Gặp gia đình các thủy thủ bị bắt cóc tại Somalia

Gặp gia đình các thủy thủ bị bắt cóc tại Somalia
TP - Trong số 25 thủy thủ bị cướp biển Somalia bắt cóc ngày 4/4/2006 có 5 thủy thủ Việt Nam. PV Tiền phong đã gặp các gia đình thủy thủ bị nạn, ghi nhận cơn khủng hoảng mà họ đang phải trải qua...
Gặp gia đình các thủy thủ bị bắt cóc tại Somalia ảnh 1
 Vợ con anh Nguyễn Trinh Thơ  ảnh: Anh Tuấn

Đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực tìm biện pháp giải cứu, nhưng các thuỷ thủ vẫn chưa được trả tự do.

Đúng ngày nghỉ lễ 1/5, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Trinh Thơ (xã Kỳ Khang - Kỳ Anh - Hà Tĩnh), người đã bị cướp biển Somalia bắt giữ (ngày 4/4/2006) khi đang đánh cá trên vùng biển quốc tế. Mặc dù đã gần trưa nhưng căn nhà vẫn đóng cửa im lìm.

Một người hàng xóm rỉ tai tôi: “Từ ngày nghe tin chồng bị cướp biển bắt, vợ con nó về bên nhà ngoại...”. Bồng con trên tay, Lê Thị Anh (vợ anh Thơ) hớt hải bước vào nhà. Tưởng chúng tôi là nhân viên Cty đến báo tin dữ, chị Anh bật khóc.

Sau khi nghe giải thích, chị mới yên tâm, rồi cho biết: “Đại diện Cty có điện thoại báo cho gia đình. Họ nói, chồng tôi bị bắt ở Somalia chi đó...”. Bà Lê Thị Hoa (mẹ vợ anh Thơ) kể: “Từ ngày chồng nó bị bắt, hai mẹ con cứ lang thang hết đàng ngoại lại về bên nội. Ai cho gì cũng nhận, sống qua ngày đoạn tháng...”.

Theo bà Hoa, con trai bà sang Hàn Quốc được gần 6 tháng. Trước đó, vì thương con, bà đã vận động người thân “cắm” sổ đỏ vay tiền ngân hàng, giúp Thơ có tiền đi XKLĐ, mong tạo dựng cơ đồ. Thơ mới sang Hàn Quốc được 10 ngày thì ở nhà, vợ anh sinh con đầu lòng.

Mỗi lần nhắc đến tên chồng, chị Anh lại khóc. Với chị, gần một tháng qua là quãng thời gian lo lắng, sợ hãi tột độ. Không công ăn việc làm, hy vọng chồng đi XKLĐ về sẽ giúp ổn định cuộc sống, nào ngờ lại bị bắt.

Vì lo cho chồng, nhiều đêm chị thức trắng. Chị Anh cho biết, căn nhà hai mẹ con đang ở là nhà mượn tạm của người thân...

Rời nhà anh Thơ, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Xuân Quả (xã Kỳ Phú - huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Thấy có khách lạ, một người chừng 50-60 tuổi bước ra.

Bà Lê Thị Hải (mẹ của anh Quả) mắt ngấn lệ khi kể về con trai. Bà nói: “Nó sang bên đó chưa đầy 6 tháng. Con trai đầu lòng mới được 6 tháng tuổi...”.

Từ trong buồng bước ra, chị Nguyễn Thị Phường (vợ anh Quả) khóc rưng rức: “Thương mẹ, thương vợ con, anh ấy mới quyết định sang bên đó lần thứ 3. Không ngờ, lần đi này lại bị cướp biển bắt giữ. Anh ấy có làm sao thì mẹ con em không biết phải làm gì để sống...”.

Gặp gia đình các thủy thủ bị bắt cóc tại Somalia ảnh 2
Vợ con anh Trần Xuân Luận 

Cách nhà anh Quả chưa đầy 5km là gia đình anh Trần Xuân Luận. Căn nhà cấp 4 xập xệ, người ra vào đông đúc. Bố Luận, ông Trần Đình Ngung mắt đỏ hoe bắt tay chúng tôi, hỏi: “Nó bị giết rồi hả anh?”.

