Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa

Đỉnh thiêng Ngàn Nưa. Ảnh: Xuân Ba
Đỉnh thiêng Ngàn Nưa. Ảnh: Xuân Ba
TP - Mùa xuân năm 2009 tôi đi Nông Cống tỉnh Thanh có bài ghi chép về Ngàn Nưa nơi Bà Triệu dấy binh cùng huyệt đạo thiêng trên đỉnh núi. Chả biết lành dữ thế nào, bài báo ấy như ông Quản lý Chợ Đồng Xuân là chỗ quen biết cho hay, các bà ngồi chợ đã chuyền nhau đọc và photo mỗi bà mỗi mảnh. Hóa ra họ ngâm cứu kỹ rồi bàn nhau kéo vô Nông Cống về Ngàn Nưa vừa là tham quan vừa để là kết hợp... lễ bái! Ông quản lý ấy cười, chả biết thật hay đùa là tác giả đã góp phần tuyên truyền mê tín! Lần này về lại Ngàn Nưa và viết bài này không có ý thanh minh mà vẫn cái mạch... tuyên truyền cho du lịch Xứ Thanh vậy!

Lần này xe lên đỉnh Nưa không phải gập ghềnh trúc trắc như lần trước mà theo đường mới bê tông do tỉnh làm. Chứng tỏ đã có sự đầu tư đáng kể. Những năm qua, có lẽ cũng tiện đường nên người tứ xứ đã nườm nượp kéo về Nông Cống leo lên đỉnh núi Nưa để chiêm bái, để thắp lên nén hương thơm nơi Bà Triệu dấy binh năm nào.

Núi Nưa nằm trên địa phận huyện Triệu Sơn Nông Cống và Như Thanh của Thanh Hóa. Núi cao 538 mét dài 17 km soải dài trên diện tích 55 km2 nên còn được gọi là Ngàn Nưa. Đây là dãy núi cao và lớn nhất vùng đồng bằng phía Nam tỉnh Thanh. Sách Đại Nam thống nhất chí (thời Nguyễn) chép Núi Nưa tức Na Sơn ở huyện Nông Cống. Mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm. Đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa...

Vậy mà đã hơn 1760 năm, biết bao dâu bể tao loạn tính từ thời điểm năm 248, người con gái xứ Thanh Triệu Trinh Nương dựa vào địa thế hiểm yếu của Ngàn Nưa để dấy binh khởi nghĩa chống lại nền thống trị đô hộ hà khắc của nhà Đông Ngô thời Bắc thuộc, Ngàn Nưa vẫn nguyên vẹn cái thế hiểm yếu của nước Nam. Ngàn Nưa vẫn thăm thẳm vẫn bí hiểm và phong kín bao huyền thoại về vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa năm xưa.

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 1

Thày Lê Bật Sơn ( thứ 3 trái sang)

Cuộc đời ngắn ngủi của bà Triệu Trinh Nương nhưng liệt oanh trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu vú dài 3 thước, không lấy chồng họp đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng, đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần (sách Giao chỉ dẫn của Tàu). Bà đã kịp để lại ba địa danh nổi tiếng ở Xứ Thanh. Bà sinh ở Quan Yên (có sách chép là Quân Yên) gần làng với danh nhân Khương Công Phụ từng được vua nhà Đường vời sang Tàu làm việc đóng chức quan Tể tướng. Làng ấy lại có Dương Đình Nghệ là bố nuôi Ngô Quyền. Và làng Định Hòa đó đã góp cho Đại Việt một vị hoàng hậu, bà Ngô Thị Ngọc Dao thân mẫu vua Lê Thánh Tông. Nơi phát tích là thế và bà đã chọn Ngàn Nưa một nơi hiểm địa làm căn cứ dấy binh khởi nghĩa.

Hậu sinh tất nhiên là khâm phục nhưng đôi hồi bởi dám chắc phải có vị quân sư nào mách cho Bà Triệu cái thế hiểm yếu Ngàn Nưa? Chứ một nữ nhi như Triệu Trinh Nương dễ chi quyết định được cái việc nhớn nhao ấy? Vậy nên huyền sử đã làm cái việc lý giải rằng Bà đã được một vị tiên trên đỉnh Ngàn Nưa mách bảo. Rồi cũng huyền sử, lại làm cái việc loạng choạng rằng Hồ Quý Ly từng đem quân đến vời một đồ đệ của vị tiên ra giúp rập khi mới rời đô về Thành Hồ nhưng bị từ chối! Cáu tiết, Hồ Quý Ly đã cho phóng hỏa đốt trụi Ngàn Nưa.

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 2

.

