Giải mật huyền thoại 'con đường tiền tệ'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa các cựu cán bộ trong đêm giao lưu Ảnh: Xuân Ba.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa các cựu cán bộ trong đêm giao lưu Ảnh: Xuân Ba.
TP - Thời điểm sắp chẵn 40 năm ngày 30 tháng 4. Nhiều. Rất nhiều những nhắc nhớ, tôn vinh cùng ngậm ngùi nhưng có lẽ vẫn chưa đủ về chiến công bi hùng về huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. 

Và nữa, như một huyền thoại, còn có một con  đường tiền tệ? Huyền thoại ấy như thế nào? Dẫu chẳng muốn nhưng hình như số phận đất nước và lịch sử đã thử thách đã chọn lựa dân tộc mình phải  chọn những thời điểm ấy để ló dạng và bật lên một phẩm chất bi tráng?

Trích đoạn một báo cáo

Trước thời điểm UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức chương trình nghệ thuật huyền thoại con đường tiền tệ (có truyền hình trực tiếp) tôi có một bản báo cáo của Ban tổ chức.

Xin trích một đoạn.

Để tiếp nhận an toàn các khoản viện trợ bằng ngoại tệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đòi hỏi phải có những tổ chức đặc biệt chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Năm 1965, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập tổ chức đặc biệt với bí danh B29 hay còn gọi là Quỹ đặc biệt, với biên chế 10 cán bộ và một số cán bộ ở nước ngoài để phối hợp, thực hiện tập trung nguồn ngoại tệ, tìm cách chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. 

Tại miền Nam thành lập Ban tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam, mang bí số N2683 thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương để phục vụ chiến đấu và chuyển đổi ra các loại đồng tiền khác cung cấp cho hoạt động của các tổ chức bí mật khác như: đồng tiền Sài Gòn (tiền của chế độ cũ), Riels Campuchia.

Như vậy, tại miền Bắc, B29 là đơn vị tổ chức tiếp nhận các nguồn giúp đỡ, hỗ trợ của các nước và chuyển cho N2683 tại miền Nam để phục vụ cuộc kháng chiến.

Trước năm 1965, Trung ương viện trợ ngoại tệ và tiền Sài Gòn theo phương thức đơn giản: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại Thương đưa vào miền Nam theo kế hoạch viện trợ (bằng vận tải tuyệt mật được Bộ Chính trị Trung ương Đảng duyệt) chủ yếu là tiền Đông Dương Ngân hàng (Ngân hàng đã tích luỹ được trước năm 1960 và bố trí đổi bí mật thêm ở HongKong bằng ngoại tệ tự do: Đôla Mỹ, vàng.

Hàng đặc biệt trên đây được chuyển vào miền Nam bằng nhiều chuyến: chuyên cơ và phi cơ (thường kỳ qua phái đoàn Liên hiệp Đình chiến và Ủy ban Kiểm soát Quốc tế thi hành Hiệp định Giơnevơ). Phương thức chi viện này có nhiều nhược điểm: Chậm, dễ bị lộ, vì tiền phải qua thương nhân chuyển từ Sài Gòn ra HongKong, từ HongKong sang Hà Nội, sau đó mới đưa vào miền Nam bằng tiền mặt.

 Vòng quay qua nhiều trung gian nên rất chậm, dễ bị ách tắc và dễ bị địch phát hiện qua theo dõi thị trường Sài Gòn và HongKong. Đã có hơn 4 triệu USD mặc dù thận trọng cẩn mật trong các hòm sắt hòm thiếc nhưng đã bị địch đánh bom.

 Khi dỡ ra tờ USD còn nguyên dạng nguyên hình. Nhưng đụng vào tơi như bột!  Tháng 4/1965, đồng chí Phạm Hùng đồng ý cho sử dụng nghiệp vụ thanh toán đặc biệt để tăng cường viện trợ miền Nam qua 2 đầu mối là B29 (tại Trung ương) và N2683 (Ban Tài chính đặc biệt tại miền Nam) chủ yếu qua địa bàn Campuchia.

Kết quả tập trung các nguồn thu về ngoại tệ để chi viện cho miền Nam  trong 10 năm (1965 - 1975) tổng cộng là: 678 triệu USD.  Từ tháng 4/1967, sau khi B29 được thành lập, mới tổ chức tuyến vận tải hàng đặc biệt (tức là ngoại tệ và biệt tệ VNCH của Trung ương viện trợ cho miền Nam) do C.100 và Đoàn 559 chuyên trách vận tải.

 Hàng đặc biệt này được Tổng Cục Hậu cần đặc trách đóng gói trong hòm sắt tây, có bao giấy chống cháy để phòng thiệt hại bị cháy do phi cơ địch oanh tạc lúc đang vận tải và tại kho hàng. Vì khối lượng vận tải ngày càng lớn trong khi Mỹ tăng cường đánh bom phá hoại, nên có lúc không tránh khỏi thiệt hại trong quá trình vận chuyển. 