Chúng tôi chưa kịp trả lời, tiếng khóc đã vang khắp nhà. Nỗi lo lắng hằn rõ trên khuôn mặt từng thành viên trong gia đình. Mặc dù được giải thích là phóng viên đi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình người bị nạn nhưng ông Ngung vẫn không tin.

Chỉ đến khi chúng tôi xuất trình giấy tờ, ông mới điềm tĩnh trở lại. Được biết, anh Luận là con thứ 2 trong gia đình. Anh có hai con (cháu trai 3 tuổi, cháu gái 6 tháng tuổi).

Trước khi đi XKLĐ, vợ anh mới sinh con thứ 2 được mấy ngày. Là lao động chính trong gia đình, anh Luận không những phải nuôi vợ con mà còn phải kiếm tiền để trả nợ ngân hàng cho 4 lần đi Hàn Quốc trước đó...

Đồng cảnh ngộ với 3 gia đình trên, vợ anh Nguyễn Đình Hỡi đang sống một mình với con trai tại xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Chị Trần Thị Thiện (vợ anh Hỡi) cũng vừa sinh con được 6 tháng.

Gặp chúng tôi, chị Thiện hỏi dồn dập: “Các anh có biết tin gì về chồng em không?”, “Anh ấy có bị cướp biển giết không?...”. Được biết, chồng chị đi XKLĐ lần này là lần thứ 3. “Chị nghe tin chồng bị cướp biển bắt khi nào?”- Tôi hỏi.

Chị Thiện nói: “Khi xem ti vi. Tôi biết chồng bị bắt giữ. Sau đó khá lâu, người của Cty mới báo tin cho gia đình qua điện thoại và đó cũng là lần duy nhất Cty đưa chồng tôi đi (Tổng Cty đường sông miền Nam - SOWATCO) liên lạc với gia đình tôi”. Hiện gia đình chị luôn sống trong lo sợ, hoàn toàn không biết tin gì thêm từ Cty đưa chồng chị sang Hàn Quốc.

Gia đình của các thuyền viên bị bắt giữ tại Somalia đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Có thuyền viên khi đi XKLĐ vẫn chưa kịp nhìn mặt con. Ngày ngày trôi qua, những người thân của họ sống trong lo sợ, không biết khi nào người thân mình mới được trở về...  

Cướp biển Somalia vẫn chưa thống nhất về điều kiện trả tự do các thuyền viên

Theo báo chí nước ngoài, ngày 2/5/2006, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, Chính phủ Hàn Quốc và Cty khoáng sản Dongwon (chủ sở hữu tàu đánh cá Dongwon 628) đang thông qua Chính phủ Somalia và nhiều kênh khác để đàm phán với nhóm bắt cóc.

Vị quan chức này cho biết, đến thời điểm này tất cả thủy thủ trên tàu vẫn khỏe mạnh và việc giải phóng con tin cần có thời gian. Ngoài vấn đề tiền bồi thường, nội bộ nhóm vũ trang Somalia cũng không phải là một tổ chức thống nhất nên quá trình đàm phán gặp nhiều khó khăn.

Theo vị quan chức này, thông thường, đối với các vụ bắt cóc tại Somalia, sau 3 tháng mới thả con tin khi các chủ tàu nộp một khoản tiền cho nhóm bắt cóc.

Cho đến nay, Cty thủy sản Dongwon vẫn khẳng định chưa rõ chính xác số tiền nhóm bắt cóc đưa ra để đổi lấy tự do cho các con tin. Một nguyên nhân khác khiến cho tiến trình đàm phán khó khăn là nhóm bắt cóc không thừa nhận giấy phép đánh bắt hải sản của Chính phủ lâm thời Somalia cấp cho Cty Dongwon. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.