Đìu hiu mát xa người mù

Một người mù đang mát xa cho khách quen
Một người mù đang mát xa cho khách quen
TP - Ông Nguyễn Đình Kiên, Chủ tịch Hội người mù TPHCM nói với tôi: “Bây giờ người mù làm mát xa phổ biến khắp cả nước, nhưng ít ai biết được TPHCM chính là nơi đầu tiên xây dựng nên mô hình người mù mát xa”. Cán bộ hội đi tham quan bên Nhật Bản và đưa mô hình về nước năm 1995. Trước kia người mù chỉ làm tẩm quất theo kiểu cổ truyền. Cơ sở đầu tiên ấy đến nay vẫn còn hoạt động.

Những vị khách 20 năm

Cơ sở mát xa “lịch sử” ấy vẫn hoạt động ngày ngày trên gác của trụ sở Hội người mù TPHCM ở khu phố Tây ba lô. Tôi đến cơ sở vào ngày đầu tuần, ngạc nhiên thấy khoảng chục người đàn ông trung niên to béo đang quấn khăn ngang bụng đi lại và ngồi vãn cảnh ngoài hành lang khu vực mát xa. Xen giữa họ, những kỹ thuật viên mát xa già trẻ, không nhìn thấy đường nhưng đi lại như con thoi trong hành lang nhỏ hẹp. Họ thông thuộc từng ngóc ngách, hay họ tự dựng khung cảnh của nơi mình làm việc bằng trí tưởng tượng? Phòng mát xa quạt thì nằm ở đâu, cửa như thế nào, khu vực mát xa máy lạnh chỗ nào, giường đặt ra sao? Còn khu mát xa nữ nữa chứ, khu này nằm cuối hành lang, song chân người kỹ thuật viên dừng lại chính xác ngay ở cửa như có tiếng gọi vô hình.

Một người đàn ông tóc đã bạc, khuôn mặt bầu bầu, được giới thiệu là “mối quen”, nói: “Tôi không thích mát xa chân dài mà thích đi mát xa ở đây. Tay nghề người mù tốt hơn người sáng”. Người kỹ thuật viên mỉm cười: “Đúng thế, muốn chân dài mát xa thì nên về với vợ tốt hơn”. Các vị khách nói họ qua lại nơi này cả chục năm, thậm chí nhiều người gắn bó 20 năm. Người bán vé khá mập, ngại chụp ảnh, nói: “Khách đông vì giá rẻ ấy mà. Mát xa một giờ máy quạt là 60.000 đồng, máy lạnh 70.000 đồng”. Phòng máy quạt được che bằng một tấm rèm màu xanh đậm, mấy chiếc giường liền kề, bóng người thấp thoáng: “Đang có khách” – chị bán vé nói. Lúc này mới 9 giờ sáng.

Chật vật kiếm sống

Người tổ trưởng đã luống tuổi chưa lập gia đình cho biết mỗi ngày gần 30 kỹ thuật viên làm việc, ngày cuối tuần gần 50 người. “Anh muốn mát xa ư? Ở đây không được chọn nhân viên đâu nhé, cứ luân phiên theo thứ tự làm thôi. Tôi sẽ điều cho anh người kế tiếp”. Phòng xông hơi nằm riêng, vé xông hơi được bán riêng. “Ai tiết kiệm chỉ cần xông hơi rồi về!”. Một vị khách từ phòng mát xa ra, quần áo anh ta dính vôi vữa trắng tinh từ hôm trước. Một người khác lại không mát xa, sau khi xông hơi bèn cứ thế quấn khăn ra hiên ngồi, không hiểu nghĩ gì.

“Trước kia người ta quan tâm đến Hội người mù hơn bây giờ. Những năm 1990, chúng tôi làm sản phẩm gì ra, khách cũng đưa xe đến tận nơi mua để ủng hộ. Bây giờ khác, cái gì làm ra tiền thì người sáng mắt tranh làm hết. Chưa kể người mù máy móc không có, làm ra sản phẩm, nếu đem chợ bán không cạnh tranh nổi”.

Chủ tịch Hội người mù Nguyễn Đình Khiên

Tôi mua một vé lên giường nằm chờ. Có 18 chiếc giường khác nhau. Người kỹ thuật viên đi thoăn thoắt vào phòng. Phòng lớn, ngăn làm hai, mỗi bên mấy giường. Người kỹ thuật viên nói khá to: “Khách tôi đâu nhỉ?”. Tôi đáp: “Đang nằm gần bờ tường, dưới cửa sổ”. Ngay lập tức chị này quay lại và tiến đến chỗ tôi. “Hơn mười năm tôi làm ở đây, chồng tôi cũng làm ở đây, chúng tôi thuê nhà, sinh được đứa con mười mấy tuổi”. Tôi nói chỉ nhờ mát xa đầu thôi. Người kỹ thuật viên trạc 40 tuổi bảo: “Anh chưa hiểu mát xa người mù rồi. Chúng tôi xác định vị trí trên cơ thể rất chính xác, nhưng chỉ mát xa chân và ngực, không mát xa bụng và đùi nên không thể vô tình chạm vào khu vực nhạy cảm của khách. Hãy tin tay nghề của chúng tôi”. 

