Giải mật huyền thoại 'con đường tiền tệ' - Kỳ cuối: Tráng ca C32

Cựu binh C32 đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT.
Cựu binh C32 đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT.
TP - TPCN số trước ra ngày 19/4 đã thuật lại một phần của chiến tích rất lớn nhưng vô cùng âm thầm trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là việc chi viện bằng tiền tệ từ miền Bắc, đi qua rất nhiều ngả đường quốc tế, để vào tới miền Nam. 

Trong số này, câu chuyện được tiếp tục "giải mật" với một công việc quan trọng: Đó là số ngoại tệ USD của B29 miền Bắc khi  bí mật đưa vào miền Nam đã được C32 chế biến và sử dụng như thế nào?

Trước thời gian diễn ra đêm giao lưu nghệ thuật Huyền thoại con đường tiền tệ, tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Thành Nguyên từng là một yếu nhân của Ban Ngân khố tín dụng R với mật danh là C32 trực thuộc Trung ương Cục miền Nam và một số cựu cán bộ C32.

Câu chuyện lúc đứt lúc nối vì họ luôn tất bật bất ngờ với những cuộc gặp gỡ hội ngộ tình cờ cùng đồng đội sau hơn 40 năm bặt tin nhau.

Mạng lưới hoàn hảo

Như TPCN số trước (ra ngày 19/4/2015) đã phản ánh, Quỹ Ngoại tệ đặc biệt (B29) dành riêng cho miền Nam. Trung ương Cục (TWC) miền Nam là chủ tài khoản. Mỗi lần TWC yêu cầu chuyển ngoại tệ mặt vào Nam, người đại diện tại Hà Nội mang yêu cầu đến Ngân hàng Trung ương để xuất. 

Quân đội C100 của Bộ Quốc phòng cho người đến NHTW (chỗ ông Nguyễn Trọng) nhận tiền, giao cho đơn vị vận chuyển vào Nam (đoàn 559 chuyển bằng đường bộ; còn có đoàn chuyển bằng đường thủy; hoặc đường hàng không quá cảnh sang Campuchia -
viết tắt CPC).

Tại miền Nam, Ban Tài chính đặc biệt của TWC MN (bí số D270 –  sau thường gọi N2683) đổi ngooại tệ ra tiền Sài Gòn (mật danh là đồng Z), chuyển giao số tiền Z này vào C32, sau mới làm thủ tục gửi ra B29 Hà Nội để hạch toán vào sổ. C32 là đơn vị của TWC MN thường xuyên phối hợp giao nhận tiền với N2683 và đối chiếu sổ sách về số tiền giao nhận với B29. Trong suốt thời kỳ này, C32 và N2683 quan hệ mật thiết, gắn chặt như một.

C32 hoạt động với các loại tiền: đôla Mỹ, tiền Sài Gòn (đồng Z), tiền Riel CPC, tiền Baht Thái Lan, tiền Kip Lào. Ngoài ra, có một số ít tiền miền Bắc Việt Nam để đổi cho cán bộ miền Bắc vào Nam ra Bắc.

Ông Nguyễn Thành Nguyên tuổi đã quá bát thập nhưng trí nhớ vẫn mẫn tiệp. Ông kể: Mọi hoạt động của C32 trong tình hình luôn bị hiểm nguy đe dọa: phi pháo, bom mìn, thám báo, biệt kích càn quét, quân địch luôn kiểm soát lưu thông.

Khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn câu kết với Lon Nol mở rộng chiến trường K thì tính chất vô cùng ác liệt. B52 bắn phá, địch càn liên tiếp khắp nơi, các địa bàn hoạt động của ta không có nơi nào còn gọi là “tương đối an toàn”. Trong khi đó tiền về C32 nhận và cất giữ rất lớn, giá trị rất cao. Địa bàn hoạt động của ta ngày càng mở rộng ra, trải dài sang đất CPC, cung độ vận chuyển có những tuyến đường rất xa, vô cùng nguy hiểm.

