Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói gì về “ăn mặc phản cảm”?

Theo ông Tô Văn Động, việc phê bình, nhắc nhở người mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng là góp phần đẩy lùi cái xấu. Ảnh minh họa
Theo ông Tô Văn Động, việc phê bình, nhắc nhở người mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng là góp phần đẩy lùi cái xấu. Ảnh minh họa
TPO - "Thấy cái xấu mà không đấu tranh, không có hình thức xử lý thì người ta cứ tưởng cái đó là hay là đẹp rồi cái xấu lấn át cái tốt. Đây là một hình thức để đấu tranh với cái xấu”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nói về dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng Hà Nội.

Thưa ông, mấy ngày nay, dư luận đang bàn tán về dự thảo quy tắc ứng xử do Sở đưa ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là việc bêu tên người mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng. Ông có ý kiến gì?

Về việc “bêu tên”, bây giờ ngoài xã hội thấy cái xấu mà không đấu tranh thì cái xấu lấn át cái tốt. Tranh luận thì chúng tôi nói thế chứ còn chúng tôi vẫn đang để mọi người góp ý. Mọi người góp ý thì sẽ điều chỉnh. Thấy cái xấu mà không đấu tranh, không có hình thức xử lý thì người ta cứ tưởng cái đó là hay là đẹp. Không làm như thế thì làm sao có cái gì chống lại được. 

Mình cũng phải thận trọng nhưng cái gì cũng nói là vi phạm quyền con người. Muốn không thế thì đừng làm cái gì xấu nữa. Anh xấu thì xã hội phải lên án anh chứ? Chúng ta nên suy nghĩ theo hướng đó. Vì cũng có ý kiến nói rằng cứ đánh trống bỏ dùi, cứ đưa ra rồi không thực hiện nhưng đến lúc thực hiện thì lại kêu. Rất khó.

Hôm nay tôi ra ngoài phố uống cà phê, chị bán cà phê còn nói rất gay gắt là làm gì có kiểu trong chùa mặc váy ngắn, người sau vái vào mông mấy cô đằng trước. Người ta nói rất nặng như thế. Nếu không đấu tranh, người ta tưởng thế là đẹp, là hay thì người ta không sửa.

Nhiều người cũng băn khoăn về quy định thế nào thì gọi là ăn mặc hở hang, phản cảm?

Đúng là có những giá trị văn hóa không thể định lượng được, chỉ định tính thôi. Là người Việt Nam thì phải biết thế nào là thuần phong mỹ tục. Còn nếu không biết thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì dân trí anh thấp quá. Anh phải đi học văn hóa đi. 

Anh cho cái này là thuần phong mỹ tục, anh cho là đẹp, là hợp lý thì người khác cũng cho là đẹp, là hợp lý. Bắt chúng tôi định lượng dài ngắn bao nhiêu, hở thế nào là hở, định nghĩa thế nào là hở thì nếu có ai giỏi định nghĩa ra đi xem có chịu được không? Ý thức con người nói chung, thấy nó ngắn thì là nó ngắn.

Theo ông có nên áp dụng quy tắc ứng xử này cho người du lịch đến Hà Nội không?

Người Việt Nam mình với nhau còn khó như thế thì với nước ngoài còn phức tạp hơn. Nước ngoài ăn mặc thoáng hơn Việt Nam. Nếu quy định cho cả khách du lịch thì phức tạp hơn nữa. Mình cứ làm tốt với người mình đi đã rồi đến lúc người ta tự xấu hổ, người ta sẽ điều chỉnh. Can thiệp vào khách du lịch thì khó vì đã đi du lịch thì họ phải được thoải mái. 

Bây giờ thì chưa nhưng cũng có thể có những lúc phải “cứng” là có những người chúng ta không cho vào. Bảo vệ có quyền từ chối. Mặc dù đình, đền, chùa là nơi công cộng thật nhưng ở đâu cũng có cơ quan quản lý, có quyền ra nội quy. Ví dụ không ai cấm việc vào đền, chùa thắp hương, nhưng nội quy của Ban quản lý vẫn có quyền cấm. Tôi không cho thắp hương, anh muốn thắp hương thì ra chỗ khác, chỗ này tôi thắp hương vòng rồi. Nếu có thể thì cho tiền vào công đức đi để mua hương, đồ lễ thường xuyên. 

