Giải quyết khiếu nại, tố cáo nên đặt vào vị trí người dân

Giải quyết khiếu nại, tố cáo nên đặt vào vị trí người dân
TP - Sáng 26/8, Đoàn công tác Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) làm việc với UBND thành phố Hà Nội về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng, nên chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo. “Hơn ai hết họ là người hiểu rõ nhất. Một con vịt rất nhiều ông vặt lông. Có một vụ án mà mấy chục ông nghe, nhưng mà nghe kiểu chạy tiếp sức thì không bao giờ hết được. Rất nhiều người lãng phí thời gian của dân chúng, thời gian của lãnh đạo mà cuối cùng vẫn không hiệu quả”, ông Đương nói. 

Theo ông Đương, người dân thường gửi đơn rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nên cuối cùng người giải quyết phải trả lời tất cả các nơi, tốn kém, lãng phí. “Tại sao có một việc rất nhỏ lại lên cả Chủ tịch Quốc hội. Nên nhớ người dân rất tốt, trừ một vài người cố tình chây ì. Khi giải quyết khiếu nại nên đặt vào vị trí quyền lợi của người khiếu nại một cách khách quan, vô tư, bởi vì người ta cảm thấy bị thiệt thòi thì mới đâm đơn”, ông Đương nói.

Ông Đương cũng lưu ý một số vấn đề ở cơ quan Tư pháp, đặc biệt là tòa án 2 cấp ở Hà Nội. “Có những vụ án chậm 7 – 8 năm, nhưng có những vụ còn lâu hơn thế mà nguyên nhân là không thụ lý kịp thời. Có vụ tranh chấp đất ở Phúc Thọ mà lại để Tòa án Sơn Tây xử. Tôi thấy không thể chấp nhận được. Nếu viết ra chuyện trên mạng thì cười vỡ bụng. Giấy khai sinh người ta sinh năm 1952 lại ghi thành 1953. Chỗ này, đề nghị Chánh án TAND thành phố Hà Nội phải nghiêm túc báo cáo lại. Tôi đề nghị kiểm tra và kiểm điểm. Nếu không chấn chỉnh thì không được”, ông Đương nói.

MỚI - NÓNG