Đội Thanh niên xung phong đặc biệt: Ra trận, máu và hoa

K53 Thanh niên xung phong đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Hà Nội, 14/7/2010)
K53 Thanh niên xung phong đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Hà Nội, 14/7/2010)
TP - Trong số hơn 300 thành viên đơn vị đầu tiên và duy nhất T.Ư Đoàn cử vào Nam đánh Mỹ, 111 người đã ngã xuống, đến nay mới chỉ có 4 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy. Đội Thanh niên xung phong đặc biệt này đã cháy hết mình vì lý tưởng, vì đồng đội…

Năm 1965, Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đồng thời mở rộng đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Theo yêu cầu của phân khu Trị Thiên Huế, T.Ư Đoàn thành lập một đội Thanh niên xung phong (TNXP) chi viện cho miền Nam. Hơn 300 thanh niên, học sinh Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình được lựa chọn. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất T.Ư Đoàn cử đi chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Tuổi trẻ nơi tuyến lửa

“Ngày ra đi, tôi 20 tuổi. Ngày trở về, đất nước hòa bình, tôi đã 30. Tôi 5 lần bị thương trên chiến trường... Những năm tháng dồi dào trí lực nhất của tuổi trẻ, tôi và đồng đội gửi lại dải đất Quảng Trị - Thừa Thiên. Chúng tôi đã có một tuổi trẻ đích thực và vô giá”, cựu TNXP Nguyễn Quang Hóa tự hào nói. Năm 1965 đầy biến động, chàng trai thành Nam viết đơn tình nguyện lên đường. Anh gác lại giấc mơ giảng đường đại học và những rung động đầu đời với cô bạn cùng làng.

Thời thanh xuân, Nguyễn Quang Hóa cháy hết mình cho lý tưởng sống, lý tưởng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lý tưởng đó cũng là động lực để Nguyễn Nam Hải, khi ấy đang là cán bộ Thường vụ Huyện Đoàn Mỹ Đức (thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), đạp xe ba chục cây số lên gặp Bí thư Tỉnh ủy trình bày nguyện vọng được vào Nam cống hiến. Thời khắc chia tay gia đình vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. “Thời gian lên đường rất gấp, tôi chỉ được về nhà một ngày. Mẹ nói với tôi: “Chiều rồi, tôi đi cấy, anh Hải đi nhé”. Giọng bà bỗng nghẹn lại rồi bà vội quay đi. Tôi thấy mắt bà rưng rưng”. Nhiều năm sau đó, nghĩ về mẹ, ông tưởng tượng về những giọt nước mắt tưới lên những cây lúa non trong buổi chiều ly biệt ấy. Mẹ ông hiểu chiến tranh là mất mát, đau thương, là sự chia ly tạm thời hoặc mãi mãi. Nhưng chính bà nói với ông, chẳng có hạnh phúc cá nhân nào trọn vẹn khi muôn người vẫn còn khổ đau.

Hiện thực tàn khốc của chiến tranh khiến lý tưởng chiến đấu càng mạnh mẽ. Trên đường hành quân, đội viên Đỗ Quốc Phong gạt nước mắt trước cảnh bom Mỹ tàn sát một gia đình ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ký ức chiến tranh trong ông còn là sự ra đi của đồng đội khi tuổi đời còn quá trẻ, như ông nói, họ ngã xuống khi chưa kịp yêu. “Hiện thực đó khiến tôi tự nhủ, mình phải đánh Mỹ đến cùng”, ông Phong chia sẻ.

Nhiệm vụ chủ yếu của K53 khi được thành lập là làm công tác thanh vận ở vùng giải phóng Trị Thiên. Nhưng cuối năm 1965, chiến trường có nhiều biến động, đội TNXP K53 quay ra Vĩnh Linh xuôi về Nam, mở “đường dây thống nhất” song song với đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh), phối hợp với Đoàn vận tải Bắc Sơn và Tiểu đoàn 8 vận tải của Quân khu 4 hình thành đường dây vận chuyển vũ khí, lương thực, đưa cán bộ, bộ đội vào Nam, cáng tải thương binh ra Bắc. Địa bàn hoạt động từ Nam sông Bến Hải đến Bắc Hải Vân.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, con người mới khám phá được sự kỳ diệu của khả năng. Cựu TNXP Đặng Trần Khoa cho biết, những chàng trai đôi mươi mảnh khảnh, gầy gò vì ăn uống kham khổ, sốt rét triền miên lại tiềm tàng sức mạnh đáng nể. Tất cả đều gùi trên lưng 25 - 30 kg hàng. Nhiều người cõng 60 -70 kg, gấp rưỡi trọng lượng cơ thể.

Đội Thanh niên xung phong đặc biệt: Ra trận, máu và hoa ảnh 1

Đội viên Nguyễn Nam Hải, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10 - BT43 của K53 TNXP tại Quân khu Trị Thiên Huế năm 1967

Năm 1967, nhằm ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ dựng hàng rào điện tử McNamara, thả “cây nhiệt đới”, “máy cảm ứng”, rải chất độc hóa học, các loại mìn lá… Sự gia tăng về kỹ thuật của Mỹ khiến cuộc chiến thêm khốc liệt. Đội viên K53 vẫn kiên cường chiến đấu, vừa đánh giặc vừa mở thêm đường, tháo gỡ bom mìn, thông tuyến, tổ chức đào hàng trăm hầm tránh bom pháo trên đường… Đường dây vận tải được đảm bảo.

