Đồng bằng trong mắt phóng viên nước ngoài

Các phóng viên trên thuyền bán khóm ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Sáu Nghệ
Các phóng viên trên thuyền bán khóm ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Giữa tháng 8, nhiều phóng viên của Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Anh Quốc đến ĐBSCL. Họ muốn chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng và đập thủy điện chắn dòng chính thượng nguồn sông Mê Kông, ảnh hưởng tới vựa lúa, cá, tôm của thế giới.

Các phóng viên tập trung ở Cần Thơ, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Mỹ cùng một số đơn vị khác, trong ba ngày 11, 12 và 13, vừa thảo luận với chuyên gia vừa đi gặp người dân sinh sống trên sông nước, ruộng vườn. Phóng viên Tiền Phong có mặt, chuyện trò cùng họ.

Những phụ nữ dũng cảm

Buổi sáng hàng ngày, bà Trần Minh Phụng đi phụ quán cơm, còn buổi chiều ai thuê gì làm nấy. Toàn công việc xa lạ vì bà sinh ra và lớn lên trong nghề đánh cá trên sông Hậu của cha. Chồng bà cũng là ngư phủ sông Hậu. Còn bà theo mẹ buôn bán trên sông. Nhưng sông Hậu ít cá dần, cha qua đời, chồng bà xuống Kiên Giang đánh cá biển và mất tích 13 năm trước. Con rạch từ nhà bà ở số 80/5, đường Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa (Ninh Kiều, Cần Thơ) ra sông Hậu lại bị quá trình đô thị hóa lấp mất. Cách nay 5 năm, ở tuổi 44, bà phải rời sông, lên bờ kiếm tiền nuôi con đang đi học, anh trai tàn tật và mẹ già yếu. Bà khóc: “Cuộc sống chỉ đủ ăn, nếu bệnh là chịu chứ không có tiền”.

“Thật là một phụ nữ dũng cảm”, cô Trường Xuân (Zhang Chun), phóng viên trang Đối Thoại Trung Hoa (Chinachialoque) thốt lên. Trường Xuân nói tiếp: “Bà Phụng đã lớn tuổi mà dám từ bỏ nghề quen thuộc, tìm nghề mới để nuôi gia đình khi bị sông nước ruồng rẫy”.

Chợ nổi Cái Răng vào hàng lớn nhất ĐBSCL, trên con sông chảy giữa quận Ninh Kiều và Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Cô Shwe Zin, phóng viên của The Irrawaddy (Myanmar), cho biết Myanmar cũng có chợ nổi nhưng ở hồ giữa thung lũng núi, mùa khô cạn nước. Nên chợ nổi ở đây với cô lạ lẫm, không chỉ mua bán hàng hóa mà còn có lái thuyền, lao động bốc vác. Đặc biệt, rất nhiều tàu thuyền lớn nhỏ chen chúc, cái dừng, cái lững lờ, lại có cái lao vun vút mà không hề đụng nhau.

Cập mạn thuyền bán khóm của vợ chồng bà Nguyễn Thị Trinh, ông Lê Thành Phương. Hai ông bà da sạm đen, nom già hơn tuổi ngoài 50. Họ cho biết, quê ở xã Tân Qưới (Bình Tân, Vĩnh Long) ít đất sản xuất nên làm nghề buôn bán trên sông đã 24 năm, nuôi được 3 con ăn học. Bà Trinh ngồi trên mui con thuyền lắc lư, vừa gọt khóm vừa kể: “Xuống tỉnh Kiên Giang mua khóm đầy thuyền 7 tấn về bán, cứ một tuần đi được một chuyến lời khoảng 2 triệu đồng, có khi lỗ. Chúng tôi có bảo hiểm y tế nhưng không có bảo hiểm xã hội”.

