Giải mã 'hố tử thần'

Giải mã 'hố tử thần'
TP - Theo PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng & Môi trường (UGCE), hiện tượng sụt lún phổ biến ở TPHCM gần đây là do đặc điểm tự nhiên về cấu trúc đất và nước khá đặc thù. Nhà khoa học này cũng loại trừ nguyên nhân do khai thác nước ngầm.

Không biết bao giờ hết 'hố tử thần'

Theo PGS.TS Đặng Hữu Diệp, “hố tử thần” ở TPHCM phần nhiều là do tự nhiên. Ảnh: Huy Thịnh
Theo PGS.TS Đặng Hữu Diệp, “hố tử thần” ở TPHCM phần nhiều là do tự nhiên.
Ảnh: Huy Thịnh.

PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc UGCE - Ủy viên Chủ tịch đoàn Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất gây sụt lún trên các đường phố và nhà cao tầng ở TPHCM thời gian qua là đất. Đất ở TPHCM là đất lún ướt tự nhiên phân bố trên một diện tích nhất định. Ngoài ra, còn do đất san lấp bởi con người, đặc biệt là đất san lấp không đạt chất lượng.

Lỗi con người cụ thể nằm ở đâu?

Đất san lấp không đạt được độ chặt cần thiết dọc theo các công trình đào đắp trên các tuyến đường chính là nguyên nhân dẫn đến các hố sụt. Nếu nói đến yếu tố con người, chủ yếu là nói đến lỗi không nhận thức tự nhiên một cách thấu đáo trước khi can thiệp.

Đâu là đặc điểm tự nhiên của đất ở TPHCM?

PGS.TS Đặng Hữu Diệp
PGS.TS Đặng Hữu Diệp .

Vùng đất lún ướt hiện diện ở khu vực Thủ Đức, quận 9, Củ Chi, Hóc Môn. Phần lớn nội thành như quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân có hiện tượng lún ướt, xói ngầm. Hiện tượng này cũng tìm thấy ở các vùng đất san lấp mới hình thành, phân bổ tại các nơi thấp trũng như Nhà Bè, quận 7, quận 2, Bình Chánh, quận 4, quận 8 và đặc biệt dọc theo các tuyến đào đắp.

Đất yếu chiếm phần lớn diện tích quận 2, Bình Thạnh, quận 4, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Duyên Hải. Một phần các quận Bình Tân, quận 6, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, dọc kênh rạch trong nội thành, có thể có hiện tượng nền móng công trình lún lệch, hiện tượng hóa lỏng, cát chảy, sạt lở bờ sông.

Xói ngầm cũng thường xảy ra ở nơi có nhiều vùng có đất dễ hóa lỏng, có đất lún ướt, như đã từng thấy ở quận 9; ở nơi có nền đất san lấp như các khu công nghiệp ở Tân Thuận, quận 7 và Bình Chánh; những phường nằm trên phễu hạ thấp mực nước ngầm công nghiệp do khai thác lượng nước lớn tại một số giếng công nghiệp.

Ở những nơi có phân bố những loại đất trên, khi có nước ngấm vào nền đất sẽ tạo nên những lỗ hổng nhỏ, dần dần mở rộng thành hang hốc. Do không chịu được tác dụng của trọng lực hoặc của tải trọng bên trên, hang sẽ sập đột ngột. Trong địa chất công trình, người ta gọi đó là hiện tượng xói ngầm.

Sau đất, yếu tố tự nhiên nào liên quan đến sụt lún ở TPHCM?

Chính là nước. Tại TP HCM, ta thấy có nhiều kênh rạch, thủy triều lên xuống theo chu kỳ, nước mưa gây ngập úng, nước từ các cơ sở sản xuất và khu dân cư, nước rò rỉ từ các tuyến cấp và thoát nước không đạt chất lượng hoặc cũ, hư hỏng. Những nguồn nước này ngấm vào nền đất, gây xói ngầm, sụt lún.

Ông có thể chỉ ra các can thiệp trong xây dựng ở TPHCM không phù hợp với các đặc điểm nói trên?

Nhiều dự án cấp thoát nước, nâng cấp đô thị, xây dựng công nghiệp ở TPHCM đã tạo nên loại đất san lấp không đạt độ chặt bắt buộc. Chẳng hạn, dùng đất sét và sét pha bão hòa nước, vốn được gọi là đất yếu, càng làm lún trầm trọng hơn trên nền đất lún ướt tự nhiên vốn có.

"Hiện tượng lún và lún sụt tại TPHCM trước mắt chưa liên quan gì đến tình trạng khai thác nước ngầm. Đây là bài toán địa chất công trình và địa chất môi trường, cần chuyên gia lĩnh vực này nghiên cứu thêm " - PGS, TS Đặng Hữu Diệp 

Biến dạng lún thường xảy ra ở những vùng hiện diện các nền đất sét hoặc sét pha cát bão hòa nước. Những loại đất như vậy thường kém chịu lực, một khi có tải trọng tác động, dễ bị phá vỡ, mất ổn định. Thứ đất yếu ấy dễ biến dạng gây lún móng công trình đặt trên đó.

Trình độ thi công, áp dụng công nghệ mới không phù hợp do thiết kế không sát, khảo sát địa chất không đầy đủ, hoặc chưa áp dụng công nghệ thích hợp như tạo bê tông đất bằng công nghệ trộn sâu hoặc cao áp, tạo cọc đá... Việc thi công đào đắp không đạt chất lượng còn do kỹ sư, công nhân kỹ thuật, chủ đầu tư, và ban quản lý công trình thiếu trách nhiệm hoặc thiếu kiến thức nền về địa chất công trình ở TPHCM.

Song song với đó, cần nói đến các yếu tố xã hội. Trên các tuyến đường thường xuyên có xe tải trọng lớn (10 - 20 tấn) lưu thông, làm cho nền đường biến dạng, lồi lõm, khiến các tuyến cống bị hư hỏng, rò rỉ nước. Mặt khác, các tuyến đường qua khu dân cư thường bị dân đào, xẻ, san lấp tùy tiện, tạo điều kiện cho nước ngấm qua nền đất, gây biến dạng và xói lở nền đất.

Cảm ơn ông.

Quốc Dũng
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG