Đời thường của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến

Tướng Tiến (áo đen) dẫn đầu đoàn công tác vào hiện trường vụ thảm án ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Tướng Tiến (áo đen) dẫn đầu đoàn công tác vào hiện trường vụ thảm án ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Ông đã được nhiều người biết đến trước đó, nhưng trong năm qua, cái tên Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến càng vang danh, ấn tượng hơn khi ông trực tiếp chỉ đạo phá hàng loạt vụ án gây chấn động xã hội. Và phía sau những chiến công ấy, có nhiều điều rất thú vị về đời thường của Tướng Tiến.

“Tôi là con nông dân”

Những hình ảnh gây ấn tượng nhất của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) trong năm 2015 là hai lần ông cùng các cán bộ, chiến sĩ lội bộ xuyên rừng hàng chục km vào tận hiện trường 2 vụ thảm án để chỉ đạo truy bắt hung thủ. Ðó là vụ án sát hại 4 người trong 1 gia đình ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (tháng 7.2015) và vụ thảm sát 4 người trong 1 gia đình ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (tháng 8.2015). Hiện trường của 2 vụ án đó đều nằm ở nơi heo hút, muốn vào tận nơi phải đi bộ, phải lội suối, trèo đèo nhưng vị Tướng U60 ấy luôn đi phăng phăng khiến nhiều chiến sĩ trẻ và cánh phóng viên đi cùng theo không kịp…

Ngày cuối năm con dê, được ngồi cùng ông trong căn phòng nhỏ ở trụ sở C45, nhắc lại 2 vụ án ấy, chúng tôi hỏi rất thật: “Thiếu tướng có bí quyết gì để giữ được sự nhanh nhẹn và dẻo dai?”. Tướng Tiến cười xòa, bảo: “Mình vốn là con nhà nông dân, rèn luyện qua những công việc lao động của nhà nông từ bé nên sức khỏe cũng dẻo dai, bền bỉ. Và để duy trì sức khỏe ấy, con người ta còn phải có sự rèn luyện, luôn luôn rèn luyện”.

Đời thường của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến ảnh 1
Đời thường của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến ảnh 2

Giây phút nghỉ ngơi trong rừng.

Ông bảo, từ ngày vào Trường An ninh (năm 1975) cho đến nay, ông vẫn luôn giữ thói quen dậy sớm để chạy bộ, cuối tuần thỉnh thoảng chơi tennis để rèn luyện sức khỏe.

Tướng Tiến quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông kể rằng, thời niên thiếu, ngày cuối tuần nào ông cũng cùng mẹ đẩy xe cải tiến lên rừng lấy củi. “Chiều thứ 6 đi học về tôi lại cùng mẹ đẩy xe lên rừng cách nhà khoảng 25km. Ðến nơi trời cũng tối, hai mẹ con mang cơm nắm ra ăn rồi ngủ lại trong rừng. Hôm sau tìm củi xếp đầy xe thì trở về, xe nặng, đường xa cũng phải đến tối mịt mới đến nhà” - Tướng Tiến bồi hồi nhớ lại.

Năm 1975 khi sắp tốt nghiệp THPT, ông có nguyện vọng đi bộ đội, nhưng vì thuộc diện gia đình liệt sĩ, lại là con một nên nguyện vọng đó không được chấp nhận. Ông đăng ký thi vào Trường ÐH Thủy sản và ÐH Y khoa, vậy nhưng cơ duyên lại là ngành công an.

“Thời điểm đó Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh) không phải thi đầu vào. Cán bộ tuyển sinh của Bộ Công an đến tận trường để tuyển và tôi đã trúng tuyển. Lúc đó tôi nghĩ vào ngành công an được học võ, được học nhiều thứ nên cũng thích” - Tướng Tiến thổ lộ.

“Nghiện” lướt mạng xem tin

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến là người trực tiếp và tham gia chỉ đạo phá những vụ trọng án gây xôn xao dư luận cả nước, như vụ Lê Văn Luyện; Vụ sát hại 6 người trong 1 gia đình ở Bình Phước; Vụ sát hại 4 người trong 1 gia đình ở Nghệ An; Vụ sát hại 4 người ở Yên Bái...

Năm 1981, chàng trai trẻ Hồ Sĩ Tiến ra trường và được phân về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra (Công an TP.Hà Nội), sau đó công tác tại Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ năm 2009, ông về công tác tại C45.

Trên 30 năm gắn với nghiệp cảnh sát hình sự, đúc kết về nghiệp của mình và đồng đội, Tướng Tiến nói gọn trong một câu: “Anh em cảnh sát hình sự công việc rất vất vả nguy hiểm, nếu gia đình, vợ, con không thông cảm, chia sẻ thì rất gay go”.

Đời thường của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến ảnh 3

Tướng Tiến giúp đồng đội từ việc nhỏ nhất.

Cục trưởng C45 tiết lộ, điều hay khiến người làm công tác điều tra và công tác hình sự giật thót mình là tiếng điện thoại vang lên lúc nửa đêm hoặc gần sáng. “Cú điện thoại kiểu đó chỉ có hai tình huống, một là gia đình ở quê, bạn bè, người thân có chuyện gì, nhưng thường là lý do thứ hai: Có vụ án nghiêm trọng xảy ra” - Tướng Tiến cho biết. Và ông bảo, từ ngày còn công tác ở Phòng Cảnh sát điều tra cho đến khi làm Cục trưởng C45, ông không nhớ mình đã nhận được bao nhiêu cú điện thoại kiểu “giật thót mình” như thế.

Hỏi ông về một ngày “làm tướng”, ông không ngần ngại kể: Nếu “một ngày xã hội bình yên” thì 6h30 sáng ông sẽ rời nhà để tới cơ quan, và 18h rời cơ quan trở về nhà. “Nhà tớ có khoảng sân nhỏ nên cũng trồng mấy chậu cây cảnh, treo mấy giỏ phong lan, nuôi bể cá… Chiều về tớ tranh thủ chăm chút cho chúng và cũng là lúc mình thư dãn” - ông kể.

Hỏi ông, ngoài thư dãn bằng cách đó, ông có hay có hay đi uống cà phê để tận hưởng giây phút thoải mái trong ngày? Tướng Tiến cười bảo, ông vẫn hay cùng lái xe ngồi uống cà phê, nhưng những lúc như thế ông cũng không được thoải mái vì thói quen mở máy iPad để vào Internet tìm đọc tin tức.

“Tôi như bị “nghiện”, hằng ngày không vào mạng đọc tin tức thấy không chịu được. Hệ thống báo chí của chúng ta cũng đa dạng, thông tin nhanh và phong phú, giúp ích nhiều cho công việc” - Tướng Tiến nhận xét.

Cục trưởng C45 nhớ lại một buổi sớm tháng 3.2013, khi uống cà phê ở phố Văn Cao, Hà Nội, ông xem tin trên mạng thấy trên Vĩnh Phúc có vụ mấy trăm người dân tụ tập đưa quan tài đi diễu khắp phố. Ông lập tức báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và đích thân lên thẳng Vĩnh Phúc. Ðầu giờ chiều hôm đó, khi chúng tôi vào Công an tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu vụ việc đã thấy Cục trưởng C45 Hồ Sĩ Tiến có mặt ở đó.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG