Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc cuộc giao lưu.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc cuộc giao lưu.
TPO -  “Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn luôn đề cao cảnh giác, đoàn kết với Đảng, Chính phủ và Nhà nước quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương, lãnh hải bằng mọi giá” - Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, nói tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức chiều 10/3.

Cách đây 28 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên biển Đông, 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.

Sau sự kiện Trung Quốc tiến công xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa và Thềm lục địa phía Nam. Cho đến nay, các vị trí này đã được Hải quân và nhân dân Việt Nam củng cố và bảo vệ vững chắc.

Khi nhắc tới vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam đều khao khát được góp sức mình bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên quyết phản đối mưu đồ độc chiếm biển Đông, thêm tin yêu những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhân dịp này, báo Tiền Phong tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với một số khách mời là các chuyên gia về lịch sử, quân sự; cựu chiến binh, nhà báo từng tham gia bảo vệ Trường Sa với tên gọi “Năm tháng Gạc Ma”.

Cuộc giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra vào 14h chiều thứ Năm 10 tháng 3 năm 2016 tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời giao lưu gồm có:

-         Thiếu tướng Hồ Anh Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội.

-         PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà -  Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308

-         Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo – người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma.

-         Cựu chiến binh Lê Văn Đông – người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma.

-        Nhà báo Nguyễn Văn Vinh -  nguyên phóng viên Reuters tại Hà Nội

-         Nhà báo Lê Trang Liêm -  nguyên phóng viên thời sự Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài ra cuộc giao lưu trực tuyến còn có sự tham gia của nhà báo nhiếp ảnh gia Hoàng Như Thính (Báo Quân đội Nhân dân), nhà báo Trung Hiền (Báo Tiền Phong)…

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác

DANH SÁCH KHÁCH MỜI

Cách đây 28 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên biển Đông, 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.

Khi nhắc tới vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam đều khao khát được góp sức mình bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên quyết phản đối mưu đồ độc chiếm biển Đông, thêm tin yêu những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhân dịp này, báo Tiền Phong tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với một số khách mời là các chuyên gia về lịch sử, quân sự; cựu chiến binh, nhà báo từng tham gia bảo vệ Trường Sa với tên gọi “Năm tháng Gạc Ma”.

Cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào 14h chiều thứ Năm 10 tháng 3 năm 2016 tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời giao lưu gồm có:

-    Thiếu tướng Hồ Anh Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội.

-    PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà -  Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308

-    Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo – người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma.

-    Cựu chiến binh Lê Văn Đông – người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma.

-     Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống – người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma.

-    Nhà báo Nguyễn Văn Vinh -  nguyên phóng viên Reuter tại Hà Nội

-     Nhà báo Lê Trang Liêm -  nguyên phóng viên thời sự Đài Truyền hình Việt Nam.

-     Nhà báo, NSNA, Đại tá Hoàng Như Thính 

-     Nhà báo Trung Hiền (Trưởng ban Bạn đọc báo Tiền Phong)

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 10 Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, phát biểu mở đầu buổi giao lưu trực tuyến

Đúng 14h, cuộc giao lưu chính thức bắt đầu.

Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, phát biểu: 28 năm sau sự kiện Gạc Ma, báo Tiền Phong tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với một số khách mời là cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia sự kiện Gạc Ma, một số nhà báo có mặt tại Trường Sa ngay sau sự kiện, nhà nghiên cứu lịch sử... với mục đích là phản ánh sự thật lịch sử, tố cáo Trung Quốc tấn công và chiếm đóng trái phép đảo của Việt Nam, sát hại chiến sĩ của Việt Nam; Ca ngợi tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam; Khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Gạc Ma, các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng như đối với Hoàng Sa và Trường Sa; Khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 11 Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó TBT báo Tiền Phong phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó TBT báo Tiền Phong phát biểu: "Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau sự kiện xảy ra, Việt Nam đã đưa tàu Đại Lãnh và Mỹ Á ra làm nhiệm vụ cứu hộ. Nhiều nhà báo đã lên tàu ra Gạc Ma để ghi lại những cảnh tượng bi hùng ấy. 28 năm qua đi nhưng những ký ức vẫn còn nguyên trong trí nhớ của họ.

Cũng trong sự kiện bi hùng ấy, có những chiến sĩ ở Gạc Ma đã mưu trí thoát khỏi sự truy sát và cũng có người không may bị bắt giữ, bị giam cầm. 

Khi nhắc tới vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc này, mỗi người dân Việt, đều khao khát được góp sức mình bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên quyết phản đối mưu đồ độc chiêm biển Đông, thêm tin yêu những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong dịp này, báo Tiền Phong tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với một số khách mời là các chuyên gia về lịch sử, quân sự; cựu chiến binh, nhà báo từng tham gia bảo vệ Trường Sa với tên gọi “Năm tháng Gạc Ma”". 

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 12 Cựu binh Lê Hữu Thảo tại buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo bày tỏ: "Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Vào ngày 14/3/1988, tôi là tiểu đội trưởng, chỉ huy nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma.

Chúng tôi bị lính Trung Quốc bao vây, dùng súng đe dọa. Vào thời điểm đó, chúng tôi có đủ thời gian để rút lui, không có mệnh lệnh phải nhất định ở lại. Thế nhưng, chúng tôi quyết không rút quân. Đây là việc làm từ trong tim để bảo vệ quê hương, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền đất nước."

ĐỌC THÊM:

>> Trường Sa tháng 3/1988: Những khoảnh khắc sống mãi

>> Vị tướng và hồi ức 20 ngày tác nghiệp sinh tử về Gạc Ma 

>> Năm tháng Gạc Ma: Ước nguyện của Trang

>> Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin: Ngày 14/3/1988 bi tráng

>> Cựu binh Gạc Ma kể chuyện lao tù Trung Quốc

  • 1. Thời gian: Thứ ba, ngày 08/03/2016 - 14:19
  • 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong

Bạn Nguyễn Hà, hanguyen342@gmail.com hỏi:

Xin được hỏi các cựu binh tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma. Nếu được chọn lại nghề, các ông sẽ chọn nghề gì?

