Đường ngàn tỷ vừa xong đã lún: Không phải tại trời!

Hằn, lún trên tuyến QL 1A đoạn Vinh - Cầu Giát (Nghệ An). Ảnh: Việt Hương
Hằn, lún trên tuyến QL 1A đoạn Vinh - Cầu Giát (Nghệ An). Ảnh: Việt Hương
TP - Về các tuyến quốc lộ mới làm đã bị hằn, lún, Bộ GTVT kết luận, nguyên nhân chính là do thi công yếu kém, không phải do nắng nóng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, người phụ trách các đoàn kiểm tra, nói với PV Tiền Phong.

Thi công sai

Thưa ông, đoàn kiểm tra đánh giá như thế nào về mức độ hằn lún trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh?

Tình trạng hằn lún tập trung trên QL 1A, chủ yếu ở khu vực phía nam tỉnh Thanh Hóa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tỷ lệ hằn, lún chiếm 3-4% tổng diện tích mặt đường đã thi công.

Nguyên nhân gây ra hằn lún được đoàn công tác đánh giá là gì?

Nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu không tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế và quy trình thi công. Những điểm bị hằn, lún thường xảy ra ở những nhà thầu yếu kém, non kinh nghiệm. Có thể nói do lỗi chủ quan nhà thầu gây ra.

Nhiệt độ tăng cao hay xe quá tải cũng là nguyên nhân gây hằn, lún. Tuy nhiên, những yếu tố đó chỉ đóng vai trò thúc đẩy hằn, lún diễn ra nhanh hơn, không phải là nguyên nhân trực tiếp. Đường lẽ ra 10 năm mới hằn, lún, nhưng do sai sót trong thi công, cộng với trời nóng, xe quá tải nhiều khiến hằn, lún xảy ra trong vài tháng qua. Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế cũng là nguyên nhân, nhưng được đề cập sau, cần những giải pháp khắc phục lâu dài.

Như vậy, các nguyên nhân không mới, phải chăng việc giám sát thi công sơ hở?

Đúng là có sơ hở ở khâu giám sát. Tuy nhiên, trong quan điểm kiểm soát thi công của thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu. Trong các yếu tố thi công, chúng tôi xác định, nguyên nhân chính nằm ở khâu lựa chọn và kiểm soát chất lượng đá của nhà thầu. Chất lượng nhựa về cơ bản được kiểm soát tốt.

Tiêu chuẩn thiết kế hiện nay vẫn đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn đó, cần những biện pháp thi công, kinh nghiệm cụ thể. Như người tráng bánh, thực hiện quy trình từ xay gạo, đến tráng bánh, nhưng cần lựa chọn loại gạo và phương pháp tráng đúng kỹ thuật để có mẻ bánh chất lượng.

Dừng thu phí, Tự sửa chữa

Với các tuyến bị hằn lún, Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào?

Đường ngàn tỷ vừa xong đã lún: Không phải tại trời! ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Các điểm bị lún sâu quá 2,5 cm đều phải sửa chữa. Với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, nhà thầu phải bỏ tiền để sửa chữa trong thời gian bảo hành. Thời gian bảo hành trung bình là 2 năm; riêng QL 1A và đường Hồ Chí Minh, Bộ yêu cầu bảo hành 4 năm. Với các tuyến đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), lún sâu hơn 2,5 cm, nhà đầu tư phải dừng thu phí.

Khi người dân phát hiện lún quá 2,5 cm, phải làm sao để đường được sửa chữa, dừng thu phí ngay?

Chúng tôi có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, sau khi người dân báo tin, cần thời gian để các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, giải pháp cụ thể và tiến hành sửa chữa.

Các giải pháp để khắc phục hằn, lún thời gian tới là gì thưa ông?

Trước mắt, phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình thi công của nhà thầu. Về lâu dài, Bộ GTVT nghiên cứu thay đổi các tiêu chuẩn thiết kế để phù hợp với từng vùng miền. Chẳng hạn, sẽ sử dụng các loại nhựa có độ ổn định nhiệt cao hơn. Với khu vực miền Bắc - nơi có nguyên liệu đá tốt hơn, có thể không cần thêm phụ gia; còn miền Trung - nơi độ bám dính của đá thấp, cần bổ sung thêm phụ gia. Chống xe quá tải vẫn là giải pháp cần thực hiện quyết liệt.

Vừa qua, Bộ GTVT kêu gọi các thành phần xã hội tham gia đóng góp giải pháp chống hằn lún, vậy kết quả ra sao?

Điều đó thể hiện sự cầu thị của Bộ GTVT trong điều hành. Chẳng hạn, khi biết Cty Sơn Hải ở Quảng Bình bảo hành tới 5 năm, chúng tôi trực tiếp khảo sát, tới đây sẽ mời họ trình bày kinh nghiệm, bí quyết tại hội nghị. Về cơ bản, Bộ GTVT có thể tìm ra các nguyên nhân và giải pháp trực tiếp gây ra hằn lún nhưng vẫn cần những ý kiến của các tầng lớp xã hội để có giải pháp lâu dài.

Cảm ơn ông.

TS Nguyễn Ngọc Long-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường: 

Phải quy trách nhiệm để xử lý

Nguyên nhân lún đường được làm rõ là chủ quan chứ không phải do thời tiết, xe quá tải. Đã là chủ quan phải quy trách nhiệm cụ thể, làm rõ cả trách nhiệm của tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát chứ không chỉ là nhà thầu thi công.

Đường hỏng, phải sửa là đương nhiên, nhưng đường mới làm đã sửa không chỉ xấu, mất an toàn mà còn gây tốn kém lãng phí. Vì thế, ngoài bắt buộc sửa lại phải xử phạt về kinh tế.

l Ông Triệu Khắc Dũng - Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết: Cục đang thống kê các nhà thầu có dự án hằn, lún, sẽ công bố danh tính và hạ bậc xếp hạng.  

                BẢO AN (ghi)

MỚI - NÓNG