Đội viên tuổi 60

Ông Mùi khăn quàng đỏ trong một chương trình hoạt động của Nhà Thiếu nhi.
Ông Mùi khăn quàng đỏ trong một chương trình hoạt động của Nhà Thiếu nhi.
TP - Ở tuổi lục thập, sắp nghỉ hưu, bỗng nhiên một ngày đẹp trời thầy giáo già Mai Xuân Mùi (Phó giám đốc Nhà thiếu nhi Đà Nẵng) trở nên nổi tiếng với điệu nhảy dân vũ Đàn gà con được sinh viên Huế quay từ 3 năm trước. 

Ít ai biết, ông là người âm thầm mấy mươi năm qua “thổi hồn” vào những bài nhạc, điệu múa khuấy động phong trào Đoàn, Đội ở Đà Nẵng. Tóc đã điểm bạc, ông vẫn hồn nhiên với khăn quàng đỏ trên vai, nhí nhảnh như tuổi cài trâm. 

Bỗng dưng… nổi tiếng

Đến nhà Thiếu nhi Đà Nẵng gần trưa, khi ông đang tất bật lo kịch bản, sắp xếp chương trình cho các hoạt động hè. Trụ sở mới khang trang, sạch đẹp, các em nhỏ đến ghi danh sinh hoạt hè đông cũng là lúc ông vất vả đến không kịp thở. Mồ hôi đầm đìa, gặp ông lần đầu tôi suýt phì cười bởi dáng hình mập ú, kềnh càng, cùng với khuôn mặt có nhiều nét khôi hài ấn tượng.

Nhìn ông, lại nghĩ: bộ dạng này sao ông có thể nhảy nhót, nhún nhảy như video đang được hàng chục ngàn bạn trẻ chia sẻ trên mạng thế kia? Hỏi ông, ông cười: Đam mê thì làm được hết. Hình dạng thế này nhưng khi hòa mình vào điệu nhạc thì tôi là con người khác, cứ như trẻ thơ. “Nhờ vậy mà mình vẫn trẻ mãi” ông vừa nói vừa vuốt tóc, lộ những đám muối nhiều hơn tiêu. Ông bảo: Từ lâu xưng mình - bạn với trẻ nhỏ tạo thân thiện gần gũi, nay đã thành quen, nên ai ông cũng xưng vầy.

Cái cơ duyên của sự nổi tiếng của ông giáo già, bắt nguồn từ 3 năm về trước. Cũng đúng vào dịp đầu hè như này, ông được Trường Cao đẳng Sư phạm Huế mời ra dạy chuyên đề múa hát cho các bạn sinh viên. Điệu dân vũ Đàn gà con do ông tự biên đạo, dàn dựng từ mấy năm trước được ông tập cho các bạn sinh viên. Vì điệu nhảy nhí nhảnh, dễ thương trên nền nhạc thiếu nhi nên các bạn sinh viên rất thích thú. Ông cùng các nhóm bạn sinh viên nhảy giữa sân trường trong tiếng reo hò cổ vũ.

Cả thầy và trò nhịp nhàng trong từng điệu nhảy. Vì bộ dạng có phần “tròn trịa” của ông thầy nên ai cũng thích thú. Rồi một ngày đẹp trời của 3 năm sau, một bạn sinh viên ra trường, vì nhớ thầy, nhớ bạn đưa clip năm xưa lên Facebook để nhắc nhở bạn bè, ôn lại kỷ niệm xưa. Nhưng không ngờ rằng, điệu nhảy dân vũ lại đốn tim bao bạn trẻ trên cộng đồng mạng. Sức lan tỏa của đoạn clip dài chưa tới 3 phút ngoài sức tưởng tượng của chủ nhân. Mạng xã hội sẻ chia, báo đăng tin bài kèm theo những lời ngợi khen thầy giáo trong video.

“Mình có biết đâu. Ai quay, ai đưa lên mình làm sao biết được. Đồng nghiệp khắp nơi gọi về bảo: Ông giấu nghề. Mình có giấu giếm gì đâu. Mấy hôm rồi, hàng loạt phóng viên cũng gọi điện hỏi mình. Có sao mình nói vậy. Mình nào có ưng nổi tiếng. Mình cũng sắp nghỉ hưu rồi mà! Sau bao năm cống hiến, tự nhiên nổi tiếng cũng thấy hạnh phúc, ấm lòng”, ông Mùi cười nói.

Căn phòng làm việc, tôi để ý trên nóc tủ một chồng bằng khen, giấy khen các loại. Thế nhưng ông chất đống chứ không treo. Ông Bảo: Treo mà làm gì. Thành tích chưng ra cũng chẳng để làm gì, quan trọng là hiệu quả công việc thôi.

Đội viên tuổi 60 ảnh 1 Ông Mai Xuân Mùi và cuốn kịch bản truyền thống do ông viết.

Đội viên …già!

Ở cái tuổi 59 gần 60, hàng ngày mọi người vẫn thấy ông say sưa miệt mài với công việc. Mỗi lần tham gia hoạt động ông vẫn khăn quàng đỏ tươi trên vai. Ông bảo mình là đội viên nay lớn tuổi. Và khi sắp về hưu ông mới tự nhận mình “đã trưởng thành”, nhưng nhiệm vụ thì vẫn còn đó. Mà trước mắt là tìm người có nhiệt huyết, đam mê thực thụ để kế thừa phần việc của ông hiện tại.

