Đoạn kết có hậu của “liệt sĩ” trở về

TP - Hơn 20 năm trước, Tiền Phong Chủ Nhật đăng bài “Người trở về sau 13 năm được ghi nhận là liệt sĩ”, phản ánh “liệt sĩ” Vũ Hồng Cẩm được tìm thấy trong hoàn cảnh mất trí nhớ tại một vùng đất ở miền Nam. Gần đây, phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật có dịp gặp lại nhân vật của báo sau hơn hai mươi năm người “liệt sĩ” này trở về quê nhà miền Bắc…

Từ bài viết trên Tiền Phong…

Năm 2016, Tiền Phong Chủ Nhật đăng bài “Buồn vui liệt sĩ trở về”, phản ánh chuyện khá hy hữu khi liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đón nhận hai trường hợp trở về quê nhà sau nhiều năm được công nhận liệt sĩ. Đó là “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu sau nhiều năm cư trú tại tỉnh An Giang nay trở về sống tại quê nhà xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) và “liệt sĩ” Cao XuânTước về thăm quê nhà xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), sau đó trở lại sống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nơi ông đã cư trú nhiều năm… 

Sau khi báo đăng, cuối năm 2016, tôi nhận được điện thoại của một bạn đọc cho biết sau khi đọc bài “Buồn vui liệt sĩ trở về”, gần đây ông biết tại thành phố Hưng Yên còn có một “liệt sĩ” trở về khác. “Đó là ông Vũ Hồng Cẩm, hiện ở phường An Tảo, thành phố Hưng Yên. Khác với hai “liệt sĩ” Dầu và Tước cuộc sống vẫn khá bấp bênh do bị mất hết giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ, “liệt sĩ” Cẩm hiện có đời sống ổn định hơn do được hưởng chế độ của nhà nước”- bạn đọc này cho biết.

Đoạn kết có hậu của “liệt sĩ” trở về ảnh 1

Hai cựu chiến binh Vũ Hồng Cẩm (phải) và Phạm Văn Quý. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Thông tin vừa nhận được khiến tôi nhớ rất lâu rồi, hình như trường hợp “liệt sĩ” Cẩm từng được phản ánh trên Tiền Phong? Vào thư viện của Tòa soạn kiểm tra, thấy đúng trên tờ Tiền Phong Chủ Nhật số 34 năm 1995 có đăng bài “Người trở về sau 13 năm được ghi nhận là liệt sĩ” của tác giả Ngọc Mai. Trong bài viết, tác giả nêu ngắn gọn về “liệt sĩ” Vũ Hồng Cẩm như sau: Năm 1973, ông Cẩm (sinh năm 1954) nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu.

 Sau giải phóng, ông tiếp tục sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, rồi bị mất tin tức và được công nhận liệt sĩ năm 1982. Năm 1983, do vẫn còn sống, ông Vũ Hồng Cẩm đã đến được khu Điện thờ Phật mẫu Trường Ân, thuộc xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Khi đó ông Cẩm mặc bộ quần áo bộ đội, suốt ngày lang thang, miệng luôn lẩm bẩm như người mắc chứng tâm thần, đến tối lại ngủ trước điện thờ, không làm phiền ai. 

Thấy hoàn cảnh đáng thương, Ban Cai quản Điện thờ Phật mẫu Trường Ân cho ông Cẩm ăn, rồi đưa màn, chiếu để ông tá túc tại đây. Dần dần, ông Cẩm quen với người dân địa phương, rồi làm thuê kiếm sống.Qua tiếp xúc, mọi người đoán ông là bộ đội, nay bị mất trí nhớ nên báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. Chính quyền quan tâm, cử người gần gũi, tiếp xúc để tìm hiểu thông tin về ông. Nhưng thời gian dài trôi qua, việc tìm hiểu chưa đem lại kết quả do ông Cẩm hầu như không nhớ được gì. Bỗng vào một ngày năm 1995, ông Cẩm chợt nói quê mình ở xã Hiến Nam, tỉnh Hải Hưng. 

Thấy vậy, ông Ba Tuyện (một người quê miền Bắc, hiện là cán bộ tại địa phương) liền cho con dâu (quê gốc ở tỉnh Hải Hưng) gợi chuyện thêm, qua đó biết được quê ông Cẩm ở thôn Thượng (xã Hiến Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng). Ông Ba Tuyện liền gọi điện thoại về xã Hiến Nam để báo tin. 

