Giờ đây sỏi đá cũng cần có nhau

Tiến sĩ E.Montoya trò chuyện với PV Tiền Phong. Ảnh Lê Hải
Tiến sĩ E.Montoya trò chuyện với PV Tiền Phong. Ảnh Lê Hải
TP - Giáp xuân Ất Mùi, hai cựu binh Mỹ vẫn lang thang dọc triền sông Thu Bồn (Quảng Nam), tìm lại những mảnh ký ức xưa cũ. Tìm lại địa danh của trận đánh kinh hoàng của gần 60 năm trước, tìm lại mảnh vụn ký ức thời trai trẻ, nhưng cả hai cựu binh muốn quá khứ ngủ yên để cùng xắn tay chung sức xây dựng tương lai ở Quảng Nam…

Hai cựu binh, một người là Tiến sĩ Ernest Montoya làm ở Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, còn người kia là Filippe, một thổ dân da đỏ chính hiệu. Chỉ một lần biết nhau trong cuộc chiến, nhưng cơ duyên cho họ gặp nhau ở nước Mỹ rộng lớn và cả hai cùng nhìn về một hướng: Việt Nam.

HÀNH TRÌNH TÌM LẠI QUÁ KHỨ

Đà Nẵng một ngày cuối năm Giáp Ngọ, dòng người hối hả chạy đua với thời gian để đón xuân. Một quán cà phê nhỏ trên đường, hai cựu binh Mỹ lơ đãng nhìn người qua lại. Đã không còn một thành phố Đà Nẵng cách đây mấy chục năm, khi những người Mỹ, những người lính đánh thuê đổ bộ. Giờ đây, Đà Nẵng đã là một đô thị sầm uất của miền Trung Việt Nam, với cảng biển, sân bay quốc tế, những tòa nhà cao tầng và nhiều con đường lớn. Filippe và Montoya nhớ lại ký ức thời trai trẻ…

Câu chuyện bắt đầu từ người dẫn đường Ngô Thanh Thương, một người quê Đà Nẵng từ những năm 1960, sau đó vào Sài Gòn định cư. Vốn chuyên làm thiện nguyện, 3 năm trước, anh Thương được cựu binh Filippe ngỏ lời giúp cho ông tới miền Trung Việt Nam để tìm lại chiến trường xưa. Năm 1968, chàng thổ dân da đỏ Filippe lên trực thăng chiến đấu, cất cánh từ California tới Hawaii rồi bay tới Đà Nẵng. 

Anh được điều tới tham chiến một vài nơi như Đà Nẵng, Hội An, Đại Lộc… rồi sau đó cắm chốt ở một tiểu đội trinh sát ở xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên). Cũng thuộc Hải quân Mỹ, nhưng chuyến bay cách sau đó mấy ngày là đơn vị của chàng trai trẻ Ernest Montoya. Đáp xuống Đà Nẵng, lịch trình của đơn vị Montoya không khác gì mấy so với Filippe.

Giờ đây sỏi đá cũng cần có nhau ảnh 1 Tiến sĩ Montoya (thứ 2 trái sang) thăm lại vị trí sân bay dã chiến tại xã Duy Thu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ảnh: Ngô Thanh Thương
Mấy ngày sau, cả Filippe cũng như Montoya đều được điều lên đóng chốt ở xã Duy Thu (Duy Xuyên), ngay tại khu kỹ nghệ An Hòa (cũ). Tiến sĩ Montoya nhớ lại, hồi đó ông còn là chàng lính thủy đánh bộ trẻ măng 17 tuổi. Hải quân Mỹ bố trí ở vùng kỹ nghệ An Hòa 3 đội trinh sát với mục đích ngày đêm làm tiêu hao quân lực của quân đội giải phóng. Dẫu không muốn nhớ lại quá khứ đau thương, nhưng một trận chiến đẫm máu, ác liệt vào khoảng giữa năm 1969 ở đỉnh Hòn Tàu đã đưa 2 lính Mỹ Montoya và Filippe quen biết nhau. “Đó là một trận chiến kinh hoàng kéo dài hơn 1 ngày đêm. Hai bên cùng bị thiệt hại rất nặng. Quân lính bị thương nhiều vô số” - ông Montoya hồi tưởng. Trong số binh lính Mỹ bị thương có Montoya và Filippe. Cả hai được đưa về Đà Nẵng chữa trị một thời gian dài. Năm 1970, trực thăng đưa hai cựu binh trở về Mỹ, trả lại cho họ cuộc sống thường nhật. Cũng từ đó, hai người bặt tin nhau. 

