Dự án lớn, Quốc hội nên “nắm” đến đâu?

Dự án lớn, Quốc hội nên “nắm” đến đâu?
TP- Hôm qua, tại Hội trường, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về việc sửa đổi Nghị quyết 05 về dự án, công trình trọng điểm quốc gia, trong đó nhấn mạnh đặc biệt nhấn mạnh, Quốc hội thẩm tra đến đâu khi xem xét các công trình đó.
Dự án lớn, Quốc hội nên “nắm” đến đâu? ảnh 1
Bà Trương Thị Mai: Vấn đề ở đây là kiểm soát...

Ngoài ra, lý do đưa ra để sửa đổi Nghị quyết 05 là: Quy mô, sự phù hợp với nhiều luật mới, đồng thời gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chuẩn bị dự án.

Vốn ngoài ngân sách: Bao nhiêu thì Quốc hội “quyết”?

Nhiều đại biểu tán thành quy định trong dự thảo với đầu tư từ ngân sách Nhà nước, những dự án có quy mô vốn từ 20.000 tỷ đồng trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Còn với những dự án có số vốn lớn mà ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư một phần hoặc đó là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước thì sao?

Bà Trương Thị Mai (đại biểu Trà Vinh) tán thành việc Quốc hội xem xét cả dự án, công trình sử dụng nguồn vốn khác.

“Vấn đề ở đây là kiểm soát việc tác động của các dự án, công trình có quy mô vốn lớn đối với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, với an ninh quốc phòng, đời sống người dân và các vấn đề khác có liên quan”- Bà Mai phân tích. 

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lại tỏ ra băn khoăn về cách tiếp cận này. “Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN ) chỉ có khoảng 30% số vốn đầu tư, phần vốn còn lại huy động từ nguồn khác mà Quốc hội xem xét  thì sẽ gây gò bó cho DNNN”- ông Phúc nói.

Còn trường hợp vốn đầu tư hoàn toàn không thuộc khu vực Nhà nước, theo ông Phúc, không nên xem xét hoặc nếu có xem xét thì cần phải nâng mức vốn lên ít nhất là 30.000 tỷ đồng (dự thảo quy định là 25.000 tỷ).

Mạnh bạo hơn, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Hoàng Trung Hải đề xuất nên bỏ việc Quốc hội xem xét các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN cho đỡ vướng về mặt thủ tục bởi vì các dự án đầu tư cả trong và ngoài nước ở nước ta có quy mô ngày càng lớn.

Báo cáo Quốc hội những gì?

Bên cạnh các nội dung mà Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội để xin quyết định đầu tư những công trình trọng điểm quốc gia mà dự thảo đã quy định, ông Võ Hồng Phúc còn kiến nghị cần phải trình thêm ra Quốc hội nhưng tài liệu chi tiết hơn như: Báo cáo tiền khả thi, báo cáo tác động môi trường, báo cáo về di dân, tái định cư...

Thế nhưng ông Hoàng Trung Hải lại cho rằng, Quốc hội không nên xem xét những vấn đề quá cụ thể như vậy. “Bởi làm như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thời gian cho công trình, dự án”- ông Hải cảnh báo.

Từ khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Trân (đại biểu An Giang), Phó Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lại đề xuất Quốc hội cần “gác cửa” kỹ lưỡng yếu tố công nghệ trong các công trình, dự án lớn này để “đừng biến Việt Nam thành bãi rác chứa công nghệ cũ, lạc hậu”.

Trách nhiệm có nên gắn cho chủ đầu tư?

Dự thảo nghị quyết quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác của dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai không tán thành quy định này.

“Nên quy định Chính phủ chịu trách nhiệm, vì Chính phủ là người trình Quốc hội về công trình, dự án. Do vậy, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, còn chủ đầu tư là ai, là do Chính phủ phân công, chỉ đạo điều hành”- Bà Mai khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Trân lại yêu cầu cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan theo hướng Quốc hội trách nhiệm đến đâu; Chính phủ có trách nhiệm thế nào; chủ đầu tư ra sao...bởi lâu nay vấn đề này còn chưa rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Giám sát dự án quan trọng quốc gia, cần tăng gấp đôi!

Chất lượng dự án, công trình có ý nghĩa quyết định khi trình ra Quốc hội. Tôi tha thiết đề nghị các vị ĐBQH, các vị Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, các chủ đầu tư phải hết sức quan tâm đến vấn đề này.

Rõ ràng, chất lượng quyết định (dự án, công trình quan trọng quốc gia) của Quốc hội là còn thấp. Nếu các đề án trình chuẩn bị không kỹ, Quốc hội không thể làm thay được.

Quốc hội không nên đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật. Nghiên cứu dự án, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu công nghệ… tất cả những vấn đề này đã có các cơ quan chức năng trình với Quốc hội chịu trách nhiệm.

Nghĩa là Quốc hội cũng phải có trách nhiệm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của Chính phủ, của các chủ đầu tư, các cơ quan chức năng liên quan. Rồi cơ quan thẩm tra của Quốc hội có thể thành lập các ủy ban lâm thời để thẩm định, thẩm tra các dự án.

Qua thảo luận, hầu hết các ĐBQH đều không hài lòng với 5 dự án mà Quốc hội đã quyết định, chủ yếu là do chất lượng thấp, tiến độ chậm.

Vì vậy, tôi cho rằng cần tăng thời lượng giám sát của Quốc hội. Tôi đề nghị, thời gian tới cần tăng cường hoạt động giám sát, các kỳ họp sau, hoạt động giám sát cần tăng gấp đôi so với kỳ họp này, và đặc biệt chú ý đến chất lượng và hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.