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống

Tôi nhập ngũ từ năm 1985, làm lính công binh, xây dựng các cầu cảng, xây dựng đảo. Ngày 11 tháng 3 năm 1988, tôi được nhận nhiệm vụ ra xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Tôi đi trên tàu HQ 604, tàu vận tải, nhiệm vụ chở hàng ra đảo để xây các nhà giàn tại đảo Gạc Ma.

Chiều 13/3, tàu cập cảng tại đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, chúng tôi tới đảo xây dựng trên đảo Gạc Ma. Trung Quốc cũng đổ bộ xuống đảo tranh chấp, dùng súng bắn. Lúc đó tôi ở trên tàu HQ 604 quan sát thấy Trung Quốc bắn các đồng đội đang giữ cờ trên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ đã giằng co quyết không cho giật cờ tổ quốc trên đảo.

Sau đó, Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh hơn bắn đảo Gạc Ma, bắn luôn tàu HQ 604. Tôi ở trên cabin và bị thương, tàu chìm. Tôi bị cuốn trôi vào trong tàu khi tàu chìm và bị thương. Sau đó, tôi nổi lên được và bám được vào một miếng gỗ xây dựng. Khi đó, tôi thấy Trung Quốc dùng thuyền nhỏ, bắn những người sống sót trong tàu nổi lên. Tôi may mắn không bị bắn, trôi dạt trên biển từ 7h sáng ngày 14/3 đến 4h chiều. Sau đó, tàu Trung Quốc hạ thuyền nhỏ quay lại, kéo lên tàu.

Sau 3 ngày 3 đêm, tàu Trung Quốc đem tôi về thành phố Tràm Giang, bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc. Tôi bị thương và xỉu trong thời gian về đất liền.

Lúc trôi trên biển, chỉ mong muốn gặp lại đồng đội. Trung Quốc bắt giam tôi 3,5 năm. Đến cuối tháng 8 năm 1991, chúng tôi được trao trả về Việt Nam, tổng cộng có 9 người.

Ngày 28/3/1988, gia đình tôi nhận giấy báo mất tích, đến khoảng tháng 8 cùng năm thì gia đình tôi nhận được giấy báo tử.

Trong thời điểm đó, tôi cũng sẽ lựa chọn đi lính. Nếu đất nước chiến tranh, có Trung Quốc xâm chiếm, chúng tôi vẫn sẽ phải đứng lên để bảo vệ tổ quốc. Đi lính là để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, dù trước đó đã có thông tin Trung Quốc tiến hành xâm chiếm biển đảo. Tổ quốc có hòa bình thì mới vững vàng xây dựng tương lai.

Cuộc giao lưu kết thúc. Thay mặt báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng- Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, gửi lời cảm ơn tới vị khách mời, cũng như bạn đọc đã đồng hành và theo dõi trong suốt quá trình giao lưu.

Bạn Lê Vân, thuytinhtim42...@gmail.com hỏi:

Thưa cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, hôm 29/12 vừa qua, vợ ông đã sinh con trai đầu lòng và đặt tên cháu là Lê Trường Sa. Trước tiên chúc mừng ông và gia đình. Xin hỏi ông vì sao lại đặt tên con là Trường Sa? Có phải để ông ghi dấu kỷ niệm?

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo

Đơn giản vì tình yêu của tôi, cuộc đời của tôi đã gắn bó với Trường Sa. Đồng đội của tôi đã hi sinh rất nhiều tại Trường Sa.

Nó giống như là một kỷ niệm, tôi đặt tên con của tôi là Lê Nguyễn Trường Sa để con tôi, cháu tôi nhớ đến Trường Sa, để không bao giờ quên sự hi sinh của các thế hệ ông cha tại Trường Sa, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Bạn trangthu, vietnamnguoitrieuson@yahoo.com hỏi:

Có ý kiến cho rằng, bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ thời bình. Quan điểm của ông đối với vấn đề trên thế nào?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xây dựng đi đôi với bảo vệ. Đây là truyền thống ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam ta: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước.

Bạn Nguyễn vandung, vandungbgt@gmail.com hỏi:

Xin hỏi, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà. Từng giữ cương vị Phó Chính ủy Sư đoàn 308 Quân Tiên phong, ông có thể chia sẻ với độc giả một số nét về công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta trong thời bình?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Hiện nay Sư đoàn vẫn thường xuyên tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu theo các phương án đã định. Công tác này rất được quan tâm để nâng cao tính cơ động của một đơn vị chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng.

Bạn Nhật Lệ, Duonglee2810@gmail.com hỏi:

Thưa nhà báo Hồ Anh Thắng, ông có so sánh gì giữa hai sự kiện: Trường Sa 1988 và Trường Sa 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào lãnh hải nước ta?

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 18 Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Năm 1988 hành động của Trung Quốc đối với chúng ta thể hiện rất rõ bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Lúc đó, lính của ta chủ yếu là lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo, nên trong ý thức của những người chiến sĩ đó không bao giờ họ nghĩ rằng lại xảy ra đụng độ. Bộ Tư lệnh Hải quân của chúng ta thời điểm đó cũng đã nhận định rõ âm mưu của Trung Quốc qua các hành động xảy ra ở khu vực quần đảo Trường Sa nhưng chúng ta kiên quyết ứng xử lại với Trung Quốc bằng thái độ của những người lính yêu hòa bình. Tiếc rằng Trung Quốc đã đáp lại thái độ hòa bình bằng súng đạn.

Từ tháng 5/2014 trở lại đây, nhất là khi Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào lãnh hải của Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, nhưng khi gặp tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu đánh cá của đồng bào đang đánh bắt trên vùng biển của chúng ta, tàu Trung Quốc vẫn luôn đe dọa. Ngoài ra, họ còn có những hành vi vũ lực như húc tàu đánh cá, tàu kiểm ngư, phun vòi rồng...

Đó là những thái độ ngang ngược của tàu Trung Quốc, không chấp nhận được. Do đó, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế. Một lần nữa, dư luận quốc tế đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh tỉnh âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc sẽ phải trả giá.

Bạn Hải Đăng, Haidangttht@gmail.com hỏi:

Trong chuyến ra Trường Sa năm 1988, nhà báo Hồ Anh Thắng có ấn tượng gì sâu sắc nhất?

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 20 Thiếu tướng Hồ Anh Thắng cùng những kỷ vật

Tôi nghĩ rằng làm cuộc đời của một nhà báo thì toàn bộ chuyến đi là một ấn tượng sâu sắc. Tôi mặc dù đã từng là người lính trực tiếp chiến đấu nhưng lúc đấy tôi rất hồi hộp, trống ngực cảm thấy như vỡ tung.