Những chuyện như thế cũng phải linh hoạt, phải theo chiều hướng tích cực một chút, chứ còn bắt bẻ thì rất khó. Như ở chùa Hương cũng không cho thắp hương, thử vào mà cãi nhau với Ban quản lý và nhà sư đi.

Liên quan đến chùa Hương vừa rồi có xảy ra một số sự cố, quan điểm của ông thế nào?

Vụ chùa Hương thì Trụ trì đã phê bình sư thầy phát lộc rồi. Hôm đó ông sư thầy tự ý làm như thế đúng là cũng khó quản lý. Cũng phải nói là việc phát lộc, xin lộc không có tội tình, không có lỗi gì cả, không cấm  được. 

Ngay như bản thân các em khi đi đâu đó được lì xì 50 nghìn có khi phấn khởi hơn là được cho 500 nghìn một cách bình thường. Nhu cầu về xin lộc là bình thường. Người phát lộc thì cũng có tâm rất tốt, phát lộc cũng là cởi bỏ tấm lòng. Nhưng cách phát, cách nhận như thế nào thì đó là câu chuyện phải tiếp tục bàn. Cái đó rơi vào ý thức của cá nhân.

Hiện tượng phát lộc của sư thầy ở chùa Hương là không ổn chút nào. Thứ nhất là không có báo cáo với người Trụ trì ở đó để biết. Thứ hai là không đề phòng hết khả năng, nhu cầu rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của anh hạn chế, có hạn. Cộng thêm ý thức người dân nữa thì chắc chắn xảy ra xô xát. 

Sau này chỗ đền Gióng cũng phải nghĩ lại cách phát lộc chứ cấm người ta là không được. Bởi vì nó là nhu cầu của người dân và cũng là nội dung của lễ hội. Như thế nói cấm thì không cấm được, nhưng hình thức như thế nào để khi ý thức chưa tốt thì mình có hình thức vừa đảm bảo nội dung đó, lại vừa đảm bảo được không xảy ra sự cố. 

Tôi lên gặp mấy cụ già trên đó thì các cụ bảo là tranh cướp mới hên. Nếu như tất cả mọi người có ý thức thì nhẹ nhàng thôi, thanh niên nhường cho người già, phụ nữ một chút thì lúc đó chẳng cần quản lý, tổ chức nữa. Theo tôi, phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để trở thành nếp sống. Phải tích cực lên án những hành vi phản cảm.

Theo ông, tại sao cuộc sống càng tiến bộ thì lại càng có những hành vi tranh cướp phản cảm như vậy?

Cũng phải hiểu là thứ nhất là phong tục đi vào trong tiềm thức của mọi người rồi. Đi dự hội là phải lấy được thứ gì đó. Một ông đi phải mang được cái gì về cho cả nhà gây nên áp lực cho người đi. Thứ hai là đã trở thành truyền thống, truyền thuyết rồi thì mọi người rất ham hố. Thứ ba là thời buổi thương trường, thị trường này thì người ta lại cảm giác là cái đó rất tốt, lại càng phải đòi hỏi nhiều hơn. Cuộc sống cũng khá giả hơn, ai cũng làm ăn, nên nhu cầu cao, ai cũng muốn tốt hơn.

Theo ông, vấn đề ở đây có phải do quy chế quản lý lễ hội còn lỏng lẻo?

Quy chế quản lý có hết rồi. Về góc độ quản lý nhà nước, quy chế, nội quy đã có. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào thôi. Câu chuyện còn tiếp tục phải lo. Ở Hà Nội 1700 lễ hội thì còn nhiều. Lễ hội chùa Hương, đền Gióng thì tương đối nóng. Chỗ phủ Tây Hồ thì vẫn còn nhiều chuyện tồn tại, phức tạp lắm, đầy rẫy những vấn đề thuộc về hạn chế như tiền công đức, đủ các thứ. Cơ bản đòi hỏi sạch sẽ ngay thì khó, phải làm từng bước.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.