Cán bộ xã Hiến Nam sau đó báo cho gia đình ông Cẩm biết chuyện. Khi đó, cụ Vũ Văn Cầm (bố ông Cẩm) đã báo tin cho người cháu là Vũ Trung Giới (hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh) và em trai ông Cẩm là Vũ Hồng Quân (đang làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để họ vào Tây Ninh gặp ông Cẩm. Sau khi biết đích xác con trai còn sống, cụ Cầm đã vào Tây Ninh để đón “liệt sĩ” Cẩm trở  về. Lúc gặp nhau, hai cha con mừng rỡ trào nước mắt, chẳng nói nên lời.

Trong thời gian gia đình cụ Cầm biết tin về người thân, thì Quân khu 7 cũng được biết về trường hợp của “liệt sĩ” Cẩm. Sau khi kiểm tra, Quân khu 7 xác định đó là quân nhân của đơn vị nên đã đón ông Cẩm về Bệnh viện của Quân khu để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Cụ Cầm nán lại để chờ con điều trị, khi xong sẽ đưa về quê nhà. Gặp ông Cẩm tại Bệnh viện của Quân khu 7, tác giả Ngọc Mai đã viết nên câu chuyện với mong muốn trong thời gian tới người “liệt sĩ” này sẽ được giải quyết chế độ để sớm ổn định cuộc sống.

Đoạn kết có hậu của “liệt sĩ” trở về ảnh 2

(Từ phải sang) Nguyên Chủ tịch UBND xã Hiến Nam Vũ Ngọc Trí, ông Vũ Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND phường An Tảo Lê Thanh Tùng và ông Vũ Hồng Quân. Ảnh: Kiến Nghĩa.

… Đến đoạn kết có hậu

Từ câu chuyện trên, tôi tìm về quê nhà ông Vũ Hồng Cẩm để biết sau khi trở về địa phương nhiều năm, người “liệt sĩ” này hiện sống ra sao? Quê ông Cẩm giờ thuộc phường An Tảo, vì năm 2004 xã Hiến Nam được tách thành hai phường An Tảo và Hiến Nam của thành phố Hưng Yên. Tại trụ sở phường, ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường An Tảo cho biết: “Năm 1995, sau khi trở về địa phương, ông Cẩm được các cơ quan có trách nhiệm làm giấy tờ, thủ tục để ông được hưởng chế độ theo quy định. Ông hiện là thương binh nặng, hạng 1/4”.

Chủ tịch phường Lê Thanh Tùng đưa tôi đến nhà ông Cẩm, nay thuộc khu phố An Thượng của phường. Đây là khu phố mới, đường sá khá khang trang.Ông Cẩm hiện sống một mình trong ngôi nhà nhỏ do gia đình xây dựng từ năm 2003, khi ông có nguyện vọng được ra ở riêng. 

Tại nhà ông Cẩm hôm đó, ngoài chủ nhân, chúng tôi còn gặp ông Vũ Hồng Quân (người từng đến gặp anh trai tại Tây Ninh trước đây) và ông Phạm Văn Quý, Bí thư Chi bộ khu phố An Thượng. Sau hơn hai mươi năm, cụ Vũ Văn Cầm đã mất; còn ông Cẩm tuy đã già đi nhưng tôi vẫn nhận ra do đã thấy chân dung ông ở trong bài báo trước đây. Do trí nhớ không phục hồi được nhiều, lại gặp người lạ, nên ông Cẩm rất ít nói. Nhưng qua câu chuyện của ông Quân và ông Quý, tôi được biết thêm khá nhiều điều về người “liệt sĩ” này mà bài viết trước đây chưa đề cập đến.

Ông Phạm Văn Quý cho biết:“Tôi và anh Cẩm cùng làng, học cùng lớp với nhau. Tôi nhập ngũ trước anh Cẩm vài tháng, tuy không cùng đơn vị nhưng vẫn biết tin tức về nhau. Trước khi anh Cẩm bặt tin, lần cuối chúng tôi gặp nhau vào năm 1977 tại quê nhà, khi cả hai cùng được về phép. Hôm đó, anh Cẩm mang quân hàm thiếu úy, có cho tôi biết đơn vị của anh thuộc Quân khu 7, hiện đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia”.

