Gần 300 sự kiện mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gần 300 sự kiện mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các nhà nghiên cứu vừa hoàn tất đề tài khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh với gần 300 sự kiện mới được phát hiện. 
Gần 300 sự kiện mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1
Quyền Bí thư  thứ nhất TW Đoàn Đào Ngọc Dung, Bí thư TW Đoàn Đoàn Văn Thái thăm Triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) ngày 27/11/2004

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Tình cho biết sau hơn hai năm làm việc khẩn trương các chuyên gia nghiên cứu vừa hoàn tất đề tài khoa học “Nghiên cứu hệ thống các địa điểm, các sự kiện lịch sử về Hồ Chí Minh với Trung Quốc”, một đề tài khoa học lớn được đánh giá là khá quan trọng nghiên cứu một cách hệ thống và công phu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc.

Đề tài tập hợp khoảng 1000 sự kiện về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, trong đó có gần 300 sự kiện mới được phát hiện, nghiên cứu sâu với nhiều tư liệu và hiện vật đặc biệt quý.

Các tư liệu và hiện vật cho thấy Trung Quốc là một đất nước láng giềng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều nhất, lưu lại lâu nhất (tổng số hơn 10 năm); Người đã từng hoạt động hoặc đến thăm 21 tỉnh trong tổng số 33 tỉnh của Trung Quốc.

Gần 300 sự kiện mới được bổ sung chủ yếu bao gồm các nội dung chính: Nội dung thứ nhất: Thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động và bị bắt ở Hồng Kông (1931-1933). Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu được biết đến nhiều công văn, chỉ thị của nhà cầm quyền Anh, Pháp đối với những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, khẳng định tầm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương.

Từ hơn 10 năm nay, Nguyễn Ái Quốc là một chiến sỹ vô địch vì sự nghiệp độc lập của Đông Dương...và từ nhiều năm nay những người cách mạng bản xứ xem ông như Lênin của Đông Dương” (Trích Điện của Bộ trưởng Nội vụ Pháp gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 24/6/1931); “Đối với chúng ta điều quan trọng nhất là làm cho lãnh tụ Đảng Cộng sản Đông Dương không còn khả năng tiếp tục hoạt động được” (Điện của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 31/7/1931).

Những tờ báo đưa tin về vụ án đã giúp chúng ta biết về diễn biến 9 phiên toà và những bản khai của Người.

Nội dung thứ hai mà các nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu đó là hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số chuyến đi bí mật thăm Trung Quốc và Liên Xô những năm 1950-1952. 

Nội dung thứ ba: Về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các chuyến thăm và nghỉ tại Trung Quốc từ năm 1960-1968. Có những năm Bác đã đi nhiều lần như năm 1965, 1966, 1967, cho thấy mối quan hệ đặc biệt gắn bó của Bác với nhiều nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.

Nội dung thứ tư: Về danh mục ảnh, tư liệu (1950-1969) về các cuộc tiếp đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc sang thăm hữu nghị Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân có công giúp cách mạng Việt Nam từ những năm 1940 đến những năm sau này.

Nội dung thứ năm: Một số bài báo, thư, điện, diễn văn, bài phát biểu, các sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian 1950-1969. Bác đã viết hơn 200 bài báo với nhiều bút danh khác nhau về Trung Quốc.

Theo bà Phạm Thị Lai, Phó phòng Tư liệu (Bảo tàng Hồ Chí Minh), đề tài đã tập hợp được danh mục gồm 70 địa điểm liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Trung Quốc.

Trong đó, nhiều di tích đã được Trung Quốc xếp hạng: Di tích Nhà số 13, 13/1 đường Văn Minh (nay là số 248-250) thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông; di tích Văn phòng Bát lộ quân tại số 138 đường Quế Bắc, nay là 96 đường Trung Sơn Bắc, thành phố Quế Lâm; di tích Văn phòng Bát lộ quân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây; di tích nhà số 2 đường Ngư Phong, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây.

Việc phát hiện, nghiên cứu thêm nhiều tư liệu mới còn góp phần quan trọng đính chính một số tài liệu nghiên cứu trước đó về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những địa danh rất quan trọng mà nhóm nghiên cứu đã  tiếp cận với những tư liệu mới đó là địa điểm diễn ra Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản VN tại Hồng Kông.

Theo GS.Hoàng Tranh (Viện nghiên cứu KHXH tỉnh Quảng Tây) thì nơi họp ở Tống Vương Đài gần bờ biển, gần Miếu Hầu Vương, Cửu Long. Một bức thư của Bác gửi cho đồng chí Ngô Minh Loan, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc mới phát hiện một lần nữa cho thấy phong cách giản dị mà sâu sắc của Bác. Trong thư Bác viết:

K.g đ.c Đại sứ Ngô Minh Loan thân mến,

Nhờ đ.c phái vài cán bộ có ít nhiều kinh nghiệm về việc chăn nuôi lợn đến 1 đại đội trong huyện Đại Hưng, ở Bắc Kinh học cách làm ra Trung khúc (một loại thức ăn để nuôi lợn). Hiểu biết cách làm rồi, thì xin các cán bộ viết một báo cáo rõ ràng gửi về, để bà con ở nhà bắt chước làm.

Mong đồng chí trả lời. Chào thân ái và quyết thắng. Văn phòng của Phủ Chủ tịch. T.b=Đại sứ quán đã phổ biến sách “Ng.tốt, việc tốt” nhiều chưa”. Gửi kèm theo bức thư là tờ báo Trung Quốc đăng bài viết về huyện Đại Hưng có hợp tác xã dùng “Trung khúc” nuôi lợn lớn rất nhanh. 

MỚI - NÓNG