Khi đoàn chúng tôi lên đến boong tàu HQ- 505 thì các anh tỏa ra gặp gỡ các chiến sĩ để phỏng vấn. Chiếc tàu 854 của Trung Quốc đã cập mạn tàu HQ - 505 của chúng ta, gần đến mức nhìn thấy lính Trung Quốc đội mũ sắt, các vũ khí gồm đại bác 105 mm và súng 37 mm, hai xuồng mở hết tốc lực trước mặt chúng ta nhưng những người lính của chúng ta không hề tỏ ra run sợ.

Thiếu tá Vũ Quý Lễ có nói: “Ta cứ bình tĩnh tự tin thì họ không làm gì được.” Sau khoảng một thời gian, họ lùi lại, thấy không có gì xảy ra, chúng ta vẫn làm việc bình thường trên boong tàu. Nắng rất đẹp. Đó là hình ảnh không bao giờ tôi quên được.

Hình ảnh thứ hai là con tàu HQ 505 lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, giống như một con cá voi khổng lồ, lúc đó khoảng 16 giờ chiều nước rút. Bên phải tàu HQ - 505 chính mắt tôi đếm được có 20 phát đạn đại bác, trên boong tàu có 30 phát, tổng cộng 50 phát đạn đại bác.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 21
Nhóm phóng viên đầu tiên và thuỷ thủ tàu Mỹ Á

Bạn Chiến Thắng, Tranchienthangkt@gmail.com hỏi:

Thưa nhà báo Nguyễn Văn Vinh, ông đã có những bài viết, những hành động gì để thể hiện lòng yêu nước của một người con đất Việt?

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh

Tôi là một phóng viên truyền hình, công việc chủ yếu là đưa hình ảnh mọi mặt của Việt Nam ra với thế giới. Tôi hi vọng thông qua những hình ảnh đó, thế giới sẽ hiểu và yêu quý đất nước và con người Việt Nam hơn.

Bạn Quốc Huy, quochuynguyen@gmail.com hỏi:

Là người làm báo, các bác, các chú chắc hiểu rõ sự nguy hiểm khi tác nghiệp tại Trường Sa vào thời điểm 1988. Vậy tại sao, các bác, các chú vẫn dấn thân vào nơi nguy hiểm đó? Vì nhiệt huyết tuổi trẻ, vì Tổ quốc gọi chúng tôi trả lời, vì máu nghề nghiệp hay vì đó là mệnh lệnh không thể từ chối?

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh

Hơn 20 nhà báo đi tác nghiệp tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin đều mang trong mình nhiệt huyết của người làm báo, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam. 

Đó thực sự là một chuyến đi đầy nguy hiểm vì những gì diễn ra trong cuộc Chiến tranh Biên giới và sự hi sinh của 64 chiến sỹ ở Gạc Ma đã nói lên tất cả. Điều mà đoàn chúng tôi đều mong muốn là có những bài viết, bức ảnh phóng sự truyền hình nóng hổi về tình hình tại Gạc Ma và vùng biển Trường Sa.

Không có ai đưa ra mệnh lệnh cho chuyến đi này mà mệnh lệnh chính từ trái tim của mỗi chúng tôi.

Bạn Phạm Minh Thành, minhthanhnguyen11089@gmail.com hỏi:

Được biết, cuối tháng 8/2015, cựu binh tàu HQ604 và người thân các liệt sĩ Gạc Ma đã tổ chức thành lập Ban liên lạc HQ604-Gạc Ma 88. Sau hơn nửa năm, kết quả bước đầu trong hoạt động của ban liên lạc?

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 25 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống cầm trên tay giấy báo chứng tử 
Ban liên lạc gồm có anh Lê Hữu Thảo, phụ trách liên lạc tìm kiếm khu vực phía Bắc. Tôi phụ trách liên lạc tại Quảng Bình và Trần Thiên Phụng, phụ trách liên lạc tại Quảng Trị. Anh em tôi tiến hành tìm được thêm 16 người mất liên lạc từ năm 1988. Chúng tôi cũng liên lạc được với 8 nhà liệt sĩ. Chúng tôi muốn ngồi ôn lại những kỷ niệm, để động viên nhau trong cuộc sống.

Bạn Nhat tan, nhattan@gmail.com hỏi:

Theo PSG.TS Nguyễn Mạnh Hà, lợi thế của Việt Nam trong bảo vệ biển đảo trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 27 PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Trong đấu tranh, Việt Nam chúng ta có các thế mạnh:

Thứ nhất, đó là tinh thần dân tộc. Trong máu của mỗi người dân nước Việt, hàng ngàn năm nay đã chứng minh, mỗi khi kẻ thù xâm lược đến, toàn dân Việt Nam sẽ cấu kết lại, tạo nên sự đồng thuận. Đó là truyền thống quý báu ngàn đời nay.

Thứ hai, Việt Nam có chính nghĩa, cứ liệu lịch sử về chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, trong con mắt thế giới, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập. Bản thân Mỹ bức xúc trước sự hung hăng, ngạo mạn của Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đối với công tác truyền thông trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Trước các sự kiện lịch sử, truyền thông Việt Nam bên cạnh sự nhanh nhạy, cần phải nắm được lịch sử; tăng cường gặp gỡ các nhà sử học, các nhân chứng; tăng cường công tác nghiên cứu. Các phóng viên theo dõi lịch sử cũng cần phải có kiến thức nền về lịch sử Việt Nam, về sự kiện phản ánh.
Về phía các cơ quan quản lý, theo tôi, chúng ta cần tạo điều kiện cho truyền thông nước nhà trong công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.

Thời lượng dành cho vấn đề bảo vệ chủ quyền, biên giới, trên không, trên bộ cũng cần nhiều hơn, thường xuyên hơn và liên tục. Các vấn đề nêu lên phải có hệ thống, có căn cứ, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận.