Dù không còn liên lạc với nhau, nhưng tâm tưởng nhớ về quá khứ, nhớ về mảnh đất đạn bom ác liệt ở miền Trung Việt Nam luôn thôi thúc Montoya và Filippe tìm về ký ức. Tình cờ gặp được nhau qua mạng xã hội, cả hai quyết định sẽ đến Việt Nam, dù hơn 40 năm qua, miền Trung đã thay đổi rất nhiều. Lần đầu tiên là vào năm 2012, cho dù đã được anh Ngô Thanh Thương giúp đỡ nhiệt tình, nhưng chuyến kiếm tìm những địa danh cũ như Hòn Tàu, khu kỹ nghệ An Hòa hay sân bay dã chiến và các địa điểm chiến đấu ác liệt ngày xưa vẫn bất thành.

Hai lần sau đó, lang thang khắp nơi, từ Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên… nhưng cả hai vẫn không cách nào nhận biết được. 45 năm, vật đổi sao dời, không quá dài nhưng đủ để xóa nhòa tất cả cảnh cũ người xưa. “Chúng tôi không nản chí. 3 lần tìm không được thì sẽ là lần thứ 4 hoặc 5. Chúng tôi quyết tìm cho bằng được, nơi mấy chục năm trước, xương máu của người Mỹ nằm lại trên đất Việt, như minh chứng cho một cuộc chiến phi nghĩa” - cựu binh thổ dân da đỏ Filippe tâm sự.

“ĐÂY RỒI, ĐƯA VIÊN SỎI VỀ MỸ”

Giờ đây sỏi đá cũng cần có nhau ảnh 2 Tiến sĩ E.Montoya cách đây hơn 45 năm trên công sự ở chiến trường miền Trung. Ảnh: Tư liệu
Cơ duyên đến với anh Ngô Thanh Thương khi anh có người nhà làm cán bộ ở xã Duy Thu. Và hành trình tìm về quá khứ của Montoya và Filippe vào những ngày đầu năm 2015 bắt đầu có những tia hy vọng. Anh Thương kể, rất may mắn khi người cựu chiến binh ở xã Duy Thu tên là Linh được UBND xã Duy Thu cử làm người dẫn đường. Anh Linh ngày xưa từng là giao liên, sau đó chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà, đúng ngay dưới chân núi Hòn Tàu, nơi dòng Thu Bồn hiền hòa chảy qua. 
Đứng bên dòng Thu Bồn, nhìn thấy dãy núi xa xa, nơi có thánh địa Mỹ Sơn kiêu hãnh và huyền bí, Montoya lặng người, bởi ông biết được, mình đã đến rất gần nơi ngày xưa đã đổ máu. “Khi đến làng Phú Lộc (xã Đại An, Đại Lộc), Montoya ồ lên bởi cuối cùng, ông ấy cũng nhìn thấy được đoạn sông này, ngày xưa đội trinh sát của ông ấy hay ra tắm sông. Vẫn còn đó vết tích của một cây cầu, giờ đây chỉ còn vài mố bê tông nhỏ nhoi sót lại. Tiếp tục qua đò sang mạn Duy Xuyên, đến sân bay dã chiến… thì cả hai chắc chắn, đó là chiến trường xưa” - anh Ngô Thanh Thương kể. 
Giờ đây sỏi đá cũng cần có nhau ảnh 3 Cựu chiến binh Filippe . Ảnh Lê Hải
Đứng trên mảnh đất, xóm làng từng là nơi giao chiến, nơi để lại một vài phần thân thể, hai cựu binh Montoya và Filippe ôm lấy người cựu chiến binh xã Duy Thu, mừng mừng tủi tủi. Hơn 40 năm trước, những người này ở hai bên chiến tuyến. Giờ đây, họ gặp lại nhau, cùng hồi tưởng những kỷ niệm ác liệt. “Cả hai chỉ mang về Mỹ hai viên sỏi ở bên bờ sông Thu Bồn” - anh Thương kể. Theo Tiến sĩ E.Montoya, mang viên sỏi về Mỹ như là một kỷ niệm cho việc ông đã quay trở lại chiến trường xưa.
 “Chúng tôi sẽ không quên quá khứ nhưng cũng không muốn nhắc về nó nữa. Chúng tôi chỉ mong được một lần đứng trên mảnh đất nơi ngày xưa máu chúng tôi đổ xuống cho những điều vô nghĩa. Rồi sau đó, chúng tôi chỉ muốn nói tới tương lai. Vì sao chúng tôi mang hai viên sỏi ư? Tôi nhớ đến một câu trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Tất cả chỉ là quá khứ. Tôi sẽ trang trọng đặt viên sỏi trong ngôi nhà của mình ở Mỹ” - Montoya tâm sự.