Nhảy lên mui thuyền ngồi với bà Trinh, sau đó, ở một quán cà phê, cô Trường Xuân lại đầy cảm xúc: “Bà Trinh thật dũng cảm, cuộc sống nhiều rủi ro, có thể bị dòng sông vứt lên bờ bất cứ lúc nào, vậy mà vẫn tươi cười”. Ấn tượng mạnh với cô, mỗi con thuyền là một gia đình có người lớn và trẻ con, lam lũ nhưng lanh lẹ, trước khi trao hàng hóa luôn trao nụ cười. “Tôi thấy những người sống trên mặt nước bộc lộ rõ tính cách hơn trên mặt đất. Rủi ro của họ cũng rất lớn, nếu nước cạn sẽ mất nghề sinh sống, nếu nước dâng cao thì ngập nhà cửa trên bờ”, Trường Xuân nói và uống bình trà cầm theo mà không uống nước có đá, cô kể cha cô hay uống trà nóng từ sáng sớm và cô nghiện theo.

Bờ kè sinh học

Từ chợ nổi Cái Răng, rẽ phải theo rạch Cái Sơn vào khu vực 6, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ). Trưởng khu vực Phạm Văn Suông, người đàn ông ngoài sáu mươi, dong dỏng cao, hoạt bát. Chỉ hàng cọc tràm cắm dọc bờ sông kết nối nhau bằng sợi dây thép để giữ lục bình sát bờ, ông giới thiệu: “Đây là kè sinh học bảo vệ bờ sông do Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ giúp chúng tôi xây dựng năm 2012”.

Đồng bằng trong mắt phóng viên nước ngoài ảnh 1

Bà Trần Minh Phụng: "Cuộc sống chỉ đủ ăn, chứ bệnh là chịu chứ không có tiền".

Qua phút bỡ ngỡ ban đầu, chuyện về cuộc sống bên bờ sông rộn ràng. Ông Suông vui vẻ kể, vùng này đất thấp, hàng năm từ tháng 9 đến 11 âm lịch, nước lũ tràn bờ vào vườn. Nước lũ ngày càng lớn, hiện nay so với dăm chục năm trước đã cao hơn gang tay. Thêm nhiều tàu thuyền chạy máy nên bờ sông bị sạt lở mạnh. Kè sinh học giữ dải lục bình để hạn chế sóng phá bờ, tùy từng đoạn mà được làm từ một đến ba lớp. Con đường cặp bờ sông cũng được nâng cao để ngăn nước lũ, bảo vệ nhà cửa, vườn cây.

Đường bờ sông rợp mát, đầy hoa dại, có tấm bảng đề thơ: “Chung tay bảo vệ bờ sông/Giữ không sạt lở bến sông quê mình”. Ông Suông cười hể hả: “Dân chúng tôi làm nên rẻ, hơn 2 km cả hai bờ chỉ tốn 800 triệu đồng. Làm xong, chúng tôi quản lý lấy, hư tự sửa. Có cái hay là nước lên tới đâu bèo lục bình nổi tới đó để chắn sóng, không chỉ giữ đất còn giữ đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản”. Phóng viên Kongpob Areerat của tờ Prachatai (Thái Lan) chia sẻ, làm kè bê tông rất tốn tiền nhưng lâu năm vẫn bị sạt lở, còn ở đây kè sinh học ít tốn kém mà có vẻ bền vững.

Cô Shwe Zin của The Irrawaddy còn nhìn thấy giá trị bảo vệ văn hóa bản địa. Theo cô, giữ được bờ sông, dòng chảy con sông, tập quán sinh kế của người dân là giữ được văn hóa. Vui chuyện, cô kể, The Irrawaddy của cô gồm một tờ báo điện tử, một tuần báo và một nguyệt san, Irrawaddy là tên cũ của con sông lớn nhất Myanmar, nay đã bị Chính phủ đổi thành Ayeyarwaddy. “Chúng tôi quyết giữ tên cũ của con sông Mẹ và văn hóa Myanmar. Chính trên thượng nguồn dòng sông này, tháng 9/2011, Chính phủ Myanmar đã đình hoãn dự án thủy điện khổng lồ mà doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, vì lo ngại làm thay đổi dòng chảy. Tôi thấy ở ĐBSCL, cộng đồng dân cư đang chủ động bảo vệ các dòng sông”, cô mỉm cười.

