Gian nan bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ

TP - Ít ai ngờ rằng để điều chỉnh thông tin cho 23 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) đường 9 tỉnh Quảng Trị, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) đã phải mất gần 9 tháng với 76 công văn các loại gửi tới gần 20 cơ quan chức năng. Một người con đã phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” thủ tục giấy tờ, phải lấy xương cốt của bố mình đi thử ADN chỉ để bổ sung thông tin nguyên quán, ngày hy sinh trên bia mộ đã có tên nhưng thiếu nguyên quán...

Để bố có quê hương

Gương mặt đen sạm và mệt mỏi, ông Nguyễn Minh Nghĩa lắc đầu nói với tôi: “Không biết đây là lần thứ mấy tôi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội chỉ để xem kết quả ADN lấy xương trong ngôi mộ của bố mình ở Quảng Trị. Nhưng ra rồi lại trở về vì chưa có kết quả”. 

Bao nhiêu ngày tháng qua, người đàn ông này dấn vào cuộc hành trình đầy những cửa ải chỉ để bổ sung quê quán trên bia mộ của bố. Việc tưởng như đơn giản nhưng lại trở nên phức tạp đến nỗi con trai của liệt sĩ mang tên Nguyễn Minh Dành có lúc đã vô vọng. 

Gian nan bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ ảnh 1 Ông Nguyễn Minh Nghĩa
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày của tháng 2/2012, người con rể của ông Nguyễn Minh Nghĩa xem trên mạng, phát hiện thấy mộ của liệt sĩ Nguyễn Minh Dành ở nghĩa trang đường 9, Quảng Trị. Nhìn thấy bia mộ mang tên bố mình, ông Nghĩa mừng phát khóc. Bao nhiêu năm nay tìm kiếm không thấy, bây giờ lại hiện lên như thể trong mơ. Nhưng định thần nhìn kỹ, ông Nghĩa thấy bia mộ của bố không có dòng thông tin về nguyên quán. Ông đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị để xin hồ sơ gốc của bố nhưng ở đấy trả lời không có. Sở nói muốn điều chỉnh thông tin bia mộ phải về Sở LĐ-TB và XH Hà Tĩnh (quê của liệt sỹ Nguyễn Minh Dành) xin giấy báo tử, xin trích lục hồ sơ của tỉnh đội Hà Tĩnh. 

“Nhưng giấy báo tử lại ghi đơn vị bố tôi là E 29 ở Nghệ An, do quân khu 4 quản lý. Tôi ngược ra quân khu 4 (thành phố Vinh) thì Quân khu 4 nói phải giải mã, nhưng chỉ Bộ Quốc phòng mới giải mã được. Quân khu 4 trích lục hồ sơ của bố tôi gửi vào Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị. Sở nói tôi làm đơn xin điều chỉnh bia mộ. Tôi làm đơn gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, phòng TB&XH huyện Lộc Hà chứng nhận. Tôi lại mang đơn vào Sở LĐ-TB &XH tỉnh Quảng Trị. Sở nhận hồ sơ nhưng không trả lời. Một thời gian sau tôi đến hỏi, họ nói phải kiểm tra ADN mới chỉnh được bia mộ. Tôi bảo, tôi xin viết giấy cam đoan, tôi đã kiểm tra 72 nghĩa trang trong tỉnh Quảng Trị không có ngôi mộ nào có tên liệt sĩ Nguyễn Minh Dành. Nhưng họ không đồng ý. Tôi lại làm đơn xin kiểm tra ADN gửi cho Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB & XH. 

Hai tháng sau, Cục có công văn cho phép lấy mẫu phẩm. Sau đó tôi vào Quảng Trị khơi mộ bố mình lên để lấy mẫu phẩm. Cục Người có công yêu cầu lấy một cái răng và một khúc xương sườn của bố tôi để xét nghiệm ADN. Tôi mang ra Hà Nội, Cục Người có công nhận mẫu phẩm và giao cho tôi văn bản tiếp nhận mẫu phẩm”.