B29 đã nhận lại các loại tiền giấy ngoại tệ và biệt tệ bị cháy, tổ chức sắp xếp lại và bí mật mang đi tiêu thụ được trên 1,2 triệu USD trên thị trường tiền tệ Quốc tế, đây là kết quả quan trọng về nghiệp vụ đặc biệt của B29.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, ngày 28/4/2009 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 613/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (Bí số N2683) và Phòng B29 (Quỹ đặc biệt) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Giải mật huyền thoại 'con đường tiền tệ' ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng và bà Hoàng Thị Khuyến (Hoa).

Chuyện của người trong cuộc

Chức danh cuối những năm sáu mươi của ông ở ngạch ngân hàng mà nhiều người biết là Trưởng phòng Tổ chức Hành chính ngân hàng Ngoại thương.

Rất ít người biết được cái buổi chiều mua thu ấy, ông được kêu tới  gian phòng làm việc rộng rãi trong một khu kín cổng cao tường. Trong số những cán bộ khuôn mặt đăm chiêu khi ấy ông biết có nhiều người với chức danh quan trọng… 

Có mặt của ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đặc biệt sự hiện diện của một nhân vật cộm cán trong ngành ngoại thương Lê Văn Châu mà lâu nay ông chỉ được nghe chứ chưa bao giờ giáp mặt. Ông cũng không ngờ ông Châu sau này lại là thủ trưởng phụ trách trực tiếp mình.

Tại đây ông được phổ biến nói đúng hơn là được giao một công tác đặc biệt.  Từ thời điểm đó, ngoài chức danh ông đang đảm trách là Trưởng phòng Tổ chức Hành chính ngân hàng Ngoại thương, ông còn phải gánh thêm một công việc một chức danh mà ông được căn dặn là tuyệt mật. Không được hé với ai, đồng nghiệp cơ quan và ngay cả với vợ con, người thân. Đó là Phó phòng Quỹ đặc biệt mang mật danh B29.

Hóa ra Quỹ đặc biệt mang mật danh B29 đã được âm thầm tiến hành từ năm 1965. Theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ngân hàng Nhà nước đã  thành lập tại Cục Ngoại hối - Ngân hàng Ngoại thương - một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt với danh nghĩa là phòng B29 hay là quỹ đặc biệt với nhiệm vụ: Tập trung các nguồn vốn ngoại tệ về viện trợ và ủng hộ cho miền Nam vào “Quỹ đặc biệt”. 

Nắm vững tính chất từng nguồn vốn đó để xây dựng phương án chi viện cho các chiến trường đệ trình Trung ương duyệt và đảm bảo chi viện bằng ngoại tệ được tuyệt mật và kịp thời cho tiền tuyến trong bất cứ tình huống nào. Bảo vệ và điều chuyển vốn ngoại tệ của quỹ đặc biệt này để tránh thiệt hại ngoại tệ mất giá và phá giá và cố gắng tranh thủ được lãi suất cao để tăng tích luỹ ngoại tệ cho Nhà nước. Báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cho Thủ tướng Chính phủ.

Ông đâu ngờ người thủ trưởng trực tiếp Lê Văn Châu của mình là một trong những yếu nhân phụ trách cái Quỹ đặc biệt với mật danh B29 nhiều năm nay. Thật hiếm cán bộ ngân hàng khi ấy như ông Châu nghiệp vụ ngân hàng nội ngoại đều thạo. Lại thông rành tiếng Pháp, Anh Trung, Nga. Thảo nào mà thời gian gần đây, ông cứ ngờ ngờ khi không biết vô tình hay hữu ý mà thủ trưởng cơ quan hay gợi ý và kiểm tra trình độ tiếng Anh và Trung của mình?

Những chuyến công cán nước ngoài liên tục khi Berlin khi Bắc Kinh, Matxcơva, HongKong… Cuốn hộ chiếu ngoại giao của ông liên tục thay. Thường thường, tổ công tác của  Quỹ đặc biệt gồm ông và một cán bộ của phòng. Thêm một người nữa của Cục Bảo vệ Chính trị. Đến nước sở tại, ông có trách nhiệm báo cáo riêng với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền hay cơ quan ngoại giao của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại nước đó. Sau đấy, tổ công tác, thường được sự  giúp đỡ của cơ quan thương vụ dưới sự chỉ đạo riêng của Đại sứ, bí mật tiếp cận với đại lý cần giao dịch.

