Đời đò dọc

Một buổi sáng chờ đợi chỉ được bấy nhiêu khách.
Một buổi sáng chờ đợi chỉ được bấy nhiêu khách.
TP - Những chiếc đò dọc từ lâu đã trở thành phương tiện đi lại vận chuyển người và hàng hóa phổ biến của người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Không ít người cả đời mưu sinh bằng nghề chạy đò dọc, nhưng giờ đây khi các phương tiện giao thông phát triển, nghề lái đò dọc chung chiêng, hiu hắt.

Nhọc nhằn

Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, vợ chồng ông Hồ Tấn Lợi, 75 tuổi (phường Thới Hòa, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) bắt đầu nhổ neo chuẩn bị một ngày kiếm sống bằng nghề lái đò dọc. Ở phía cuối con đò, cụ ông mặc bộ quần áo bà ba đen, đầu hoa râm, tóc búi củ tỏi lom khom bên chiếc máy diezel. Sau 3 tua quay, chiếc máy rung lên bần bật. Ngồi chống mũi đò là bà Ngô Thị Lùng (69 tuổi), vợ ông Lợi, người giữ vai trò “hoa tiêu” cho chồng rước khách.

Vợ chồng ông Lợi mưu sinh bằng nghề chạy đò dọc gần 20 năm. Ông Lợi kể: “Thời đó, thấy gia đình tui không có việc làm ổn định, bà con xung quanh hối thúc tui đóng chiếc ghe đưa đò kiếm sống. Tui đi vay mượn tiền để đóng ghe. Ngày đem chiếc ghe mới về, trong túi vợ chồng tui chỉ có 100 ngàn đồng. Bà con thương tình, ngay hôm đó kêu tôi chở đầy đò đi chợ, như là mừng tôi khai trương đò và nghề mới”.

Theo ông Lợi, người dân ở vùng này đa số là dân làm ruộng, nhà cửa ngoài đồng nên đi lại bằng đường bộ rất khó khăn. Trong khi kênh rạch ở đây chằng chịt nên người ta chuộng đi lại bằng đò. Thêm vào đó, đi đò họ có thể mang theo được nhiều hàng hóa. “Mỗi sáng tôi đưa rước khách đi chợ 3 đến 4 lần, kiếm được 400 - 500 ngàn/ngày là gia đình tôi sống khỏe” - ông Lợi nói.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, nghề chạy đò như làm dâu trăm họ, mới 3- 4 giờ sáng đã phải xuống ghe chạy từ nhà ngược lên hướng thượng nguồn khoảng chục cây số để rước khách. Ai có nhu cầu đi đò thì đứng trên bờ gọi, ông ghé vào đón. Cứ thế, vừa đi vừa rước khách, khi đến chợ Ô Môn là khoảng 6 giờ sáng. Trong khi đợi lượt khách đầu tiên lên chợ mua sắm, ông tranh thủ quay lại rước thêm vài người khách nữa, rồi mới cập bến ngồi chờ khách  mua đồ xong quay về. Khi khách ra về, vợ chồng ông Lợi phải phụ mang vác đồ xuống đò rồi sắp xếp cho ngăn nắp, tránh hư hỏng, nhầm lẫn của khách.

Theo ông Lợi, càng về sau khách đi đò dần vắng bóng vì đường sá thông thoáng, trong khi nhà nào cũng có vài chiếc xe máy. Nếu như trước đây mỗi chuyến đò chở 15 - 20 người thì bây giờ chỉ còn đôi ba người, có bữa không có người nào. Không chỉ chở khách, ai kêu chở gì ông Lợi chở thứ nấy, nhất là khi vắng khách, từ vật liệu xây dựng, phân bón, heo, gà, đến người đau ốm, sinh nở, thậm chí cả xác chết. “Chở không từ bất cứ thứ hàng gì”- bà Lùng nói và nhớ lại lần đầu vợ chồng bà chở một loại hàng đặc biệt mà cho đến bây giờ nghĩ tới vẫn còn rợn cả người: xác chết. “Khi kêu đò, người ta chỉ nói tới bệnh viện chở người bệnh về. Lúc đó vợ chồng tôi chuẩn bị đi ngủ, nghe tin chở người bệnh nên vội xuống đò chạy đi. Đến nơi thấy có 3 - 4 người khiêng vật gì đó quấn rất kĩ, lại có mùi tanh nồng đặt xuống đò. Một lúc sau vợ chồng tôi mới hốt hoảng khi biết đó là xác người”- bà Lùng kể.

