Độc quyền buýt 2 tầng là ngược với kinh tế thị trường

Xe buýt 2 tầng chạy thử nghiệm tại Hà Nội. Tác giả: Như Ý
Xe buýt 2 tầng chạy thử nghiệm tại Hà Nội. Tác giả: Như Ý
TPO - Việc chỉ định cho Cty Hải Vận độc quyền kinh doanh xe khách 2 tầng, thoáng nóc phục vụ du lịch đang được cho là ủng hộ kinh doanh độc quyền (Ngày 14/2, Tiền Phong có bài “Bộ GTVT ủng hộ kinh doanh độc quyền?”). Nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GTVT nên xem lại quyết định này.

Dịch vụ phổ biến, sao độc quyền thí điểm?

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: Về nguyên tắc, thí điểm chỉ áp dụng đối với các sản phẩm/dịch vụ mới, khó thực hiện. Trong khi, dịch vụ xe khách hai tầng mui trần phổ biến trên nhiều nước; dịch vụ xe đưa đón cao cấp tại sân bay đã phát triển mạnh ở nước ta.

“Đây là loại hình dịch vụ phổ biến, không lạ lẫm, không quá đặc biệt. Vì vậy, rất khó thuyết phục khi Bộ GTVT chỉ cho một DN thí điểm tại 7 thành phố, kéo dài đến 5 năm”.

Luật sư Đức cho hay, nếu để Cty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân (Cty Hải Vân) độc quyền thí điểm trên diện rộng, trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại. Thứ nhất, đi ngược lại với định hướng tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh, lành mạnh của Đảng và Nhà nước.

“Một DN được độc quyền thí điểm trong 5 năm, trên 7 thành phố thì sau khi thí điểm xong họ đã thành một DN độc quyền; không DN nào có cửa để cạnh tranh” – Luật sư Đức bình luận. Tác hại thứ hai, quan trọng hơn được ông Đức đưa ra là việc độc quyền thí điểm sẽ không mang đến cho khách du lịch, người tiêu dùng một dịch vụ cạnh tranh về cả chất lượng và giá thành.

Ông Đức đề nghị Bộ GTVT nên thay đổi dự án này bằng cách đưa ra các tiêu chí để các tỉnh thành triển khai theo hướng đấu thầu cung cấp dịch vụ. Hoặc Bộ GTVT chỉ nên thí điểm ở quy mô nhỏ, trong thời gian ngắn sau đó để các DN đủ điều kiện đăng ký kinh doanh.

Các DN đang hoạt động sẽ bị “xử” lý ra sao?

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế -TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần làm rõ việc Bộ GTVT để Cty Hải Vân thực hiện trong vòng 5 năm tại 7 tỉnh thành hay không? TS Doanh đặt vấn đề, liệu có đơn vị nào có ý tưởng như trên, hay sau Cty Hải Vân sẽ không còn ai làm mô hình đó nữa? “Nếu chỉ cấp cho một DN, rõ ràng anh đã vi phạm nguyên tắc tiếp cận thị trường và cạnh tranh của kinh tế thị trường”- TS Doanh nói.

Theo TS Doanh, cần tham vấn thêm Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để xem xét các yếu tố có độc quyền hay chưa. “Tôi cho rằng, như vậy là có dấu hiệu độc quyền, ít nhất là trong vòng 5 năm. Vấn đề, trong 5 năm đó, anh có cho DN khác cũng được tham gia loại hình dịch vụ vận tải trên hay không”.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, ngay tại các tỉnh thành dịch vụ xe khách cao cấp đưa đón từ sân bay về nội thành (cho phép Hải Vân thí điểm) đã rất phổ biến, cạnh tranh quyết liệt giữa nhiều DN. Dịch vụ xe khách 2 tầng (chưa có mui thoáng) cũng đã triển khai tại TP HCM.

Tại Đà Nẵng, UBND thành phố này từng công bố: Cty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô triển khai hoạt động loại hình kinh doanh xe khách du lịch mui trần loại 1 tầng và 2 tầng trên địa bàn, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2017. Hiện DN này đã đặt đóng xong xe chuẩn bị đi vào hoạt động.

Trong khi, nội dung công văn Bộ GTVT gửi các tỉnh (trong đó có Đà Nẵng) có nội dung “không phát sinh tăng các đơn vị thí điểm nếu chưa có đồng ý khi chưa được Thủ tướng cho phép”. Như vậy, không rõ Đà Nẵng có tiếp tục để DN này triển khai dịch vụ không. Chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo sở GTVT Đà Nẵng nhưng không nhận được câu trả lời. Một số DN kinh doanh vận tải (có kinh doanh dịch vụ đưa đón tại sân bay – một trong hai dịch vụ mà Cty Hải Vân được chỉ định thí điểm) cũng “ngại” công khai ý kiến dù muốn có môi trường cạnh tranh. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM đồng tình với việc thí điểm dịch vụ này. Tuy nhiên, ông Tính cho rằng, cần công khai thông tin kêu gọi, nếu có DN nào muốn thí điểm, đủ khả năng, Bộ GTVT cần xem xét.

Về lâu dài, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần luật hoá các quy định liên quan đến thí điểm. “Trường hợp Bộ GTVT chấp thuận cho một DN như hiện nay khó có thể làm người nghe không nghĩ đến việc cánh hẩu, vận động hành lang. Chính phủ nên có quy định cụ thể trường hợp nào được thí điểm, thí điểm ra sao để tránh việc lợi dụng thí điểm để tạo ra độc quyền” – Luật sư Đức đề nghị.

Một nguyên lãnh đạo Bộ KH&ĐT (trực tiếp xây dựng Luật Đấu thầu) cho rằng, về nguyên tắc, dù là đề án của nhà đầu tư xây dựng và đề xuất, không nên cùng 1 lúc triển khai đồng loạt tại 7 tỉnh thành. Nên 6 tháng thực hiện ở tỉnh A, sau đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp rồi mới triển khai ở tỉnh B, như vậy sẽ rút được kinh nghiệm để triển khai ở tỉnh tiếp theo tốt hơn, hiệu quả hơn. “Đã là thí điểm thì nên thực hiện dần dần, và việc triển khai thí điểm lên tới 5 năm cũng quá dài”, ông nói.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, việc công ty Hải Vân tham gia cung cấp dịch vụ chỉ là thí điểm; các đơn vị khác có nhu cầu, Bộ GTVT sẵn sàng tạo điều kiện để tham gia.

Thông tin từ vụ chuyên môn thuộc Bộ GTVT cho hay, đến ngày 8/3, ngoài Cty Hải Vân, hiện chỉ có thêm một doanh nghiệp tại TP HCM chính thức đề nghị và đang được Bộ GTVT hướng dẫn phối hợp cùng các cơ quan chức năng tại TP HCM tiến hành trước các bước. Các đơn vị đã có xe chạy thử tại Hà Nội, Đà Nẵng chưa có thông tin chính thức đến Bộ GTVT.
MỚI - NÓNG