Diện mạo mới cho Tây Nguyên đại ngàn

Đường đến Tây Nguyên ngày càng thênh thang.
Đường đến Tây Nguyên ngày càng thênh thang.
TP - Tài nguyên trù phú, thổ nhưỡng phì nhiêu, đặc sắc về văn hóa, Tây Nguyên ngàn năm tuổi hùng vĩ và căng tràn nhựa sống. Làm gì để Tây Nguyên bứt phá bền vững và hiệu quả trong tương lai gần, đó là câu hỏi và cũng là nỗi trăn trở, nỗ lực của bất cứ ai đang  quan tâm đến vùng đất này…

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 54.700km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước) là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta. Đây chính là vùng đất mà các nhà chiến lược vẫn gọi là “nóc nhà Đông Dương” cần phải giữ vững và phát triển.

Vị thế đặc biệt

Tây Nguyên có “tài nguyên đặc hữu là nguồn đất đỏ bazan dồi dào, rừng có độ che phủ cao, nguồn nước tự nhiên và khoáng sản kim loại, phi kim loại trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh, puzơlan và bô-xít với trữ lượng dự báo khoảng 4,5 tỷ tấn (chiếm 91% trữ lượng của cả nước, sắt, wonfram, antimon, chì, kẽm, vàng. Nơi đây còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc với các lợi thế về tiểu vùng khí hậu, hệ sinh thái, di sản vật thể và phi vật thể riêng có.

Đây còn là vùng có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên tuyến hành lang Đông-Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội… Những điều kiện ấy tạo thế cho Tây Nguyên có thể phát triển một nền kinh tế mở, hứa hẹn tiềm năng trở thành một vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Xác định rõ tầm quan trọng và vị thế địa chính trị đặc biệt của Tây Nguyên, từ năm 2002, Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và T.Ư Đảng để chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược cho vùng đất này.

Diện mạo mới cho Tây Nguyên đại ngàn ảnh 1

Bộ trưởng Trần Đại Quang tặng quà Tết năm 2014 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Nhìn lại cơ hội

Có thể nói, Tây Nguyên bước đầu đã trở thành vùng sản xuất cây công nghiệp hàng hóa trọng điểm  mà chủ lực là cà phê, hồ tiêu, ca cao, cao su, điều…Trong đó, có trên 570.000 ha cà phê, chiếm gần 93% tổng diện tích cà phê của cả nước; khoảng 250.000 ha cao su, trên 60.000 hồ tiêu, cây điều cũng chừng 30.000ha và gần đây có sự xuất hiện của cây công nghiệp giá trị lớn như  mắc ca…Những sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), chè Bảo Lộc (Lâm Đồng), dâu tằm tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng), hoa Đà Lạt (Lâm Đồng)… đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở trong và ngoài nước, giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trên bản đồ xuất khẩu cà phê thế giới và thứ nhất trên bản đồ xuất khẩu hạt tiêu.

Nhận thức được vị trí chiến lược của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh.

Nhờ địa thế cao nguyên, nhiều thác nước và có một số sông lớn, Tại Tây Nguyên, cũng đã hình thành một loạt nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Đa Nhim 160.000 kW trên sông Đa Nhim, Thủy điện Đray H’inh (12.000 kW) trên sông Serepôk, Thủy điện Yaly (720.000kW), tiếp nối mạng lưới điện quốc gia và đưa ánh sáng về các đô thị, buôn làng. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp, đã nâng cấp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 4.000km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa. Trên 91% số xã ở Tây Nguyên đã có đường ô tô đến trung tâm đi được cả hai mùa; 100% số thôn buôn có điện lưới quốc gia; 100% số xã đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá. Tất cả các xã ở Tây Nguyên ngày nay đã có phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin viễn thông.

Mỗi ngành kinh tế tại Tây Nguyên đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, giúp hình thành một nhóm doanh nghiệp quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu cũng như tạo nên một tầng lớp người giàu có tiếng.

