Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong Chiến dịch Chủ quyền 88

Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh
Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh
TPO - Báo Tiền Phong trở lại với Chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88), với sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bằng câu chuyện về liệt sĩ Võ Đình Tuấn, từng được Tiền Phong nhắc tới...

Bài 1: Những người ra trận

Võ Đình Tuấn sinh ngày 17/51968 ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hy sinh sáng ngày 14/3/1988 trên bãi đá Gạc Ma. Câu chuyện tình yêu của anh và một người con gái Ninh Hòa được kể trong bài “Mong một lần ra Trường Sa thắp hương cho con”, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 22/5/2011.

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong Chiến dịch Chủ quyền 88 ảnh 1

Chị Trang và cuốn album, ở nhà anh Tuấn.

Ít ngày trước khi cùng đồng đội lên tàu HQ-604 ra Trường Sa, một buổi tối Võ Đình Tuấn gặp người yêu ở Nha Trang, nói chuyện có người khuyên Tuấn ở lại. Người yêu của Tuấn nói với anh, hãy đi cùng đơn vị, bảo vệ quê hương. Tuấn nói, anh hỏi để thử lòng người yêu thôi, chứ anh là người chiến sĩ, phải làm tròn nhiệm vụ.

Sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 – 2005) viết, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, bãi đá Châu Viên và có ý đồ chiếm đóng một số bãi đá san hô khác.

Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam Giáp Văn Cương lệnh cho lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các tàu của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tránh âm mưu khiêu khích của tàu nước ngoài, đồng thời chỉ thị Lữ đoàn 125 chuẩn bị tàu, pông-tông sẵn sàng đưa lực lượng ra đóng giữ thêm các bãi đá san hô (đảo chìm) ở Trường Sa, Trung đoàn 83 công binh chuẩn bị lực lượng và phương tiện, sẵn sàng cơ động xây dựng đảo.

Chiến dịch CQ-88 được triển khai, Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định: "Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng".

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đưa bộ đội ra đóng giữ đảo chìm Đá Tây. Ngày 25/1/1988, quân ta đóng giữ đảo chìm Tiên Nữ. Sau đó, hải quân ta liên tiếp đóng giữ các đảo chìm: đảo Đá Lát (5/2/1988), đảo Đá Đông (19/2/1988), đảo Đá Lớn (20/2/1988), đảo Tốc Tan (27/2/1988), đảo Núi Le (28/2/1988).

Tại các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Đá Lớn, Đá Đông đã có những sự đụng độ quyết liệt, căng thẳng giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc, có lúc nòng súng hai bên đã chĩa thẳng vào nhau, sẵn sàng khai hỏa.

“Mình lên Đá Đông rồi, tàu họ cứ quần bên ngoài, chĩa pháo vào mình. Tàu HQ-614 đưa quân mình lên Đá Đông là loại tàu Nhật Lệ do Trung Quốc đóng, trọng tải chỉ 200 tấn, trang bị vũ khí chỉ có AK, B40, một khẩu 12 ly 7. Lúc đó, trên tàu có cái ống thùng dầu phụ của máy bay để đựng nước, chúng tôi làm giả như quả tên lửa. Chắc bên kia nó tưởng mình có tên lửa thật, nên không dám gây sự” - Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân kể.

Khi Trung Quốc chiếm đóng bãi Chữ Thập và bãi Châu Viên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố, cực lực lên án hành động của Trung Quốc. Từ tháng 2/1988, báo chí, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tiếp đưa tin về hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam.

Tình hình Trường Sa rất căng thẳng. Bộ tư lệnh Hải quân điều hầu hết cán bộ chủ chốt vào Vùng 4 để lập Sở Chỉ huy tiền phương, Tư lệnh Quân chủng Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4. Nói như Đại tá Nguyễn Văn Dân, ra Trường Sa lúc đó, dù chỉ để xây dựng những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam, chính là ra trận, có thể có đổ máu, hy sinh...

(Còn nữa)

"Trung sĩ Nguyễn Văn Thành quê ở Hương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh, là con út trong gia đình, anh chị vào Nam công tác và lập nghiệp. Thành sinh năm 1967, nhưng nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị với tôi, rồi cùng học khóa hạ sĩ quan, xong lại cùng chuyển về một đại đội.

Thành người cao, ít nói, chỉ cười tủm tỉm, dáng chậm chạp, hiền lắm. Ngày chuyển về tăng cường cho Lữ đoàn 146, tăng cường cho Trường Sa, Thành không có danh sách đi làm nhiệm vụ trong đợt này, Thành buồn lắm. Thế rồi do hôm 10/3/1988 tàu gặp bão nên hoãn lại ngày hôm sau, hôm đó có sự cố nên một đồng chí không thể đi được mà phải thay, thế là Thành xung phong.

Tôi không đồng ý, nhưng Thành cương quyết vì thích đi với tôi, cả Độ cũng xin đi, nhưng chỉ được một người nên anh Phong (liệt sĩ, Thượng úy Nguyễn Mậu Phong – NĐQ ghi chú) và anh Phương (Anh hùng liệt sĩ, Trung úy Trần Văn Phương – NĐQ ghi chú) chọn Thành. Tôi và Độ kéo Thành ra ngoài phân tích, Thành không nghe, mặc dù Thành đang bị cảm…

Hắn trốn tau đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, chỉ khám có một phòng là trúng luôn, khi đó mới 16 tuổi. Đó là lời của mẹ Nuôi, mẹ nói tiếp, tau không đồng ý, tau khóc, hắn kéo tau ra tận ngoài bãi cát, nơi có rặng phi lao, hắn ôm tau rồi nói, mẹ cho con đi, con chỉ đi 3 hay 4 năm là con về, đi sớm về sớm, nghĩa vụ ai cũng phải đi cả mẹ ạ. Rứa là tau bằng lòng cho hắn đi, hắn đi và đi mãi đến bây giờ không về, nói rồi mẹ lại khóc…

Hồ Văn Nuôi quê ở Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An. Ngày nhận nhiệm vụ, tăng cường cho lữ đoàn 146 và nhận nhiệm vụ đi chiến đấu, Nuôi vui lắm, và còn nói rằng mình đi biển quen rồi, không sợ say sóng đâu, các bạn là dân miền rừng thì say sóng là cái chắc.

   Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong Chiến dịch Chủ quyền 88 ảnh 2  Di ảnh liệt sĩ Hồ Văn Nuôi

Ấy vậy khi tàu ra khơi gặp gió bão, nước quăng qua cả boong tàu, tàu chòng chành, lắc lư, thì thấy Nuôi cũng không khác chi mọi người. Dìu Nuôi lại cạnh với mấy đồng đội, lấy cho Nuôi cốc nước, thấy Nuôi nhìn tôi, tôi còn nói đùa, giờ thì chưa biết dân rừng say hay dân biển say nhé….

(Trích từ bài viết trên facebook của Lê Hữu Thảo, một cựu chiến binh Gạc Ma, về những đồng đội đã hy sinh ở bãi Gạc Ma ngày 14/3/1988)

MỚI - NÓNG