Âm thầm lặng lẽ suốt mấy chục năm qua với công tác Đoàn, Đội. Cái máu nhảy múa đã thấm sâu trong con người ông. Ông bảo: Mỗi lần nghe nhạc thiếu nhi, nhạc Đoàn, Đội là máu nhảy nhót trong người lại nổi lên, hừng hực như trai trẻ với tâm hồn nhí nhảnh như trẻ thơ.

Cũng vì cái máu, cái năng khiếu ca hát nhảy múa đó, năm 1977, khi học xong trường Trung học sư phạm Thanh Khê (cũ) ông được nhà trường giữ lại rồi đào tạo thành cán bộ giảng dạy của trường. Cũng vì năng khiếu nổi bật, nên những năm 90 của thế kỷ trước, ông được kéo về làm công tác Đoàn, Đội tại Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), trở thành một trong những cán bộ Đoàn năng động thời đó.

Đến năm 1997 khi chia tách tỉnh, ông nhường ghế cho các bạn trẻ phát triển, qua làm công tác tại Nhà thiếu nhi TP Đà Nẵng. Đến nay, trên cương vị Phó giám đốc Nhà thiếu nhi, ông còn kiêm chức danh Phó chủ tịch Hội đồng Đội thành phố, hàng ngày ông vẫn miệt mài với công việc lo cho con trẻ.  Và vì là người có kinh nghiệm và năng khiếu trời phú, nên suốt mấy chục năm qua ông trở thành thầy giáo của nhiều thế hệ Tổng phụ trách Đội. Ông bảo đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm với thế hệ trẻ.

Lấy từ tủ sách, ông đưa tôi xem cuốn kịch bản truyền thống do Nhà xuất bản Nhi Đồng phát hành. Ông bảo đã in tập thứ 4. Đó là tâm huyết của ông suốt mấy chục năm “nhảy múa” của mình. Cuốn cẩm nang thực sự đã trở thành sổ tay gối đầu giường cho cán bộ Đoàn, Đội.

“Cái nghề này nếu không có đam mê thực sự thì không làm được. Mỗi bước nhảy, mỗi điệu múa là cách mình thổi lửa đam mê cho các thế hệ kế thừa. Cứ nghĩ đến các em nhỏ là mình lại có thêm nhiều động lực và ý tưởng”, ông Mùi cho biết.

Ông chia sẻ, các bài nhảy tập thể (nay gọi là dân vũ) trong hoạt động Đoàn, Đội từ năm 1975 đến nay trên địa bàn là do ông sáng tác, biên đạo. Số lượng đến nay phải lên đến cả trăm bài. Các bài múa, ông còn in thành đĩa gửi các cơ sở nhà trường, để các cán bộ Hội đồng Đội dạy lại cho trẻ nhỏ. Với ông đó là công việc thầm lặng, là niềm vui mỗi ngày.

Đội viên tuổi 60 ảnh 2 Các em nhỏ Đà Nẵng hào hứng tham gia các điệu nhảy dân vũ do ông Mùi sáng tác.

“Mỗi năm học, theo từng chủ đề mà mình sáng tác. Sáng tác xong không phải để đó, mà phải tập huấn, bồi dưỡng lại cho cán bộ Hội đồng Đội. Việc này, không ai yêu cầu, bắt buộc hay đặt hàng bắt mình phải làm hết. Tập huấn kỹ năng là phần việc của mình thì  mình lo mà làm, làm trong thầm lặng. Vui là vì thấy các bạn trẻ hăng hái, thích thú với hoạt động Đội. Nhất là khi thấy các em nhỏ năng động hơn”, ông Mùi cho biết.

Bao nhiêu năm vừa làm vừa nghiên cứu, ông bảo, mỗi lần về các trường ở các địa phương, vùng nông thôn ông thấy các em nhỏ còn rụt rè quá. Hiện Bộ Giáo dục đã có chỉ đạo trường tiểu học phải có sân chơi cuối tuần, nên phải sáng tác nhiều hơn nữa các bài hát dân vũ cho các em.

Phải làm mới, hay hơn để kích thích con trẻ tham gia. Ông bảo: Ở nước ngoài trẻ nhỏ tự lập, mạnh dạn hơn Việt Nam mình là nhờ từ nhỏ các em được sống trong môi trường cộng đồng. Ở đó trẻ thỏa thích thả hồn, tập tự lập từ nhỏ. Chúng ta cần tập làm quen với việc này, trong đó có việc múa hát dân vũ, bởi những điệu nhảy dễ đi sâu hơn vào tâm hồn con trẻ.

“Trẻ em bây giờ học hành áp lực, nên việc xây trường học thân thiện tích cực phải đi kèm với  việc cho trẻ em thích rèn luyện kỹ năng sống. Nếu Bộ Giáo dục cho chương trình kỹ năng sống vào học tập thì rất tốt. Hãy nhìn các em vui vẻ say sưa theo từng điệu múa, bạn sẽ biết vì sao mình vui khỏe, trẻ mãi không già”.

Ông Mai Xuân Mùi

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.