Với trọng trách là Tiếp nhận, Vận chuyển, Bảo quản, Chế biến (hối đoái),ivà một thời kỳ có trường đào tạo nghiệp vụ, nhằm có đủ tiền cung cấp cho toàn bộ chiến trường B2 theo lệnh TWC MN, Ban Ngân tín R - C32 trong thời gian 8 năm đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận vận chuyển, bảo quản số ngoại tệ quý giá này.

Vai trò của C32 là đầu mối, là tổng quỹ tiếp nhận tất cả các loại tiền mặt từ trung ương đưa vào (gọi là phương pháp AM).

Điểm đón tiền về chủ yếu bằng đường bộ qua Trường Sơn được giao nhận tại Bình Phước.  Một ngả khác, quá cảnh CPC ở Tà Nông - Xoài Riêng. Hàng AM do C32 và quân đội hậu cần B2 trực tiếp nhận.

Điểm nhận hàng T2, T3 đưa lên, ta nhận qua giao ban R trong địa bàn Châu Thành Tây Ninh (T2 là vùng ở giữa T3 và căn cứ Tây Ninh, có Long An; T3 là vùng 6 tỉnh miền Tây). Và còn nhiều ngả tiếp nhận khác nữa. Tiền trong thành, từ CPC về đến biên giới, tiền Z từ Sài Gòn ra vùng ven - để nhận được tiền từ vùng địch kiểm soát, bộ phận tiếp nhận phải cử trinh sát vào trước.

C32 đã năng động, sáng tạo, mưu trí dũng cảm tổ chức tiếp nhận kịp thời và trọn vẹn các nguồn tiền: từ trung ương đưa vào qua đường Trường Sơn hoặc quá cảnh qua K; nhận từ D270 đưa sang N2783; nhận từ địa phương đưa lên; nhận tiền từ bộ phận chế biến (hối đoái ngoại tệ) đưa về. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, với địa điểm thay đổi liên tục, ta phải tự cắt đường đi, tự xây dựng cơ sở, nơi nghỉ, tai mắt để đối phó với quân ngụy Lon Nol.

Giải mật huyền thoại 'con đường tiền tệ' - Kỳ cuối: Tráng ca C32 ảnh 1

Cán bộ ngân hàng miền Bắc bổ sung cho C32. Ảnh: TL.

Những đồng USD có máu và mùi DDT

Lần đó, C32 phải tiếp nhận một khối hàng rất lớn trung ương đưa vào quá cảnh Campuchia, địa điểm nhận tại Tà Nông (CPC). Hàng ngàn thùng gỗ đựng tiền, mỗi thùng vài chục ký. Đường thì xa, phương tiện chỉ có xe đạp. Anh em đẩy xe thồ tiền từ Tà Nông về Tà Xúa, Lò Gò mất cả ngày, giao một phần (yêu cầu phải bí mật, phân tán tiền ra nhiều nơi cất giữ), số còn lại tiếp tục thồ về Đất Đỏ, căn cứ của TWC, mất thêm nửa ngày.

Bảo quản số tiền này không đơn giản vì khối lượng quá lớn không để hầm được: thùng tiền chất ngoài trời, phải lo che chắn mưa gió, chống mối phải rắc bột DDT. Trong quá trình bảo về tiền, đ/c Sinh (Chín Già) đã hy sinh vì nhiễm độc DDT.

Về vận chuyển: Vị trí căn cứ C32 là Tân Biên (Tây Ninh - Việt Nam), và sau mở thêm tại Comprớ (Compong Chàm - CPC). Địa bàn hoạt động trải rộng trên vành đai biên giới, dọc từ bắc Tây Ninh đến Hồng Ngự, biên giới Việt Nam - CPC tại An Giang, cả trên đất ta và đất CPC.

