Dự án Hiện đại hóa thông tin trên biển không được quan tâm?

Dự án Hiện đại hóa thông tin trên biển không được quan tâm?
TP - Một dự án hiện đại hóa thông tin cho quản lý tàu thuyền trên biển đang bị xếp vào ngăn kéo, vì không được Bộ KH&ĐT đưa vào danh mục các dự án để Chính phủ đàm phán kêu gọi vốn ODA.
Dự án Hiện đại hóa thông tin trên biển không được quan tâm? ảnh 1
Thảm họa có thể sẽ không xảy ra, nếu…

Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên khi cơn bão Chanchu để lại nhiều bài học về dự báo, tránh bão…, trong đó, các nhà quản lý đều thấy rõ sự tụt hậu về thông tin điều hành và nhu cầu thông tin của ngư dân.

Dự án giúp ngư dân thoát những thảm nạn

Cuối năm 2000, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thủy sản nghiên cứu đưa ra dự án Hiện đại hóa thông tin (HĐHTT) liên lạc giữa cơ quan quản lý và các tàu cá, ngư dân trên biển; tăng cường quản lý nghề cá…

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc ngay sau đó đã ra 2 quyết định thành lập tổ công tác xây dựng 2 dự án: “Sử dụng kỹ thuật viễn thám phục vụ quản lý nghề cá trên biển” và “HĐHTT quản lý nghề cá trên biển”.

Đề án thứ 2 ngoài mục tiêu cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, ngư dân biết còn góp phần thực hiện tốt cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển thông qua các hoạt động định vị vệ tinh các tàu cá, liên lạc chỉ đạo trực tiếp với các tàu đánh bắt, di chuyển tránh thiên tai hợp lý… thông qua vệ tinh và các trạm điều hành hiện đại.

Theo ông Bùi Việt Dũng - Trưởng phòng Quản lý khai thác và cảng cá (Bộ Thủy sản), nếu dự án này được thực hiện thì cơ quan quản lý ngồi ở Hà Nội cũng có thể biết chính xác tàu đánh cá đang ở vị trí cụ thể nào trên biển thông qua ảnh chụp từ các vệ tinh, xác định được chính xác các ngư trường có nhiều cá, vùng biển đang xảy ra nguy hiểm…

Từ những thông tin đó, cơ quan quản lý có thể chỉ đạo trực tiếp đến các đội tàu di chuyển đến ngư trường nào đánh bắt hoặc di chuyển tránh bão.

Tổ công tác soạn dự án (gồm đại diện các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ…) đã thống nhất rằng, dự án này cần được thực hiện sớm, bởi tầm quan trọng của nó đối với phát triển kinh tế hơn 1 triệu km2 biển.

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, hoạt động trên biển gặp rất nhiều rủi ro, bão trên biển bao giờ cũng gây thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, hệ thống thông tin liên lạc theo dõi hai chiều giữa ngành thủy sản và tàu thuyền chưa được hình thành.

Một lãnh đạo Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, nếu dự án này được triển khai thì khả năng ngư dân sẽ tránh được cả bão Chanchu dù bão đổi hướng đột ngột.

Chỉ tại Bộ KH&ĐT?

Dự án HĐHTT nghề cá là cần thiết

Nói về dự án HĐHTT nghề cá trên biển có khả thi và xin được vốn ODA hay không, Bộ Tài chính cho biết, khả năng Dự án HĐHTT nghề cá trên biển có thể xin được vốn viện trợ không hoàn lại của tổ chức JETRO hay JICA (Nhật) để lập dự án khả thi là rất lớn. Còn việc dự án có được tài trợ vốn ODA  hay không phụ thuộc đàm phán giữa 2 Chính phủ Việt - Nhật.

Còn Bộ Tài nguyên-Môi trường thì khẳng định: Đánh giá hệ thống thông tin quản lý nghề cá, hiện trạng quản  lý của dự án đã khẳng định sự cần thiết và là nội dung phải đầu tư.

HĐHTT nghề cá trên biển là rất cần thiết và quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Thủy sản đã làm việc với Trung tâm viễn thám thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường về dự án này và đã được xác nhận không có sự trùng lặp đầu tư gây lãng phí…

Chứng kiến cơn bão Chanchu cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân, những người công tác trong ngành thủy sản đều giật mình và tỏ ra tiếc nuối vì đến nay dự án vẫn chưa thực hiện được.

Kiểm điểm thực hiện dự án này, không ít người té ngửa, bởi sự thờ ơ chậm trễ của Bộ KH&ĐT trong việc phối hợp thực hiện dự án. Trong lần báo cáo Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc mới đây về tiến độ dự án “HĐHTT nghề cá trên biển” xin vốn ODA của Nhật Bản, ông Ngô Anh Tuấn - Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thủy sản) cho biết, dự án trên đã được Bộ Thủy sản xây dựng và đưa vào danh mục các dự án xin tài trợ ODA của Nhật gửi Bộ KH&ĐT từ năm 2001.

Trong 5 năm (2001 – 2005), Bộ Thủy sản gửi 8 công văn, nhưng kỳ lạ là Bộ KH&ĐT không hiểu vì lý do gì đã không có một công văn nào trả lời Bộ Thủy sản.

Thực tế này đã khiến dự án có liên quan đến sinh mệnh của nhiều nghìn ngư dân đánh bắt xa bờ này đến nay vẫn chưa được đưa vào danh mục các dự án đàm phán kêu gọi vốn ODA, dù việc thực hiện dự án là cấp bách.

Thậm chí, Bộ KH&ĐT không trả lời đề nghị của Bộ Thủy sản ngay cả khi Văn phòng Chính phủ đã có 2 công văn (6908, ngày 17/12/2004 và 2184, ngày 25/4/2005), thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Đồng ý những nội dung chủ yếu trong báo cáo tiền khả thi dự án này, đồng thời giao Bộ Thủy sản lập báo cáo khả thi và làm việc với Bộ KH&ĐT thống nhất nguồn vốn để trình Chính phủ phê duyệt…).

Năm 2006, cả nước sẽ còn phải “đón” khoảng 5 cơn bão và chưa có năm nào không có bão gây hại ở nước ta.  Nếu không triển khai sớm những dự án như trên thì tính mạng của ngư dân sẽ tiếp tục bị đe dọa.

MỚI - NÓNG