Câu chuyện ẩn giấu

Chợ cá Tân An ở cuối bến Ninh Kiều nổi tiếng. Ông Lê Quang Ba, Phó tổng giám đốc Cty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, quản lý chợ cho biết, mỗi ngày tiêu thụ 50-70 tấn cá các loại, trong đó 85% là cá nuôi. “Trước đây, hầu hết là cá khai thác tự nhiên nhưng nay sông rạch đã cạn kiệt”, giọng ông buồn bã.

Phóng viên Navin Singh Khadka của Thế giới vụ BBC (BBC World Service) lần đầu đến Việt Nam, bày tỏ cảm nhận “câu chuyện ẩn giấu” đằng sau những con sông thoạt nhìn thấy đẹp với người dân hiền hòa. Đó là những vấn đề về nguồn lợi thủy sản, chất lượng nước, an toàn thực phẩm. Navin Singh Khadka là người Nepan, một đất nước nghèo ở vùng núi Himalaya, làm phóng viên BBC đã 15 năm, chuyên về môi trường nên quan tâm đến biến đổi khí hậu. Anh nhìn thấy mối liên quan giữa biến động dòng nước tại ĐBSCL với băng tan trên đỉnh Himalaya, đắp đập thủy điện dòng chính thượng nguồn sông Mê Kông, nước biển dâng và khai thác cát lòng sông.

Đồng bằng trong mắt phóng viên nước ngoài ảnh 2

Một đoạn kè sinh học giữ lục bình để bảo vệ bờ sông

Phóng viên Chea Vannak của tờ Khmer Time và Taing Vida của tờ The Phnom Penh Post (Campuchia) cũng quan tâm vấn đề khai thác cát lòng sông. Hai anh cởi mở: “Khi thấy bờ sông phải kè nhiều là biết xói lở nhiều. Ở Campuchia cũng bị xói lở bờ sông rất nhiều vì tình trạng khai thác cát bừa bãi, người dân phản đối nhưng chính phủ cho phép nên các doanh nghiệp cứ khai thác”.

Câu chuyện của mỗi số phận con người, bờ sông ĐBSCL đã hiện lên vấn đề của lưu vực sông Mê Kông, vấn đề liên quốc gia. Cô Shwe Zin của Myanmar nói đến trách nhiệm ASEAN. Khi biết kế hoạch hợp tác vận tải hàng hóa giữa cảng Cần Thơ và cảng Phnom Penh vừa khởi động, cô Shwe Zin mơ ước kết nối sang tận sông Hoàng Hà ở Trung Quốc để tập hợp nhiều nguồn lực bảo vệ các dòng sông.

Và trách nhiệm truyền thông như gợi lên của cô Trường Xuân. Cô cho biết, mạng Đối Thoại Trung Hoa gồm 3 tờ báo điện tử, trụ sở ở Bắc Kinh và chi nhánh ở thủ đô của Anh, Ấn Độ, Brazil. Mạng quan tâm đến các vấn đề về nguy cơ nguồn nước và môi trường ở Himalaya, sông Mê Kông, vùng Đông Nam Á, bài hầu hết do cộng tác viên viết. “Trong ba năm tôi làm việc ở mạng, chưa thấy bài nào về ĐBSCL, về Việt Nam”, cô nở một nụ cười khó đoán cảm xúc. 

ĐBSCL mỗi năm đang sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, xuất khẩu 6-8 triệu tấn gạo. Năm 2015, mới vụ đông xuân và hè thu đã đạt sản lượng 20 triệu tấn lúa, đến hết tháng 7 xuất khẩu hơn 3,7 triệu tấn gạo. Bên cạnh, mỗi năm nuôi 1,2 triệu tấn cá tra và hơn 500.000 tấn tôm, chủ yếu chế biến xuất khẩu đi khắp thế giới.

MỚI - NÓNG