Tôi chép ra đây một lộ trình dài dặc hiểm nguy qua lời kể của ông Nguyên: Tân Biên đi Cây Dầu, Tà Nông: đi xe Honda mất 1 buổi, nếu đi tàu mất cả ngày. Tân Biên đi Hồng Ngự: đi xe Honda cả ngày. Tân Biên đi Túc Mía: chỉ đi bộ, mất cả tuần hơn. Tân Biên đi Biển Hồ: đi Honda hơn 2 ngày. Tân Biên đi Prespo: đi Honda mất 1 buổi. Nếu đi từ Comprớ thì đường rất xa hơn nữa. Những tuyến xa mà cũng rất nguy hiểm là C32 đã chuyển đô la đi Túc Mía, Hồng Ngự, Biển Hồ.

Phương tiện của ta: đi bộ, xe đạp, sau được trung ương cho xe máy, ghe máy. Phương tiện rất thiếu và yếu. Anh em nhận lệnh là cơm vắt lên đường. Những ngày dài gian nan vất vả, không thiếu những giờ khắc nguy ngập, căng thẳng nín thở. Có lúc đang băng đồng ngập nước thì xuất hiện máy bay địch rà soát, chỉ huy bình tĩnh ra lệnh anh em đứng bất động, không tạo âm thanh, tránh địch phát hiện. Trong công tác đi tìm điểm để nối đường, có lúc nửa đêm giữa đồng, tìm người đưa qua sông không dễ.

Điểm nhận thường thay đổi, gặp không ít khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em C32 vẫn làm tốt

Thời gian này có sự kiện nổi bật: Chuyến hàng lịch sử từ Túc Mía đưa về cứ.

Năm 1970, Lon Nol âm mưu đảo chính Sihanouk để đánh ta nhiều mặt, trong đó có mặt rất độc là bất ngờ đổi tiền Riel để ta không kịp trở tay, tiêu diệt năng lực về tiền Riel của ta. Để đối phó với chủ trương này, lãnh đạo của ta đã kịp thời tập trung gom hết tiền Riel đưa lên Phnompênh để cơ sở ta đổi. Đổi xong, tổ chức đưa số tiền mới này về vùng giải phóng  nhiệm vụ C32 là đi lấy về căn cứ.

TWC MN báo ban Kinh tài biết tiền đã về đến khu T2, lệnh đi nhận gấp, vì ta đang rất cần tiền. Ban KT chỉ đạo đ/c Ba Dũng (Trần Quang Dũng một trong lãnh đạo C32) trực tiếp đi ngay trước, còn lực lượng vận chuyển sẽ huy động đến sau. Đ/c Ba Dũng suy nghĩ cân nhắc kỹ lưỡng... Nếu đi vòng qua cánh đồng chó ngáp theo tuyến giao liên khá an toàn thì phải mất 6-7 ngày mới đến khu vùng T2, chậm quá. Đồng chí đã quyết định tổ chức đi đường công khai qua vùng kiểm soát của Lon Nol, rất nguy hiểm, nhưng đi qua được thì chỉ mất 1 ngày.

Sáng sớm ngày 27/4/1970, tập trung tại Cây Dầu, vùng tiếp Xoài Riêng, đoàn có 3 người, cải trang: Ba Dũng là sĩ quan K, Khoa là lính K, Tám Đàng giả thương nhân người Hoa. Kế hoạch đi: xe Vĩnh (người Hoa) đi đầu dẫn đường. Tiếp đó là xe của Khoa có nhiệm vụ gặp trạm kiểm soát của K thì ném thủ pháo tiêu diệt. Nếu còn địch ngăn cản, xe Ba Dũng chở Tám Đàng đến sau sẽ tiếp tục diệt, chứ không trình giấy.

Trên đường đi khôn khéo qua được hết các trạm kiểm soát, đến 6h chiều hôm đó đến nơi - khu ủy T2- mới biết rằng tiền không về nơi này, mà về Túc Mía (thuộc tỉnh Tà Keo, giáp ranh T3 của ta). Làm thế nào bây giờ? Lệnh của TWC: một là giao C32 tiếp tục đến Túc Mía nhận tiền, và phải đi làm 5 chuyến để giảm rủi ro mất mát nếu bị địch tấn công; hai là yêu cầu khu ủy T2 cung cấp lực lượng cho C32 đi nhận tiền.

