Đoàn ĐBQH đi giám sát địa phương: Tự chi trả ăn ở, tránh hình thức

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong lần đi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: IT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong lần đi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: IT.
TP - Vừa qua, khi cho ý kiến về Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Có một số địa phương chưa nghiêm túc, thậm chí coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội, kể cả hoạt động giám sát tối cao. Đây là thực trạng đang cần được chấn chỉnh tại nhiều địa phương…

Gặp đúng người, đúng việc

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, khi thực hiện giám sát, điều quan trọng là phải tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất mà người dân, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh. Để giám sát có hiệu quả, không nhất thiết phải gặp ông giám đốc sở, hay lãnh đạo địa phương. Quan trọng nhất là phải đi xuống thực tế, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ chính đối tượng bị tác động. Ngoài ra, trong các cuộc giám sát, cần thiết phải mời các chuyên gia phản biện, cho ý kiến về lĩnh vực đó, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.

Còn nhớ, khi Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này, đã có những đại biểu đánh giá, có những cuộc giám sát còn tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu đi sát, chưa đánh giá đúng thực trạng tình hình. Thời gian thực hiện giám sát rất hạn chế và kết quả cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận những vấn đề địa phương. Đi giám sát chính sách cho người nghèo lại không xuống tận nhà dân, hỏi ý kiến họ thì sẽ không hiệu quả, bởi “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Do vậy cần thiết phải gắn giữa nghe và nhìn để khắc phục giám sát hình thức, tránh giám sát xong “chào các bác, em về”.

Thực trạng một số đoàn giám sát rồng rắn xe lớn, xe nhỏ xuống địa phương, gây phiền hà, lãng phí cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, phản ánh trong thời gian qua. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một thứ trưởng cùng đi giám sát, có khi phải đến 3 - 4 người khác đi kèm, đã thế lại toàn đi xe riêng. Địa phương, đối tượng chịu giám sát lúc đó lại trở thành…đối tượng phục vụ, gây phiền phức, rườm rà và lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, lãnh đạo các địa phương thường thích đến thăm, nhưng không ai thích bị giám sát, kiểm tra. Trước những ý kiến kêu ca, phàn nàn, theo bà Nga, khi đoàn giám sát đi đến địa phương thì không nên yêu cầu phải đón tiếp rườm rà. Mỗi đoàn đi phải có kinh phí của mình, kinh phí ăn ở đoàn giám sát tự chi trả chứ không nên phụ thuộc vào địa phương. Đặc biệt, đoàn giám sát cần làm việc với các cơ quan chuyên môn mới ra vấn đề.

“Chúng tôi đi làm, giám đốc công an không bao giờ làm việc với Ủy ban Tư pháp mà cử các đồng chí phó phụ trách, không sao cả. Một số nơi, chánh án, viện trưởng cũng không làm việc, cũng chẳng sao, nếu họ bố trí người phụ trách mảng chúng tôi làm. Lãnh đạo địa phương bận, cũng không câu nệ phải đón tiếp. Chất lượng và phương thức làm việc mới là điều quan trọng… Phải đi vào các trại tạm giam, các nhà tạm giữ, thực tế khảo sát một số nơi chứ nghe báo cáo thì không thực tiễn lắm”, bà Nga cho hay.

Công khai các trường hợp không nghiêm túc

Quy chế về hoạt động giám sát quy định, những chuyên đề giám sát được lựa chọn phải là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Mỗi đoàn giám sát có ít nhất 5 thành viên. Trước ý kiến đánh giá hiệu quả giám sát chưa cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, không phải cứ tiến hành giám sát nhiều là tốt. Ông cho rằng, điều quan trọng là phải căn cứ vào điều kiện thực tế, giám sát tầm vĩ mô là chính. “Dù ít cuộc giám sát nhưng hiệu quả, có độ lan toả lớn hơn là nhiều đoàn giám sát”, ông Lưu cho hay.

Ở khía cạnh khác, qua thực tế giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua, ông Phùng Quốc Hiển phản ánh, nhiều địa phương còn chưa nghiêm túc, thậm chí cả địa phương lớn cũng coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội, dù đó là giám sát tối cao. Khắc phục tình trạng này, theo ông Hiển, cần nêu thẳng tên một vài “ông” trước Quốc hội cho công khai, minh bạch, rõ ràng, để các địa phương phải tôn trọng hoạt động giám sát.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định số lượng các chuyên đề giám sát được cân nhắc trên cơ sở thực tế, nhằm bảo đảm sự phù hợp giữa nhu cầu giám sát với khả năng thực hiện, tránh quá tải cho các cơ quan và sự trùng lặp nhiều hoạt động tại địa phương. Riêng việc tiết kiệm, chống lãng phí đã có quy định, không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí. Và quy chế lần này đã bổ sung nguyên tắc “bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức” đối với các hoạt động của đoàn giám sát.

Nội dung về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội không được quy định trong quy chế về hoạt động giám sát. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, trong trường hợp cần thiết, có thể kiến nghị Quốc hội cho bổ sung trong nghị quyết riêng của Quốc hội quy định về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, lãnh đạo các địa phương thường thích đến thăm, nhưng không ai thích bị giám sát, kiểm tra. Trước những ý kiến kêu ca, phàn nàn, theo bà Nga, khi đoàn giám sát đi đến địa phương thì không nên yêu cầu phải đón tiếp rườm rà. Mỗi đoàn đi phải có kinh phí của mình, kinh phí ăn ở đoàn giám sát tự chi trả chứ không nên phụ thuộc vào địa phương.

MỚI - NÓNG