Gắn 'Mắt Thần' xua tệ nạn

Hình ảnh từ camera giám sát được truyền về trung tâm để cán bộ trực theo dõi, xử lý. Ảnh nhỏ: Biển báo khu nhà trọ được lắp camera an ninh. Ảnh: Việt Văn
Hình ảnh từ camera giám sát được truyền về trung tâm để cán bộ trực theo dõi, xử lý. Ảnh nhỏ: Biển báo khu nhà trọ được lắp camera an ninh. Ảnh: Việt Văn
TP - Công an và người dân TPHCM đang chung tay lắp thêm camera giám sát trên các tuyến đường, khu nhà trọ, góp phần xóa sổ nhiều tụ điểm mại dâm, cờ bạc, nâng cao hiệu quả phòng chống trộm cướp…

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn phường 12, quận Gò Vấp đã có gần 400 camera giám sát trên 22 tuyến đường, con hẻm. Nhờ những “mắt thần” này mà nhiều tụ điểm tệ nạn, trộm cắp được lực lượng chức năng xóa sổ nhanh chóng.

Xua đuổi tệ nạn

Vào một chiều tối tháng 5, chúng tôi đến đường Tân Sơn (phường 12, quận Gò Vấp), nơi được biết đến là “phố đèn đỏ” bởi một thời tấp nập gái đứng đường chèo kéo khách. Nay trở lại con đường này không còn bóng dáng của những “bướm đêm”, nhiều quán cà phê, điểm massage đã vắng bóng.

Ngồi bên quầy bán sim card điện thoại, anh Nguyễn Thanh Trà (SN 1973, quê Nghệ An) thở dài: “Buồn không phải vắng bóng mấy em chân dài mà vì buôn bán ế ẩm quá. Từ ngày con đường được lắp camera đến nay đã hơn 1 tháng, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt”. Nhiều người thấy vui khi con đường sầm uất với nhiều dịch vụ nhạy cảm, những quán cà phê đèn mờ nay thay vào đó là những điểm kinh doanh đồ cũ. Chúng tôi hỏi chủ quán bỏ đi hết à? “Không phải, mà là các em chân dài đã đi hết vì ngại mấy con “mắt thần” trên cột điện kia. Mấy vị khách cũng ngại lui tới các dịch vụ nhạy cảm vì sợ bị “ghi hình””- anh Trà vừa nói vừa chỉ tay lên camera an ninh mà phường vừa lắp đặt cách đây hơn một tháng.

Cạnh quầy bán sim card của anh Trà là gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1979, quê Nam Định, trú quận 12), thuê quầy mặt tiền với giá 7 triệu đồng/tháng để buôn bán nước giải khát. Chị Tâm tiếp lời: “Đến quán nước của tôi cũng ế ẩm chứ nói chi đến sim card của anh Trà. Lúc trước, mỗi đêm bán được hàng trăm ly nước mía, vài ba cây thuốc lá thì nay, giảm hơn một nửa”.

Tuy nhiên, cả anh Trà và chị Tâm đều có chung một niềm vui, con đường Tân Sơn đã thay da đổi thịt bởi “thần nhãn”. Nhờ có những con mắt này mà tệ nạn mại dâm, nhiều quán đèn mờ đã im hơi lặng tiếng, không còn náo nhiệt như xưa. “Những cuộc cãi vã, đánh nhau cũng không còn như trước. Con đường trở nên bình yên”, chị Tâm nói.

Không chỉ con đường Tân Sơn thay da đổi thịt, mà còn nhiều con đường khác ngày xưa là những điểm tệ nạn có tiếng như Phan Huy Ích, Đỗ Thúc Tịnh... nay đã không còn. Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp cho biết, đó là hiệu quả từ việc lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát các con hẻm, tuyến đường để đảm bảo an ninh trật tự cho người dân. Không chỉ phòng chống tội phạm, các tệ nạn mà hệ thống quan sát từ xa này còn giúp công an nhận diện, truy xét nhanh các đối tượng gây án, phạm tội trong thời gian ngắn.

Gắn 'Mắt Thần' xua tệ nạn ảnh 1

Người dân trên đường Phạm Văn Bạch tỏ ra vui mừng khi phường triển khai lắp camera. Ảnh nhỏ: Biển báo khu nhà trọ được lắp camera an ninh. Ảnh Việt Văn

Nhận diện tội phạm
Không tốn nhiều công sức để ra quân dẹp tệ nạn trên các tuyến đường, con hẻm, những đôi “mắt thần” này còn giúp công an truy xét nhanh các đối tượng gây án, trộm cắp hay những người gây tai nạn mà bỏ trốn... nhờ vào trích xuất dữ liệu có sẵn được ghi hình lại. “Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, công an phường 12 tiếp nhận 3 vụ việc và tìm ra được những đối tượng trộm cắp tài sản, người gây tai nạn giao thông nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường”, trung tá Hưng nói.

