EVN lỗ “sân trong”, lãi “sân ngoài”

EVN lỗ “sân trong”, lãi “sân ngoài”
TP - Chi phí giá thành, cơ sở nào để tăng giá điện, thực chất lãi lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... là những vấn đề được báo giới đặt ra với ông Vương Đình Huệ - Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong cuộc họp báo chiều 25/11.
EVN lỗ “sân trong”, lãi “sân ngoài” ảnh 1
EVN Telecom là một trong những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của EVN

Ông Huệ cho biết: Việc kiểm toán EVN được tiến hành theo mục tiêu  chính là xác định tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính, cũng như việc đánh giá tính hiệu quả về sử dụng vốn và tài sản trong đơn vị.

Qua kiểm toán cho thấy, về cơ bản, EVN đã chấp hành tương đối nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ trong năm 2007 của EVN về cơ bản là lành mạnh.

Báo cáo kiểm toán cho thấy EVN lỗ trong kinh doanh điện, lãi trong đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Ông đánh giá như thế nào về việc EVN đưa ra con số lỗ để đề nghị tăng giá điện?

Trong báo cáo kiểm toán chúng tôi đã nêu rất rõ, tổng lợi nhuận trước thuế của EVN năm 2007 là 4.376 tỷ đồng. Nhưng nếu tách riêng chênh lệch thu được từ việc tăng giá điện (hơn 3.400 tỷ đồng) và chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN chỉ còn 973 tỷ đồng.

Và nếu tính riêng kinh doanh điện, thì EVN lỗ hơn 506 tỷ đồng. Như vậy, lãi của EVN trong năm 2007 chủ yếu là thu được từ đầu tư ngoài ngành như: chứng khoán, tài chính, ngân hàng, thu cổ tức đầu tư vốn, tiền phạt vi phạm hợp đồng…

Các hoạt động đầu tư ra ngoài của EVN đến thời điểm này là có lãi. Tỷ trọng này không phải là quá cao, nhưng chúng tôi khuyến cáo với EVN cần phải huy động tối đa nguồn lực để tập trung đầu tư cho sản xuất điện.

Với số vốn đã đầu tư ra ngoài ngành EVN có thể đầu tư được một nhà máy nhiệt điện với công suất tương đương 50 MW.

Dự báo nhu cầu về điện vẫn đang có xu hướng căng thẳng do đó EVN cần phải tập trung phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, tái cơ cấu lại các khoản đầu tư để tập trung cho sản xuất điện. Nếu một đơn vị ngành điện mà lãi lớn từ ngân hàng, chứng khoán thì cũng cần phải xem xét lại!

Vừa qua EVN đã đề nghị được trích thưởng cho tập đoàn 1.002 tỷ đồng, ông đánh giá như thế nào về mức chi phí quản lý và hiệu suất lao động của EVN?

Tiền lương của EVN hiện bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng, con số này cũng không quá cao so với mặt bằng xã hội tại thời điểm năm 2007. Việc đề nghị trích thưởng đây là EVN đề nghị cho trích quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng chứ không hoàn toàn chỉ để thưởng.

Theo Quyết định 276 của Thủ tướng Chính phủ, phần chênh lệch thu được từ tăng giá điện được sử dụng cho đầu tư phát triển (chênh lệch do tăng giá điện EVN thu về 3.402 tỷ). Hiện đã có con số cụ thể. Theo tôi EVN cần phải cân nhắc, tính toán lại.

Trước thực trạng sản xuất của EVN và qua kết quả kiểm toán này, liệu cơ sở  để tăng giá điện vào năm 2009 của EVN có thuyết phục?

Trong quá trình kiểm toán, khi xem xét giá thành và doanh thu bán điện thì bao giờ chúng tôi cũng phải tính đến những yếu tố tác động làm tăng giá bán điện lẫn những yếu tố làm giảm giá bán điện. Chẳng hạn, hiện nay Nhà nước vẫn bù chéo về giá bán than.

Giá bán than hiện nay cho 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, xi măng, thép, giấy) chỉ bằng 39 -79% giá thành và thấp hơn nhiều so mặt bằng xuất khẩu. Nếu tới đây Chính phủ điều chỉnh giá bán than thì chắc chắn sẽ tác động làm tăng giá thành điện.

Thứ hai là lỗ về chênh lệch tỷ giá hối đoái (vì EVN vẫn phải đi vay trong, ngoài nước) khi tỷ giá biến động thì bắt buộc EVN phải tính vào giá thành điện.

Thứ ba là trong năm 2007, EVN đã có nhiều khoản doanh thu không mất tiền, như thu từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 330 tỷ đồng (vì chưa phải tính chi phí). Nếu khoản này mà bị loại trừ sẽ gián tiếp làm tăng giá thành điện…

Nhưng mặt khác, EVN cũng phải tính đến những yếu tố tác động làm giảm giá điện, như nếu mức tổn thất điện năng đến 2010 chỉ còn khoảng 8% thì sẽ tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ đồng. Các yếu tố làm giảm giá thành như công suất, giá nguyên liệu đầu vào giảm…

Tóm lại, theo tôi việc tăng giá điện trong thời gian tới là hợp lý, nhưng mức tăng và thời điểm tăng thì phải hết sức cân nhắc và dù có tăng giá, thì EVN vẫn phải phấn đấu hết sức để hạ thấp chi phí và giá thành.

KTNN cũng sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu kết quả kiểm toán, phân tích giá thành, chi phí, kết quả kinh doanh của EVN để sử dụng như một căn cứ quan trọng trong điều hành giá điện. 

 KTNN cũng đã chỉ ra rằng, EVN còn hàng loạt bất cập trong quản lý vốn, quản lý tài sản cố định, quản lý xây dựng đầu tư cơ bản. Đơn cử như việc quản lý hàng hóa tồn kho, báo cáo kiểm toán nêu rõ:

Quy trình quản lý than nhiên liệu (tại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than) thiếu chặt chẽ; Vật tư kém, mất phẩm chất, ứ đọng tại các đơn vị điện lực khoảng 27 tỷ đồng;

Cty thủy điện Ialy nhận bàn giao, vận hành nhà máy thủy điện Sê San 3 từ năm 2006 nhưng đến nay nhà máy này vẫn đang hoạt động trong tình trạng còn thiếu nhiều thiết bị chưa hoàn chỉnh, chưa được nhà thầu cung cấp đầy đủ hoặc chưa được thử nghiệm theo đúng hợp đồng;

KTNN kiến nghị lãnh đạo EVN yêu cầu nhà thầu EPC Sông Đà cung cấp bổ sung thiết bị còn thiếu hoặc khởi kiện nhà thầu EPC Sông Đà nếu không sớm khắc phục những vi phạm hợp đồng.

Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án điều khiển phụ tải bằng sóng DLC số tiền 12 tỷ đồng, do thiếu thận trọng, không khảo sát đầy đủ nhu cầu thị trường. Đến nay, dự án vẫn còn dở dang, chưa hoặc không thể đưa vào khai thác sử dụng...

Nguyễn Tú (ghi)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.