Thách thức và quyết tâm

Đó cũng là một thực tế khi người ta đi tìm kiếm những giải pháp phát triển Tây Nguyên trong trung và dài hạn. Đa phần các tỉnh trong vùng Tây Nguyên còn nghèo, chỉ số GDP/bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 80% so với toàn quốc, tồn tại nhiều hạn chế trong thụ hưởng các cơ sở phúc lợi công cộng. Cơ sở, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt còn yếu, trong khi thu hút nguồn đầu tư, gồm cả ODA và FDI vào Tây Nguyên vẫn ở mức thấp. Một loạt thách thức khác cũng đáng kể như vấn đề di dân, tình hình an ninh, chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tình hình biên giới…

“Cần một tầm nhìn, một nguyên lý cho mô hình phát triển Tây Nguyên mà theo đó, sự phát triển phải được đặt trong tổng thể của vùng, để từ đó khai thác thế mạnh của từng tỉnh, tránh tình trạng cơ cấu kinh tế tỉnh nào cũng như tỉnh nào, dẫn tới quy hoạch mạnh ai đấy làm” - Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết.

Thời gian qua, bám sát và chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên bước đầu đã có những định hướng chủ đạo. Theo đó, cần nhấn mạnh Tây Nguyên là một vùng mở, nằm trong Tam giác phát triển Campuchia, Lào,Việt Nam (CLV) thuộc hành lang kinh tế Đông Tây. Thuận lợi địa lý này cho phép kết nối các vùng kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Vì vậy, cần thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực tam giác phát triển CLV, hình thành các khu thương mại tự do giữa Tây Nguyên với các khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, tăng cường các mắt xích phát triển chính là các khu kinh tế cửa khẩu để nối kết giữa các vùng, ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông và năng lượng.

Đặc biệt, không thể  có quá nhiều thế mạnh hay mũi nhọn phát triển mà phải xây dựng được một cơ cấu kinh tế thực sự mạnh, bền vững lâu dài. Bấy lâu nay, dù cây cà phê được xem như một thứ cây chủ lực, một thế mạnh nhưng lại đang gặp tình trạng già cỗi trên diện rộng (1/3 diện tích), giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu không cao. Bài toán đặt ra là phải tìm ra cây trồng bổ sung hoặc/và thay thế không chỉ thích hợp với thổ nhưỡng Tây Nguyên mà còn phải giá trị cao trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Gần đây, cây mắc ca được đưa vào và bước đầu “bén rễ” với Tây Nguyên song để nó đủ sức vươn lên trở thành loại cây công nghiệp chủ lực, một mũi nhọn kinh tế mới – bởi có giá trị rất cao trong chuỗi giá trị ngành hàng – thì dứt khoát cần phải đặt nó trong tổng thể vùng, trong tương quan với các cây công nghiệp khác, trong năng lực canh tác của người dân địa phương cũng như khả năng chế biến, tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước... Sự hào hứng, trân trọng của nhiều hộ dân với cây mắc ca được xem là một tín hiệu tốt song Tây Nguyên dứt khoát phải tránh được những bước đi sai lầm như đã có với cây cà phê, cây cao su...

Để phát triển, tìm được diện mạo mới cho Tây Nguyên, phải trả lời cho được những câu hỏi như “Nhà nước phải làm gì”, “địa phương phải làm gì”, “doanh nghiệp phải làm gì” và “từng người dân phải làm gì”? Sự quan tâm và những tấm lòng yêu Tây Nguyên chắc chắn sẽ giúp tìm được những câu trả lời thỏa đáng nhất, góp phần làm nên một Tây Nguyên mới trù phú, xanh tươi với bên trong là hồn cốt hàng nghìn năm tuổi.

Tây Nguyên có thế mạnh rõ rệt và cần phát triển nông nghiệp nhưng phải gắn với công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu hàng nông sản có hàm lượng công nghệ cao…

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên: những vấn đề cốt yếu và giải pháp” diễn ra tháng 4/2014, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cũng nhấn mạnh: “Cần nhìn nhận giá trị tổng thể (kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường, địa lý, quốc phòng và an ninh) mang đặc thù Tây Nguyên. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với một khu vực tuy mức độ phát triển còn thấp nhưng ẩn chứa nhiều giá trị phát triển bền vững cho tương lai”.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.