Theo trung tá Hưng, để có những con đường an toàn, lực lượng công an phải trải qua nhiều khó khăn. Từ những thí điểm mô hình ở một số hẻm, đường mang lại hiệu quả, phường đã triển khai nhân rộng mô hình. “Đến nay, toàn phường đã có gần 400 camera với trên 22 tuyến đường, con hẻm được lắp đặt”, trung tá Hưng chia sẻ.

Ban đầu khi đưa ra mô hình này thì rất ít người dân tin bởi tính khả thi của nó. Lấy kinh phí từ đâu để mua sắm hàng nghìn camera giám sát? Lợi ích mà người dân được hưởng là gì? Có ảnh hưởng đến đời sống, quyền riêng tư của họ không?... Hàng loạt câu hỏi chất vấn được người dân đặt ra. Đến nỗi, đại diện công an phường phải đề xuất với UBND phường thành lập ban vận động, tuyên truyền đến người dân. Hộ khá giả thì tự nguyện đóng góp vài ba triệu đồng, đến những hộ khó khăn thì 200.000 - 300.000 đồng. Còn những hộ nghèo thì được địa phương miễn đóng góp. Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, người dân ủng hộ đóng góp tự nguyện để mua những “mắt thần” này. “Qua mô hình, việc làm này mình mới thấy người dân đồng tình ủng hộ thì làm việc gì cũng xong. Bởi người dân ý thức được việc làm này là chính để đảm bảo an ninh trật tự cho mình, cho hàng xóm láng giềng”, trung tá Hưng nói.

Chị Hoàng Thị Phương Anh (SN 1978, ngụ quận Gò Vấp), buôn bán và trông coi dãy nhà trọ cho người chị trên đường Đỗ Thúc Tịnh nói: Lúc đầu, ai cũng cho rằng, camera không hiệu quả, giờ thì thấy được hiệu quả chống trộm, chống tệ nạn. “Giờ đi đâu xa cũng khỏe ru, cần gì thì mở điện thoại kết nối mạng lên là quan sát được hoạt động trong dãy trọ của mình. Ai cũng cảm thấy quen với việc có mặt của camera trước nhà nên không ngại gì nữa, mình làm đúng thì sợ gì mấy con mắt đó”, chị Anh cười nói.

Nói về mô hình lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự này, có ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân hay không, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Văn phòng luật sư Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM) cho biết: “Mô hình này rất cần thiết và nên mở rộng ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường khác bởi hiệu quả phòng chống tệ nạn, tội phạm nó mang lại. Ở một số nước trên thế giới cũng đã thực hiện mô hình này từ lâu. Tuy nhiên, khi lắp đặt camera an ninh thì cũng hết sức lưu ý vị trí, địa điểm lắp đặt. Nhất là tránh lắp đặt các vị trí camera có thể gây ra phiền phức về quyền riêng tư của người dân. Nếu cần thiết thì ban hành quy tắc sử dụng camera an ninh để giúp phát huy hiệu quả cao nhất khi sử dụng chúng. Góp phần giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng hình ảnh thành phố an toàn, lành mạnh.

Phá án nhờ camera

Đầu năm nay, khi đi làm về anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1983, ngụ quận Gò Vấp), phát hiện cửa nhà mở toanh, kiểm tra thì tài sản để trong nhà bị kẻ trộm cuỗm mất. Nhận được tin trình báo của anh Tuấn, công an phường đã mở lại camera ghi hình trước đó xem thì phát hiện có hai đối tượng điều khiển xe máy đến nhà anh, bẻ khóa đột nhập vào lấy cắp tài sản. Sau đó, công an đã xác định danh tính hai kẻ trộm và bắt giữ. Mới đầu tháng 5, anh Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1990, ngụ phường 12, quận Gò Vấp) dựng chiếc xe máy trước cửa nhà bị kẻ trộm mở cốp xe lấy ví tiền. Anh Hoàn báo công an và nhờ camera an ninh nên công an đã nhận diện được đối tượng. Sau đó, công an đã đến nơi làm việc của đối tượng trộm mời về làm việc. Qua đấu tranh điều tra, coi lại đoạn ghi hình tên trộm đã nhận tội.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.