Đột phá cải thiện chất lượng dịch vụ công

Ông Trịnh Văn Bình sung sướng với sổ hồng nhà mình sau hành trình khổ ải 19 năm. Ảnh: HT
Ông Trịnh Văn Bình sung sướng với sổ hồng nhà mình sau hành trình khổ ải 19 năm. Ảnh: HT
TP - Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở nước ta mở mô hình Dân chấm điểm M-Score (do Tổ chức Oxfam Việt Nam, Cty Phân tích thời gian thực (RTA) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp thực hiện) từ tháng 10/2014.

Mô hình đã mang lại những kết quả tích cực trong việc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giao dịch về đất đai cho người dân tại văn phòng một cửa cấp huyện.

Trần ai 19 năm... sổ hồng

 Chủ nhân ngôi nhà chưa có số đối diện trụ sở Tiếp dân tỉnh Quảng Trị trên đường Trường Chinh, TP Đông Hà là ông Trịnh Văn Bình ở khu phố 10, phường 5. Ông có vẻ già so với tuổi 52. Ông mới xin nghỉ chế độ "một cục” từ Cty cấp thoát nước Quảng Trị. Ba ông là liệt sĩ Trịnh Văn Vui, hy sinh thời chống Mỹ, quê Trung Sơn-Gio Linh. Vợ ông, cô Phạm Thị Xuân dạy bên Trường chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh. Nhắc tới chuyện nhà cửa thủ tục đất đai, ông cười mà nom như mếu, sau khi lôi trong tủ ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gọi nôm na là sổ hồng: “Cực hết tả, trần ai hết nỗi luôn chú nờ. Sau 19 năm mới có được “hắn” đó!”.

“Đã có hơn 22.000 lượt chia sẻ của người dân về mô hình. Phát huy quyền dân chủ trực tiếp, đồng thời tạo ra một cơ chế giám sát hữu hiệu cho HĐND tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hiện dự án Dân chấm điểm M-Score tiếp tục hướng đến áp dụng vào lĩnh vực y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị”.

Nguyễn Đức Dũng, 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị

Ông Bình kể, tui mua đất chỗ ni năm 1996 hết 7, 8 triệu đồng. Năm 1999, bên nhà đất thị xã (lúc đó Đông Hà chưa được nâng cấp lên thành phố) lên đo đạc, rồi mần sổ đỏ (khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có màu đỏ chứ không hồng) nỏ được. Lý do: Không biết?! Nóng ruột quá, năm 2001 vợ chồng tui quyết định làm nhà tạm chứ thuê phòng trọ quá cực, dù trong tay chỉ có giấy chứng thực đất ở ngang cấp phường.

Từ ngày mua đất đến năm 2015 là chẵn 19 năm, năm mô cũng có mặt tui ở bộ phận “Một cửa” Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của Đông Hà 5-7 lần. Tui buồn lẫn cáu lắm, đúng là “một cửa” thiệt, nhưng “quá nhiều khóa”, dân kêu không thấu ai. Chỗ Văn phòng một cửa cứ vẫn điệp khúc rằng khu vực ni nằm trong vùng quy hoạch, không làm sổ đỏ sổ hồng được. Nhưng tui tìm hiểu, trong khu vực quanh đường Trường Chinh có 5 hộ làm được. Sau này tui mới tường, hóa ra họ làm dịch vụ, tức bỏ tiền ra cho đường dây cò là xong. Kiếm đâu ra mấy chục triệu, thôi nhắm mắt…

“Một sáng tháng 8 năm ngoái, đang buồn thì một số máy điện thoại bàn lạ hoắc 053.2221123 hiện trên màn hình di động của tui. Bật máy, giọng một cô gái trẻ “Thưa chú, cháu là Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhân viên trực Tổng đài đường dây nóng 18008081 của Ban quản lý dự án Dân chấm điểm thuộc HĐND tỉnh Quảng Trị đây ạ. Qua tìm hiểu hồ sơ xin làm sổ hồng ở một cửa của TP Đông Hà, chúng cháu thấy trường hợp của chú quá nhiêu khê từ phía cơ quan công quyền. Đề nghị chú trình bày lại rõ để chúng cháu tư vấn, giúp đỡ…”. Đúng là sắp chết đuối vớ được cọc. Hôm sau tui về chỗ một cửa Đông Hà, họ vẫn gây khó dễ. Tui về điện tổng đài chỗ cô Nhung bày tỏ sự tình. Sau đó, đích thân ông Nguyễn Đức Dũng-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị ký công văn đề nghị chỗ một cửa thành phố giải quyết dứt điểm trường hợp của tui.

Ngày tui về nhận sổ hồng, ông Nguyễn Quang Công, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên&Môi trường TP Đông Hà “nói đỡ”, từ từ để chúng tôi giải quyết chứ anh điện HĐND tỉnh mần chi cho nặng nề. Trời ơi, những 19 năm mà nói… từ từ, nếu không có dự án Dân chấm điểm M-Score chủ động vào cuộc tận tình thì…”.

Ông Bình nói, khi cầm sổ hồng trên tay vợ chồng con cái nhà ông ôm nhau khóc vì quá hạnh phúc. Cô Xuân, vợ ông phát hiện sổ hồng số BV 561828 do Phó Chủ tịch UBND TP Đông Hà Phạm Văn Nghiệm ký cấp ngày 9/12/2015, trùng với ngày tháng sinh của ông: 9/12. Thú vị thay!

Dân không vỗ tay mới lạ

Ấy là cảm thán không thể thật hơn của ông Đặng Thơ ở tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong khi nói về dự án Dân chấm điểm M-Score đang thực hiện ở Quảng Trị.

Ông Thơ là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Triều, đang có trong tay 120 công nhân. Doanh nghiệp của ông chuyên sấy khô, chế biến gỗ trồng và cả trồng rừng nữa. Đặc thù nghề nên hầu như liên tục ông đến giao dịch chỗ văn phòng một cửa của huyện, thị xã, thành phố và quá tường tận đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố ở đây.

Ông bảo, muốn được việc của mình, muốn ít bị hành, muốn không bị làm khó dễ thì cúi đầu nín nhịn cho xong, chứ gặp nhân viên tuổi bằng con, cháu của mình mà chúng nó cứ lên giọng xẵng gắt rít rịt cộc lốc, sao không bực bội được. Đêm về kể với vợ, ức đến khóc, vợ vỗ nhẹ “Thôi ông, 9 bỏ làm 10, nhu cho trôi việc!”.

Nhưng từ ngày triển khai Dân chấm điểm M-Score thì mọi việc nó hoàn toàn khác, ông Thơ nói, tôi đến giao dịch chỗ một cửa, nhân viên vui vẻ nhẹ nhàng, giấy tờ gì chưa đủ thì họ chỉ dẫn tỉ mẩn bổ sung thêm cho doanh nghiệp, cho người dân.

“Thời gian giải quyết các thủ tục nhanh gọn, chậm nhất không quá tuần lễ, như mới đây tôi làm thủ tục về chuyển nhượng đất trồng rừng trên xã Triệu Ái hay trong chỗ Thượng Phước. Chứ trước đây, kéo dài lê thê vô thời hạn. Cái này không riêng cảm nhận của tôi, mà các giám đốc bạn tôi, rồi những người dân tôi gặp đều rất vui và niềm tin của họ càng vun đầy trước cải cách hành chính này”, ông Thơ nói.

Năm 2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã vào khảo sát mô hình Dân chấm điểm M-score ở Quảng Trị, và đánh giá rất cao mô hình này tại một phiên họp với Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.