Dọc miền chân sóng - Kỳ 5: Chuyển hướng sinh nhai

Đậu xanh trên cát cho thu nhập cao ở làng Vĩnh Hòa.
Đậu xanh trên cát cho thu nhập cao ở làng Vĩnh Hòa.
TP - Cá chết, biển khóc, người điêu đứng. Nhưng như cây xương rồng giữa chang chang cát bỏng, vẫn hiên ngang thẳng cánh đơm hoa, ngư dân miệt biển Quảng Trị vẫn vươn lên mà sống…

Hừng đông tầm 6 giờ sáng mà mặt trời đỏ lừ, báo hiệu một ngày nắng gắt. Từ thị trấn biển Cửa Việt, tôi tới làng cát Bình An ở xã Triệu Vân huyện Triệu Phong, vào nhà vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hải. Anh Hải kể, ngày biển còn sạch, sáng sáng vợ chồng anh phóng ôtô đông lạnh thu mua hải sản trong vùng cho các thương lái ở thị trấn Cửa Tùng ngoài Vĩnh Linh và các mối làm ăn trong Thừa Thiên-Huế. Ngót 3 tháng nay, từ dạo cá biển chết, vợ chồng anh không còn xuôi ngược vệt bãi ngang Vân-Lăng nữa, phải ở nhà chuyển hướng kế sinh nhai, tự cứu mình bằng cách nuôi lợn thịt, cá trê lai, rô đầu vuông.

Trồng cây, nuôi cá, thả bò

Cũng ở làng cát Bình An, ngày biển báo động đỏ, ngư dân Nguyễn Ba Vì lâm cảnh bí bách khi ông là lao động chính cõng 4 miệng ăn, thêm cô gái út sắp bước vào đại học. Bữa trước đi biển, hòm hòm sau mỗi ngày ông cũng có trong tay 500 nghìn đồng, ấy là  chưa kể lúc được mùa thì thu những 2-3 triệu đồng. Ngày tạm gác lưới úp thuyền, sau mấy đêm liền không chợp mắt, ông quyết định cải tạo diện tích đất cát hoang trong nhà trồng dưa quả, đậu xanh, sắn. Vụ tới sẽ tăng thêm mướp đắng, mướp ngọt, khoai lang nhằm đa dạng nguồn thu. Ông bảo trong tay hiện còn hơn 1 ha đất cát chưa sử dụng nên sẽ đầu tư trồng rừng vào vụ mưa này từ vốn vay ưu đãi phát triển cây trồng trên cát.   

Ở trụ sở UBND xã Triệu Vân, mất điện, mồ hôi ròng ròng nhưng vẫn không ngăn được sự phấn chấn của phó chủ tịch xã Hồ Xuân Đức: “Trước sự khó của ngư dân trong việc đánh bắt, đậu đen xanh lòng là cây cứu tinh của dân ở đây. Mỗi năm toàn xã trồng 70 ha, mỗi hecta cho thu hoạch hơn 50 triệu đồng. Đây là một trong những loại cây chủ lực giúp dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững”.

Áp cảng Mỹ Thủy thuộc huyện Hải Lăng là thôn Gia Đẳng của xã Triệu Lăng (Triệu Phong), nhà ngư dân Trần Huyến cũng như mọi cư dân trong làng rơi vào cảnh túng thiếu khi cá biển chết. Anh bảo, đang yên đang lành ngày cũng kiếm được 400 trăm ngàn, có ngày trúng đậm mẻ lưới 2-3 triệu đồng, bỗng dưng Formosa sinh chuyện, không biết làm chi nhét vô miệng bầy tàu há mồm 4 đứa con, rồi việc học hành của chúng nữa chứ. May nhờ Chính phủ hỗ trợ lương thực, thực phẩm nên đời sống hằng ngày trong nhà anh cũng vợi phần nào vất vả. “Nhưng rồi nghĩ mãi, không thể ngồi chờ ngày biển đẹp trở lại nên tui quyết định thế chấp “sổ đỏ” vay 150 triệu đồng đầu tư nuôi bò, gia cầm và làm vườn. Cũng may, nhờ chọn hướng trúng, nắm được kỹ thuật nuôi dắt và biết cách tận dụng lợi thế đồng cỏ, bãi chăn thả nên việc nuôi bò đang tiến triển tốt. Non 4 tháng mà 5 con bò giống đã tăng trọng nhanh, 2 con lại sắp đẻ. Bước đầu rứa là vui cái bụng rồi. Nhà tui còn cải tạo mở rộng đất vườn trồng sắn, đậu xanh vừa tăng thêm thu nhập vừa tận dụng làm thức ăn chăn nuôi”, anh Huyến mặn chuyện.

Đến nay qua gần 3 tháng, vùng biển cách bờ chừng 20 hải lý trở lại phải bỏ không vì không còn cá, tôm. Tôi không hiểu cơ sở nào để lãnh đạo đầu ngành nông nghiệp ở địa phương đề xuất dự kiến sử dụng chỉ 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế, nhưng lại tới 1.100 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hạ tầng nào phục vụ trực tiếp cho sinh kế người dân lại rất mơ hồ”.

