"Đối phó bão số 1, tất cả đã rất chủ quan"

"Đối phó bão số 1, tất cả đã rất chủ quan"
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Chủ tịch UB Tìm kiếm cứu nạn và Trưởng ban Chỉ huy PCLB TƯ Lê Huy Ngọ đều cho rằng, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, cả ngư dân và lực lượng phòng chống lụt bão đều chủ quan.
"Đối phó bão số 1, tất cả đã rất chủ quan" ảnh 1
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: "Bà con ngư dân đã rất chủ quan với bão số 1". (VietnamNet)

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của báo chí với Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Trưởng ban Chỉ huy PCLB TW Lê Huy Ngọ:

Chạy bão dựa vào kinh nghiệm

- Thưa ông, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm qua cơn bão số 1. Theo ông chúng ta cần rút ra kinh nghiệm gì?

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về cơn bão số 1 vừa qua, đặc biệt trong công tác dự báo và hướng dẫn ngư dân di chuyển kịp thời, tìm nơi tránh bão.

Phó Thủ tướng cho rằng : "Chúng ta cần rút kinh nghiệm về dự báo thông tin báo bão, làm sao để ngư dân di chuyển kịp thời, tìm nơi trú ẩn. Trong khi các tàu cách đất liền hoặc nơi neo đậu cả trăm đến hàng nghìn hải lý thì yêu cầu đặt ra là công tác dự báo phải xa hơn".

Ông cũng yêu cầu các ngành cần rút kinh nghiệm công tác tổ chức đánh bắt xa bờ phải đi liền với PCLB. Việt Nam có hàng triệu km2 bờ biển, hàng nghìn ngư dân ra khơi. Trước đây, chúng ta đã tổ chức cho tàu thuyền đánh bắt theo đội, để khi có thiên tai thì cứu giúp lẫn nhau.

Nay có hiện tượng, nhiều ngư dân chỉ có máy bộ đàm liên lạc về nhà để giấu thông tin về ngư trường. Do vậy, cần phải triển khai công tác thông tin liên lạc từ tàu vào bờ, liên lạc với cơ quan PCLB sao cho hiệu quả.

Phó Thủ tướng tỏ thái độ lo ngại khi đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu tàu, bao nhiêu ngư dân ra khơi đánh bắt bị thiệt hại do cơn bão số 1. Hiện cả lực lượng biên phòng, các địa phương, ngành thủy sản đều không nắm được con số này. Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn vẫn đang cập nhật thông tin về con số.

Theo Trung tướng Soát, lo nhất vẫn là 6 tàu bị mất liên lạc. Trên 6 tàu này có 87 người dân. "Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm và hy vọng nếu bà con cư trú vào một cái đảo nào đó là tốt nhất. Tuy nhiên đây cũng chỉ là hy vọng", ông nói.

 - Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Có lẽ còn nhiều nội dung cần rút kinh nghiệm. Rõ ràng là bà con ngư dân ta rất chủ quan. Thông thường, khi xuất hiện những cơ bão đầu mùa chúng tôi cảnh báo ít khi bão vào vùng biển nước ta, nhất là vào tháng  5, tháng 6. Chỉ riêng có năm 1989 có cơn bão số 2 vào Đà Nẵng và năm 2004 có cơn bão số 2 cũng vào Nam Trung bộ, còn lại hầu hết các cơ bão đầu mùa đều đi về hướng bắc.  

Chúng tôi đã thông báo rất sớm. Từ 13/5, chúng tôi đã thông báo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc nhưng có nhiều khả năng bão sẽ đổi hướng. Song, bà con ngư dân với kinh nghiệm đánh cá của mình nghĩ rằng, bão đang đi hướng tây tây bắc thì chạy theo hướng đông bắc là thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, vừa an toàn vừa có khả năng tiếp tục đánh cá.

