Đổi mới để chọn được đại biểu tâm huyết với dân

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một dự luật tại Hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một dự luật tại Hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến nói: “Đại biểu Quốc hội phải đóng vai trò trung tâm, phải dám tự mình giám sát những vấn đề nóng bỏng, đang đặt ra trong cuộc sống”.

Theo ông Lê Như Tiến, tới đây, cần đổi mới mạnh mẽ công tác bầu cử, ứng cử thì mới chọn được nhiều đại biểu (ĐB) tâm huyết, có đức, có tài thực sự.

“ĐB là chủ thể trong mọi hoạt động của Quốc hội (QH). Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH) cần xác định ĐB là trung tâm, là chủ thể chính không chỉ trong kỳ họp mà suốt nhiệm kỳ QH. Đừng để vai trò của ĐB mờ nhạt đi, trở thành “nghị gật” như cử tri người ta nói”, ông Lê Như Tiến nói.

Vai trò trung tâm phải rõ

Lâu nay, vai trò của ĐB còn khá mờ nhạt, nhất là trong mối quan hệ với cử tri. Luật quy định rất rõ, ĐB có thể tự mình giám sát những vấn đề “nóng”cử tri quan tâm, nhưng trong thực tế ĐB lại chưa làm được?

Đổi mới để chọn được đại biểu tâm huyết với dân ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của QH 

Lê Như Tiến

Nhiệm kỳ QH khóa XII có một ĐB ở Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội, tự mình tiến hành giám sát, nhưng đã bị cơ quan chức năng ở một địa phương giữ lại. Cụ thể là trong vụ việc ấy, ĐB thực hiện quyền tự mình đi giám sát đối với vấn đề mà cử tri quan tâm. 

Nhưng chính vì đi một mình nên ĐB đó bị địa phương giữ lại, vì người ta chưa bao giờ thấy ĐB đi một mình giám sát như thế. Người ta quen với cách thông thường, khi ĐBQH đi giám sát phải lập thành đoàn giám sát, phải thông báo cho địa phương ngày giờ, đề cương, nội dung giám sát.

Tức là dù luật quy định khá đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của ĐBQH, nhưng chúng ta vẫn chưa có cơ chế để ĐB thực hiện đầy đủ quyền năng đó?

Luật sửa đổi cần quy định rõ ai là người giúp ĐBQH, cùng ĐBQH đi giám sát, điều kiện để ĐB có thể hoàn thành nhiệm vụ (có bộ máy giúp việc, điều kiện và phương tiện làm việc). Tôi muốn nhắc lại câu chuyện ở trên để thấy chúng ta đã có luật, nhưng lại không tạo điều kiện để ĐB thực hiện những quyền đó. 

Dường như chúng ta chưa đề cao vai trò của ĐB. Ở các nước, vai trò của nghị sĩ quốc hội rất lớn, họ có thể đề xuất xây dựng cả một dự án luật. Nghị sĩ được tạo điều kiện để làm việc, họ có hai văn phòng, một ở nơi ứng cử để tiếp xúc cử tri, giữ mối liên hệ với cử tri, một văn phòng ở thủ đô để giao dịch, làm việc.

Chúng ta cũng có quy định quyền sáng kiến pháp luật, nhưng vẫn chưa thấy ĐB nào phát huy được, bởi vì ĐB vẫn gần như đơn thương độc mã. Vì thế, hoạt động của ĐB, từ việc đi giám sát đến xây dựng pháp luật, vẫn còn những hạn chế, đôi khi là bất khả thi. 

Điều đáng nói, ĐB của ta hầu như rất ít thông tin, nhiều lúc họ phải sử dụng thông tin trên báo chí. Và khi ít thông tin thì ĐB không thể quyết định chính xác các vấn đề quốc gia đại sự.

Đổi mới bầu cử, ứng cử

Chất lượng hoạt động QH phụ thuộc chất lượng từng ĐB, mà ở đây không phải chỉ có tài năng mà còn là trách nhiệm. Phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH cho biết, có những ĐB không phát biểu gì, dù lúc đó QH bàn đến vấn đề mà ĐB rất am hiểu?

Thực tế cho thấy, kết quả hoạt động của các vị ĐB không đồng đều vì chúng ta có ĐB chuyên trách ĐB kiêm nhiệm, cơ cấu, thành phần khác nhau. Có ĐB có nhiều thông tin, nhưng cũng có ĐB ít thông tin. 

Có ĐB đóng góp rất rõ nét trong các kỳ họp, phiên họp. Nhưng cũng có ĐB, theo thống kê của Văn phòng QH, cả nhiệm kỳ không phát biểu lần nào, tức là anh đã tự tước đi quyền của mình. Chính cái đó, cử tri sẽ đánh giá, chấm điểm anh. Chắc chắn những ĐB như thế cử tri sẽ không tín nhiệm, không bầu anh nữa.

Tôi nghĩ, khâu tuyển chọn, giới thiệu, bầu cử ĐBQH phải nghiên cứu, đổi mới. Trước hết là đổi mới tiêu chí chọn lựa ĐB. Trong Luật TCQH phải nói rõ QH được tổ chức theo nguyên tắc nào, vai trò của ĐB là gì.

Luật phải khẳng định vị trí trung tâm của ĐB ngay trong các hoạt động tại các ủy ban, Hội đồng Dân tộc. Vai trò trung tâm đó cũng phải rõ nét trong hoạt động hằng ngày: ĐB gặp dân, tiếp xúc cử tri ra sao, xử lý đơn thư như thế nào, phải quy định rõ hơn.


Phải tự mình giám sát những vấn đề nóng

“ĐB phải tự mình đi vào những vấn đề nóng bỏng của địa phương mình ứng cử để giám sát. ĐB phải tự mình giám sát những vấn đề cụ thể, không nên chỉ giám sát những vấn đề vĩ mô. Cả một đoàn rồng rắn, đến nghe báo cáo rồi về viết báo cáo tương tự như báo cáo của chính quyền, sẽ không có nhiều tác dụng”.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của QH 

Lê Như Tiến 

Theo ông, làm sao chọn lựa để bầu được ĐBQH giỏi, tâm huyết, trách nhiệm?

Khi xây dựng Luật TCQH, Luật Bầu cử ĐBQH, phải lấy ĐB làm trung tâm, phải tạo điều kiện cho ĐB, đặc biệt là ĐB chuyên trách có điều kiện để làm việc tốt hơn nữa. Thậm chí, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để ĐB có đủ kiến thức, có đủ thông tin. Chúng ta cần có cơ chế cung cấp thông tin cho ĐB một cách thường xuyên, minh bạch. 

Việc giới thiệu người bầu cử, ứng cử ĐBQH nên có số dư để lựa chọn. Thời gian qua, chúng ta quá nặng về cơ cấu, thành phần mà chưa thật sự coi trọng chất lượng của từng ĐB. Phải rút kinh nghiệm những nhiệm kỳ trước, sửa đổi luật sao cho chọn được người tâm huyết, thực đức, thực tài.  

Ngay trong quy định tiêu chuẩn của ĐBQH (trong Luật TCQH đang sửa), tôi thấy rất chung chung. Ví dụ, quy định ĐBQH phải là người trung thành, nhưng thế nào là trung thành, có gì đo mức độ trung thành; hay phải có năng lực, phẩm chất tốt thì phải cụ thể hóa năng lực, phẩm chất ĐB là gì. 

Không nên quy định tiêu chuẩn ĐBQH một cách quá chung chung, như tiêu chuẩn của một công chức, viên chức thông thường.

MỚI - NÓNG