Gio Hải là một xã bãi ngang, cát trắng bạc màu của huyện Gio Linh. Từ bao đời nay, người dân vùng cát Gio Hải chỉ quen đánh cá biển, trồng các loại hoa màu sắn khoai, chưa hề trồng lúa. Song quãng đôi ba năm nay, đặc biệt sau ngày cá biển chết, trồng lúa trên cát đã thành tiêu điểm. Ngư dân Nguyễn Văn Võ là người có ruộng lúa nhiều nhất xã. Vụ đông xuân này nhà anh thu hoạch ngót 5 tấn lúa. Nhờ cây lúa mà cuộc sống nhà anh khấm khá, con cái ăn học đường hoàng. 

Ngư dân kiêm nông dân Võ cười hề hề: “Ban đầu mới đem lúa gieo trên cát ai cũng cho rằng tôi bị “thần kinh” vì họ nghĩ vùng đất cát bạc màu nhiễm phèn nhiễm mặn thì chỉ trồng được khoai, sắn chứ không thể trồng lúa. Rất nhiều lần thất bại đã cho tôi bài học vàng rằng ở vùng đất cát bạc màu như ở Gio Hải thì trồng giống lúa Khang Dân là phù hợp nhất vì ít sâu bệnh, chịu hạn tốt mà năng suất lại rất cao”.

Bí thư xã Gio Hải Trần Văn Chương bổ sung, hiện xã có hòm hòm 50ha lúa trên cát, mỗi hecta cũng ngót nghét 47 tạ. Tuy nhiên, người trồng lúa vẫn là tự phát, chưa có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng lúa.

Dọc miền chân sóng - Kỳ 5: Chuyển hướng sinh nhai ảnh 1

Phát triển đàn bò vùng bãi ngang.

Chuyển đổi sinh kế, thấp tính khả thi?

Cá biển chết, ngư dân Quảng Trị dáo dác thúc đầu gối kiếm miếng ăn với vô số nghề tạm gọi là mới. Còn lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, thôn cũng vào cuộc không ngoài ý nguyện giúp ngư dân miệt biển thoát cơn bĩ cực. Hôm 12/7, UBND tỉnh Quảng Trị mở hội nghị Bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Quảng Trị có hơn 8.000 hộ dân ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả cá chết. Nghề nghiệp chính của người dân ở đây là khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến hoặc dịch vụ nghề cá. “16 xã, thị trấn có hơn 4.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó non 1.000 ha có thể quy hoạch, cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao... Từ nay đến năm 2020 chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20 mã lực đến dưới 90 mã lực lên công suất trên 90 mã lực và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90 mã lực trở lên, đảm bảo cho việc khai thác trung bờ và xa bờ. Khôi phục và chuyển đổi nghề khai thác cá đáy, phát triển sinh kế thay thế một cách ổn định cho ngư dân vùng biển”, ông Hưng nói.

Chủ tịch huyện Triệu Phong Nguyễn Triều Thương và Chủ tịch huyện Gio Linh Trương Chí Trung bổ sung thêm, cần thiết phải cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất nhỏ lên công suất lớn hơn để đánh bắt ở trung bờ và xa bờ; đề nghị Chính phủ, bên cạnh hỗ trợ bà con ngư dân vay nguồn vốn ưu đãi đóng mới tàu thuyền trên 400 mã lực, xem xét hỗ trợ cho bà con vay nguồn vốn ưu đãi này đóng mới tàu dưới 400 mã lực trở xuống, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề biển...

Thế nhưng, lãnh đạo 16 xã, thị trấn và ngư dân đều cho rằng, những giải pháp kể trên quá xa rời thực tế. Ngư dân Bùi Đình Sành, trưởng ban tự quản tàu thuyền khối phố 5, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) bảo: “Nói tới biển bãi ngang là nghĩ ngay đến việc tàu thuyền lớn không thể vào bờ. Bao đời nay, sinh kế của bà con ngư dân ở đây chỉ biết dựa vào việc đánh bắt con cá, con tôm ở gần bờ. Trong trường hợp hoán cải, nâng cấp, hoặc đóng mới tàu cá lên công suất lớn, để đánh bắt trung và xa bờ, thì số tàu thuyền này sẽ vào ra, neo đậu ở đâu?”.

Một giải pháp nữa mà cơ quan chức năng đưa ra cũng bị coi là mơ hồ và có vấn đề. Đó là số tiền được bồi thường, dự kiến sử dụng vào các việc làm cụ thể như tái tạo nguồn lợi thủy sản 200 tỷ đồng, khắc phục ô nhiễm môi trường 400 tỷ đồng, chuyển đổi sinh kế cho người dân 200 tỷ đồng, tăng cường năng lực sản xuất (hỗ trợ lãi suất) 100 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, bao gồm cơ sở hạ tầng thủy sản, hạ tầng thủy lợi là 1.100 tỷ đồng.

Một cán bộ lãnh đạo địa phương xã biển bãi ngang ở Quảng Trị (đề nghị không nêu danh tính) nói với phóng viên: “Sau khi Formosa Hà Tĩnh xả thải làm cá biển ở 4 tỉnh miền Trung chết trắng, ngư dân Quảng Trị là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và rất nặng nề. Đến nay qua gần 3 tháng, vùng biển cách bờ chừng 20 hải lý trở lại phải bỏ không vì không còn cá, tôm. Tôi không hiểu cơ sở nào để lãnh đạo đầu ngành nông nghiệp ở địa phương đề xuất dự kiến sử dụng chỉ 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế, nhưng lại tới 1.100 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hạ tầng nào phục vụ trực tiếp cho sinh kế người dân lại rất mơ hồ”.

MỚI - NÓNG