Đại đội trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, đó là thời kỳ khó khăn nhất, hy sinh và thương vong nhiều nhất của K53. Nhưng niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của cách mạng là động lực để những người trẻ tuổi tiếp tục dấn thân, bất chấp hiểm nguy…

Nỗi đau ngày trở về

Ngày 30/4/1975, non sông liền một dải; những người trẻ trở về trong niềm vui và niềm tin của người chiến thắng. Bom đạn ngừng rơi nhưng chiến tranh hiện hình trong hình hài khác. Hòa bình, cựu TNXP Trần Văn Thời bật khóc khi nhận ra mình quá may mắn so với đồng đội nằm lại chiến trường. Nhưng chiến tranh vẫn đeo bám ông... Chất độc da cam trong máu ông chảy vào dòng máu của người con trai duy nhất. Người con trai ấy hiện nay ngoài 30 tuổi mà vẫn ngây ngô như đứa trẻ.

Trong ký ức của đồng đội, hình ảnh đội viên Trần Sơn gắn với bông hoa rừng. Bông hoa đồng đội tặng khi anh lập chiến công. Tháng 5/1967, trong một trận chiến không cân sức, Trần Sơn cùng hai đội viên khác diệt 17 lính Mỹ, thu nhiều súng và quân trang khác. Anh hai lần được phong tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ vận tải cấp ưu tú. Người anh hùng trận mạc ấy, ngày trở về, vật lộn với mưu sinh và bệnh tật. Tỷ lệ nhiễm chất độc da cam của anh là 92%. Chất độc phát tán, đôi chân băng trên những nẻo đường, đôi tay cầm súng bắn giặc trở nên cứng đờ, không cử động được. Mỗi lần ăn, phải cúi xuống ngoạm. Trần Sơn ra đi năm 2002 trong sự hủy hoại thể xác của loại chất độc chết người.

Đội Thanh niên xung phong đặc biệt: Ra trận, máu và hoa ảnh 2

K53 Thanh niên xung phong, ảnh chụp ngày 16/8/1965

Đội viên Nguyễn Quang Hóa hiện là Trưởng ban liên lạc của K53 Nam Định cho biết, 105 TNXP Nam Định tham gia K53, hơn một nửa nằm lại với đất mẹ. Bao năm nay, ông Hóa lặn lội chiến trường cũ nhưng chỉ tìm được hài cốt của 2 liệt sỹ, đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Trong 111 liệt sỹ K53 ngã xuống, cũng chỉ có 4 hài cốt được tìm thấy.

Sau ngày giải phóng, đội viên Đỗ Quốc Phong, hiện là Chủ tịch Hội TNXP thành phố Hà Nội, vẫn đau đáu khi nghĩ về đồng đội. Ông chia sẻ: “Hơn 20 năm sau ngày giải phóng, Nhà nước có chính sách với TNXP. Năm 1998, Quyết định 104, Thông tư 16 quy định chỉ cần hai đồng đội cùng tiểu đội xác nhận bị thương trong chiến tranh, tỷ lệ thương tật khi giám định từ 21% trở lên được xếp loại thương binh. Năm 2003, Thông tư 17 do liên Bộ LĐ-TB&XH và T.Ư Đoàn ban hành quy định ngoài tỷ lệ thương tật, phải có hồ sơ gốc mới được công nhận là thương binh. Tôi nghĩ chiến tranh loạn lạc, bảo toàn sự sống đã khó, huống chi là những bộ hồ sơ. Đồng đội tôi nhiều người thương tật lên đến 40%, 50% nhưng vì không có hồ sơ gốc nên không được hưởng chế độ”.

Ông Phong hiểu những người đồng đội xả thân cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc không màng sự hàm ơn, nhưng nhiều lúc ông trăn trở về sự lãng quên. “Lãng quên những người góp phần làm nên lịch sử là lãng quên quá khứ. Tôi thấm thía và tâm đắc với câu nói của ông Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam: “Một khi đã đánh mất quá khứ thì phương hướng hình thành lý tưởng yêu nước tồn tại trong từng con người ở hiện tại và tương lai khó mà vươn lên đỉnh cao mới”. Tôi nghĩ điều này đặc biệt quan trọng với người trẻ”, ông Phong nói.

Đội viên Nguyễn Quang Hóa hiện là Trưởng ban liên lạc của K53 Nam Định cho biết, 105 TNXP Nam Định tham gia K53, hơn một nửa nằm lại với đất mẹ. Bao năm nay, ông Hóa lặn lội chiến trường cũ nhưng chỉ tìm được hài cốt của 2 liệt sỹ, đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Trong 111 liệt sỹ K53 ngã xuống, cũng chỉ có 4 hài cốt được tìm thấy.

Với những thành tích xuất sắc, tập thể K53 được tặng danh hiệu lá Cờ đầu ngành hậu cần quân khu 1967-1968-1973, hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, hạng hai. Năm 2010, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 19/5/2015, K53 tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống và 5 năm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại tỉnh Ninh Bình.

MỚI - NÓNG