Đìu hiu mát xa người mù ảnh 1

Khách vắng, kỹ thuật viên ngồi nghe nhạc. Ảnh: T.N.A 

Những người khách nói rằng tiền “bo” cho dịch vụ “mát xa sạch” của người mù chỉ từ vài chục ngàn thôi, tương đương một suất cơm bụi. “Người làm mát xa nghiêm túc thì khách cũng bo… nghiêm túc!” - mọi người nói với tôi. Đôi khi các kỹ thuật viên từ chối số tiền “bo” keo kiệt, chẳng hạn họ trả lại cho khách tờ bạc 10.000 đồng và nói: “No! no!” - không, không. Gần 70% khách của họ đến từ khu phố Tây ba lô. Cơ sở mát xa của người mù nằm trong sách giới thiệu du lịch như một loại hình độc đáo nên thưởng thức khi bạn tới Sài Gòn.

Chị Phúc, người mát xa cho tôi nói: “Chúng tôi được hưởng lương dựa vào số tiền 30% trích từ vé mình làm được và tiền thưởng của khách. Hai vợ chồng làm suốt ngày nhưng chỉ được tổng cộng 3 triệu bạc một tháng mà thuê nhà mất hơn hai triệu rồi”. Người chồng thường dậy sớm, đi xe buýt bán vé số, tới 9 giờ anh vào làm mát xa. “Trợ cấp mà thành phố dành cho một người mù chỉ hơn 500.000 đồng mỗi tháng còn giá cả tăng chóng mặt. Không làm thêm thì không sống nổi” - người vợ kết luận.

Cạnh tranh khốc liệt

Ông Kiên, Chủ tịch Hội người mù thành phố, kể: “Những năm 1990 khi chúng tôi mới mở dịch vụ mát xa, rất ít nơi có, khách đông lắm, thu nhập tốt. Sau khi trừ mọi chi phí, chúng tôi thậm chí đã thu được số tiền đủ để xây dựng một cơ sở đào tạo. Bây giờ dịch vụ mát xa mọc lên như nấm. Ngoài cơ sở của người sáng làm, nhiều chủ doanh nghiệp cũng thuê người mù làm kỹ thuật viên, bản thân người mù cũng tự mở cơ sở. Hội chúng tôi chỉ duy trì hai địa điểm làm nghề này, còn trong thành phố ư? Các điểm mát xa cả của người mù và người sáng nhiều không biết bao nhiêu mà kể”.

“Các kỹ thuật viên chỉ hưởng một phần thu nhập từ vé mát xa, vì sao vậy? Hội không có kinh phí, việc trích lại tiền là dùng đóng bảo hiểm lao động, trả tiền điện, nước”, ông Kiên giải thích.

Khi tôi đang làm việc tại trụ sở của Hội thì thấy ông Kiên nhận một cú điện thoại từ Đồng bằng sông Cửu Long, một người mù hỏi xem muốn học nghề mát xa thì ở đâu. “Mỗi năm chúng tôi mở vài lớp dạy mát xa, bao ăn ở học phí cho học viên. Nhưng năm dạy, năm không, phụ thuộc kinh phí xin được”. Ông Kiên cũng kể một số quận huyện chưa lập được tổ chức hội của người mù: “Theo quy định, mỗi quận huyện 20 người đã lập được hội rồi, mà huyện Bình Chánh gần 80 người mù vẫn chưa có hội”.

TPHCM hiện có khoảng 4.000 người mù nhưng người vào hội chỉ khoảng gần 1.500 người. Ông Kiên nói: “Trước kia người ta quan tâm đến Hội người mù hơn bây giờ. Những năm 1990, chúng tôi làm sản phẩm gì ra, khách cũng đưa xe đến tận nơi mua để ủng hộ. Bây giờ khác, cái gì làm ra tiền thì người sáng mắt tranh làm hết. Chưa kể người mù máy móc không có, làm ra sản phẩm, nếu đem chợ bán không cạnh tranh nổi”.

Mát xa được coi là nghề “hot” nhất cho đến tận bây giờ, nếu không kể tới nghề bán vé số. Những ngành nghề thủ công trước đây như làm tăm làm chổi làm hương ngày càng thui chột. Theo ông Kiên: “Cả nghề bán vé số lẫn nghề mát xa đều đang bị người sáng cạnh tranh gay gắt, khách ngày một vắng hơn”.

MỚI - NÓNG