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 3

Ngàn Nưa nhìn từ xa

Chính sử Lam Sơn thực lục đã làm cái việc đính chính. Đốt trụi phá sạch Ngàn Nưa là vào cái năm 1414. Giặc Minh hung bạo chừng như ngứa mắt trước bằng chứng hùng hồn của Đại Việt quật cường trước nạn ngoại xâm Phương Bắc đã ra tay triệt hạ xứ Cổ Định của Ngàn Nưa này. Cả xứ mấy vạn người chỉ có 13 người chạy thoát. Rừng thiêng Ngàn Nưa âm ỉ cháy suốt 3 tháng mới lụi.

Lịch sử đã lặp lại bằng một sự kiện bi thương. Nghĩa quân Cần Vương từng làm Pháp thất điên bát đảo khắp vùng Thanh Nghệ Tĩnh giai đoạn cuối cũng đã phải dựa vào thế hiểm yếu Ngàn Nưa. Cầm cự được một thời gian dài, do chênh lệch lực lượng lại có nội gián, nghĩa quân bị vây hãm.

Trong tình thế nguy cấp, một yếu nhân của phong trào là cụ Lê Ngọc Toản đã phải ra hàng với điều kiện là đối phương, quân Pháp không được triệt hạ vùng Cổ Định Ngàn Nưa. Giặc Pháp hèn hạ hạ sát cụ nhưng lạ, chắc để mỵ dân nên đã giữ lời hứa! Đến tận bây giờ hậu sinh còn nhắc đến tấm gương tiết liệt và mưu trí của cụ khiến dân Cổ Định Ngàn Nưa không lặp lại trạng huống tang thương mà giặc Minh gây cho dân lành Cổ Định thuở nào. Cụ Lê Ngọc Toản là người làng Cổ Định dưới chân Ngàn Nưa nay là xã Tân Ninh của Nông Cống.

(Về nơi tuẫn tiết của Bà ở núi Tùng huyện Hậu Lộc Thanh Hóa, một địa danh đậm đặc những sử tích cùng huyền tích xin khất bạn đọc vào một dịp khác).

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 4

Giếng Tiên trên Ngàn Nưa

Dưới chân Ngàn Nưa là Cổ Định. Là ăm ắp trữ lượng quặng crom nhiều tỷ tấn. Tất nhiên với hàng chục năm khai thác đến nay trữ lượng chưa bõ bèn gì nhưng môi trường dưới chân Ngàn Nưa đã có chuyện này nọ theo hướng xấu nhưng chưa tới mức triệt hạ màu xanh của một chân di tích.

Tôi dám chắc trong lòng núi Nưa dưới tầng đất đá không dày lắm, chắc đang nục nạc của những vỉa quặng crom. Trên đỉnh lại chờm hờm ra những gờ đá. Lần ấy, tôi được một ông chuyên ngành địa tầng học lại khá thạo phong thủy giải thích cho rằng, với mỏ kim loại crom Cổ Định đã tiềm tàng một thứ từ trường.

Trong lòng Núi Nưa kia mà những triền đá lô nhô trên đỉnh như một thứ ngòi của từ trường luôn phát ra năng lượng đáng kể nào đó! Vậy nên không phải ngẫu nhiên tại những nơi ấy, người ta đã đo được năng lượng, những từ trường ấy dưới dạng này khác bằng những thiết bị hiện đại. Mà từ trường lẫn năng lượng ấy hoặc có thể có lợi hoặc ngược lại đối với sức khỏe con người cũng như môi trường!

Có phải vì những duyên do vậy mà người ta coi Ngàn Nưa là một huyệt đạo thiêng?

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 5

Cổng vào Ngàn Nưa

Nhà địa tầng không ra gật cũng chả ra lắc. Ông bảo việc này huyền bí lắm. Huyệt đạo là một sản phầm khoa học, hậu quả của việc chồng lấn hay trượt sụt địa tầng. Ngàn Nưa cũng là sản phẩm kỳ diệu của Tạo hóa trong việc bày đặt những kiến tạo cùng là trồi sụt. Nhưng chưa thể nói rành rẽ một lúc được!

Đại khái là như vậy. Và nghe vậy thì biết vậy! Nhưng có lẽ nội cái lấp lửng ấy ở diễn đàn này khác hay khi trà dư tửu hậu mà nó như một thứ năng lượng đã dẫn dắt cất bước bao nhiêu là nhịp chân của khách hành hương về Ngàn Nưa?

Và cả thứ năng lượng hữu hình của lịch sử thôi thúc nữa?