Trong câu chuyện,  ông bộc bạch, việc tiếp cận các đại lý để thu gom ngoại tệ phải theo quy ước mật với nhau từ trước. Mạng lưới ngân hàng đại lý trên thế giới mà B29 gửi khá rộng, trên 200 đại lý. Phải nói rằng, hơn 200 ngân hàng ấy hầu hết là ngân hàng cỡ lớn có uy tín. Họ đảm bảo bí mật an toàn, mình cần gì thì họ chi viện cái đó.

…Tôi nèo ông gạn thêm chút ký ức để tả kỹ chiếc va ly ngoại giao thuở ấy ông và đồng đội dùng để đựng thứ ngoại tệ mạnh USD- dollars mang về Hà Nội nó như thế nào? Ông cười thì nó cũng na ná như những cái samsonai bây giờ không mỹ miều hào nhoáng nhưng chắc chắn. Những chiếc va ly- cặp ngoại giao ấy, ông và anh em không được chọn hay sắm mà có bộ phận đặc biệt chuẩn bị. Những bó USD được lèn chặt vào mỗi chiếc cặp ngoại giao. Nhiều lần những chiếc va ly với tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao ấy đã phải gửi theo hàng hóa vì khá nặng, tròm trèm cỡ trên 30 ki lô gam tiền ngoại tệ.

Máy bay Mỹ nhiều đợt đánh phá ác liệt Hà Nội nhưng may mắn thay không có quả bom nào trúng Trụ sở Ngân hàng Trung ương. Tất nhiên ngôi nhà trong dãy nhà phía sau Trụ sở Ngân hàng nơi đặt Tổng hành dinh của Quỹ đặc biệt cũng được an toàn. Phải biết bố trí công việc hợp lý cũng như thực hiện nghiêm nhặt quy ước giữ bảo mật, ông mới một lúc làm tốt việc điều hành công tác với chức danh Trưởng phòng tổ chức hành chính và Phó phòng cái Quỹ đặc biệt này.

Có phải việc điều hành Quỹ đặc biệt thường vào ban đêm nên ít người tò mò để ý? Khi thành phố lên đèn hoặc đương lúc khuya khoắt, ông lặng lẽ rời căn phòng ở Khu tập thể Bờ Sông (khi ấy vợ con ông tận trong quê Hà Tĩnh) lặng lẽ tìm đến căn phòng Quỹ đặc biệt. Nơi đó có khi ông làm việc một mình. Có khi đồng đội đang đợi…

Đồng đội của ông. Nhân viên Quỹ đặc biệt không nhiều…

Bữa nay về Nhà khách Chính phủ phía Nam tá túc để thời điểm giao lưu trên Truyền hình có 5 người. Có các ông Phan Thúc Đương, Nguyễn Quang Bình,  Ngô Đình Ngôn, ông và bà Hoàng Thị Khuyến (tức Hoa). Có lẽ đã trĩu nặng cùng là ám ảnh việc giữ bí mật luôn cẩn trọng chi ly trong cung cách giao tiếp mà ông có một động thái hơi là lạ. Ấy là khi ông ghé sát tai tôi, bỏ nhỏ một câu ngồ ngộ thế này tất cả 5 anh em chúng tôi đây đều là người Khu Bốn cả nhà báo ạ. Có lẽ dân quê choa mới kiệm lời và kín mồm kín miệng ít khi ba hoa chích chòe nên công tác được đảm bảo!

Tôi  có dịp may được ngồi chung với các thành viên của Quỹ đặc biệt ấy trong một bữa cơm thường ở nhà khách. Ngồi gần bà Khuyến (tức Hoa) nên biết thêm lắm điều thú vị. Chuyện bà Hoàng Thị Khuyến, thành viên Quỹ đặc biệt ấy, có lẽ cũng đã đến thời điểm được giải mật. Hiệp định Giơnevơ, cô điệp báo Hoàng Thị Hoa quê ở Phong Điền Thừa Thiên được lệnh không tập kết mà ở lại hoạt động bí mật ở Huế. Bị lộ do chỉ điểm, Hoa may vượt được sông Bến Hải ra Bắc. Cô được điều về làm việc ở Ban Thống nhất Trung ương với tên mới Hoàng Thị Khuyến.

Giải mật huyền thoại 'con đường tiền tệ' ảnh 2

Đêm giao lưu Huyền thoại con đường tiền tệ tại Dinh Thống Nhất.

Một ngày nọ, cô được tổ chức gọi lên giao công tác mới. Cô được điều về làm việc tại Quỹ đặc biệt. Hoa lo thắt ruột gan trước một việc tưởng như nhàn hạ mà mình sắp phải đảm nhận. Việc ấy là đếm tiền. Tiền Mỹ, USD mỗi khi thứ ngoại tệ này được nhập về Quỹ đặc biệt. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bây giờ cô mới biết mặt cái đồng ngoại tệ mạnh có tên là đô la này.


