Đề xuất đưa biển số xe vào danh mục đấu giá

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đưa biển số xe vào danh mục đấu giá sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đưa biển số xe vào danh mục đấu giá sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý.
TP - Bên lề phiên thảo luận tại tổ Quốc hội về Dự thảo Luật Đấu giá tài sản chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, biển số ô tô, xe máy (gọi tắt là biển số đẹp) là tài sản rất có giá trị.

Nếu thực hiện đấu giá biển số xe sẽ góp phần tăng thêm ngân sách cho nhà nước. Do đó, nếu các đại biểu Quốc hội (QH) ủng hộ, Ban soạn thảo Dự án Luật Đấu giá tài sản sẵn sàng đưa quy định trên vào luật để thảo luận.

Biển số xe là tài sản có giá trị

Sở hữu biển số ô tô, xe máy đẹp là một nhu cầu chính đáng của rất nhiều người dân. Vì thế, việc Dự thảo Luật Đấu giá tài sản trình ra Quốc hội không đưa biển số xe vào danh mục phải đấu giá, đã khiến đại biểu cũng như các chuyên gia tỏ ra không hài lòng.

“Không đưa biển số xe vào danh mục đấu giá tài sản là một sự lãng phí. Vì biển số xe thực tế cũng là tài sản, là tài nguyên số mà rất nhiều người có mong muốn được sở hữu”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nói. Theo ông Bảo, hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện đấu giá biển số xe và hiệu quả thu được rất tốt. “Có những biển số qua đấu giá thu được đến tiền tỷ. Vì thế chúng ta cũng nên nghiên cứu để tiến hành đấu giá biển số xe”, ông Bảo nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì khẳng định, dù việc cấp biển số xe đã được thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên, quay số, nhưng dư luận chưa khi nào hết xì xào về việc: “xe sang và biển số đẹp”. “Kể cả không có tiêu cực thì việc không đấu giá biển số xe cũng là một sự lãng phí rất lớn. Do đó, đấu giá biển số đẹp là cần thiết. Nó không chỉ đáp ứng mong muốn của người dân mà còn là giải pháp bảo đảm sự công khai, minh bạch, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc Dự thảo Luật Đấu giá tài sản trình ra QH lần này, không đưa biển số xe vào danh mục tài sản phải đấu giá vì chưa có quy định bắt buộc biển số xe phải đấu giá. Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, trong xã hội hiện nay vẫn đang tồn tại “câu chuyện” biển số đẹp, biển số xấu. Và dù các địa phương đã thực hiện tương đối minh bạch việc cấp biển số xe theo cách thức ngẫu nhiên, nhưng dư luận vẫn nói đến hiện tượng “xin - cho”.

Sẵn sàng bổ sung đưa vào Luật

Theo ông Hà Hùng Cường, tới đây, khi QH thảo luận tại hội trường, nếu các đại biểu ủng hộ, Ban soạn thảo sẵn sàng tiếp thu, nghiên cứu đưa biển số xe vào danh mục đấu giá. “Con số trong biển số xe là những con số biết nói, tạo ra giá trị và có sự chênh lệch lớn với nhau. Do đó, không có lý do gì mà không tận dụng việc này để bổ sung đưa vào dự thảo luật”, ông Cường nói.

Trước mắt, ông Cường cho rằng, có thể đưa vào trong luật quy định có tính nguyên tắc là: cho phép thực hiện đấu giá biển số xe. Sau đó sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện.

Được biết, từ năm 2006- 2008, một số địa phương cũng đã thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe để lấy tiền ủng hộ người nghèo. Riêng tại Nghệ An, đã thực hiện thành công hai phiên đấu giá thu về hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó biển số ô tô 37S-9999 được đấu giá thành công ở mức giá 700 triệu đồng.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao các bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá quyền sử dụng biển số ô tô, xe máy… Nhưng vì nhiều lý do quy định trên không được ban hành và thực hiện.

Làm rõ thế nào là biển, sim đẹp

Luật sư Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Cty Luật Vimax Asia châu Á (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, trước tiên, muốn đấu giá bất cứ biển số xe, hay sim điện thoại, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa chúng thành một tài sản có giá trị. Sau đó, để thuận lợi cho công tác đấu giá, cơ quan chức năng phải có văn bản hướng dẫn về công tác định giá biển số, sim đẹp đó, đặc biệt là công tác chuẩn hoá các tiêu chí, giá trị cụ thể. Từ đó, các tổ chức bán đấu giá mới đưa ra được giá khởi điểm và tiến hành đấu giá.

Tuy vậy, định nghĩa thế nào là biển số xe hay sim điện thoại đẹp là  chuyện khó. Ví như chiếc biển số, nhiều người thích “tứ quý” – 4 số trùng nhau, hoặc có người lại thích năm sinh, hoặc biển tiến, hoặc lùi… Thậm chí, có người lại cho rằng, biển số đem lại nhiều đen đủi như “4953” chẳng hạn, lại là biển đẹp. Cũng theo luật sư Toàn, để tránh các rủi ro từ cuộc đấu giá, nhất là các phiên đấu giá mang tính từ thiện, các phiên đấu giá phải đảm bảo tính ràng buộc về pháp lý với các bên liên quan.

Như thế tránh được trường hợp đấu giá sim điện thoại đẹp cả tỷ đồng, nhưng sau đó, đã quay lưng với chính quyết định của mình.

Bảo Thắng

MỚI - NÓNG