Thực hiện lệnh, Ba Dũng dừng lại T2 một ngày để lấy quân, rồi khởi đi ngày 29/4/1970, trải qua 2 con sông Tiền, sông Hậu, ngày 1/5 đến Túc Mía. Một cuộc tranh luận quyết liệt bàn thực hiện lệnh của TWC: nếu phải chia làm 5 lần, một chuyến đi và về mất 10 ngày, 5 chuyến mất 50 ngày -  trong khi tình hình thực tế rất căng, địch sắp tấn công càn quét địa bàn này, số hàng để lại sẽ không an toàn, nhất là thời gian quá dài.

Cuộc thảo luận rất nghiêm túc: nếu lấy 1 lần, nếu giữ được an toàn thì rất tốt; nếu rủi địch tấn công ta mất hết thì sao đây? Cuối cùng các đồng chí quyết và cùng chung chịu trách nhiệm là giao nhận một lần, bởi vì nguy cơ bị đánh phá quá lớn trong những ngày tới. Quyết định xong, đoàn nhận hàng ngay trong ngày 2/5, sang ngày 3/5 lên đường ra về, bắt buộc đi không nghỉ theo lệnh cưỡng bức hành quân. Đến nửa đêm 4/5 đoàn về đến khu ủy T2, anh em mới được nghỉ ngơi.

Nhưng vừa chợp mắt thì Đ/c Ba Dũng được khu ủy T2 cho biết tin ngày mai địch sẽ càn lên cách biên giới 7 km. Ngay lập tức, Đ/c Ba Dũng lệnh anh em thức dậy, động viên đi tiếp (lúc này anh em quá mệt rồi). Đến sáng thì đoàn về tới Đất Đỏ cách biên giới 30km. Bất ngờ bị chặn bởi địch đang đổ quân trên ta 2km. Như vậy đoàn tiền của ta đang trong vùng càn của địch. May mắn vừa kịp gặp Đoàn 100 đã cử 1 tiểu đoàn xuống đón đoàn tiền ở Đất Đỏ. Ngay trong ngày đó, Ba Dũng cho bàn giao tiền giữa lực lượng T2 đang mang  sang đoàn 100 nhận mang đi tiếp. Đêm đó, đoàn vượt lộ đến sáng an toàn. Sau đó anh em mới biết, khi đoàn đi khỏi Túc Mía ngày 3/5 thì ngày 5, 6/5 địch hủy diệt vùng đó. Thật may mắn, nếu đoàn ta đi đường vòng lên tiếp nhận tiền thì lúc đến nơi tiền đã mất rồi.

Vào năm 1974, lệnh trên yêu cầu C32 chuyển 1 triệu đô la đến T3, Ban Kinh tài chủ trương chia đi nhiều lần, mỗi lần 20.000 đô la. Xét thấy tình hình địch kiểm soát rất căng, con đường ta phải đi qua có chốt quân  Lon Nol, có một tên rất tàn ác là Tà Ôi.

Ban chỉ huy C32 tính toán cân nhắc, mỗi chuyến đi về mất 2 ngày, chuyển hết 1 triệu đô la mất 40 ngày. Mỗi lần qua chốt này là một lần thật nguy hiểm. Đ/c Ba Dũng quyết định trực tiếp dẫn đoàn gom đi 1 lần, trang bị vũ khí đầy đủ cho anh em với tinh thần chuẩn bị hỏa lưc sẵn sàng chiến đấu áp đảo K để vượt chốt. Ta đi 10 xe Honda, chia ra mang 1 triệu đô la. Các xe phân tán đậu tiếp nối cách nhau chừng 10m, tuần tự qua theo lối cuốn chiếu. Anh đầu tiên qua trình giấy thì các anh em phía sau quan sát ngầm hỗ trợ. Anh thứ nhất qua, đến anh thứ nhì tiếp theo. Cứ thế người qua trước phân tán cách quãng chờ và ngầm theo dõi bảo vệ lại người đi sau. Kết quả, sau những phút đấu trí hồi hộp căng thẳng, 1 triệu đô la qua trót lọt an toàn.

