Dự án BOT Cai Lậy: Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang đồng thuận

Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Bảo Phương.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Bảo Phương.
TP - Lật lại các thủ tục triển khai dự án BOT (Cai Lậy - Tiền Giang) thấy việc thực hiện dự án trên cả QL 1A và đường tránh Cai Lậy đều được sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương và Bộ GTVT.

Tiền Giang không vô can

Những ngày qua, dư luận lại nóng lên quanh tranh cãi việc triển khai dự án qua Cai Lậy cả ở phạm vi QL 1A và đường tránh, đặt trạm trên QL 1 do Bộ GTVT quyết định hay tỉnh Tiền Giang quyết định?

Cụ thể, như Tiền Phong đưa tin, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho hay, trước đây, dự án chỉ có một hạng mục làm mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 12 km, nhưng sau đó có thêm hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km tuyến QL1. “Những hạng mục công trình này là do Bộ GTVT quyết định hết. Quá trình sử dụng, nếu đoạn QL1 dài 26,5 km này và tuyến tránh Cai Lậy bị hư hỏng thì chủ đầu tư sẽ phải duy tu, sửa chữa trong thời gian thu phí”- ông Bon nói.

Tuy nhiên, tài liệu dự án cho thấy, ngày 28/10/2013, Bộ GTVT ban hành Văn bản 11547 (gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), Văn bản 11548 (gửi HĐND tỉnh Tiền Giang) và Văn bản 11549 (gửi UBND tỉnh Tiền Giang) xin ý kiến thống nhất về dự án.

Trong các văn bản, Bộ GTVT đưa ra hai phương án. Thứ nhất, dự án mở đường tránh cộng với tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy). Bộ GTVT cho hay, phương án này có thời gian thu phí khoảng 10 năm; giảm ùn tắc và TNGT trên QL1 do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến QL1 và tuyến tránh, góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy. Thứ hai, dự án chỉ thực hiện đường tránh thị xã Cai Lậy và đặt trạm tại đây.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, phương án này sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua QL1 hiện tại do tránh trạm thu phí, dẫn tới tình trạng tiếp tục gây ùn tắc và TNGT trên tuyến QL1 qua thị trấn Cai Lậy; đồng thời, hiệu quả tài chính dự án rất thấp (thời gian thu phí trên 30 năm), không thu hút được nhà đầu tư.

Chỉ sau đó vài ngày, Phó Chủ tịch Lê Văn Hưởng (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) ký văn bản 5090  ký nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng dự án QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy là rất cần thiết và cấp bách. Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí cho dự án tại Km 1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy”. Cùng ngày 4/11/2013, HĐND tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản do ông Trần Kim Cát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang ký gửi Bộ GTVT cũng khẳng định: “Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang thống nhất vị trí đặt trạm thu phí dự án trên QL1 tại khoảng Km 1999+900, xã Phú An, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1908 ngày 11/11/2013, Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng QL1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 tại văn bản 4173 ngày 19/12/2013.

Đổi vị trí trạm cũng được thống nhất

Sau đó, như Tiền Phong phản ánh vị trí đặt trạm cũng có sự thay đổi 600 m so với sự thống nhất của các bên như trên. Cụ thể vị trí đặt trạm ban đầu tại km 1999+900 về vị trí hiện nay (km 1999+300) trên QL 1A.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác Công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình dự án đang triển khai xây dựng, do vướng mắc về mặt bằng tại khu vực được xác định xây dựng trạm thu nên UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Bộ GTVT thay đổi vị trí đặt trạm thu phí như trên.

“Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999+300, QL1. Tại vị trí này, việc GPMB sẽ thuận lợi hơn, giảm thiệt hại cho người dân và giảm chi phí đầu tư cho dự án”, văn bản của UBND tỉnh Tiền Giang nêu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, riêng Bộ GTVT quyết định thực hiện dự án trên cả hai tuyến hay có cả cái gật đầu của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chỉ là vấn đề hình thức (nhất là khi văn bản của Tiền Giang và Bộ GTVT quyết cho một việc hệ trọng như vậy chỉ cách nhau ít ngày). Ngoài ra, nếu chọn phương án đặt trạm thu phí trên tuyến tránh không quá khó để xử lý vấn đề chống ùn tắc như Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thống nhất. “Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang hoàn toàn có thể đặt biển báo cấm hoàn toàn hoặc cấm theo giờ xe khách, xe tải lớn… đi xuyên qua thị xã, buộc các phương tiện phải đi đường tránh để nộp phí cho trạm BOT và hạn chế ách tắc trong Cai Lậy. Giải pháp đó là thực tiễn đã áp dụng tại Hà Nội và rất nhiều thành phố khác trên cả nước” - ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.

Xung quanh chuyện ở Cai Lậy và các dự án BOT nói chung gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, điểm cốt tử là các dự án không được tiến hành đấu thầu để chọn nhà đầu tư nên đã phát sinh bất cập, làm chủ phương tiện qua trạm và dư luận nói chung mất niềm tin. Về điều này, như kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây nêu hai điểm quan trọng: Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định. Vì lý do dự án cấp bách nên Bộ GTVT tiến hành chỉ định nhà đầu tư nhưng bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách.

Bộ Tài chính cũng đồng thuận

Liên quan dự án Cai Lậy, trả lời Bộ GTVT, tại Văn bản 17593 ngày 26/11/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định: “Để đảm bảo phương án tài chính của dự án, việc đặt một trạm thu phí trong phạm vi dự án để hoàn vốn nhà đầu tư là phù hợp. Vị trí cụ thể Bộ GTVT xem xét, quyết định, phù hợp với các quy định hiện hành”.

MỚI - NÓNG