Dịch tiêu chảy cấp lan ra 10 tỉnh

Dịch tiêu chảy cấp lan ra 10 tỉnh
TP - Hải Dương và Thanh Hóa vừa góp mặt trong danh sách các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp, nâng tổng số tỉnh có dịch lên 10 tỉnh. Số bệnh nhân mới mắc ở Hải Dương là 7 và Thanh Hóa là 1.
Dịch tiêu chảy cấp lan ra 10 tỉnh ảnh 1
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp điều trị tại Bệnh viện Đống Đa. Ảnh : M.H

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 455 ca nghi mắc tiêu chảy cấp, 73 trường hợp xác định dương tính. Nhưng theo thống kê của Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia, qua soi và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân điều trị tại Viện, bước đầu xác định có tới 135 ca dương tính.

Điều tra dịch tễ cho thấy, gần 80% ca mắc tiêu chảy cấp là do ăn mắm tôm, 20% liên quan đến hải sản (gỏi cá), 3% liên quan tới tiết canh. Một số trường hợp chưa xác định được nguyên nhân.

Hà Nội chiếm tỷ lệ người mắc tiêu chảy cấp cao nhất với 344 ca nghi mắc, trong đó 48 ca dương tính. Dịch đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Hà Nội đã tiến hành mua khẩn cấp thêm thuốc và hóa chất để phục vụ việc chống dịch, đồng thời huy động thêm lực lượng sinh viên tham gia chống dịch. 2.741 người lớn và 768 trẻ em có liên quan tới các ca dương tính với vi khuẩn gây tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được uống thuốc dự  phòng.

Tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, trong ngày 3/11 đã có thêm 57 trường hợp nhập viện, nâng tổng số người bệnh đang điều trị tại Viện lên 228 người, trong đó có hai cháu nhỏ và một số trường hợp mang thai.

Một số người đã được xuất Viện sau khi xét nghiệm âm tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm. Các trường hợp này sẽ được báo về y tế địa phương với đầy đủ số điện thoại, địa chỉ nhà, để tiếp tục giám sát.

Nhận định về tình hình dịch, Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng, cho rằng, với tốc độ người bệnh nhập viện như hiện nay thì số ca nghi nhiễm ở các tỉnh thành có dịch phải gấp 10 lần các trường hợp đã xác định dương tính. Hiện, Viện đã được cấp thêm một số giường, đồng thời giải phóng 3/4 bệnh nhân các loại bệnh thông thường, không nguy hiểm khác nhưng vẫn không đủ chỗ. Nhiều giường phải nằm ghép 4 - 5 bệnh nhân.

BV Bạch Mai hiện có 16 người nghi mắc tiêu chảy cấp đang điều trị. BV đã quyết định dành một khu nhà với 40 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị để làm khu cách ly và tiếp nhận điều trị người bệnh tiêu chảy cấp. Khoa Nhi của BV cũng có 2 phòng dành để điều trị cho các bệnh nhi bị tiêu chảy cấp.

Một vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch là khâu quản lý bệnh nhân hiện còn chưa chặt. Tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua đã bị phê bình do chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng đã trả bệnh nhân về nhà, bệnh phẩm không được xử lý đã đổ ra môi trường. Ngoài ra, một số nơi khác còn có  hiện tượng bệnh nhân trốn về nhà.

Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), cho rằng, nếu không làm tốt công tác quản lý người bệnh sẽ không thể kiểm soát được mức độ lây lan ra cộng đồng. Một số tỉnh do nhận thông tin muộn nên triển khai công tác phòng chống dịch bệnh còn chậm.

Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đang tiếp tục điều tra nguồn mắm tôm gây ra dịch tiêu chảy cấp tại một số xã của Thanh Hóa. Nhiều cơ sở mắm tôm ở đây đã tạm thời niêm phong để gửi mẫu xét nghiệm đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tại Hà Nội, mắm tôm có nguồn gốc được niêm phong, các loại mắm tôm không nguồn gốc được giao cho Cty Môi trường Đô thị xử lý bằng biện pháp đốt.

Trước tình hình dịch lan rộng, tuần tới, một đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ sang Việt Nam để hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin điều trị. Theo ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nên gửi các chủng virus, vi khuẩn gây bệnh đi phân tích ADN để có được những vắc-xin phòng bệnh phù hợp.  

MỚI - NÓNG