Diễn biến mới nhất về tình hình cứu nạn các ngư dân

Diễn biến mới nhất về tình hình cứu nạn các ngư dân
TPO - 14h ngày 21/5/2006, 2 tàu Sar 412 và Sar 411 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải xuất phát từ Đà Nẵng đã ra vùng ngư dân bị nạn, tiếp dầu, lương thực và trực tiếp chở nạn nhân về Đà Nẵng.

>> Đại tang sớm bên bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam
>> Bão biển đã qua, bão lòng còn mãi 
>> Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1
>> Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả

Diễn biến mới nhất về tình hình cứu nạn các ngư dân ảnh 1
Bà Phạm Thị Thuý 67 tuổi (phường Thanh Khê Đông, Đà Nẵng) đang cầm ảnh chồng khóc thảm thiết bên bãi biển Thanh Bình). Ảnh: Vũ Công Điền - TTXVN

Theo số liệu thống kê của BĐBP các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tính đến 7 giờ, ngày 21 tháng 5 năm 2006 đã có tổng cộng 23 phương tiện gồm 232 ngư dân của 3 tỉnh, thành miền Trung này bị nạn.

Đã có 8 phương tiện bị chìm tại chỗ, 9 phương tiện bị mất tích, bão số 1 đã làm chết 25 người và mất tích 138 người. Bị thiệt hại nặng nhất là ngư dân của thành phố Đà Nẵng, đã có 6 tàu bị chìm, mất tích 4 tàu, làm chết 21 người và mất tích 76 người.

Các tàu cứu nạn khẩn trương đón nạn nhân về Đà Nẵng

Hiện Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp các cơ quan chức năng như Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên Phòng...cho tàu trực tiếp ra đến vùng hải phận quốc tế để đón tàu chở người bị nạn trên đường về Đà Nẵng nhằm cấp cứu kịp thời.

Được biết, hiện có 3 tàu của ngư dân Đà Nẵng đang trên đường chở nạn nhân về Đà Nẵng. Bộ đội Hải quân đã điều nhanh 5 tàu trực tại vùng biển trên để cấp cứu và chở người bị nạn.

Phía Trung Quốc đã cho phương tiện ra trực tiếp cứu nạn và tiếp nhiên liệu cho tàu ngư dân cứu nạn, triển khai các biện pháp phối hợp cứu nạn.

TTXVN

Ngay sau khi cơn bão số 1 đổ bộ vào đất liền, sáng ngày 20-5-2006, 13 chiếc tàu của ngư dân thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các tàu của ngư dân Việt Nam bị nạn tại khu vực đảo Đông Sa ( Toạ độ 200 đên 210 vĩ Bắc; 116050  đến 117050 kinh độ Đông) trên vùng biển Trung Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, họ cũng phát hiện một chiếc tàu lạ, màu trắng đang có mặt trong vùng. Qua sóng Rađiô, lực lượng BĐBP thành phố Đà Nẵng cho các ngư dân được biết đó là chiếc tàu của Trung Quốc có số hiệu IMO 9379466 và Chính phủ Việt Nam đã có Công hàm yêu cầu lực lượng cứu hộ cứu nạn của Trung Quốc và Đài Loan cứu hộ những ngư dân của Việt Nam đang bị nạn trên vùng biển của các nước trên.

Đồng thời qua sóng Rađiô, lực lượng BĐBP thành phố Đà Nẵng đã đề nghị tàu IMO 9379466 của Trung Quốc tham gia tìm kiếm cứu nạn 88 ngư dân của Việt Nam đang bị mất tích trong vùng biển; cung cấp thuốc, cứu chữa những người bị thương, kiệt sức; cung cấp nguyên liệu cho những tàu cá của Việt Nam  đang tiến hành cứu hộ, cứu nạn trong khu vực; giúp bảo quản các thi thể của những nạn nhân là ngư dân Việt Nam đã được các tàu vớt được.

Diễn biến mới nhất về tình hình cứu nạn các ngư dân ảnh 2
Nhân dân Đà Nẵng quá đau buồn cho hơn 200 người ngư dân, bị cơn bão số 1 đánh chìm tàu trên vùng biển Đài Loan đến nay chưa tìm ra xác. Những người thân lập bàn thờ ngay nới bãi biển -nơi mà những con tàu với hơn 200 lao động đã đi cách đây hơn 1 tháng chưa về. Theo tin Ban tác chiến Biên phòng Đà Nẵng, có thể trong ngày 22/5/2006 sẽ đưa về 18 thi thể , do phía Đài Loan vớt được. Trong ảnh: Bàn thờ ông Nguyễn Văn Độ, chồng bà Thuý lập tạm trên bãi biễn Thanh Bình. Ảnh: Vũ Công Điền - TTXVN

Tàu IMO 9379466 của Trung Quốc đã đồng ý vói các đề nghị của BĐBP Việt Nam. Đến 9 giờ cùng này, tàu IMO 9379466 đã tiếp dầu cho 2 chiếc tàu ĐNa 9345 TS và ĐNa 90189 TS đang chở 17 người chết và 06 người khác bị nạn vào bờ, đồng thời tiếp tục tiếp nhiên liệu cho các tàu còn lại trong khu vực.

Tuy nhiên, do trang bị trên tàu IMO 9379466 không đủ để đảm bảo bảo quản xác các nạn nhân nên Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã có điện đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP và Chính phủ cho phép tàu IMO 9379466 được chở thẳng 17 xác nạn nhân của ngư dân thành phố Đà Nẵng vào bờ của Việt Nam để tránh bị phân huỷ do thời gian trôi dạt quá dài trên biển, đồng thời đề nghị cử tiếp các tàu chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đến phối hợp ứng cứu.

Từ  khi xảy ra tai nạn đến 07 giờ ngày 21 tháng 5 năm 2006 đã có 22 phương tiện, trong đó có 06 tàu của Quảng Ngãi, 15 tài của ngư dân Đà Nẵng và 1 của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Trung Quốc đang có mặt tìm kiếm tại hiện trường. Các tàu đã cứu được 100 người, trong đó ngư dân của Quảng Ngãi vớt được 21 người và 1 xác chết; ngư dân Đà Nẵng vớt được 78 người, trong đó có 22 người bị chết.

Chỉ tính riêng tàu ĐNa 90127 đã vớt được 30 người; tàu QNa 90027 vớt được 20 người; tàu ĐNa 90152 vớt được 5 người và 6 xác chết. Theo thông tin từ các tàu của ngư dân Việt Nam đang có mặt tại hiện trường, mặc dù còn có rất nhiều người đang bị trôi dạt trên biển nhưng do hầu hết các phương tiện đã hết nhiên liệu, lại cách xa bờ biển Việt Nam nên không thể tìm kiếm được thêm và xin quay vào bờ gần nhất.

Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điện chỉ đạo cho Biên phòng các tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, tăng cường công tác nắm tình hình, bằng mọi khả năng của mình nhanh chóng tổ chức tiếp nhận, cấp cứu y tế và hỗ trợ nhân đạo đối với tất cả các phương tiện và ngư dân bị nạn được cứu đưa vào bờ; Yêu cầu Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cử cán bộ xuống các địa phương có người bị hại để thăm hỏi, động viên gia đình những nạn nhân

8giờ sáng, ngày 21-05-2006, tại thành phố Đà Nẵng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Trần Hoa, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng BĐBP đã chủ trì Hội nghị cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương và của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng bàn các biện pháp khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để tìm kiếm cứu nạn các ngư dân miền Trung bị nạn trên biển trong cơn bão số 1 và các biện pháp khắc phục hậu quả.

MỚI - NÓNG