Giá điện tăng: Ai gánh nhiều nhất?

Giá điện tăng: Ai gánh nhiều nhất?
Đây là nội dung cơ bản được thảo luận tại cuộc họp do Bộ Công nghiệp chủ trì hôm qua 17/11 về việc xây dựng phương án thích hợp trình Thủ tướng sau khi (EVN) đưa ra 5 phương án tăng giá điện.
Giá điện tăng: Ai gánh nhiều nhất? ảnh 1

Theo phân tích trong tờ trình “Kế hoạch tài chính giai đoạn 2006 - 2010 của Tổng Cty Điện lực (EVN) và giá điện bán buôn”, với mức giá bình quân hiện tại (782 đồng/kWh), nếu chỉ phải lo cân đối với kế hoạch sản xuất điện từ nguồn của riêng mình, EVN sẽ vẫn có lãi trong giai đoạn này với mức lãi thấp nhất là 863,8 tỷ đồng và cao nhất là 3.631,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì phải đảm bảo cung ứng điện cho toàn bộ nền kinh tế (trong khi nguồn cung ứng không đủ) EVN phải mua điện từ các nguồn khác và với mức giá đi mua từ 932 - 1.002 đồng/kWh, tổng số lỗ từ chênh lệch giá sẽ tăng dần từ 4.819,3 tỷ đồng (năm 2006) lên 9.906,1 tỷ đồng (năm 2010).

Đây chính là sức ép khiến EVN phải đệ trình phương án tăng giá điện lên mức bình quân 898 đồng/kWh để Chính phủ xem xét cho thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2008, trong khi theo lộ trình điều chỉnh giá đã được Quốc hội và Bộ Chính trị xem xét thông qua là giá điện đợt tới sẽ tăng bình quân 100 đồng/kWh lên mức 882 đồng.

Vấn đề các chuyên gia xem xét trong cuộc họp hôm qua chỉ còn là tăng theo phương án nào trong 5 phương án:

1. Giữ nguyên giá điện sản xuất, tăng đều cho các đối tượng còn lại.

2. Giữ nguyên giá bán điện đối với sản xuất, giữ nguyên hoặc tăng với tỷ lệ thấp đối với giá điện sinh hoạt 100 kWh đầu và giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn, tăng đều cho các đối tượng còn lại.

3. Tăng đều cho các đối tượng.

4. Giữ nguyên giá điện sản xuất nhưng tăng thêm giờ cao điểm, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang của 100 kWh đầu tiên tăng lên 700 đồng/kWh, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn là 450 đồng.

5. Điện sản xuất tính như phương án 4, riêng giá điện sinh hoạt chia đôi nấc thang 100 kWh đầu tiên: 50 kWh đầu tiên tăng lên 600 đồng, 50 kWh tiếp theo lên 850 đồng.

Chọn phương án thứ năm?

Hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đối với người nghèo là yếu tố mà các chuyên gia đặt lên hàng đầu khi cân nhắc các phương án.

Phương án thứ nhất, theo các chuyên gia dù giữ được cho sản xuất ít bị ảnh hưởng nhất, nhưng gánh nặng tăng giá lại dồn hết cho các đối tượng với mức tăng bình quân 30%, trong đó điện sinh hoạt bình quân tăng 26,8%.

Tương tự, phương án thứ hai dù hạn chế mức tăng đối với điện sinh hoạt (ở 100 kWh đầu tiên) nhưng cũng chỉ giảm so với phương án đầu 2,5%.

Trong khi đó, theo phương án thứ ba, việc chia đều gánh nặng tăng giá cho tất cả các đối tượng sử dụng tuy giảm được gánh nặng chia sẻ tăng giá cho người dân (chỉ còn tăng 14,4%), nhưng lại không đảm bảo yêu cầu hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với các ngành sản xuất (tăng giá 14,4%), đồng thời giảm dần mức bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt.

Trong 2 phương án còn lại, các chuyên gia nghiêng về phương án cuối cùng (phương án năm) khi việc tách bậc 50kWh đầu tiên ít ra cũng giảm thêm phần nào gánh nặng đối với những hộ nghèo tiêu thụ ít điện.

