Gia Lai: Người trồng cà phê sầu theo ve

Gia Lai: Người trồng cà phê sầu theo ve
TP - Bùng phát mạnh ở Lâm Đồng, sang Đăk Nông, Đăk Lăk làm thất thu hàng tỷ đồng, nạn ve sầu hại cà phê chưa có thuốc đặc trị này đang làm đau đầu người trồng cà phê ở Gia Lai
Gia Lai: Người trồng cà phê sầu theo ve ảnh 1
Ve sầu hút nhựa cây cà phê

Anh Hà Văn Lâm (38 tuổi, xã Ia Blứ, huyện Chư Sê) nổi tiếng kỹ tính. Vườn cà phê bảy sào anh chăm cây xanh mướt, năng suất thuộc hàng nhất nhì vùng. Nhưng nay vườn cà phê của anh trở nên vàng, trụi lá, trái rụng nhiều.

“Tui là người đầu tiên ở vùng ni tìm mua thuốc diệt ve. Ban đầu dùng thuốc diệt mối dùng thử, thấy không ăn thua nên mua tiếp hai tấn phân hữu cơ Demax hạn chế ấu trùng ve về bỏ cũng chẳng khá hơn. Cho tới bữa ni mất gần 40 triệu đồng cả tiền thuốc men, phân bón. Ngoài vườn có nhiều gốc cà phê xác ve rải khắp hố. Mấy vụ trước thu khoảng ba tấn nhân, năm ni chắc còn một nửa đủ trả chi phí công cán, xăng dầu. Giờ chừ nhổ cây trồng lại cũng không xong”, anh Lâm lo lắng.

Vào vườn cà phê của ông Lê Văn Tuấn (xã Ia Blứ) vào ban trưa tiếng ve kêu đinh tai nhức óc. Chỉ cần vén cành cà phê ra là đã thấy ve bay loạn xạ, hầu như cây nào cũng có. Vào trong gốc nhìn lên lá, cành thấy toàn vỏ ấu trùng (ve non) lột xác còn để lại, nhiều cây có đến vài trăm vỏ ấu trùng vẫn còn đeo bám.

Chỉ cần dùng cuốc cào một lớp đất mỏng xung quanh gốc cà phê sẽ lộ ra hàng chục hàng ve lỗ chỗ như tổ ong. Khi trục (đào gốc) một gốc cà phê bị vàng lá, quan sát thấy hơn 20 ấu trùng ve lớn nhỏ, thân mềm nhũn nhưng miệng và chân rất chắc.

Hơn hai hécta cà phê của ông Tuấn đều dính ve sầu. Ông bỏ ra gần 20 triệu đồng tiền mua phân Demax nhưng không thấy hiệu quả. “Trong vùng có nhà bị ít có nhà bị nhiều, không có vườn cà phê nào không có ve sầu”, ông Tuấn khẳng định.

Anh Nguyễn Đức Hậu (xã Ia Le, huyện Chư Sê) cho biết, trên diện tích năm hécta cà phê của anh xuất hiện rất nhiều ve sầu gây hại, thấy nhiều hang và xác ve trong hố. Ông Nguyễn Văn Kỳ (xã Ia Tiêm) với gần 20 hécta, anh Thành (xã HNeng, huyện Đăk Đoa) có ba ha cà phê đều bị ve sầu đục rễ nhưng vẫn chưa biết cách diệt ve theo hướng nào cho hiệu quả.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, đến giữa tháng 8/2009, trên địa bàn tỉnh có 130 ha bị ve sầu gây hại trên cây cà phê, tập trung nhiều nhất ở huyện Mang Yang  65 ha. Hiện chưa có số liệu cụ thể về diện tích có ve sầu gây hại tại huyện Chư Sê cũng như mức thiệt hại.

Chưa có thuốc đặc trị

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Võ Ngọc Quyền, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi - Nông Lâm nghiệp Gia Lai cho biết: “Thường ấu trùng lên khỏi mặt đất vào ban đêm, chúng tìm gốc leo lên cây bám vào thân, cành, lá cho đến khi vũ hóa (lột xác) thành ve trưởng thành.

Cây cà phê bị phá hoại nặng nhất là ở giai đoạn ấu trùng. Chúng có thể nằm dưới lòng đất nhiều năm liền và hút dưỡng chất của cây để sống, làm cho cây chậm phát triển, vàng lá, lâu năm thì trơ cành, năng suất giảm. Thường cây cà phê có biểu hiện còi cọc chứ không chết”.

Vòng đời của ve sầu có ba giai đoạn: trứng, ấu trùng (sâu non) và ve trưởng thành, ve sầu hoạt động mạnh từ tháng Tư đến tháng Tám.

Theo anh Quyền, sau khi trứng nở thành ấu trùng, chúng rơi xuống đất đào hang sâu, có thể đến 70 cm nên rất khó diệt. Có thể dùng phương pháp keo dính có tẩm hóa chất xung quanh gốc chống sâu non bám lên cây, tiêu diệt ấu trùng trước lúc vũ hóa.

Cũng có một số người dùng phương pháp kích điện để diệt ấu trùng. Do rễ cà phê đi ngang nên ở độ sâu từ 0 – 40cm chịu ảnh hưởng lớn nhất, ấu trùng hút dưỡng chất từ rễ tơ, làm khô rễ, cây không cung cấp đủ dinh dưỡng và nước nên vàng lá, rụng trái ở cà phê.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.