Đối thoại với dân để giải quyết bức xúc tại trạm BOT Cai Lậy

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, bức xúc tại trạm BOT Cai Lậy đang là vấn đề nóng, lái xe đưa tiền lẻ là cách người dân phản ứng trước việc thu phí tại đây. Theo bà Nga, cần phải lắng nghe và có sự đối thoại với người dân.

Sáng 15/8, tại phiên làm việc về giám sát chuyên đề BOT, nhiều đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến trường hợp vẫn nóng đang xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Dùng tiền lẻ trả phí, rất đáng buồn

Trước thực trạng trạm thu phí BOT Cai Lậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho đây là thực trạng rất đáng buồn khi người dân bức xúc, lái xe dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Trước đó tình trạng tương tự cũng xảy ra tại cầu Việt Trì, Phú Thọ.

Ông Đỗ Bá Tỵ đề nghị báo cáo giám sát phải làm rõ thêm xoay quanh vấn đề này, chỉ rõ nguyên nhân do đâu, để tránh tình trạng tương tự xảy ra tiếp theo.

Cùng đề cập đến bức xúc tại trạm BOT Cai Lậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, đây vẫn đang là vấn đề nóng, lái xe đưa tiền lẻ là cách người dân phản ứng trước việc thu phí tại đây.

Không ủng hộ phản ứng trái pháp luật, nhưng đại biểu Nga đề nghị phải lắng nghe và có sự đối thoại với người dân, những người chịu tác động trực tiếp từ trạm thu phí này.

Liên quan đến nguồn lực làm BOT, ông Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần làm rõ thêm vai trò kênh tín dụng và các ngân hàng trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó làm rõ nguyên nhân, phân tích rõ hơn nữa cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để không tạo sức ép cho việc thực hiện BOT.

Phó chủ tịch đặt câu hỏi: Phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, sắt không thấy nhà đầu tư vào. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Đây cũng là cái tập trung nghiên cứu. Vậy chính sách ưu tiên của nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, cần phải có tổng công trình sư thiết kế quy hoạch BOT. "Cần có đánh giá ai là người lợi nhất, ai là người chịu thiệt tính theo từng dự án. Phải xem chỗ nào bức xúc nhất, có phản ánh nhà đầu tư làm ăn gian dối, đầu tư ít nhưng thu nhiều... để xác định trách nhiệm và xử lý", bà Nga đề nghị.

Đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, người dân phản ứng, bức xúc như thế, nếu cứ để kéo dài thì sẽ trở thành một hiện tượng xã hội. Nguyên nhân cũng chỉ do trạm thu phí dày đặc, mức thu cao, các chính sách không đảm bảo minh bạch, công bằng, dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Đối với những trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km, nhà nước cần mua lại các trạm thu phí, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.

Chênh lệch mức thu phí gây bức xúc trong dân

Liên quan đến mức thu phí, đoàn giám sát cho biết, Bộ Tài chính ban hành Thông tư riêng về mức thu phí cho từng dự án để áp dụng trên cơ sở phù hợp với khung mức phí được quy định tại Thông tư 159. Độ dao động trong khung mức phí này đối với từng loại xe là tương đối cao nên các trạm thu phí khác nhau trên cùng tuyến quốc lộ có mức thu khác nhau.

“Mức thu phí được tính dựa trên nguyên tắc hạch toán giữa chi phí đầu tư và giá thành, tuy nhiên vẫn gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ do chênh lệch về mức thu phí không công bằng giữa mức phí và chất lượng dịch vụ được sử dụng.

Việc ban hành từng Thông tư riêng về mức phí giai đoạn trước 01/01/2017 vừa làm phức tạp thêm thủ tục hành chính vừa thiếu minh bạch về cơ sở xác định mức thu phí, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho trong thực hiện. Chưa quy định mức thu phí đối với các hộ dân, doanh nghiệp tại địa phương xung quanh nơi đặt trạm thu phí”, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Đoàn giám sát đề nghị, đối với vị trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, chính sách giá (phí), quản lý doanh thu, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm hiện nay để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức thu giá phù hợp.

Trước khi thành lập trạm cần khảo sát thu phí hở cần tham vấn ý kiến của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm tính công bằng. Cần xem xét, áp dụng công nghệ tiên tiến (thu phí không dừng) để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động thu giá (phí), xây dựng cơ chế và áp dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ doanh thu của các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; đến năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí không dừng với tất cả các tuyến quốc lộ trên toàn quốc.

MỚI - NÓNG