Trong đêm tối, duy nhất có chiếc đò của vợ chồng ông Lợi chạy trên sông. Mặt nước tối om, chỉ có ánh sáng le lói phát ra từ chiếc đèn pin nhỏ của bà Lùng. Đoạn đường từ bệnh viện về đến nhà người xấu số dài hàng chục kilômét. Tuy có người nhà của người xấu số đi cùng, nhưng vợ chồng ông bà vẫn run bần bật. Mặc dù vậy, tới nơi, sau khi neo đò cẩn thận, ông bà lão lái đò phụ khiêng xác lên bờ. Sau khi đưa người xấu số về tận nhà, vợ chồng ông Lợi còn quyết định quay trở ra mua hòm để chôn cất cho tử tế. “Đời người chết là hết, nghĩ vậy nên tôi ráng làm cho trót. Gia đình người này cũng nghèo khó như tôi, lại ở tận trong ruộng”- ông Lợi chia sẻ.

Nối nghiệp

Đời đò dọc ảnh 1

Phụ giúp chuyển đồ cho khách.

Tuổi cao, không còn đủ sức để tiếp tục chạy đò, mấy năm gần đây ông Lợi quyết định lên bờ và truyền nghề lại cho con gái là Hồ Thị Diệu (47 tuổi). Hai vợ chồng già sống nhờ vào vườn ổi sau nhà. Cứ vài ba ngày, vợ chồng ông Lợi hái được chục kí ổi, quá giang đò con gái ra chợ bán được vài chục ngàn để mua cá mắm, gạo thóc đắp đổi qua ngày.

Nối nghiệp cha, chị Diệu tiếp tục lênh đênh sông nước với con đò. Chị tâm sự: “Nhà có 8 anh chị em, nhưng không ai thích nghề này vì kiếm không được bao nhiêu. Bản thân tôi cũng vậy, nhưng nghĩ lại nó là nghề của cha mấy chục năm nay tôi không thể bỏ được nên ráng theo. Thêm nữa, nếu bỏ nghề thì bà con ở đây mất đi phương tiện chuyên chở hàng hóa đến những nơi không có đường bộ”.

Chị Diệu chở hàng hóa nhiều hơn chở người. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng chị đã chạy đò đi rước khách. Có hôm được vài ba người, hôm chẳng có ai chị đành chạy đò không đến chợ ngồi đợi, ai kêu gì chở nấy.

Là phụ nữ, sức lực có hạn, chị Diệu không thể khuân vác hàng hóa cho khách đi đò nên người ta ít thuê đò chị. Nếu có thuê thì giá cả cũng giảm so với những con đò của những người đàn ông khỏe mạnh. Mỗi chuyến hàng chị Diệu kiếm được khoảng 100 - 150 ngàn tiền công. May mắn đi được nước xuôi thì về sớm hoặc có thể kiếm thêm mối khác chở tiếp, còn như nước ngược thì đến tận 6 - 7 giờ tối chị mới về đến nhà.

Việc chở thuê rất vô chừng, khi thì một ngày chở hai đến ba chuyến, lúc thì 5 đến 6 ngày chạy đò không ra chợ rồi chạy về, lỗ cả tiền dầu. Không chỉ chở hàng, thỉnh thoảng đêm hôm có người đau ốm, chuyển dạ chị lại dậy để chở người ta đi. Chị Diệu tâm sự: “Có lần tôi chở một người say rượu ra bệnh viện. Đến nơi, người nhà của anh ta nói tôi ngồi đợi. Tôi đợi 2 - 3 tiếng đồng hồ, đêm đã khuya rồi vẫn không thấy họ trở lại. Sau đó có người tới bảo tôi về đi, tên say rượu đã nhập viện và rồi họ đi một mạch, không nói gì đến chuyện tiền nong”.

Giống như cha mẹ mình, chị Diệu cũng từng chở xác người chết. Chị kể, có lần vào ban đêm nước cạn, đò không chạy được, chị cùng thân nhân của người chết xắn quần lội sình đẩy đò. “Lượt đi thì còn có vài người đỡ sợ, khi về chỉ mỗi mình tôi với chiếc đò không. Đêm khuya, trời tối om, vừa hì hục đẩy đò ngược ra, vừa toát mồ hôi lạnh” - chị Diệu kể.

Ế ẩm

Theo những người làm nghề chạy đò dọc, thời điểm làm ăn thịnh vượng nhất của nghề lái đò dọc trong năm là dịp Tết. Những ngày này, người lái đò kiếm được gần cả triệu đồng nhờ vào việc chở khách đi chợ mua bán hàng Tết. Nhưng riêng năm nay lại khác…

Đời đò dọc ảnh 2

Bà Lùng lui đò ra sông trong lúc ông Lợi đang chuẩn bị nổ máy.

Đi dọc bờ sông chợ Ô Môn chỉ thấy những người lái đò tụm năm, tụm ba ngồi tán gẫu đến tận gần trưa nhưng không có một ai đến thuê. Bà Đoàn Kim Hoa (60 tuổi, ngụ phường Thới Hòa) có thâm niên hơn 20 năm trong nghề lái đò dọc than thở: “Mọi năm, khoảng mười  mấy tháng Chạp là người ta đi chợ dập dìu rồi. Một ngày tôi chạy đưa khách không dưới 5 - 6 lần. Nghề này chỉ mong chờ mỗi cái áp Tết để kiếm chút tiền, năm nay 22 Tết rồi mà tụi tôi còn ngồi tập tụ ở đây không thấy ai tới kêu”. Gia đình bà Hoa sống chủ yếu dựa vào chiếc đò nhỏ, làm được đồng nào là xào đồng đó. Chồng bà sức khỏe yếu, không làm ra tiền, trong khi các con bà cũng đã có cuộc sống riêng nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do một tay bà Hoa lo liệu.

Hơn tháng nay, đò chị Diệu cũng không có ai thuê, chị phải chạy vạy mượn tiền hàng xóm để xoay xở chi tiêu cơm cà mắm muối. Là người may mắn nhất sáng chúng tôi đến, chị Diệu rước được 5 khách. Chị phấn khởi nói: “Thường ngày tôi ngồi đây tới khoảng 8 giờ 30 nếu không có khách thì chạy đò không về, ngồi nhà đợi có ai kêu thì chở tiếp. Hôm nay, có mấy người khách dặn trước nên mới ngồi đợi thêm một tiếng nữa để 5 người được 50 ngàn đỡ lỗ tiền dầu”.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê đã tan hết đá từ bao giờ, anh Nguyễn Văn Chăng (47 tuổi, ngụ phường Thới An) rầu rĩ: “Cũng như mấy chị ở đây, 5 bữa rồi tôi đâu có chở được mối nào. Nhà thì xa, chạy đò không vô đây hơn chục cây số rồi ngồi nói chuyện tới trưa lại chạy đò không về”.

Anh Lê Thành Tâm - Phó Ban quản lí chợ Ô Môn cho biết, hằng ngày đò dọc từ các nơi như Cờ Đỏ, Thới Lai, Đồng Tháp cập bến ở chợ Ô Môn để trao đổi hàng hóa. Mỗi lần đò cập bến, chúng tôi thu 10 ngàn đồng/chiếc. Riêng những chiếc đò dọc chở người, từ lúc chợ về địa điểm mới, chúng tôi không thu tiền.  “Việc làm ăn bây giờ cũng khó khăn, nhiều người ngồi mấy ngày trời không chở được chuyến nào, nếu thu tiền thì cũng khó cho họ”- anh Tâm nói.
MỚI - NÓNG