Có lẽ chính điều này đã gây ra khó khăn. Thứ hai, bà con ngư dân ta cũng không chủ động liên hệ với hệ thống dự báo cảnh báo của mình mà chủ yếu liên lạc trực tiếp về nhà. Vì vậy, đến khi mất người rồi gia đình đến báo chúng ta mới biết.

- Trong tình huống này vai trò cứu nạn trên biển của hải quân phát huy như thế nào?

- Khi bão cách bờ biển Việt Nam 1.300 km, khi nhận được thông tin bà con gặp nạn chúng tôi đã đề nghị ngay phía Trung Quốc hỗ trợ và họ rất tích cực giúp đỡ ta cứu hộ. Bạn đã đảm bảo giúp ta lương thực, thuốc men, cấp nhiên liệu cho các tàu thuyền gặp nạn.

Song song với việc nhờ bạn giúp đỡ, chúng tôi đã thường xuyên liên lạc với các tàu cá gặp nạn. Bắt đầu từ 21/5, có 3 tàu cá chở 104 ngư dân, trong đó có 18 người đã bị chết, đang về đất liền. Chúng tôi đã cử 3 tàu, 1 tàu của hải quân và 2 tàu cứu nạn chuyên dụng, chạy về hướng này. Khả năng trưa nay (22/5), 3 tàu cá sẽ gặp được 3 tàu cứu nạn. Khả năng sáng mai, 3 tàu cá này sẽ được đưa về đến đất liền.

Chúng tôi cũng huy động tiếp lực lượng và bà con ngư dân ở 12 tàu của Đà Nẵng và 6 tàu của Quảng Ngãi tiếp tục tìm kiếm ngư dân của mình. Khi các tàu cá này bắt đầu rút về, chúng tôi bố trí sẵn 4 tàu của hải quân, gồm 2 chiếc 20h tối 21/5 chạy theo hướng đoàn tàu cá đang về và 2 chiếc nữa ở phía Bắc đảo Trường Sa cũng bắt đầu hành quân để đón đoàn tàu tại vùng xa nhất, giúp đưa bà con về, đặc biệt là bà con bị yếu sức.

- Thưa ông, công tác cứu hộ của chúng ta có gặp khó khăn gì không?

- Trên thế giới, không có ai mang phương tiện cứu hộ của mình đến vùng biển nước khác mà bão xảy ra ở địa phận nước nào thì nước đó phải làm. Đây là quy định của quốc tế rồi. Chúng ta cũng đã cứu được rất nhiều tàu cá Trung Quốc, Malaysia, Philippines gặp nạn.

Bà con ngư dân đã biết tin bão chuyển hướng nhưng họ chạy không kịp. Thực ra, họ đã tránh được khá xa tâm bão rồi vì nếu vào đúng tâm bão thì không còn tàu nào có thể trụ được vì đây là cơn bão mạnh cấp 15 chứ không phải cấp 12 nữa. Kinh nghiệm xưa cho thấy bão không di chuyển theo hướng vuông góc như vậy, ngư dân chỉ biết chạy bão theo kinh nghiệm.

Công tác phòng chống lụt bão ban đầu cũng lúng túng

- Ông có ý kiến gì về nhận xét của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, rằng trong cơn bão số 1, ngư dân của chúng ta đã quá chủ quan? Liệu công tác dự báo vừa qua chưa kịp thời?

- Trưởng ban Chỉ huy PCLB TW Lê Huy Ngọ: Diễn biến cơn bão số 1 có bước di chuyển đột ngột và bất thường. Thực ra trước đó chúng ta đã có sự dự báo rồi nhưng dự báo cũng chưa lường hết được mức độ tác động và chưa cụ thể lắm.

Thứ hai, bão diễn biến quá đột ngột trong khi trước đó, toàn bộ phương án triển khai của chúng ta là phương án bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Do vậy, toàn bộ lực lượng đã tập trung vào tổ chức kêu gọi tàu thuyền, cảnh báo cho đồng bào ven biển... Chúng ta đã kêu gọi được 2,8 vạn tàu thuyền vào bờ, đã cảnh báo ở các tỉnh miền Trung.