Nơi cất giữ tiền của C32 thường là hầm bí mật, đào ở nơi bất ngờ.  Phải chọn các gò mối cao, trên có nhiều cây mục. Trước tiên là đào mé ngoài sâu khoảng 1-1,5 m, rồi từ đó đào hàm ếch sâu vào giữa gò mối, rộng 1- 1,2m.  Trong nền hầm ếch đào sâu xuống khoảng 1m cho vừa thùng đựng tiền làm bằng thùng phuy. Nếu xếp khéo, mỗi thùng phuy đựng được gần 100 cục tiền (mỗi cục trị giá 500.000đ hay 1.000.000đ tiền Z). Để ngụy trang, phía trên nắp thùng đại liên, anh em làm nắp hầm bí mật bằng gỗ (giống như nắp hầm bí mật ở địa đạo Củ Chi).

Mỗi khi cất hoặc lấy tiền lên để cấp phát cho các đơn vị hoặc chuyển về kho bạc C32 thì phải mở nắp hầm bí mật trước, rồi mở nắp thùng đại liên. Người phải nằm rạp xuống nền đất, thò tay xuống mới lấy tiền lên được. Để chống mối, một biện pháp bảo quản bất đắc dĩ và nguy hiểm nhưng đành phải làm là kho được răc bột DDT, nên mỗi lần mở nắp hầm mùi hắc xông lên rất khó chịu!

Khối lượng tiền nhận mỗi ngày bình quân 20 triệu, 30 triệu, cao điểm 1974 - 1975 lên tới 50 triệu tiền VNCH. Trong khi đó sinh hoạt phí của anh em khoảng 100đ-120đ/người/tháng, chỉ đủ mua kem đánh răng, xà phòng, thuốc rê và chi phí lặt vặt khác. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, là người giữ gìn tài sản của cách mạng, của nhân dân, anh em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ: không để thất thoát, tham ô một đồng nào.

Còn rất nhiều chuyện của C32 chưa kịp sẻ chia cùng bạn đọc. Chuyện lo chọn chỗ để tiếp nhận tiền mới đưa từ căn cứ về Sài Gòn để chuẩn bị cho việc đổi tiền cuối 1975. Tiền mới giữ trong những căn biệt thự to lớn, sang trọng. Cuộc đổi tiền đã diễn ra từ ngày 22 - 30/9/1975, tỷ lệ 1đ mới = 500 đ tiền ngụy cũ suôn sẻ như thế nào. Rồi cả chiến công lớn là đã tiếp quản trọn vẹn tiền, vàng (kể cả 16 tấn vàng mà Mỹ Thiệu mang đào thoát không thành), tài sản của chế độ Mỹ Ngụy và giữ gìn an toàn, đầy đủ ra sao. Sau những lần Trung ương vào kiểm tra đã kết luận:  “không những không thiếu mà còn có thừa nữa!”.

Ngậm ngùi, còn thêm chút xót xa, như lời một cựu binh vừa bộc bạch, thời buổi hiểm nguy bom đạn  và cái chết rình rập, hàng trăm triệu USD và vô số các loại ngoại tệ quý giá, kỳ diệu thay cái thời ngân hàng không khóa ấy, đã không suy xuyển một đồng xu cắc bạc! Nhưng tại thời bình yên hàn lại cứ bỗng chốc mất đi vô số tiền bạc do tham nhũng và nợ xấu… 

Chia tay các cựu binh Ban ngân khố tín dụng R. đã làm nên huyền thoại con đường tiền tệ, vui vì C32 đầu năm nay vừa được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và thêm chút ngậm ngùi  khi ông Nguyễn Thành Nguyên cho hay, tổng số cán bộ, nhân viên từng hoạt động tại đơn vị R-C.32 là 286 người, ngoài số hy sinh đã có 73 người qua đời vì tuổi cao, sức yếu, hiện chỉ còn lại 206 người đang sinh sống rải rác chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam.

MỚI - NÓNG