Theo đề án 150 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/1/2013 Mục tiêu đến năm 2015, xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 5% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

Sau đó, ông Nghĩa trực tiếp mang mẫu phẩm sang Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện ký vào văn bản đã tiếp nhận mẫu phẩm. Ông Nghĩa mang giấy đó về nộp cho Cục Người có công. Ông cũng không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến vào Quảng Trị rồi ra Hà Nội nữa, vì đi nhiều quá, làm sao nhớ hết. Ông tính trung bình cứ 10 ngày ông vô Quảng Trị 2 lần, mỗi lần tằn tiện lắm cũng tiêu hết 2 triệu đồng. Lộ phí ấy nhiều lần phải đi vay vì gia đình ông vốn nghèo. 

Con một, bố hy sinh khi mới 3 tuổi, mẹ đi bước nữa, ông Nghĩa sống côi cút cùng bà nội. 15 tuổi bà nội mất, ông Nghĩa một mình vật lộn với cuộc sống, thiếu cơm ăn, áo mặc. Mặc dù bố là liệt sĩ nhưng Nguyễn Minh Nghĩa vẫn xung phong đi bộ đội. Giải ngũ đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô, khi trở về thì đất nhà mình đã bị giao cho người khác ở.

Đời sống khó khăn, ông phải tằn tiện, chắt chiu từng đồng. Kể từ ngày gửi mẫu phẩm 2/11/2012, suốt gần 1 năm nhưng ông Nghĩa vẫn chưa nhận được kết quả. Thời gian ban quản trang cho mượn mẫu phẩm chỉ 30 ngày đến 90 ngày, đã quá hạn lâu rồi...

76 công văn trong 9 tháng

Ngày 21/8/2013, Trung tâm MARIN nhận được email nhờ trợ giúp pháp lý của ông Bùi Khắc Chiến trong việc kiểm tra thông tin phần mộ liệt sỹ Bùi Khắc Khởi tại NTLS đường 9 với dòng thông tin thêm ngoài họ tên là “Thiếu úy - đơn vị D6”

Bộ phận quản lý dữ liệu của MARIN đã tìm ra cụm mộ 25 chiến sĩ thuộc trung đoàn 29 hy sinh tại chiến trường Lào có cùng nơi chôn cất ban đầu và được Trung đoàn 29 ký giấy báo tử cùng ngày 31/5/1966 trong đó có liệt sĩ Bùi Khắc Khởi, nguyên quán thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 

Gian nan bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ ảnh 2

23 ngôi mộ ở nghĩa trang đường 9 sau khi được thêm thông tin nguyên quán liệt sĩ trên bia mộ

Trong 25 ngôi mộ đó, có mộ của liệt sĩ Nguyễn Minh Dành và 22 ngôi chưa có thông tin nguyên quán của liệt sĩ. “Phải trả lại đầy đủ thông tin cho các liệt sĩ”, bà Ngô Thị Thúy Hằng - phó Giám đốc Marin nghĩ vậy và ngay lập tức liên hệ với thân nhân các gia đình liệt sĩ để xin thông tin về giấy báo tử.

Sau đó, MARIN đã gửi công văn vào Phòng Chính sách Quân khu 4 xin trích lục hồ sơ quân nhân. Quân khu 4 trả lời không có trích lục hồ sơ quân nhân nhưng trong dữ liệu điện tử mà Cục chính sách, Tổng Cục chính trị chuyển cho Quân khu 4 thì có đầy đủ hồ sơ về đơn vị, nơi hy sinh và trường hợp hy sinh của 25 liệt sĩ này như thông tin mà MARIN đã trích lục và xin xác nhận. 

Để đảm bảo nguồn thông tin, MARIN tiếp tục gửi công văn về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa (những tỉnh có nhiều liệt sĩ trong số 25 liệt sĩ để lấy trích lục quân nhân nhằm xác định chính xác nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của liệt sĩ).

