Vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67:

Giải ngân nhỏ giọt, ngư dân mệt mỏi

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ông Nguyễn Xiêm đang chậm tiến độ vì giải ngân nhỏ giọt
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ông Nguyễn Xiêm đang chậm tiến độ vì giải ngân nhỏ giọt
TP - Quảng Ngãi hiện có 9 hồ sơ (trong 73 trường hợp được phê duyệt vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67). Tuy nhiên, theo các ngư dân, việc giải ngân nhỏ giọt, chậm trễ từ phía ngân hàng khiến đơn vị đóng tàu cũng như bản thân ngư dân mệt mỏi.

Tiến thoái lưỡng nan

Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) là nơi đang triển khai đóng mới hàng chục tàu cá vỏ thép của ngư dân cả nước tham gia NĐ 67 của Chính phủ. Hiện xưởng sản xuất của đơn vị này có nhiều tàu cá vỏ thép đang được khẩn trương hoàn tất phần thân vỏ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cty, khó khăn lớn nhất để triển khai thi công các con tàu theo NĐ 67 nằm ở nguồn vốn giải ngân của các ngân hàng thương mại.

Theo ông Hoàng Văn Sâm - GĐ Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu, sau khi ký kết các hợp đồng với ngư dân là các chủ đầu tư, đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, mỗi hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng các ngân hàng chỉ chấp nhận giải ngân 15% tổng giá trị. Cho dù đến thời điểm này nhiều con tàu đã hoàn thành 50-60% khối lượng, nhưng các ngân hàng chưa tiến hành giải ngân theo khối lượng thi công, thiếu vốn sản xuất khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn. “Để hoàn tất đóng mới một con tàu theo NĐ 67, ngoài thi công phần thân vỏ, chiếm khoảng 50-55% giá trị con tàu, nguồn vốn để nhập máy mới, các trang thiết bị là không nhỏ, trong khi ngân hàng chỉ giải ngân nhỏ giọt thì làm sao chúng tôi đủ lực để kham nổi” - ông Sâm nói.

“Theo thông lệ, ngân hàng chỉ ứng trước 15% vốn cho các đơn vị đóng tàu cho ngư dân vay vốn NĐ 67. Số còn lại, chúng tôi giải ngân từng phần. Phải hoàn thành khối lượng công việc, có sổ sách quyết toán, có hạng mục hoàn thành rõ ràng thì chúng tôi mới có cơ sở giải ngân được chứ”.

 Ông Nguyễn Hùng - 

Phó GĐ Ngân hàng BIDV 

chi nhánh Quảng Ngãi

Được biết, với mỗi hợp đồng đóng tàu khoảng 10 tỷ đồng với tỷ lệ giải ngân như hiện nay thì đơn vị đóng tàu phải đầu tư 85% nguồn vốn. Tất cả chỉ được ngân hàng giải ngân khi tàu hạ thủy, mà cũng được chia thành nhiều giai đoạn. Như vậy để hoàn thành một con tàu đơn vị thi công phải bỏ ra 8,5 tỷ đồng trong vòng nhiều tháng.

Ông Nguyễn Xiêm (thôn Tây xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hoàng Sa. Tàu ông đóng theo vốn vay NĐ 67 trên 15 tỷ đồng. Sau khi được Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Quảng Ngãi) chấp thuận cho vay vốn, chủ đầu tư hợp đồng với Cty Nam Triệu đóng mới con tàu vỏ thép có trọng tải 250 tấn. Ông Xiêm kể, sau khi hợp đồng được ký kết, BIDV giải ngân trên 2,1 tỷ đồng (15% giá trị tàu) cho đơn vị thi công, đến nay đã hơn 3 tháng, tàu cơ bản hoàn thành phần thân vỏ và đang chuẩn bị lắp đặt máy móc, trang thiết bị, nhưng không được giải ngân thêm.

Cùng cảnh tiến thoái lưỡng nan như ông Xiêm là ngư dân Nguyễn Ngọc Nhiên (An Hải, Lý Sơn). Ông Nhiên ký hợp đồng với một đơn vị đóng tàu ở Nha Trang đóng mới 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo NĐ 67, vốn gần 9,5 tỷ đồng. Sau gần 2 tháng thi công, hiện ngoài vốn đối ứng của chủ tàu là 5% tổng giá trị con tàu, BIDV Quảng Ngãi mới giải ngân được 500 triệu đồng. “Bình thường khi đóng xong phần thân vỏ tàu, ngân hàng phải giải ngân từ 30 - 45% tổng giá trị hoặc theo khối lượng, nhưng việc giải ngân quá chậm nên cơ sở đóng tàu chỉ thi công cầm chừng”, ông Nhiên nói.

Phải hợp với tâm tư của dân

Ngư dân Nguyễn Cung (An Vĩnh, Lý Sơn) đang làm hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ NĐ 67 cũng như những khó khăn mà hàng loạt ngư dân vừa rút hồ sơ kể lại, anh Cung rất băn khoăn. “Nghị định được xây dựng vì ngư dân chúng tôi nhưng nhiều điều khoản, thủ tục như trên trời. Nghị định phải hợp với tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Nếu vay vốn đóng tàu mới, phải bỏ hết máy cũ rất lãng phí. Chúng tôi mong sắp tới nhà nước điều chỉnh lại quy định này”.

Tuy nhiên, đại diện một DN đóng tàu ở Nha Trang cho rằng, không chỉ ngư dân lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan mà chính DN cũng vạ lây. “Ngoài vốn ứng trước để thi công phần thân vỏ tàu, đơn vị thi công còn phải bỏ vốn để mua máy và các trang thiết bị, với số tiền lớn như vậy nên việc triển khai các hợp đồng sẽ chậm trễ, điều đó là khó tránh khỏi”, vị này nói. Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, việc giải ngân chậm và nhỏ giọt như hiện nay ảnh hưởng đến việc triển khai NĐ 67. “Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan chỉ đạo cho các ngân hàng cần có biện pháp giải ngân theo khối lượng phù hợp, tạo nguồn vốn để đơn vị thi công có điều kiện mua vật tư máy móc, chi phí... sớm hoàn thành các hợp đồng theo kế hoạch”, ông Hoàng nói.

MỚI - NÓNG