Hôm đó, tuy tay bị đau nhưng ông Vũ Hồng Quân vẫn nhanh nhẹn phụ giúp ông Cẩm tiếp đón chúng tôi. Ông kể: “Năm 1995, khi đang làm việc tại một công ty lâm sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi bất ngờ được gia đình cho biết anh Cẩm hiện còn sống, đang ở tỉnh Tây Ninh. Tôi cùng anh Vũ Trung Giới (con người bác trong họ, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh) về ngay Tây Ninh để gặp anh Cẩm. Đến Điện thờ Phật mẫu Trường Ân, chúng tôi chưa gặp được anh Cẩm ngay vì anh đang đi làm thuê, nên phải nhờ người dân địa phương gọi về hộ. 

Lúc anh Cẩm về, chúng tôi trào nước mắt khi nhận ra anh. Còn anh Cẩm thì cứ ngơ ngác chưa nhận ra người thân cũng như chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Trò chuyện hồi lâu, anh mới nhận ra chúng tôi và nhớ một vài chuyện.Khi biết mình đã được công nhận liệt sĩ, anh Cẩm ngồi thừ, không nói được gì. Về sau anh mới cho biết, trong một trận đánh do bị sức ép bom đạn nên anh ngất đi. Tỉnh lại không thấy ai, anh cứ đi mãi, không rõ đã qua những đâu để cuối cùng đến được tỉnh Tây Ninh. Trong những năm sống tại đây, đôi lúc anh thấy nhớ nhà, nhưng khi cố nghĩ quê mình ở đâu thì lại không nhớ được gì nữa”.

Ông Quân cho biết, khi cụ Vũ Văn Cầm vào Tây Ninh đón ông Cẩm, có cả lãnh đạo xã Hiến Nam cùng đi. Rồi ông nói với người nhà đến gặp ông Vũ Ngọc Trí, nguyên Chủ tịch UBND xã Hiến Nam, người năm xưa từng vào Tây Ninh với cụ Cầm, hiện cũng ở gần đây để mời đến nhà chơi. 

Tới nơi, ông Trí cho biết: “Năm 1995, tôi là người trực tiếp nghe cuộc điện thoại ở miền Nam báo tin về anh Cẩm, nên đã thông tin cho gia đình biết. Sau khi người nhà cụ Cầm vào Tây Ninh rồi báo tin anh Cẩm còn sống, tôi đã báo cáo sự việc với lãnh đạo thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên), đồng thời đề xuất được đi công tác Tây Ninh để cùng gia đình giải quyết công việc. 

Được cấp trên chấp thuận, tôi và một cán bộ chính sách của xã cùng cụ Cầm vào Tây Ninh  gặp anh Cẩm. Tại đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ có trách nhiệm của Quân khu 7 khi họ cũng đến gặpông Cẩm để xác minh sự việc. Sau khi làm việc, cán bộ Quân khu 7 mời ông Cẩm ra Bệnh viện của Quân khu để chữa bệnh một thời gian. Do bận công tác nên chúng tôi ra Bắc trước, còn cụ Cầm ở lại miền Nam với con. Khoảng một tháng sau, khi hai cha con trở lại quê nhà, địa phương đã tổ chức đón anh Cẩm rất chu đáo”.

Trong buổi trò chuyện, ông Vũ Hồng Quân đã nhắc đến bài viết trên Tiền Phong Chủ Nhật trước đây và cho biết: “Sau khi báo đăng, ít lâu sau anh tôivề nhà. Mọi giấy tờ cần thiết đã được Quân khu 7 hoàn tất để anh Cẩm làm chế độ”. Hiện nay, với mức chế độ hơn 5 triệu đồng một tháng, ông Cẩm có cuộc sống ổn định. Thỉnh thoảng khi bệnh tái phát, do không thể làm chủ được bản thân nên ông Cẩm thường la hét hoặc bỏ ra đường. Tuy nhiên, do có anh em ruột sống gần nhà, nên mỗi khi ông Cẩm phát bệnh đều được người thân nhanh chóng giúp đỡ.

Gặp lại nhân vật cũ của báo sau hơn hai mươi năm, tôi nhớ câu nói của ông Quân khi chia tay: “Chiến tranh là có mất mát, hy sinh. Tuy không còn lành lặn, nhưng việc anh tôi trở về được với gia đình và sống ổn định trong những năm tháng qua đã là điều may mắn”.

MỚI - NÓNG