'Dự án lãng phí' 14 triệu USD: Chủ tịch tỉnh báo cáo Thủ tướng những gì?

Bà con tộc người đặc biệt khó khăn Arem, nơi dự án chồng dự án, chờ nhận hàng cứu trợ
Bà con tộc người đặc biệt khó khăn Arem, nơi dự án chồng dự án, chờ nhận hàng cứu trợ
TP - Ngày 14/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã ký văn bản báo cáo số 371, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến những bài viết của Tiền Phong, phản ánh tình trạng hai dự án điện lưới và điện mặt trời chồng nhau, 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu.

Né tránh sai phạm

Bản báo cáo của ông Nguyễn Hữu Hoài dài hai trang rưỡi, trong đó hơn một nửa nội dung diễn giải sự hình thành của hai dự án điện mặt trời và điện lưới. Phần còn lại của bản báo cáo không nói đến những sai phạm của các cơ quan tham mưu và Quyết định 2908, ngày 16/10/2014 của ông Nguyễn Hữu Hoài, ký phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên Dự án điện mặt trời, mà chỉ nói sơ qua về việc điều chỉnh Dự án điện lưới sau khi phát hiện sự chồng lấn.

Đây chỉ là biện pháp chữa cháy cho sai phạm của mình, còn thực chất Dự án điện lưới vẫn chồng lên Dự án điện mặt trời và chắc chắn khi triển khai sẽ gây lãng phí”

 Một chuyên gia bình luận

Theo đó, bản báo cáo viết: Qua rà soát nội dung Dự án cấp điện nông thôn và Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), để tránh chồng lấn gây lãng phí, ngày 6/12/2014, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Sở Công Thương, Ban quản lí Dự án QBSC và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình (Dự án điện lưới) và các sở, ngành liên quan ở tỉnh nhằm phát huy hiệu quả cao nhất Dự án QBSC và Dự án điện lưới.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với Ban quản lí QBSC khảo sát, rà soát kỹ Dự án điện lưới để tham mưu nhằm điều chỉnh lại Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 16/10/2014.

Ngày 18/3/2015, báo Tiền Phong có bài viết về hai dự án này. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức làm việc các sở, ngành liên quan do đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì và đã có ý kiến chỉ đạo, với nội dung là phát huy tối đa hiệu quả Dự án QBSC và Dự án điện lưới, không để xảy ra chồng lấn gây lãng phí.

Sau đó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan và chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất điều chỉnh dự án nhằm đảm bảo được các yêu cầu sau: Những thôn bản thuộc Dự án pin mặt trời thì không kéo điện lưới vào phục vụ sinh hoạt vì đã có pin mặt trời; điện lưới chỉ phục vụ cho sản xuất kinh doanh và những nơi chưa có điện pin mặt trời. UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh Dự án điện lưới mà tỉnh đã phê duyệt trong tháng 4/2015, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cả hai dự án. Đồng thời UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường và công ước của Liên Hợp Quốc về bảo vệ di sản...

Điều chỉnh để “chữa cháy”

Đánh giá về bản báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình gửi Thủ tướng Chính phủ, một chuyên gia trong ngành điện cho rằng, bản báo cáo đã né tránh toàn bộ các sai phạm từ cấp tham mưu đến cấp phê duyệt, trong quá trình triển khai 2 dự án pin mặt trời và điện lưới tại Quảng Bình. Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Không sai phạm sao phải điều chỉnh?”

Theo đó, Dự án pin mặt trời đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong đấu thầu, bị báo chí phanh phui buộc phải hủy bỏ kết quả đấu thầu để đấu thầu lại, dẫn đến dự án chậm mất 1 năm so với kế hoạch; kết quả đấu thầu lần hai giảm được 2 triệu USD so với lần đấu thầu trước, nhưng không ai bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, ông giám đốc dự án về hưu “hạ cánh an toàn”.

Còn Dự án điện lưới, ông Nguyễn Hữu Hoài đã phê duyệt chồng lên hầu hết Dự án pin mặt trời. Trên cơ sở quyết định sai phạm của ông Hoài, Sở Công Thương (chủ đầu tư) đã đề xuất phương án tháo dỡ thiết bị của Dự án pin mặt trời cất vào kho để sử dụng điện lưới và được ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực đồng ý bằng bút phê vào góc văn bản.

Chuyên gia này cho rằng đã có những bất thường trong triển khai Dự án điện lưới cần được làm rõ như: Chủ đầu tư đã chia nhỏ gói thầu tư vấn, thiết kế, lập dự án để chỉ định thầu mà không thông qua đấu thầu. Trong lúc đó, ông Nguyễn Hữu Hoài đã vội vã ký phê duyệt Dự án điện lưới mà không có báo cáo tác động môi trường, khi có một tuyến đường dây đi qua vùng lõi của rừng đặc dụng và Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Văn bản của Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phải làm rõ những thông tin báo Tiền Phong nêu, nhưng bản báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã không đả động gì đến mà chỉ nói về những chỉ đạo điều chỉnh Dự án điện lưới, nhằm né tránh sai phạm của mình. Đáng ra, bản báo cáo phải đề cập đến những sai phạm nêu trên, ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm đó?; hoặc chí ít cũng khẳng định được báo Tiền Phong phản ánh sai hay đúng?” - vị chuyên gia này phân tích.

Liên quan đến những điều chỉnh Dự án điện lưới mà bản báo cáo đề cập, chuyên gia này cho rằng: Đây chỉ là biện pháp chữa cháy cho sai phạm của mình, còn thực chất Dự án điện lưới vẫn chồng lên Dự án điện mặt trời và chắc chắn khi triển khai sẽ gây lãng phí. Bởi theo cách điều chỉnh mà bản báo cáo nói đến, thì Quảng Bình vẫn kéo điện lưới lên các địa bàn đã có điện mặt trời nhưng chỉ để phục vụ sản xuất.

Nhưng ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống đặc biệt khó khăn, họ sống chủ yếu dựa vào rừng, hàng năm Nhà nước phải hỗ trợ gạo cứu đói, không có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, hay nhà máy sản xuất… Trong lúc đó, Dự án pin mặt trời với thiết bị đồng bộ, cấp điện từ trung tâm, có các đường xương cá kéo điện về các thôn bản và đã được tiên lượng đáp ứng đủ công suất cho sự phát triển của nhiều năm sau.

MỚI - NÓNG