Nhận xét về hướng chuyển gánh nặng tăng giá điện sang các đối tượng không sản xuất, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Kinh tế học) Trần Đình Thiên cho rằng đây là việc cần thiết để các doanh nghiệp không phải gánh thay phần của người dân, đồng thời tạo thói quen tiết kiệm điện trong cuộc sống.

Tuy nhiên, TS Thiên cũng cho rằng bên cạnh việc đề xuất tăng giá điện, EVN cũng cần phải tiếp tục tìm cách giảm tổn thất điện năng truyền tải phân phối điện.

“Đồng thời, cũng cần sớm mở cửa thị trường phân phối điện cho các thành phần kinh tế khác tham gia để tạo áp lực giảm chi phí truyền tải, phân phối điện, qua đó giảm áp lực tăng giá điện” - Ông Thiên nói.

Theo tính toán của EVN, giá điện khi đến được với người sử dụng còn bao gồm cả một khoản phí truyền tải, phân phối và tổn thất điện là 233 - 280 đồng/kWh, tương đương 1/3 giá điện thành phẩm do EVN tự sản xuất.

Theo một quan chức của Bộ Công nghiệp, phương án các chuyên gia đề xuất sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ một lần nữa trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành để áp dụng từ đầu năm 2006.             

TS Đặng Văn Thanh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội: Phải cân nhắc, tính toán kỹ

Với sản xuất, việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo biến động giá cả. Với đời sống của nhân dân, nếu tăng giá điện sẽ làm giảm sức tiêu dùng trong điều kiện thu nhập không thay đổi.

Vì vậy, trong nhiều năm qua Chính phủ đã tính toán rất kỹ và vẫn chưa cho phép tăng giá điện, thậm chí có những thời điểm vẫn phải điều hành bằng biện pháp hành chính để ổn định giá điện.

Do đó, theo tôi, nếu EVN và Bộ Công nghiệp muốn tăng giá điện phải có thuyết minh thật rõ: Nhu cầu đầu tư của ngành điện cần đến mức nào, đồng thời chi phí và doanh thu ngành điện hiện nay bù đắp ra sao?

Nếu vì nhu cầu đầu tư ngành điện, càng phải tính toán thật kỹ, xem xét lại toàn bộ ngành điện hiện nay kinh doanh như thế nào, hiệu quả ra sao, lãi hay lỗ cần phải được báo cáo với Nhà nước làm rõ. Thậm chí, cần thiết phải đưa ra trước Quốc hội.

Phó Giám đốc một chi nhánh thuộc Cty Điện lực TPHCM: Mức tăng giá điện sinh hoạt là khá cao

Theo tôi được biết, trên địa bàn TP.HCM khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chiếm tỷ lệ khá lớn, bình quân 45 - 50%; khu vực sản xuất 25 - 30%; cơ quan hành chính sự nghiệp 15 - 20%... Vì vậy, giá điện tăng chủ yếu ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Có thể mức giá tăng 23 - 25% với người khá giả thì ảnh hưởng ít hơn, nhưng với người nghèo mức giá này là khá cao.

Anh Phạm Trung Hiếu (986/37 Cách Mạng Tháng Tám, P5, Tân Bình, TPHCM): Người nghèo thêm gánh nặng

Hai vợ chồng tôi là công nhân viên chức, nhà có 3 cháu đang đi học nên thu nhập hằng tháng chỉ đủ chi tiêu, có tháng còn phải chạy vay mượn bà con hàng xóm. Đồng lương công nhân ba cọc ba đồng, trong khi giá cả thị trường đang chóng mặt.

Giá xăng dầu, gas, các nhu yếu phẩm khác, rồi tiền học phí cũng “ngấp nghé” tăng. Nếu điện lại tiếp tục tăng giá 23 - 25%, rõ ràng người lao động chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế.

Nếu vì lợi ích chung bắt buộc phải tăng giá điện, Nhà nước cần xem xét việc tăng giá sao cho hợp lý, đừng để người lao động nghèo chúng tôi phải thêm nhiều gánh nặng.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.