Dự thảo Bộ luật Hàng hải chưa quy định chi tiết việc “bán” cảng biển

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải.
TPO - Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội sáng 3/6 chưa quy định chi tiết về việc chuyển nhượng, nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển mà giao cho Chính phủ quy định sau.

Trình bày Tờ trình Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết, Dự thảo đã Bộ luật đã bổ sung nhiều quy định mới như chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất...

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác để phù hợp với thực tế nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Theo đó, Dự thảo Bộ luật Hàng hải quy định, việc chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Cơ quan quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng, cho thuê hoặc hình thức khai thác khác kết cấu hạ tầng cảng biển.

Bên nhận chuyển nhượng, thuê khai thác hoặc tự đề xuất hình thức khai thác khác phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Có phương án tổ chức, khai thác hiệu quả; Có năng lực về tài chính

Dự thảo Bộ luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và việc sử dụng nguồn thu từ chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền hoặc hình thức khai thác khác kết cấu hạ tầng cảng biển.

Tán thành với việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải, Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng, giao thông hàng hải không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển nền kinh tế quốc dân mà còn góp phần vào việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền của đất nước.

Theo Uỷ ban Pháp luật, thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp hàng hải, đổi mới công tác quản lý nhà nước về hàng hải. Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu thực tế và tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia ven biển.

Do đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật về hàng hải nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển căn bản ngành hàng hải nước ta.

MỚI - NÓNG