"Đối phó bão số 1, tất cả đã rất chủ quan" ảnh 2
Ông Lê Huy Ngọ: "Chúng tôi ban đầu cũng lúng túng trong việc đối phó cơn bão số 1". (VietnamNet)

Nhưng đến khi bão đột ngột - thực sự đột ngột (nhấn mạnh) chuyển hướng thì phải nói thẳng thắn rằng chúng ta đã không phán đoán được, nhất là khi bão chuyển về hướng bắc thì điều gì sẽ xảy ra. Lúc đó chúng tôi cũng đã nghĩ đến khả năng bão chuyển hướng thì tàu thuyền đang hoạt động trên biển sẽ gặp bão, nhưng thực sự cũng không nghĩ mật độ tàu thuyền cao như vậy. Với phạm vi quá xa, hơn 1.400 cây số, là vượt khả năng thông tin của chúng ta.

Như vậy ở đây do cả 2 yếu tố: sự bất ngờ, đột ngột của thiên nhiên và thứ hai là khả năng với tay, chỉ đạo đến nơi hết sức khó khăn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang rút kinh nghiệm về khả năng dự báo của mình, về khả năng kiểm soát và năng cứu họ cứu nạn ở tầm xa. Xưa nay chúng ta có truyền thống về hộ đê, chống bão, lũ lụt, nhưng là trong hoàn cảnh người liền người, đất liền đất. Còn ở đây, quả thực ở xa như vậy nên ban đầu chúng tôi cũng có những lúng túng trong phối hợp. Sau đó, được sự hỗ trợ, hợp tác của quốc tế nên công tác cứu nạn hiệu quả hơn.

- Thưa ông, 10 năm trước chúng ta đã để xảy ra một vụ việc tương tự, 10 năm sau cũng thế. Vấn đề đặt ra chúng ta vẫn chưa có một lực lượng cứu hộ đủ mạnh. Vậy khó khăn là ở đâu?

- Tôi nghĩ là do cả 2. Chúng ta giờ đã nhận thức những thách thức mới trong phòng chống thiên tai và phát triển. Ngày trước, mình chưa có đánh bắt xa bờ, với điều kiện đó, tổ chức đó, phương tiện đó, chúng ta có thể hạn chế được phần nào thiệt hại. Bây giờ đánh bắt xa bờ hơn thì dự báo, hướng dẫn, tổ chức cứu hộ cứu nạn cũng phải theo hướng đó. Thứ hai là thực tế hiện nay cũng có khoảng cách giữa đầu tư phát triển với dầu tư cứu hộ cứu nạn.

- Sau cơn bão số 1, theo ông chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm gì?

- Một là dự báo, trên cơ sở dự báo phải có hướng dẫn. Có dự báo nhưng không có hướng dẫn thì người ta vẫn không thực hiện được. Hơn nữa, vấn đề rất quan trọng là nâng cao nhận thức. Chúng ta sắm thuyền to, chúng ta sắm máy mạnh nhưng nếu chúng ta không trang bị phương tiện thông tin, không nâng cao sự hiểu biết của chủ phương tiện, thuyền trưởng thì dù chúng ta có dự báo, cảnh báo cũng vẫn không thực hiện được.

Cho nên, điều quan trọng là chúng ta phải chăm lo xây dựng đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên đánh bắt xa bờ như thế nào để họ có những hiểu biết tối thiểu về bão, phải sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để phòng tránh. Đó mới là phòng tránh thức sự hiệu quả.

- Vậy cá nhân, bộ ngành nào phải chịu trách nhiệm đã để cơn bão số 1 gây ra hậu quả nặng nề như vậy?

- Phải xem lại xem sai sót ở khâu nào: dự báo, hướng dẫn hay cứu hộ, hay trách nhiệm của các chủ thuyền... Vì khi chúng ta đã có dự báo, hướng dẫn nhưng các chủ tàu thuyền vẫn không thực hiện thì cũng chịu.

Theo Hà Yên
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.