GDP tăng 6,03% là con số thực

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (bên phải) khẳng định GDP tăng 6,03% là con số thực và đích thân ông đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm kỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (bên phải) khẳng định GDP tăng 6,03% là con số thực và đích thân ông đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm kỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói như vậy tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) ngày 24/4, để thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.  

Theo ông Vinh, việc các bộ trưởng dùng từ “hơi choáng” khi nghe đến con số tăng trưởng quý I/2015 thực ra chỉ là cách nói thôi.

Ổn định sao khách du lịch lại giảm sâu(?)

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP quý I/2015 ước đạt 6,03%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Trong quý cũng có hơn 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 111.000 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2015 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

“Bốn năm nay chúng ta mới được nghe cái báo cáo có khí thế và triển vọng tốt như quý một năm nay”, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng phản ánh thực tế là đang có hai luồng tư tưởng về kết quả tăng trưởng trên: một là choáng, bất ngờ; hai là kết quả ấy là đương nhiên, do cơ chế và cơ cấu của chúng ta đã được tháo gỡ. “Nhìn vào thực tế thì thấy tình trạng doanh nghiệp phá sản, khó khăn vẫn rất lớn, vậy mà tăng trưởng vẫn tốt như vậy là thế nào”, ông Kiêm nêu câu hỏi.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: Đó là số đúng và bản thân ông đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm kỹ, vì thấp có khi không sao chứ cao thì kiểu gì cũng bị đặt vấn đề.

Đại biểu Trần Du Lịch phản ánh  tình trạng hết sức lo ngại là số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch trong bốn tháng đầu năm giảm mạnh, đến 14,2%. “Thái Lan năm ngoái thu hút 26 triệu khách, năm nay họ đặt chỉ tiêu 28 triệu. Còn chúng ta tại sao mọi thứ ổn định mà khách người ta không đến”, ông Lịch nói và đề nghị phải có chương trình tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam vì tiềm năng lớn, mà hiệu quả khai thác được lại quá thấp.

Ông Lịch đề nghị Bộ NN&PTNT vào cuộc sớm việc trồng cây Mắc Ca, đừng để nông dân trồng như một phong trào. “Chúng ta phải vào cuộc sớm, không để trở thành tai họa. Cả thế giới họ trồng có 80.000 ha và họ chọn đất rất kỹ. Hiện nay Mắc Ca chỉ làm lời, làm giàu cho những người làm giống thôi. Phải cảnh báo sớm đừng để nông dân làm rồi mới nói, mai mốt họ lại trách nhà nước”,
ông Lịch nói.

 Ông Cao Sỹ Kiêm đề nghị quan tâm hơn nữa đến câu chuyện: ùn ứ hàng hóa trong nông nghiệp, như dưa hấu, sữa, hành… “Những cái đó cứ kéo dài mãi bao lâu rồi, cứ thả nổi cho dân làm, phải chăng do điều hành của chúng ta kém quá”, ông Kiêm nêu vấn đề.

Nhập siêu đang quay trở lại

Theo ông Trần Du Lịch, bốn tháng đầu năm, trong khi khu vực FDI xuất siêu 1,5 tỷ thì nhập siêu trong nước đã đến trên 3 tỷ USD. Như vậy khu vực kinh tế trong nước hiện nhập siêu rất lớn. Điều này cho thấy khi kinh tế ấm lại thì nhu cầu nhập khẩu để sản xuất, tiêu dùng sẽ lớn. Tuy nhiên, việc nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc thì là vấn đề cần quan tâm. “Tôi đề nghị Chính phủ có chương trình tổng thể nhiều năm để tái cân bằng quan hệ xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc. Chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng phải cân bằng và công bằng”, ông Lịch kiến nghị.

Lý giải về hiện tượng nhập siêu, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, do tăng trưởng xuất khẩu kém, đặc biệt là giá dầu giảm và nông sản xuất khẩu khó khăn.

“Đối với nhập siêu với Trung Quốc, Chính phủ cũng đã có nhiều chương trình, biện pháp để tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng chúng ta chắc chắn vẫn phải nhập siêu, bởi vì tính tự nhiên của thị trường, Trung Quốc xuất khẩu nhiều nguyên liệu giá rẻ, đầu vào cho các ngành sản xuất. Trong khi hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm”, ông Tuấn Anh cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phản ánh, trong quan hệ thương mại Trung Quốc, nhiều người lo là chúng ta chỉ đang giải quyết lợi ích trước mắt nhưng chưa có biện pháp lâu dài.

Xử lý người có chức quyền can thiệp vào việc thống kê

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần phải có chế tài xử lý việc người có chức, có quyền can thiệp vào việc thống kê dẫn đến sai số.

Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, sau khi dự thảo Luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Theo đó, những trường hợp can thiệp vào công việc thống kê dẫn đến sai số sẽ bị xử phạt.

MỚI - NÓNG