Ga Hà Nội: Trong hết vé, ngoài bán vô tư

Ga Hà Nội: Trong hết vé, ngoài bán vô tư
TP - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, chưa bao giờ ngành đường sắt phải tăng cường đến nhiều đôi tàu như vậy nhưng nhiều người dân đã phải xếp hàng nhiều giờ mà vẫn không thể mua được vé trong ga...
Ga Hà Nội: Trong hết vé, ngoài bán vô tư ảnh 1
Phe vé công khai thỏa thuận giá ngoài cửa ga Hà Nội

Thế mà bên ngoài sân ga, vé “chợ đen” được dân phe bán nhan nhản...

Chẳng mấy khó khăn để phát hiện những “cò” vé, phe vé trước cửa ga Hà Nội. Dường như ngành đường sắt càng nỗ lực chống nạn cò mồi, phe vé bao nhiêu thì hiện tượng này càng ngang nhiên lộng hành.

Trước ngày 28/4, ga Hà Nội thông báo vé đi Hà Nội-Lào Cai vào ngày này đã hết từ lâu. Chúng tôi, trong vai những người khách, còn được một lãnh đạo ga Hà Nội tự tin “thách”: “Nếu các anh mua được vé đi tuyến Hà Nội-Lào Cai chạy đêm 28, tôi sẽ thưởng”.

Không mấy khó khăn, chúng tôi được nhiều “cò” tiếp cận ngay từ sảnh ga Hà Nội (tức là ngay sau lưng những người bảo vệ). Chúng tôi đề cập ngay chuyện cần khoảng 10 vé nằm đi du lịch Sa Pa chạy đêm 28/4.

Sau khi thấy chúng tôi tỏ vẻ thực sự cần vé, “cò” liền dắt ngay tới một phe vé. “Vé đi đâu, loại gì đây có tất miễn là chú em có tiền”-Phe vé cho biết. Để kín đáo hơn một chút, chúng tôi được dẫn sang một cửa hàng bán tạp hoá đối diện ga.

Trong quầy, ngoài những mặt hàng có cả những tài liệu liên quan đến lịch trình tàu chạy như “Cẩm nang hướng dẫn đi tàu”. Phe vé này còn đưa ra cả loạt vé loại đi tập thể đi các tuyến. “Đi Lào Cai à, chú thích đi ngày nào có tất, miễn là giá cao hơn một chút”. Cao hơn một chút như lời dân phe nói là khoảng 100 ngàn đồng trở lên mỗi vé so với giá gốc.

Trong lúc chúng tôi đang mặc cả thì liên tục có những cú điện thoại gọi tới đặt vé. Tất nhiên hầu hết đều được “đại lý” này “ok” khi người mua chấp nhận mua cao hơn giá gốc rất nhiều.

Theo thống kê sơ bộ của ngành đường sắt, trong đêm 28/4/2006, lượng hành khách vào ga Hà Nội đã lên tới khoảng 2 vạn người.

Riêng tuyến Hà Nội-Lào Cai, ga Hà Nội phải lập phương án bán thêm 15% ghế phụ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách.

Chiều 1/5/2006, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Giao (Tổng GĐ- Cty vận tải đường sắt HN) về hiện tượng tuồn vé nêu trên.

Ông Giao cho biết: Mọi phương án mua vé đều phải qua ga Hà Nội (trường hợp CPĐSKV1 ở trên xin mua vé trực tiếp từ Cty Vận tải đường sắt HN-PV).

Nếu quả thật CPĐSKV 1 đã tuồn vé ra ngoài, chúng tôi sẽ chấn chỉnh. Tôi không tán thành việc này cho dù là tuồn 1 vé ra bên ngoài. 

Sau khi mua chiếc vé đi Lào Cai ngày 28/4 (lúc 23 giờ 40) số toa 14, ghế  số 6 với giá 250 nghìn đồng (giá gốc chỉ 160 nghìn đồng), “chị phe” vui vẻ cho biết: “Tuy cao thế nhưng bọn chị có được hưởng cả đâu. Này nhé! Tiền lại quả cho người bán vé, cho bảo vệ ga...”.

Tối 28/4, PV Tiền phong đã liên lạc trở lại với một phe vé yêu cầu mua thêm thì được “hét” một vé giường nằm Hà Nội-Lào Cai những 350 ngàn đồng. Vé ngồi điều hoà 250 ngàn đồng, muốn bao nhiêu cũng được. “350 ngàn đồng còn không có vé để mua đấy. Cháy chợ rồi! Không giảm được đâu!” - Phe vé này nói.

Được biết, những chiếc vé do dân phe nắm giữ là loại của các Cty mua dưới dạng vé tập thể và được tuồn ra ngoài. Chiếc vé chúng tôi mua được là của Cty Cổ phần đường sắt khu vực 1 (CPĐSKV1).

Trong dịp này, riêng CPĐSKV1 đã “bao” 4 toa tàu cho tuyến Hà Nội-Lào Cai (chưa kể các Cty, đơn vị khác cũng mua vé tập thể kiểu này ở nhiều tuyến khác). Vậy có hay không người trong ngành đường sắt tiếp tay cho dân phé vé để kiếm lời?

MỚI - NÓNG