MARIN lại gửi công văn về Bộ Chỉ huy (BCH) quân sự tỉnh Quảng Trị đề nghị cấp hồ sơ quy tập 25 phần mộ từ bên Lào về Việt Nam để có căn cứ trợ giúp pháp lý cho các gia đình kiến nghị với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị điều chỉnh thông tin. BCH quân sự tỉnh Quảng Trị thông báo hồ sơ quy tập đã được bàn giao cho Sở Lao động tỉnh Quảng Trị. MARIN đã gửi công văn số 100/CV- MARIN ngày 18/12/2013 kiến nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại 23 phần mộ. 

Gian nan bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ ảnh 3 Chị Ngô Thị Thúy Hằng bên phần mộ của liệt sĩ Bùi Khắc Khởi - hiện nay phần mộ đã được bổ sung đầy đủ thông tin, nguyên quán
Bà Ngô Thị Thúy Hằng kể: “Ngay sau khi có công văn của MARIN, Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị đã gửi công văn về Cục Người có công để xin ý kiến chỉ đạo vì đây là lần đầu tiên có sự việc này. Tôi hiểu tính chất của vụ việc nên ngay sau công văn của Quảng Trị, MARIN đã ra liên tiếp 2 công văn gửi về Cục Người có công để đề nghị xem xét và giải quyết sự việc. Tôi làm gấp điều này vì trong số 23 liệt sĩ này có liệt sĩ Hoàng Văn Hiếu con bà Đặng Thị Hài - mẹ VNAH đã hơn 100 tuổi. Rồi chúng tôi làm việc trực tiếp tại Cục ngày 20/2/2014. 2 tháng sau thì Cục Người có công mới ra công văn số 550 ngày 21/4/2014 đồng ý điều chỉnh thông tin”.

Những tưởng việc đã xong, nào ngờ lại bắt đầu một cuộc “chiến đấu” mới. Chị Hằng gọi điện thoại cho người có trách nhiệm của Sở này rất nhiều lần, nhưng họ đưa ra nhiều lí do để không điều chỉnh bia mộ. Ngày 18/6, chị Hằng phải trực tiếp vào Quảng Trị làm việc với Sở. Khi vào đó, chị phải gửi thêm 10 công văn về 10 Sở LĐ-TB&XH - nơi nguyên quán của 23 liệt sĩ để kiến nghị họ trả lời nhanh công văn xác minh thông tin của Quảng Trị và có trên tay 10 công văn trả lời này rồi, thế nhưng Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị vẫn trì hoãn. Công văn của Quảng Trị tới đâu MARIN lại phải ra công văn tới đó để giải thích và đề nghị xem xét, rồi liên tục gọi điện để hỏi hướng xử lý thế nào.

Có gì đó mệt mỏi lẫn chua xót trong giọng nói của chị Hằng - người phụ nữ hơn 10 năm qua tình nguyện gắn bó với công việc tìm mộ liệt sĩ: “MARIN dẻo dai, kiên trì, nhẫn nhịn bám sát từng cơ quan trong việc xử lý công văn từng giờ từng phút thì mới có kết quả là 21/ 23 liệt sĩ đã hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung thông tin bia mộ tại NTLS đường 9 trong tháng 6, 7 vừa rồi. 

Tôi biết công việc của Sở bộn bề, nhưng đã làm công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân liệt sĩ thì không nên lý do này lý do kia mà chần chừ việc xử lý thông tin có liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung thông tin cho liệt sĩ, nhất là sau khi có Đề án 150 được chính Thủ tướng ký. Với cung cách làm việc thủ tục giấy tờ và quá chậm trễ trong vụ việc 23 liệt sĩ tại NTLS đường 9 thì tôi rất e ngại không biết đề án 150 có thể thực hiện được bao nhiêu theo mục tiêu đã đề ra”.

Bây giờ Ngô Thị Thúy Hằng thống kê số công văn đã gửi và nhận trong việc điều chỉnh bia mộ của 23 liệt sĩ đúng 76 công văn ròng rã 9 tháng.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".