Loáng thoáng trong tôi câu chuyện huyền sử lẫn huyền tích. Rằng Cao Biền đã dùng diều giấy bay lượn (?) khắp cả Hoan Ái để làm cái việc trấn yểm này khác. Nhưng lượn trên không phận Núi Nưa biết là đất thiêng phía dưới có huyệt đạo thiêng nhưng không đáp xuống nổi. Có sách lại kể Cao Biền không cưỡi diều giấy mà đi ngựa đến Ngàn Nưa nhưng bày tượng binh lẫn quẻ này khác nhưng y không sao trấn yểm và triệt hạ được linh khí miền ấy!

Không biết Cao Biền, nói như ngôn ngữ hiện đại, có lường được thứ từ trường thứ sóng phát ra những mỏ kim loại làm chệch cả hướng bay của phi cơ?

Huyền tích cùng là huyền sử ấy cũng là cái cách dân mình phản kháng, giễu chế nạn xâm lăng đồng hóa giặc Phương Bắc?

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 6

.

Trên đỉnh Nưa, tôi gặp lại anh Lê Bật Sơn. Không, bây giờ phải gọi bằng ông, gọi hơn là thày. Bởi ông là người phụ trách hương khói lo việc tế lễ, trọng cũng như mọn cùng những sự tâm linh ở Ngàn Nưa.

Cái trưa vắng trên đỉnh Ngàn Nưa lần trước, tôi được ngồi với bà cụ thủ từ Ngàn Nưa. Cụ thủ từ, tạm gọi thế vì cụ bà Hồ Thị Trông năm ấy đã 77 tuổi từng lo việc nhang khói ở đền lâu nay. Cụ Trông người Hoàng Hóa, về làm dâu đất Tân Ninh Cổ Định này lâu rồi. Người manh mảnh, chất giọng khẽ khàng...

Vào một năm khốn khó, mà nào có xa xôi gì, trên đỉnh Ngàn Nưa này hẵng còn một cái chùa tranh tre thờ Bà Triệu. Ngôi chùa tranh ấy là công sức của bố con cụ Lê Bật Ong và Lê Bật Quy người xã Tân Ninh, cụ Ong là cha chồng bà Hồ Thị Trông.

Cụ Ong muốn trên đỉnh thiêng này phải có một ngôi Đền hương khói cho Bà bởi chùa và am gạch đã bị phá từ khi nào không rõ! Cụ Ong già yếu, người con cụ là Lê Bật Quy cùng vợ thay nhau coi sóc hương khói. Rất nhiều người dân Tân Ninh ngày sóc vọng đều cất công lên đỉnh Nưa thắp hương khấn vái.

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 7

Sương khói Ngàn Nưa. Ảnh: Xuân Ba

Việc hương khói khi ấy, như cụ Trông cho hay, không được khuyến khích thậm chí người ta còn cấm cản rằng việc hương khói ở đền là tuyên truyền mê tín dị đoan!? Rồi cấm hẳn, cấm ngặt nữa nhưng cụ Trông vẫn lén làm.

Vẫn làm vì cụ đinh ninh lúc sinh thời, ông bố chồng vẫn luôn năm hương khói cho đền nói với con trai cùng con dâu rằng để đền trơ lạnh là có tội với Bà, có tội với người có công với nước. Mình làm việc phúc thì đừng có ngại... Rồi việc đến đã đến như cụ thở dài, trong câu chuyện, cụ hay nhắc đến câu thời ấy nó thế. Đúng ngày Mồng 8 Tháng Tư Âm lịch mà bà con coi là ngày Bụt sinh Bụt đẻ, xóm làng bỗng dậy lên tiếng kẻng rền vang lại đì đùng tiếng súng của dân quân. Các ngả trong làng được canh gác cẩn mật.

Trên đỉnh Ngàn Nưa, người ta hốt được một mẻ những người “cầm đầu tuyên truyền mê tín dị đoan” của làng trong đó có ông Lê Bật Quy đang thắp hương khấn vái tại đền Bà. Tất cả những người bị bắt đều được nhốt vào cái nhà kho bít bùng. Đám dân quân trẻ măng táo tợn còn nghĩ ra cái trò dùng hương tịch thu được đốt từng nắm lớn.

Gian kho bít bùng kín bưng ngột ngạt khói. Tiếng kêu khóc dậy lên. Mãi rồi người ta cũng thả sau khi cảnh cáo thật lực cái đám người mê tín dị đoan nọ... Rồi người ta ra tay phóng hỏa đốt trụi ngôi đền. Cái ngày đốt phá ngôi đền thiêng ấy, làng Tân Ninh đã có bao nhiều người khóc thầm, trong đó có ông bà Lê Bật Quy!

Gặp lại nguyên linh Ngàn Nưa ảnh 8 .