 Ghê bởi nhầm lẫn thì chết!  Tất nhiên, vì nguyên tắc bí mật nên chồng Hoa không biết cái công việc mới mà vợ mình đang đảm nhận là việc gì nhưng từng là sĩ quan quân báo nên anh biết đó là một việc phức tạp nên chỉ động viên chung chung… Rồi Hoa cũng dần làm quen với việc. Từng tờ, từng xấp, từng chồng lớn đô la lần lượt qua tay Hoa đã không nhầm lẫn và suy suyển một đồng như tác phong phẩm chất của người thủ trưởng của cô hàng bao lần xách cái va ly ngoại giao nặng chịch ngoại tệ mà chưa hề hấn mất mát gì! 

Tôi ngó thêm những dòng trong một tài liệu có tiêu đề Kết quả nhận viện trợ của các tổ chức Nhân dân, các Tổ chức quốc tế, việc chi viện cho các chiến trường từ năm 1964 đến 1975

Phần thu.

Viện trợ đặc biệt của các Tổ chức từ 1964 đến 1975. =626.042.653.52 US$

Thu tiền nhân dân và các tổ chức Quốc tế ủng hộ từ năm 1967 đến tháng 3/1973. =24.179.124.13US$

Thu lãi về kinh doanh chuyển đổi và tiền gửi ngoại tệ của quỹ ngoại tệ đặc biệt từ năm 1965 đến 1975. vv…=20.993.949.86US$

Tổng cộng thu là =678.701.847.36 US$

B.- Phần chi.

1. Chi viện theo kế hoạch cho các chiến trường từ năm 1964 đến tháng 04/1975 =477.175.670.89US$

2. Chi bổ sung viện trợ cho các chiến trường về ngoại tệ bị cháy trong khi vận chuyển từ miền Bắc vào các chiến trường từ năm 1970 đến năm 1973.  =3.794.090US$

3. Chi về vận tải vật tư hậu cần và vũ khí vào chiến trường trong những năm từ 1966 đến 1969. =36.642.653.52US$

4. Chi đặc biệt của Trung ương =8.991.360.66US$

5. Chi nhập hàng đặc biệt để viện trợ cho chiến trường theo yêu cầu của Ban Thống nhất và Tổng cục Hậu cần =1.955.015.56US$

6. Chi cho Đại sứ quán VN tại Paris Đ/c Võ Văn Sung để nhập hàng đặc biệt đến cuối năm 1975: 3.176.931.23FF  =706.759.10US$

7. Chi cho Đ/c Lê Trung Nam (Ban Thống nhất) nhập hàng cho Đoàn B. 20.680.60FF. =4.530.25US$

Tổng cộng chi =529.270.079.98US$

Ấn tượng thêm về các con số lẻ. Phải là chi ly cẩn trọng, minh bạch lắm lắm khi kê biên từng đồng đô la lẻ như thế? Cái nghề chơi, cuộc chơi bất đắc dĩ với tiền với đô la Mỹ, may mà các thành viên trong Quỹ đặc biệt đến bây giờ,  ai cũng may mắn thoát hiểm một cách lành lặn. Như nhân vật chính của chúng ta, phó phòng Quỹ đặc biệt, ông Nguyễn Trọng, tuổi 80 hiện đang yên lành cùng 6 người con, 12 cháu và 3 đứa chắt.

Quỹ đặc biệt mang mật danh B29 chỉ là một đoạn một trích đoạn của khúc tráng ca huyền thoại mang tên con đường tiền tệ.

Từ Quỹ đặc biệt tại miền Bắc những năm bom đạn, những dòng ngoại tệ âm thầm len lỏi vào chiến trường miền Nam được những bàn tay sạch của các chiến sĩ ngân hàng ở C32 (kho quỹ Ban kinh tài thuộc Trung ương Cục) B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu B68, D272, N683) mau lẹ quy thành vũ khí thuốc men lương thực kịp thời cung cấp cho các chiến trường.

Còn rất nhiều chuyện lạ khác về con đường tiền tệ. Chẳng hạn giai đoạn 1967-1970, có đường hàng không Air France tuyến Hà Nội - Quảng Châu - Phnompenh. Ta cho đô la vào cặp ngoại giao, bề ngoài ngụy trang cán bộ ngoại giao, mang cặp Diplomat lên tàu bay Air France, bay 3 tiếng đến Phnompenh. Từ Phnompenh lấy xe biển đỏ ngoại giao của sứ quán Việt Nam chạy đến chiến khu Tây Ninh giao cho cụ Phạm Hùng ở R. Mất thêm 3 tiếng nữa. Như vậy 30 ngày đêm rút xuống còn 6 tiếng đồng hồ.

Những điệp vụ đại loại vậy, xin khất bạn đọc một dịp khác.


MỚI - NÓNG