Đổi giấy phép lái xe vật liệu PET: Trách nhiệm hai bộ liên quan đến đâu?

Vì đặt ra quy định chậm đổi GPLX phải thi lại lý thuyết đã tạo áp lực lớn đến người đổi GPLX (ảnh chụp tại điểm đổi GPLX tại Tổng cục Đường bộ).
Vì đặt ra quy định chậm đổi GPLX phải thi lại lý thuyết đã tạo áp lực lớn đến người đổi GPLX (ảnh chụp tại điểm đổi GPLX tại Tổng cục Đường bộ).
TP - Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, việc buộc người chậm đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET là không phù hợp và sẽ bỏ hoàn toàn các chế tài xử lý. Vậy, trách nhiệm khi đưa ra quy định thiếu tính pháp lý này sẽ thế nào?

GPLX bằng giấy vẫn dùng bình thường

Ông Nguyễn Hồng Trường cho hay, sau khi Bộ Tư pháp có ý kiến cho rằng, quy định buộc người sở hữu GPLX phải thi lại lý thuyết nếu chậm đổi GPLX vật liệu PET là không đủ cơ sở pháp lý, Bộ GTVT đã bỏ quy định này.

Tuy nhiên, như Tiền Phong phản ánh, trong thông báo công khai ngày 1/12, Bộ GTVT vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu sẽ kết thúc việc đổi sang bằng PET vào năm 2020 khiến dư luận khó hiểu. Về việc này, ông Trường giải thích: Việc Bộ GTVT vẫn giữ lộ trình chuyển đổi sang GPLX vật liệu PET đối với xe máy năm 2020 vì quãng thời gian 3 năm đủ dài để người dân thực hiện chuyển đổi.

“Bằng giấy còn thời hạn tất nhiên vẫn sử dụng bình thường. Mục tiêu Bộ GTVT hướng đến là quản lý bằng lái bằng hệ thống điện tử. Và để quản lý hiệu quả cần chuyển đổi toàn bộ số bằng lái” - ông Trường nói. Đối với GPLX ôtô vì có quy định về thời hạn nên người sở hữu sẽ thực hiện đổi sang GPLX vật liệu PET khi hết hạn.  

Ông Trường khẳng định, dù đặt ra lộ trình hoàn thành vào năm 2020 nhưng sẽ không có chế tài nào xử lý đối với người không chuyển đổi. “Chúng tôi cố gắng kết thúc vào thời điểm đó nhưng chủ yếu thực hiện tuyên truyền vận động người dân” – ông Trường nói.

Học, thi lại lý thuyết nhằm ngừa bằng giả

Như đã thông tin, Bộ Tư pháp cho rằng, việc Bộ GTVT đưa ra lộ trình đổi GPLX vật liệu PET và buộc người chậm đổi phải thi lại lý thuyết (Quy định trong Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ. Trong đó, đối với GPLX ô tô là 31/12/2016, đối với GPLX mô tô là 31/12/2020) là không có cơ sở pháp lý, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Những ngày qua, tại nhiều địa phương, người dân lo lắng, gấp rút đến điểm đổi GPLX gây ùn ứ, mất nhiều thời gian, chi phí.

Trả lời câu hỏi, Bộ GTVT rút kinh nghiệm và xử lý cơ quan tham mưu như thế nào về việc đưa ra quy định không đủ cơ sở pháp lý này? Ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Mục tiêu của Bộ GTVT khi chuyển đổi sang GPLX vật liệu PET nhằm cung cấp cho người dân bằng lái xe bền, gọn gàng và thực hiện lộ trình hội nhập (với 85 nước tham gia công ước Viên về giao thông đường bộ), số hóa việc quản lý bằng lái… Việc đặt ra thời hạn và hình thức xử lý nhằm nâng cao trách nhiệm người dân.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hồng Trường, thông tư 58/2015/TT-BGTVT ra đời trong hoàn cảnh nạn bằng giả tràn lan gây bức xúc. Chính vì vậy, khi xây dựng lộ trình chuyển đổi sang GPLX vật liệu PET, Bộ GTVT đề nghị đưa quy định về thi lại lý thuyết đối với người chậm đổi GPLX vật liệu PET để chủ yếu xử lý các trường hợp nghi sử dụng bằng giả.      

“Quy định buộc người dân thi lại lý thuyết nếu chậm đổi GPLX vật liệu PET đến nay là không phù hợp. Tuy nhiên, nội dung đó được  Bộ GTVT lấy ý kiến của người dân, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công an và Bộ Tư pháp” - ông Trường lý giải.

Về những tác động tiêu cực đến người dân, ông Trường cho rằng, quá trình triển khai đã tuyên truyền rộng rãi, áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cấp đổi GPLX vật liệu PET qua internet… đã giảm thiểu phiền hà cho người dân. “Chúng tôi nghĩ rằng, đối với người có GPLX bình thường, việc đổi sang GPLX vật liệu PET sẽ rất thuận lợi; chỉ phòng ngừa những người sử dụng bằng giả. Hiện xét thấy quy định đó cũng không phù hợp nên thay đổi. Nguyên tắc thông tư có thể bổ sung, sửa đổi phù hợp với quy định”.

Ông Nguyễn Hồng Trường không nói cụ thể về việc xử lý trách nhiệm nội bộ, nhất là cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT đưa ra quy định bất hợp lý này gây tốn kém và tạo sự bức xúc. 

Xem xét trách nhiệm cả hai bộ?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để xảy ra việc quy định, lộ trình đổi GPLX vật liệu PET làm ảnh hưởng đến người dân như vừa qua thể hiện chất lượng văn bản quy phạm pháp luật còn yếu kém. “Quy định như vừa qua thể hiện sự yếu kém, nóng vội, áp đặt; cơ quan quản lý muốn xong việc sớm, đẩy cái khó cho người dân” - ông Thanh nói.

Về trách nhiệm, ông Thanh cho rằng, lỗi chính thuộc Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng có trách nhiệm khi là người “gác gôn” nhưng để lọt văn bản này. “Bộ Tư pháp nên kiểm tra lại đã góp ý như thế nào, vì sao để lọt một quy định không đảm bảo tính pháp lý lâu đến vậy”– ông Thanh đề nghị.               

Bảo An

MỚI - NÓNG