Thời ấy nó thế... Cụ Trông lại chẹp miệng thở dài nối tiếp câu chuyện... vẻ mặt cụ thốt nhiên như hoảng sợ điều gì, giọng cụ nhỏ hẳn như là thì thào khi kể cho chúng tôi rằng mấy vị tiên phong việc bắt nhốt và phá đền phá am ấy không hiểu sao, sống thì không chứng này tật nọ và về già có những có cái chết không lành!

Chừ thì khác rồi giọng cụ Trông đã xởi lởi ông nhà tôi có nằm ở thế giới bên kia cũng thỏa vong linh... Đền bà Triệu trên đỉnh Ngàn Nưa được xây mới. Lại cả chùa cả đền Mẫu. Địa phương hỗ trợ cho một phần, phần thì công quả của bà con xa gần. Không hiểu có căn quả chi đó, khi cụ ông mất, cụ bà lại được tin tưởng lên Ngàn Nưa để lo hương khói. Con trai cụ là Lê Bật Sơn giúp sức với mẹ trong việc quản lý coi sóc khu di tích lịch sử kiêm du lịch này.

Tôi cũng được nghe câu chuyện ly kỳ thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo về gan của Lê Bật Sơn con trai cụ... Tôi dừng lâu hơn chỗ tấm biển ghi bên đền. Lòng thành đốt một nén nhang/ Khói lan thơm ngát mười phương Phật Trời. Nhà chùa kính cáo. Điều I. Không mê tín dị đoan. Điều II. Không bói toán phán truyền. Không buôn thần bán thánh. Chủ chùa Lê Bật Sơn.

Tôi nhãng chưa kịp hỏi ông Sơn, cụ Trông thân sinh có còn mạnh?

Bây giờ một tay ông Sơn lo lắm việc. Mà tinh những việc thuộc phần hồn trên đỉnh Ngàn Nưa này.

***

Lần trước lên Ngàn Nưa, để ý hầu như tất tật du khách lên đây không có ai là không tới một khoảng đất bằng phẳng cách ngôi đền Bà Triệu trên đỉnh Nưa không xa cũng thành kính như khi dâng hương ở Đền Bà, họ đứng lặng kính cẩn ngước lên thinh không vòi vọi rồi thư thả áp tay xuống lòng đất. Bởi tất thảy mọi người đang tin rằng mình đang hiện diện ở một huyệt đạo quan trọng của nước Nam, nơi Trời với Đất giao hòa, nơi đất Giao Chỉ xửa xưa Cao Biền không sao trấn yểm nổỉ?!

Lần này có thày Sơn ân cần giải thích thêm, có thể đứng hay ngồi cũng được nhưng xin các vị luôn nhớ cho. Hoặc không nhớ không nghĩ gì. Nếu nghĩ trong tâm trí phải thường trực một niềm tin rằng mình đang được truyền thụ, đang được tiếp nhận một nguồn năng lượng lành sạch từ trên thinh không kia rọi chiếu xuống. Hãy nghĩ đến bản thân và người thân những điều tốt lành.

Thày Sơn nói vậy là sao nhỉ? Hình như linh tại ngã bất linh tại ngã. Linh thiêng lành dữ hay ngược lại cũng là từ mình, do mình cả thôi?

Rời Ngàn Nưa thấy tiêng tiếc cùng là băn khoăn.

Tiếc là không dư dả thời gian để hàng ngày được hiện diện nơi này để tiếp nhận năng lượng vũ trụ nghe nói rất tốt cho sức khỏe?

Băn khoăn là hỏi kỹ, nhưng Đền thiêng bà Triệu cùng Am Tiên trên núi Nưa này, linh thiêng là thế hộ quốc tí dân (hộ dân giúp nước) cùng huân công là thế nhưng không còn lưu lại được một cái sắc phong của bất kỳ một triều đại nào?

Mỗi sắc phong mới nhất là của ông Thượng thư bộ Lễ (Bộ VHTT) Hoàng Tuấn Anh!

Băn khoăn cùng là áy náy thêm, nên ủng hộ lẫn khuyến khích việc trồng cây lưu niệm trên Đền. Có điều, không rõ gia nhân người trồng cây hay người nhà Đền làm những cái biển hiệu to và hơi bị hoành tráng đem đặt bên cây. Đại loại cây đa (hoặc đề) hoặc sung, hay thông, tùng do đồng chí Ủy viên (đại khái là chức to lắm) trồng ngày nọ tháng kia vv... choán chiếm lẫn lạm không gian của Đền. Thành thử mới ngó, chưa thấy cây đã thấy... người!

Để ý hai bên con đường mới mở lên đỉnh, hẵng còn trống hoác trơ trụi đá cùng sỏi.

Giá những cây ấy lan xuống dưới này?

Bắt vào thanh minh năm Ngọ

MỚI - NÓNG