Trung Quốc luôn chủ trương tránh né những chứng cứ lịch sử liên quan tới chủ quyền các đảo ở Biển Đông. Trong thư viện quốc gia Australia hiện vẫn lưu trữ tấm bản đồ về địa giới của Trung Quốc năm 1909. Theo đó, cực Nam Trung Quốc 1909 cho thấy, chủ quyền của họ chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Điều này Trung Quốc không dám nói tới trong các tuyên bố trước cộng đồng quốc tế. Và cũng trong năm 1909, Trung Quốc đã phái một phái bộ đi thăm dò các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa, và chính thức đánh dấu tham vọng của Trung Quốc đối với chủ quyền trên các quần đảo của Việt Nam. Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục có các hành động xâm chiếm chủ quyền biển đảo Việt Nam một cách có hệ thống.

Bạn Hạnh, Hahanh1090@gmail.com hỏi:

Theo các bác, các chú, sự kiện Gạc Ma để lại cho Việt Nam hiện tại bài học gì trong mối quan hệ với Trung Quốc?

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng

Có lẽ không chỉ nói đến sự kiện Gạc Ma năm 1988 mà hãy nhìn vào hành động của Trung Quốc trên biển Đông từ trước đến nay. Dù công luận trong nước và quốc tế trong những thời điểm khác nhau đều có những cách nhìn, cách đánh giá khác nhau nhưng tất cả những dư luận ấy đã là thông điệp mạnh mẽ đến 90 triệu trái tim nhân dân Việt Nam.

Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn luôn đề cao cảnh giác, đoàn kết với Đảng, Chính phủ và Nhà nước quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương, lãnh hải của Tổ quốc bằng mọi giá.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 29
Các phóng viên trên đảo Sinh Tồn (tháng 4/1988)

Bạn Hồ Thủy Tiên, thuytienho77@gmail.com hỏi:

Xin hỏi ông Nguyễn Mạnh Hà, có nên đưa sự kiện Gạc Ma nói riêng, chiến dịch chủ quyền CQ88 nói chung vào sách giáo khoa hay không? Đã có công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố về sự kiện Gạc Ma nói riêng và chiến dịch chủ quyền CQ88?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Theo tôi, chúng ta rất cần đưa sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo Gạc Ma năm 1988 vào sách giáo khoa lịch sử. Thời điểm đảo Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm, chúng ta đang đóng giữ thể hiện chủ quyền.

Cuộc chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là một cuộc chiến không cân sức, giữa một bên là những người lính công binh, hải quân không có vũ khí, chỉ muốn bảo vệ chủ quyền một cách hòa bình, với một bên là quân đội Trung Quốc có chủ trương và kế hoạch đánh chiếm rất rõ ràng và đã được chuẩn bị từ trước. 64 chiến sĩ hải quân, công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hi sinh trong khi giữ đảo.

Đây là sự kiện rất quan trọng trong cuộc chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu chúng ta không làm được như vậy, thì con cháu, các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ không biết một sự kiện bi thảm trên. Chúng ta sẽ thấy có tội với chính 64 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma.

Hiện nay chúng ta cũng đã có những công trình nghiên cứu, tổng kết, tuy nhiên, sự nghiên cứu, tổng kết này chưa có hệ thống, và cũng chưa được công bố đầy đủ. Do đó, rất cần sự đầu tư nghiên cứu một cách bài bản, thông qua việc tổng kết, gặp gỡ các nhân chứng để có thể dựng lại một bức tranh đầy đủ về sự thực khách quan đã diễn ra tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 31
Phóng viên gặp gỡ thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ trên tàu HQ505 tại bãi đá Cô Lin

Bạn Nguyễn Quang Bằng, nguyenquang.bang@yahoo.com.vn hỏi:

Có rất nhiều người con Việt Nam đã anh dũng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, những người đang sống cần hành động như thế nào để tỏ lòng biết ơn, tôn vinh những cống hiến của họ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thưa ông?

Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 33 Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Ngày xưa rất khó khăn, gian khổ, chiến tranh ác liệt. Giờ đây cuộc sống đầy đủ hơn, các bạn trẻ nên cố gắng sống thật với lòng mình, học tập và rèn luyện để xứng đáng với các thế hệ đi trước.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đưa sự kiện Gạc Ma vào sách lịch sử để học sinh biết rằng Gạc Ma là của mình, đất của mình, đảo của mình và Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Từ đó, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của các thế hệ học sinh.

Bản thân trong gia đình tôi, tôi cũng thường xuyên kể cho con cháu nghe những câu chuyện về nơi tôi đã đi qua trong thời chiến tranh. Các con cháu rất say sưa nghe, cảm động và khâm phục nghị lực của những người sống ở thời đó.

Tôi dù giờ đã 72 tuổi và đã được ra Trường Sa 2 lần nhưng vẫn muốn được ra Trường Sa lần nữa.

Bạn Nguiyen Thanh Vinh, Thantrahd@gmail.com hỏi:

64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma ở đơn vị nào, thưa ông?

Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Cựu chiến binh Lê Văn Đông

Tôi nhớ trong 64 chiến sỹ hy sinh có liệt sỹ Nguyễn Văn Thiệng, đơn vị E83, liệt sỹ Văn Trị, ở đơn vị 146, anh Quyết, Phương và Đức, cùng quê Quảng Bình.

Bạn Nguyễn Việt Hưng, hungvn789@gmail.com hỏi:

Nhắc đến địa danh Gạc Ma, trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước hôm nay luôn cảm thấy sự đau thương, mất mát, nhưng cũng khâm phục, tự hào trước tinh thần dũng cảm hi sinh của các chiến sĩ. Truyền thông chúng ta cần làm gì để các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên Gạc Ma, một địa danh thiêng liêng của Tổ quốc?

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh

Địa danh Gạc Ma nhắc chúng ta rất nhiều về những điều đã xảy ra trong quá khứ. Nó đánh dấu ý đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc. Truyền thông Việt Nam cần bền bỉ đưa thông tin ra quốc tế và chủ động đáp ứng yêu cầu thông tin của công chúng về sự kiện Gạc Ma nói riêng và biển Đông nói chung. Truyền thông cần được coi là một mũi nhọn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt Nam. 

Chúng ta có ít nhiều kinh nghiệm trong việc truyền thông đóng góp vào cuộc đấu tranh ngoại giao phản đối Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam tháng 5/2014, đặc biệt là đối với quốc tế. Thế giới thấy hình ảnh rất cụ thể tàu Trung Quốc đâm vào tàu của Việt Nam gây hư hỏng trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ.Thế giới thấy tàu cá của ngư dân bị đâm chìm. Đó là những hành động phi đạo lý. Người dân Việt Nam thấy lực lượng chấp pháp tích cực hoạt động và nhìn thấy biển Hoàng Sa của mình. Điều đó đem lại tình cảm rất lớn đối với vùng biển Hoàng Sa, cảm thấy nó gần gũi, thân thương, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình.

