Dịch sởi hoành hành có trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế

ĐB Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Nguyễn Tuấn
ĐB Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Nguyễn Tuấn
TP - Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế với tư cách tư lệnh ngành là kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống dịch sởi.

“Để dịch sởi bùng phát có trách nhiệm của ngành Y tế, các địa phương nói chung và đương nhiên có trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế” – Bà Khá nói.

Thiếu minh bạch

Thưa bà, dịch sởi bùng phát mạnh, khó lường, khiến dư luận nhân dân rất hoang mang, nhiều người đổ xô đi tiêm phòng, bà có ý kiến gì?

Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Y tế và các địa phương đã khẩn trương vào cuộc phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do dịch sởi bùng phát mạnh, có những diễn biến bất thường và có phần thiếu thông tin cho nên người dân rất hoang mang.

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thông tin một cách đầy đủ tình hình dịch bệnh cho nhân dân biết. Cần có thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời nhất; thông tin một cách đa chiều, để người dân có thể chủ động, tích cực phòng ngừa, đối phó với dịch.

Có lẽ khâu tuyên truyền còn yếu. Cần phải làm cho người dân hiểu là không phải cứ sởi là chạy hết lên trung ương là tốt. Vấn đề là phải phát hiện kịp thời, theo dõi, điều trị đúng cách, không để lây lan ra cộng đồng.

Có ý kiến cho rằng dịch bùng phát có nguyên nhân do công tác tiêm phòng thời gian qua bị buông lỏng (nhiều địa phương tỷ lệ đạt rất thấp); và có nguyên nhân người dân sợ tai biến tiêm phòng, bỏ tiêm. Trong khi đó, Bộ Y tế lại chậm trễ làm rõ nguyên nhân của những vụ việc tai biến do tiêm phòng gây ra thời gian qua?

Về tiêm phòng, phải tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tác dụng của việc tiêm phòng. Một phần vì người dân chưa hiểu rõ, họ lo ngại… Lợi ích của việc tiêm phòng rất lớn nhưng không phải ai cũng hiểu đúng.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là một số vụ việc tai biến do tiêm phòng gây ra thời gian qua dẫn đến một số trẻ tử vong đã không được thông tin kịp thời, đầy đủ cũng khiến dư luận lo ngại.

Những vụ việc như vậy, lẽ ra ngành Y tế phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, làm rõ nguyên nhân tai biến do khách quan hay chủ quan. Khách quan thì trên thế giới cũng có, nhưng chỉ với một tỷ lệ nhỏ thôi. Còn chủ quan là vấn đề cần làm rõ.

Cái dư luận lo ngại nhất là biến chứng do lỗi chủ quan trong tiêm chủng như bảo quản vắc xin không tốt, tiêm không đúng liều lượng, chủng loại, vô trùng không tốt. Sai sót ở Quảng Trị thời gian qua gây tai biến hoàn toàn do lỗi chủ quan. Đấy là cái ngành Y tế phải nhận thiếu sót, công khai, minh bạch để nhân dân yên tâm.

Vậy để dịch bùng phát như vừa qua trách nhiệm của ngành y tế và Bộ Y tế là gì? Tại sao đến thời điểm này Bộ Y tế mới công bố con số nhiều địa phương tiêm chủng sởi đạt rất thấp?

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về thực hiện chủ trương phòng dịch, đôn đốc kiểm tra, phòng chống dịch. Vấn đề ở đây là thông tin hai chiều giữa Bộ và các địa phương chưa tốt, chưa chặt chẽ. Còn việc tiêm chủng đạt thấp hay cao, ngoài Bộ Y tế có trách nhiệm của các địa phương, cụ thể là Sở Y tế và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành.

Vì Sở Y tế phải báo cáo với Bộ Y tế và các địa phương về tình hình tiêm chủng ở địa phương mình. Nếu các sở đã báo cáo mà Bộ Y tế và UBND các tỉnh làm ngơ thì đó là trách nhiệm của Bộ và các địa phương.

Tôi cho rằng trách nhiệm của Bộ Y tế và ngành Y cần được nâng cao hơn nữa. Cụ thể Bộ Y tế phải kiểm tra, đôn đốc công tác phòng dịch tốt hơn. Bộ trưởng Y tế có thể đôn đốc vị thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phòng, chống dịch. Bộ trưởng cũng rất bận cho nên không thể nào mà tự mình có thể quán xuyến được hết mọi việc.

Cảm ơn bà.


Thất bại đau xót của ngành Y tế

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định trong chiến lược quốc gia về y tế, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh, vì vậy việc để cho bệnh dịch bùng phát đã là thất bại.

“Mặc dù việc tiêm chủng của chúng ta tốt hơn trước rất nhiều nhưng năm nay số lượng tử vong lớn như vậy là thất bại hết sức đau xót của ngành Y tế”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận.

Nhận định về bệnh sởi năm nay, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng diễn tiến của dịch sởi lần này, bản thân là người trong ngành cũng rất bất ngờ với số lượng các ca tử vong tại phía Bắc. Tại TPHCM, dù chưa để xảy ra tử vong nhưng các ca sởi ghi nhận năm nay cũng nhiều hơn so với các năm.

“Chúng ta phải quan tâm tới y tế dự phòng nhiều hơn nữa. Bản thân QH đã ra nghị quyết mỗi địa phương phải dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng qua giám sát chưa có địa phương nào dùng hết số tiền này”, ĐB Lan nói.

Công Khanh

MỚI - NÓNG