XÂY TRƯỜNG HỌC, ỦNG HỘ HOÀNG SA

Anh Ngô Thanh Thương kể, Tiến sĩ Montoya giờ đây là người thành đạt, làm ở Bộ Giáo dục Mỹ và được liệt vào giới thượng lưu ở Hoa Kỳ. “Mỗi lần đón ông ở sân bay Tân Sơn Nhất là tôi biết bởi ông ấy đều đi khoang hạng thương gia. Còn ông Filippe đây cũng được chính phủ Mỹ bảo trợ một cuộc sống đầy đủ vì ngoài việc là cựu binh bị thương, ông ấy còn là thổ dân da đỏ”.

Tiến sĩ Montoya kể, vì lý do công việc, những năm qua, ông đến rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với châu Á thì Việt Nam là đất nước duy nhất ông đặt chân đến, không những 1 lần mà đến nay là lần thứ 4. “Tôi rất vui vì đã tìm được chiến trường xưa, nơi mình từng chiến đấu. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì sự thay đổi của Đà Nẵng, nhưng ở những ngôi làng dọc bên sông Thu Bồn, tôi thấy đời sống bà con vẫn còn khó khăn. Đây là mục đích tìm về của chúng tôi”. Xây một ngôi trường ngay trên địa danh cũ ở xã Duy Thu, đó là tâm nguyện của Tiến sĩ Montoya.

Gạt qua những chuyện quá khứ, thật bất ngờ khi Tiến sĩ Montoya hỏi tôi những thông tin về Hoàng Sa. Tiến sĩ Montoya kể, làm công việc ở Bộ Giáo dục nên thường xuyên nói chuyện với sinh viên khắp nơi trên thế giới. Và Việt Nam cùng Hoàng Sa là một trong những chủ đề mà Montoya thường nhắc đến. “Tôi chỉ muốn nói rằng, các bạn phải tiếp tục đấu tranh, kiên trì và nhẫn nại để đòi cho bằng được một phần lãnh thổ thiêng liêng của các bạn. Tôi và rất nhiều người Mỹ luôn đứng về Việt Nam” - Tiến sĩ Montoya nói.

Nếu tâm nguyện của Tiến sĩ Montoya là xây một ngôi trường cho học sinh Việt Nam ngay tại chiến trường xưa bên dòng Thu Bồn, thì với Filippe, ông còn muốn nhiều hơn thế. “Có thể là tháng 7 tới đây, tôi sẽ quay trở lại Việt Nam, tôi muốn được nhập tịch và sinh sống ở trên quê hương của các bạn. Tuy nhiên, không biết có được chấp thuận hay không”. Filippe kể, vợ ông đã không may qua đời mấy năm trước và giờ đây, ngoài việc cùng Montoya lập quỹ từ thiện, xây trường học thì ông còn muốn tìm một người vợ ở miền Trung.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG