàng năm. Bà Nghĩa kết luận: cần phải có cơ chế để người đứng đầu dám quyết định vấn đề trong khả năng.

Phạt nặng là cách giáo dục nhớ lâu nhất

Địa phương 'xin phê bình Chính phủ': Họp nhiều quá! ảnh 2
ĐB Phan Anh Minh: Giam và thả xe cần đến 5 người và 13 động tác  (Ảnh: VietnamNet)

Không ngại “nói xấu ngành”, ĐB Phan Anh Minh nhận xét về trật tự an toàn giao thông: “Ngày càng sa sút với các giải pháp mâu thuẫn nhau”.

Ông cho rằng hiện đang có sự lẫn lộn giữa giáo dục về an toàn giao thông và chế tài xử phạt. Việc giáo dục phải từ trong trường lớp, các đoàn thể, không nên giao cho cảnh sát giao thông vì “khi một người vượt đèn đỏ, không thể nói rằng tôi không biết đèn đỏ là phải dừng, đến thế thì còn giáo dục cái gì?”.

Quan điểm của ông Minh: cách giáo dục tốt nhất, nhớ lâu nhất là phạt nặng.

Cùng vấn đề an toàn giao thông, liên quan đến việc giữ các phương tiện vi phạm, ông nói “chúng ta đang đề ra những biện pháp không khả thi và hành hạ nhau”. Việc giữ xe theo ông, ngoài việc trái pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì còn cần đến 5 người và 13 động tác để giam và trả xe, chưa kể bãi giữ xe xảy ra đủ chuyện: tiền thuê mướn, cọ quẹt hỏng hóc xe cộ, mất đồ.

Việc “phạt nóng, phạt nguội” người vi phạm giao thông cũng được nêu ra: Chúng ta không xài camêra mà yêu cầu phải phạt nóng tại chỗ. Tuy nhiên nếu vào giờ cao điểm, cảnh sát giao thông chỉ cần dừng một trường hợp để xử lý thì gây ách tắc giao thông cho hàng trăm người khác.

Chỗ này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng lên tiếng: Tôi đi Thuỵ Điển thấy cảnh sát giao thông ở đó “phạt nguội” theo cách dán giấy phạt lên kính xe là xong. Tôi về bàn với bên công an thì phản đối.

Ngày mai (23/3), dự kiến các đại biểu QH sẽ thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XI của QH, các cơ quan QH.

Theo Đỗ Minh
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.