Giải quyết ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng: Quá khó?

Cá chết ở vịnh Mân Quang - dân lãnh đủ
Cá chết ở vịnh Mân Quang - dân lãnh đủ
TP - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, trong kết luận tại kỳ họp HĐND lần 6 khóa VII chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm UBND thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm môi trường, đặc biệt xử lý dứt điểm mùi hôi trong thành phố.

Và ông Thanh không quên hỏi thêm: Cái này hơi khó, UBND có dám hứa làm được không?

Cá chết ở vịnh Mân Quang - dân lãnh đủ
Cá chết ở vịnh Mân Quang - dân lãnh đủ . Ảnh: Nam Cường

Khi câu chuyện ô nhiễm muôn thủa ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn nóng hổi tại kỳ họp HĐND lần 19 khóa VII vừa rồi thì chỉ sau đó vài ngày, người dân nuôi cá ở vịnh Mân Quang lại khóc ròng vì bỗng dưng cá chết trắng đầm. Nguyên nhân, do nước thải gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt. Trước đó, tại sông Cầu Trắng (Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cá cũng chết trắng hàng loạt.

Từ năm 2006, khi một số nhà máy (NM) chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất thức ăn nuôi tôm đi vào hoạt động, người dân phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, quận Sơn Trà phải khốn khổ với vấn nạn sống chung với ô nhiễm.

Ít nhất 2 lần người dân phường Mân Thái tụ tập, đập phá tường rào nhà máy, buộc chính quyền tạm đình chỉ hoạt động của một công ty. Nhưng rồi, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn khi đồng loạt 7 NM chế biến thủy sản khác được tập trung vào KCN thủy sản Thọ Quang từ năm 2007-2008.

Hệ thống chất thải gần như chưa qua xử lý đã đổ thẳng ra âu thuyền, làm vùng sông nước vốn tù đọng này càng đặc quánh. Hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư, được bố trí vào Vũng Thùng đã từ chối nhận đất vì... không chịu nổi ô nhiễm.

Kênh Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) dù nắng hay mưa vẫn ngày ngày bốc mùi nồng nặc. Nước kênh đen ngòm, đầy rác thải, bao nilon, túi nhựa… đổ thẳng ra vịnh Đà Nẵng.

Điều kỳ lạ là người dân xung quanh nhiều lần làm đơn phản ánh, nhưng chỉ một động thái nạo vét khá đơn giản nhưng đã bao năm nay, phường cũng như quận chưa giải quyết xong.

Hời hợt ?

Thực trạng ô nhiễm chỉ tạm lắng rồi bùng phát bởi đến nay vẫn chưa có xử lý dứt điểm tận gốc. Chuyện khôi hài lên tới đỉnh điểm khi các đại biểu vừa chất vấn môi trường ở HĐND xong, vừa tiếp tục được nghe hứa sẽ dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm thì chỉ một ngày sau, bờ tường bể chứa nước thải của nhà máy xử lý nước thải KCN thủy sản Thọ Quang trị giá 10 tỷ đã... đổ sập chỉ sau 2 ngày sử dụng.

Ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TNMT Đà Nẵng trả lời báo chí rằng, do xây ẩu để kịp lấy thành tích nhằm làm giảm sức nóng của nghị trường đối với vấn nạn ô nhiễm(!).

Nguyên nhân từ đâu? Đó là cách làm hời hợt của nhiều bộ phận trực tiếp và khi những bộ phận này sai phạm, xử lý của lãnh đạo cũng thể hiện hời hợt.

Cụ thể dự án Thoát nước vệ sinh trị giá trên 40 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới bộc lộ nhiều sai phạm mấy năm nay (Tiền Phong nhiều lần phản ánh), UBND thành phố cũng vào cuộc, thành lập đoàn thanh kiểm tra, tuy nhiên, nhiều lần nỗ lực tiếp cận thông tin của báo chí cũng chỉ nhận được câu trả lời: Đang tiếp tục kiểm tra! Vụ cá chết trên vịnh Mân Quang, ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TNMT trả lời: “Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không được nuôi cá bởi đó là vùng ô nhiễm!”.

MỚI - NÓNG