Bạn Yen Phan, yenphan89@gmail.com hỏi:

Là người làm hãng tin quốc tế, nhà báo Nguyễn Văn Vinh đánh giá truyền thông trong nước đưa tin như thế nào về tình hình biển Đông hiện tại?

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 37 Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Tôi theo dõi về vấn đề biển Đông khá chặt chẽ, tôi thấy truyền thông chúng ta đã rất cố gắng thông tin về tình hình biển Đông nhưng theo tôi thì chưa đủ. Trung Quốc rất chủ động trong truyền thông với mục đích hướng dư luận quốc tế vào những việc được coi là “sự đã rồi”.

Ở trong nước, họ đưa tin để người dân tin rằng Trung Quốc đang bị các nước khác chiếm biển đảo của họ. Đối với quốc tế, họ nỗ lực ngăn cản sự tham dự của tất cả các nước quan tâm đến việc lưu thông hàng hải và hàng không tại biển Đông.  Họ tổ chức hội thảo về biển Đông theo hướng có lợi cho họ và cũng tích cực tham gia hội thảo về biển Đông ở nhiều nước với mục đích áp đặt quan điểm của Trung Quốc về biển Đông.

Gạc Ma hiện giờ Trung Quốc đã xây dựng thành thành phố. Tháng 9/2014 Trung Quốc mời phóng viên của truyền hình BBC ra đưa tin ở Gạc Ma với ý đồ làm cho dư luận quốc tế hiểu Trung Quốc đang làm “việc bình thường” của họ.

Trong nước đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng tại Gạc Ma, tôi thấy Báo Thanh niên có đưa clip ngắn nhưng còn ít. Quốc tế đã làm rồi, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa. Chúng ta nên tham khảo các thông tin để có thể đưa tin nhiều chiều, chính xác đáp ứng được mối quan tâm của dư luận quốc tế. Đến thời điểm này, chúng ta nên chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác những diễn biến trên biển Đông, đặc biệt là hoạt động bình thường và hợp pháp của hàng nghìn ngư dân và những việc vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho quốc tế.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 38 Một kỷ niệm chỉ huy đảo Sinh Tồn tặng nhà báo Nguyễn Văn Vinh

Bạn Nguyễn Quốc Huy, huyit8668@gmai.com hỏi:

Từ sự kiện Gạc Ma cho đến những gì đang diễn ra trên ở biển Đông thời gian qua, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng nhìn nhận gì về cách hành xử của Trung Quốc?

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng

Có lẽ phải nói rằng âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi, nên Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả những gì để đạt được âm mưu ấy. Nhưng trong bối cảnh khác nhau thì cách hành xử của Trung Quốc cũng khác nhau.

Năm 1988 hành động của Trung Quốc đối với chúng ta thể hiện rất rõ bản chất của Trung Quốc.

Lúc đó, lính của ta chủ yếu là lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo, nên trong ý thức của những người chiến sĩ đó không bao giờ họ nghĩ rằng lại xảy ra đụng độ. Bộ Tư lệnh Hải quân của chúng ta thời điểm đó cũng đã nhận định rõ âm mưu của Trung Quốc nhưng chúng ta kiên quyết ứng xử lại với Trung Quốc bằng thái độ của những người lính yêu hòa bình. Nhưng Trung Quốc đã đáp lại thái độ yêu hòa bình bằng súng đạn.

Từ tháng 5/2014 trở lại đây, nhất là khi Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào lãnh hải của Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, nhưng khi gặp tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu đánh cá của đồng bào đang đánh bắt trên vùng biển của chúng ta, tàu Trung Quốc vẫn luôn đe dọa. Ngoài ra, họ còn có những hành vi vũ lực như húc tàu đánh cá, tàu kiểm ngư, phun vòi rồng...

Đó là những thái độ ngang ngược của tàu Trung Quốc, không chấp nhận được. Do đó, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế. Một lần nữa, dư luận quốc tế đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh tỉnh âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc sẽ phải trả giá.

Bạn Nguyễn An, phucan230313@gmail.com hỏi:

Hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ hải quân hy sinh ở Trường Sa trong năm 1988 sau này được tất cả người dân nước Việt cả trong và ngoài nước tôn vinh là “Vòng tròn bất tử”. Là chứng nhân lịch sử, tên gọi đó đã đủ diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của những người lính Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma nói chung và những người chiến sĩ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chưa, thưa ông?

Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 41 Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Dù Trung Quốc đang chiếm giữ đảo nhưng chúng tôi vẫn tự hào vì chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng, chỉ là hoàn cảnh lúc đó chúng tôi không cân sức. 

Tôi rất tự hào khi đồng bào cả nước nhớ đến và tôn vinh hình ảnh trên là "Vòng tròn bất tử". Tên gọi này đã diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ. Tôi chỉ mong một ngày được trở lại Trường Sa để có thể thả một bó hoa tưởng nhớ đến những chiến sỹ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bạn Nguyễn Minh An, Minhan123@yahoo.com hỏi:

Quân Trung Quốc đông hơn, khí tài mạnh hơn, lại bất ngờ nổ súng tấn công Gạc Ma. Điều gì đã thôi thúc các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng đối đầu với cuộc chiến không cân sức này?

Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 43 Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Tôi rất bất bình khi Trung Quốc đưa ra 3 tàu khu trục, tàu tên lửa đánh thẳng vào một tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo. Khi tàu của chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì Trung Quốc ập đến, bảo đây là đảo của Trung Quốc, yêu cầu chúng tôi rời bỏ ngay. 

Chúng tôi bị bất ngờ và đối đầu với Trung Quốc bằng tay không, hoặc chỉ bằng xẻng cuốc, dùng mọi biện pháp để giành lại biển đảo. Một lúc sau, họ nổ súng gây nên thương vong lớn cho ta, khiến tàu ta bị chìm. 

Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ rằng nếu có hy sinh cũng phải giữ lấy biển đảo. Là một người lính, người con của đất Việt phải quyết tâm giữ lấy biển đảo, không để rơi vào tay kẻ thù nào. 

Bạn Nguyễn Nga, nganguyen245@gmail.com hỏi:

Ông có mong muốn gì về chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với các liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và các cựu binh tham gia hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma?

Cựu chiến binh Lê Văn Đông
Cựu chiến binh Lê Văn Đông

Nhìn chung, Đảng, Nhà nước và Quân đội có nhiều chính sách ưu tiên không chỉ đối với những người có công với cách mạng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ mà còn đối với những người có công với biển đảo như những chiến sỹ tham gia hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. 

Tôi biết là rất khó khăn, nhưng tôi vẫn mong muốn Đảng, Nhà nước có biện pháp đưa hài cốt của các chiến sỹ hi sinh trong trận Gạc Ma.

Bạn Trần Văn Tuấn, tranvantuan19...@gmail.com hỏi:

Từ sự kiện Gạc Ma [14/3/1988] cho tới những diễn biến gần đây trên biển Đông, ông có nhận xét như thế nào về cách hành xử của Trung Quốc?

Nhà báo Lê Trang Liêm
Nhà báo Lê Trang Liêm

Trung Quốc từ xưa đã từng suy nghĩ ‘nhà to phải có ao to’ nên không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông. Họ chưa bao giờ tắt ý định bành trướng, nhất là các khu vực gần với họ mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền hợp pháp.

Cách hành xử sai trái của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 46
Hải quân tàu HQ 505 tháng 4/1988

Bạn Trần Quốc Đạt, dattq7655@gmail.com hỏi:

Là người làm việc cho hãng tin quốc tế, nhà báo Nguyễn Văn Vinh đánh giá như thế nào về sự kiện Gạc Ma?

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 48 Nhà báo Nguyễn Văn Vinh và bức ảnh kỷ niệm chuyến công tác tại đảo Gạc Ma 1988
Là một người làm việc cho hãng tin quốc tế, tôi thấy việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm đảo chìm Gạc Ma - 1 trong 3 đảo chìm thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam, không những bị Việt Nam phản đối mạnh mẽ ngay trong lúc đó mà đã gây ra sự quan ngại lớn của dư luận quốc tế.

Gạc Ma nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1000km và có một vị trí quan trọng trong việc lưu thông hàng hải quốc tế trên biển Đông. Việc chiếm Gạc Ma nằm trong kế hoạch của Trung Quốc mà cho đến nay sau gần 30 năm nó đã thể hiện rất rõ. Đó là một hành động phi lý.

Tại thời điểm đó, Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn đang căng thẳng sau Chiến tranh Biên giới tháng 2-1979. Việt Nam đã nêu việc Trung Quốc chiếm Gạc Ma ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thu hút sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa. 

Việc chiếm đảo chìm Gạc Ma là một chuỗi hành động của Trung Quốc mà trước đó họ đã chiếm 5 đảo chìm trong biển Đông và cho đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi mục đích này bên cạnh việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trong biển Đông. Những hành động như vậy chúng ta không chấp nhận và quốc tế cũng thấy rõ điều này nên càng không chấp nhận.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 49
Các phóng viên trên đảo Sinh Tồn (tháng 3/1988). Ảnh: Nguyễn Văn Vinh

Bạn Vương Lệ Xuân, lexuan281109@gmail.com hỏi:

Là người làm báo, các bác, các chú chắc hiểu rõ sự nguy hiểm khi tác nghiệp tại Trường Sa vào thời điểm 1988. Vậy tại sao, các bác, các chú vẫn dấn thân vào nơi nguy hiểm đó? Vì nhiệt huyết tuổi trẻ, vì Tổ quốc gọi chúng tôi trả lời, vì máu nghề nghiệp hay vì đó là mệnh lệnh không thể từ chối?

Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 51 Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính

Tôi là nhà báo quân đội, đã đi nhiều chiến trường. Sự hi sinh bảo vệ Tổ quốc dù khó khăn, vất vả thì việc người lính phải hi sinh vì Tổ quốc là chuyện bình thường. Dù khó khăn mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ Tổ quốc.

Tôi ra Trường Sa lúc đó để chụp ảnh những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ đảo. Lúc này, Trung Quốc đang chiếm đảo trái phép và các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ kiên cường bảo vệ đảo, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Lúc đấy tôi vừa muốn được ra Trường Sa và cũng may mắn được cấp trên lựa chọn cho đi nên tôi thấy rất vinh dự khi được ra đảo. Mình ra được đảo là mình cảm thấy rất vinh dự, và dù phải hi sinh vì Tổ quốc thì cũng cảm thấy vinh dự. Trước khi ra đảo, mình đã vơ vội một số tờ báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong..., nhét vào ba lô và mang ra cho các chiến sĩ. Họ rất quý những tờ báo ấy.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 52
Các nhà báo tại quần đảo Trường Sa tháng 4/1988

Bạn Hải Hà, nguyenhaiha1298@gmail.com hỏi:

Xin hỏi NSNA Hoàng Như Thính, cảm xúc lần đầu ông đặt chân tới Trường Sa thế nào? Ông có thể kể về kỷ niệm khó quên trong lần tới Trường Sa?

Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính
Đại tá, NSNA Hoàng Như Thính

Trong chuyến đi Trường Sa, bản thân tôi rất phấn khởi. Tôi đi chiến trường cũng rất nhiều, từ chiến trường năm 1979, chiến trường chiến tranh chống Mỹ... Nhưng đợt đó là lần đầu tiên tôi được ra đảo, mà lại được ra với các chiến sĩ ngoài đảo. Bản thân tôi càng cảm thấy vui vì được cùng các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ đảo.

Lúc đầu chúng ta chỉ định mời các nhà báo quốc tế ra đảo để chứng kiến việc Trung Quốc chiếm đảo và bắn cháy, bắn chìm tàu Việt Nam... Khi đi, tàu Đại Lãnh và tàu Mỹ Á mang cờ Chữ thập đỏ ra đảo mục đích không phải để chiến đấu mà để đưa các nhà báo ra chứng kiến và trục vớt thi thể các chiến sĩ hi sinh. Nhưng khi đó, chúng ta yêu cầu Trung Quốc ngừng bán mà phía họ không trả lời, nên các nhà báo nước ngoài không ra đảo nữa, thay vào đó là các nhà báo Việt Nam.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 54

Khi đó, tôi bị say sóng rất nhiều, nhưng được anh em và thuyền trưởng động viên liên tục. Khi ra gần đảo, đồng chí thuyền trưởng phổ biến là nếu gặp tàu Trung Quốc chúng tôi có máy ảnh, có tele dài thì phải che đi không họ tưởng mình có súng họ sẽ bắn mình. Nếu Trung Quốc tấn công thì phải mặc quần áo phao. Nếu nhảy xuống biển thì phải bơi đứng chứ không được bơi nằm, kẻo bị cá mập cắn.

Trên đường ra, chúng tôi rất say sóng, cứ nằm trên boong tàu. Nhưng khi thấy đồng chí Quý thuyền trưởng nói là sắp đến đảo Gạc Ma thì có tàu Trung Quốc ra trấn giữ, thì tôi bật dậy và không thấy say sóng nữa. Tôi vơ luôn máy ảnh ra chụp và ghi lại một số hình ảnh.

Bạn Lệ Thủy, thuyvtl@gmail.com hỏi:

Xin hỏi ông Lê Hữu Thảo, khi lính Trung Quốc tiến vào đảo Gạc Ma vào sáng ngày 14/3/1988, tại sao chúng ta không sử dụng những biện pháp mạnh, thậm chí là nổ súng trước để bảo vệ đảo?

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 56 Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (bên trái)
Chủ trương của Việt Nam là không nổ súng trước. Thực tế tương quan lực lượng, nếu chúng tôi nổ súng trước, cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến, ngoài việc tiêu diệt thêm được 10-20 lính Trung Quốc. Trung Quốc tại thời điểm đó mạnh hơn quân ta nhiều lần. Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có đến hàng ngàn lính thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa. Chúng ta chỉ có tàu vận tải nhỏ không trang bị vũ khí.

Bạn Mai Van Le, lemaiha23,,,@gmail.com hỏi:

Thưa nhà báo Lê Trang Liêm, trong chuyến ra Trường Sa năm 1988, điều gì khiến ông nhớ nhất?

Nhà báo Lê Trang Liêm
Nhà báo Lê Trang Liêm

Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ đi cùng đoàn nhà báo quốc tế, nhưng sau đó vì một số lý do thì chỉ có báo trong nước đi.

Trong khi cuộc chiến xảy ra khốc liệt thế nhưng do trận địa trên biển khác với đất liền nên gần như tàn tích của cuộc chiến bị nhấn chìm xuống biển.

Và bị nước nhấn chìm hết, nên chúng tôi chỉ còn kịp ghi lại một số ít thông tin cũng như lời kể của các chiến sỹ.

Khi chúng tôi tác nghiệp thì tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ. Đứng trên tàu, chúng tôi nhìn rõ tàu của Trung Quốc và những người ở trên tàu đó. Do thấy tàu chúng tôi là tàu nhà báo nên phía Trung Quốc không phản ứng gì nhưng vẫn không ngừng theo dõi.

Bạn Nguyen Ha, hanguyen13...@gmail.com hỏi:

Thưa nhà báo Trung Hiền, cảm xúc lần đầu ông đặt chân tới Trường Sa thế nào? Ông có thể kể về kỷ niệm khó quên trong lần tới Trường Sa?

Nhà báo Trung Hiền
Nhà báo Trung Hiền

Tháng 4/1984, tôi đến Trường Sa với tư cách phóng viên báo Quân đội nhân dân. 

Ấn tượng nhất của tôi là đêm biểu diễn của các cô gái văn công Quân chủng Hải quân đang phục vụ. Những người lính đen sạm, lặng im nghe hát và tiếng vỗ tay cứ tưởng như át tiếng biển khơi.

Hôm sau, nữ văn công Thu Lan chia sẻ: "Mình mất chiếc khăn quàng cổ rồi. Thì ra, một nhóm chiến sĩ đã tạm mượn chiếc khăn ấy để ngắm nó và hôn nó suốt đêm."

Ngày ấy, các đoàn ra thăm Trường Sa chưa nhiều. Các cô gái ra Trường Sa rất hiếm. Vì thế, chiến sĩ lúc nào cũng khao khát được thấy bóng hình một người con gái. Hôm sau, trước khi lên tàu, một chiến sĩ hải quân vội vàng chạy ra gửi lại Thu Lan chiếc khăn ấy và nói: "Suốt đêm qua, chúng tôi được ở bên cô gái có tiếng hát trong veo, có nụ cười như hoa nở và chúng tôi đã... thầm hôn lên chiếc khăn ấy. Như ngỡ rằng mình được hôn lên nụ cười như hoa kia."

Thu Lan rưng rưng nước mắt.

Bạn Trần Văn Nam, Namtran453@gmail.com hỏi:

Xin hỏi nhà báo Trung Hiền. Ông là một trong số những nhà báo đầu tiên có mặt tại Trường Sa sau khi hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cảm xúc của ông khi đó thế nào khi tận mắt chứng kiến vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị chiếm đóng?

Nhà báo Trung Hiền
Nhà báo Trung Hiền

Tận thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự tàn bạo của đối phương, tôi càng cảm phục những người lính Cụ Hồ đã hi sinh tuổi trẻ của mình bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc; cảm phục sự dũng cảm, kiên trung của những người lính hải quân...

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 60
Các phóng viên trên đảo Sinh Tồn (3.1988). Ảnh: Nguyễn Văn Vinh

Bạn Văn Dũng, vandung312@gmail.com hỏi:

Được biết trong chuyến đi nhà báo Trung Hiền mang theo lá cờ của Trung ương Đoàn tặng các chiến sĩ giữ đảo. Sắp tới ngày thành lập Đoàn, tôi muốn biết thêm về lá cờ Đoàn ấy?

Nhà báo Trung Hiền
Nhà báo Trung Hiền
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 62 Phóng viên Trung Hiền ở Trường Sa (tháng 4-1988).

Trong hành trang ra Gạc Ma hôm ấy, tôi có mang theo lá cờ Đoàn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao cho với trách nhiệm trao tận tay những người lính đang giữ đảo.

Tôi để cẩn thận trong túi ni lông, sợ bị sóng biển làm ướt. Sau khi trao thư, quà của báo Tiền Phong cho các chiến sĩ trên tàu 505 ở đảo Cô Lin, hôm sau, chúng tôi về đảo Sinh Tồn. Trong ánh nắng chói chang, khe khắt, tôi đứng bên những chiến sĩ hải quân, những đoàn viên thanh niên hát vang bài "Quốc ca" và bài hát về Đoàn ở đảo Sinh Tồn.

Tôi chia sẻ niềm tin yêu của các bạn trẻ đất liền tới các chiến sĩ hải quân, thông báo ở đất liền mọi người đang hướng về Trường Sa, hướng về các anh với niềm tin yêu nhất.

Lá cờ Đoàn đã được các chiến sĩ trẻ nhận và đưa về nhà chỉ huy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, lá cờ Đoàn hôm ấy vẫn ở lại với Sinh Tồn, với niềm tin yêu của tuổi trẻ cá nước hướng về Trường Sa thân yêu. 

Sắp đến ngày thành lập Đoàn ta, tôi lại càng nhớ ngày được trao lá cờ Đoàn nơi đầu sóng ngọn gió.

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 63
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp trên tàu Mỹ Á

Bạn Nguyên Quân, quannguyen2011@gmail.com hỏi:

Xin Nhà báo Lê Trang Liêm cho biết, thời điểm đó, báo chí của ta đã đưa tin về sự kiện này như thế nào?

Nhà báo Lê Trang Liêm
Nhà báo Lê Trang Liêm
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 65 Nhà báo Lê Trang Liêm

Tôi có mặt ở Trường Sa sau khi sự kiện [14/3/1988] Gạc Ma xảy ra khoảng 3 tuần. Đoàn của chúng tôi có khoảng 20 nhà báo ở các cơ quan báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Đài Truyền hình TPHCM, báo Tiền Phong, báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân dân và một số xưởng phim…., tôi lúc đó là quay phim của Đài THVN và nhóm PV của VTV có 3 người gồm tôi, nhà báo Nguyễn Văn Vinh (quay phim) và nhà báo Trần Bình Minh (lúc đó là BTV) hiện là Tổng Giám đốc VTV.

Chúng tôi đi bằng tàu cứu hộ, đi thẳng từ Vũng Tàu ra cụm đảo Sinh Tồn, ở đó có đảo Cô Lin (nơi có tàu 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ phi lên giành lại đảo. Anh Lễ sau này được phong Anh hùng LLVTND). Khi tàu gần tới đảo Trường Sa thì đoàn chúng tôi nhìn thấy rõ khói bốc lên từ con tàu mà phía Trung Quốc tấn công. Và chúng tôi vẫn nhìn thấy nhiều tàu Trung Quốc lượn lờ ở đó.

Đến nơi thì nhóm phóng viên tác nghiệp và sau đó thì đài THVN phát phóng sự ở kênh VTV1 cùng nhiều báo đưa tin. 

Bạn Văn Kiên, kien2011@yahoo.com hỏi:

Xin hỏi cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống, ngoài những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo, bao nhiêu chiến sĩ ta đã bị kẻ thù bắt giam trong trận chiến Gạc Ma?

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 67 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống rơi nước mắt khi nhắc tên những đồng đội đã hy sinh
Có 9 người bị bắt giam. Gồm có chiến sĩ Lê Anh Đông, quê Quảng Bình; chiến sĩ Nguyễn Văn Thống, quê Quảng Bình; chiến sĩ Lê Minh Thoa, quê Quy Nhơn; chiến sĩ Trương Văn Hiền, quê Hà Tĩnh; chiến sĩ Dương Văn Dũng, quê Đà Nẵng; chiến sĩ Mai Xuân Hải, quê Quảng Bình; chiến sĩ Nguyễn Văn Nhân, quê Hà Nam; chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, quê Thanh Hóa; chiến sĩ Mai Xuân Hải, quê Quảng Bình.

Trong số 9 người này, chiến sĩ Trương Văn Hiền là lính hải đồ, còn 8 người còn lại là lính trung đoàn công binh E83.

Bạn Lê Thịnh, ThinhjVP@gmail.com hỏi:

Thưa nhà báo Trung Hiền, là nhà báo trẻ nhất đến Gạc Ma tác nghiệp,ông học hỏi được gì ở thế hệ đàn anh?

Nhà báo Trung Hiền
Nhà báo Trung Hiền
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 69 Nhà báo Trung Hiền (bên trái)
Tôi là nhà báo trẻ nhất tham gia chuyến công tác đến Gạc Ma năm ấy. Tôi mãi nhớ hình ảnh nhà báo lão thành Lê Phức ở Báo ảnh Việt Nam trong suốt chuyến đi bị say sóng, nằm dài trên giường nhưng khi nghe tin tàu sắp tới Gạc Ma, đang bị tàu Trung Quốc lao ra ngăn cản, anh vùng dậy khỏi giường, lao lên boong tàu, chọn góc máy để chụp ảnh. 

Mặc dù thuyền trưởng Quý nhắc mọi người xuống boong để đảm bảo an toàn, nhưng anh lặng lẽ bước lên boong tàu để chụp ảnh. Anh cười hề hề bảo tôi: "Làm sao nó dọa được những nhà báo dạn dày trận mạc này."

Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 70 Chiến sĩ Trường Sa năm 1988.
Năm tháng Gạc Ma: Cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn đề cao cảnh giác ảnh 71
Tôi không quên nhà quay phim Lê Mạnh Thích lặng lẽ đi dọc đảo Sinh Tồn, lặng nhìn những ngôi mộ chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma vừa được đồng đội về đây chôn cất. 

Những ngôi mộ được xếp cao bằng những mảng san hô, bát hương làm bằng ống bơ bò đã hoen gỉ. Anh lặng lẽ xếp thêm những mảnh ốc, những mảnh san hô lên ngôi mộ đồng đội. Sau đó, anh cùng nhà quay phim ghi lại những hình ảnh chân thực và xúc động ấy.

Những bức ảnh, những thước phim của các anh đã phản ánh chân thực nhất sự hi sinh anh dũng, quả cảm của người lính, tạo nên niềm xúc động cho bạn đọc cả nước, góp phần khơi dậy tình yêu Tổ quốc, biển đảo quê hương.

Là một nhà báo trẻ, tôi mãi nhớ một điều: sự dấn thân trong nghề nghiệp, không sợ hi sinh, truyền tải những thông tin chân thật nhất đến bạn đọc, đó là trách nhiệm của các nhà báo. 

MỚI - NÓNG