Điều chỉnh học phí, viện phí không được gây 'sốc'

Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh: Vietnam+
Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh: Vietnam+
TP - Việc Luật Phí và lệ phí quy định chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá sẽ khiến cho trách nhiệm đóng góp của người dân tăng lên. Do đó, để không gây “sốc” đối với xã hội thì thời điểm lựa chọn tăng giá hai dịch vụ trên phải được tính toán kỹ lưỡng.

Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc Luật Phí và lệ phí quy định chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá sẽ khiến cho trách nhiệm đóng góp của người dân tăng lên. Do đó, để không gây “sốc” đối với xã hội thì thời điểm lựa chọn tăng giá hai dịch vụ trên phải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với thực tế thu nhập và đời sống của người dân.

Theo ông Thụ, việc chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá là việc tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên, đây là hai lĩnh vực nhạy cảm, đụng tới toàn dân, lại là những lĩnh vực được xác định “quốc sách hàng đầu” nên lộ trình thực hiện cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện đầy đủ.

“Chúng ta chắc chắn sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ học phí, viện phí. Nhưng việc điều chỉnh đó cần phải có lộ trình hợp lý, không được gây “sốc”, không làm bùng nổ lạm phát. Đồng thời phải tính đến cả chế độ chính sách cho người dân khi thực hiện, chứ không đặt quá nặng việc nâng giá để thu hút nguồn lực đầu tư”, ông Thụ nói.

Ông Thụ cũng khẳng định, khi điều chỉnh chính sách này theo lộ trình giá thị trường thì nghĩa vụ và trách nhiệm phải nộp của người dân sẽ tăng lên. Điều này sẽ tác động mạnh đến người yếu thế, người có thu nhập thấp, công nhân, nông dân nghèo. Ngay cả những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì khi viện phí tăng cũng bị ảnh hưởng bởi bảo hiểm chỉ chi trả một phần.  “Xử lý vấn đề này cần phải có tổng thể, tính toán kỹ lộ trình. Thời điểm lựa chọn tăng giá phải đảm bảo phù hợp với thực tế thu nhập và đời sống của người dân”, ông Thụ nói.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật phí và lệ phí trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc chuyển phí, lệ phí sang cơ chế giá. Tuy nhiên, Ủy ban TVQH cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa thì cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.

MỚI - NÓNG