Đường sắt lạc hậu vì độc quyền, thiếu tính cạnh tranh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng tổ công tác làm việc với VNR (ảnh Như Ý)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng tổ công tác làm việc với VNR (ảnh Như Ý)
TPO - “Các ngành hàng không, đường bộ phát triển là do có cạnh tranh, còn ngành đường sắt vẫn độc quyền, không có cạnh tranh...”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà nói.

Sáng 14/2, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết,Thủ tướng thông qua Tổ công tác yêu cầu VNR thực sự đổi mới, quyết liệt để thay đổi ngành vận tải cơ bản này.

“Trong thời điểm hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn hơn, trong khi đi bằng đường sắt hiện đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh, trong đó có lý do chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt, tính an toàn của đường sắt. Hay nói cách khác là thị phần của ngành đường sắt trong những năm gần đây giảm đáng kế”, Chủ nhiệm VPCP lưu ý.

Ông Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ hạ tầng kéo dài từ Bắc đến Nam nhưng hạ tầng quá lâu đời, chất lượng tàu, chất lượng hạ tầng ít được quan tâm nâng cấp, kho, cảng bốc xếp hàng hoá ít được quan tâm.

Ngoài ra, kết nối ga đường sắt với ga hàng không, kết nối đường biển, các khu công nghiệp hay trọng điểm kinh tế ít được quan tâm. “Thủ tướng có đặt vấn đề về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đề nghị ngành đường sắt có suy nghĩ để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thị phần. Giá cước vận tải đường sắt ở các nước rẻ nhất, an toàn nhất, ta hãy xem lại của chúng ta”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa cũng được Thủ tướng đề cập đến an toàn đường, chất lượng lao động và trách nhiệm của cán bộ. Ngay sự cố tại ga Yên Viên vừa rồi, liên quan dến điều hành cùng lúc tàu vào ga hôm 14/7 tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy kỷ luật kỷ cương phải điều chỉnh.

Thủ tướng cũng lưu ý VNR là kêu gọi đầu tư tham gia khai thác đường sắt. Chủ trương xã hội hoá hạ tầng, sử dụng các dịch vụ khác của đường sắt thế nào để kêu gọi đầu tư, cần sự đổi mới với ngành đường sắt.

“Công nghệ điều hành của ta dùng thủ công quá nhiều, lạc hậu. Cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào đường sắt, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Dũng nói.

Chia sẻ với những hạn chế, khó khăn của VNR, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cũng bày tỏ sự trăn trở trước tình trạng đường bộ, hàng không phát triển mạnh mạnh nhưng đường sắt vẫn lạc hậu, bị thu hẹp. “Các ngành khác phát triển là do có cạnh tranh, còn VNR vẫn có độc quyền, không có cạnh tranh. Nếu có cạnh tranh thì cũng chỉ trong nội bộ, không có tính thị trường nên dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không phát triển được”, ông Hà nói.

Từ đó, ông Hà cho rằng, phải có cạnh tranh mới kích thích sự phát triển. Ông Hà cũng gợi ý nếu không đầu tư xây dựng được toàn bộ đường sắt cao tốc tuyến Bắc – Nam thì VNR cũng nên nghiên cứu làm một đoạn. Ví dụ từ TP. HCM – Nha Trang, nếu có thì chắc chắn sẽ tạo ra tính cạnh tranh cao, nhiều hành khách đi lại vì rất thuận tiện, an toàn.

Ông Hà cũng đề nghị cần phải có giải pháp để giải quyết bài toán về hành lang an toàn giao thông đường sắt. “Chẳng có nước nào như nước mình, nhà dân cứ san sát đường sắt, rất kinh khủng. Cần phải có giải pháp về vấn đề trên”, ông Hà nói.

MỚI - NÓNG